Các trường Công giáo ở Libăng kêu gọi giúp đỡ
Do hậu quả của khủng hoảng kinh tế trầm trọng và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, các trường Công giáo ở Libăng kêu gọi sự giúp đỡ để có thể tiếp tục sứ vụ mang lại nền giáo dục cho tất cả học sinh, không phân biệt tôn giáo.
Ngọc Yến - Vatican News
Cha Youssef Nasr, chủ tịch các trường Công giáo ở Libăng cho biết ở quốc gia này có hơn 300 trường Công giáo, giáo dục cho khoảng 200 ngàn học sinh. Trước đây nhà nước có trợ cấp một phần nhưng từ năm 2016 các trường không còn được nhà nước trợ cấp nữa.
Tất cả các trường học đang phải vượt qua khó khăn khi Libăng chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Đây là cuộc khủng hoảng mà Ngân hàng Thế giới coi là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất toàn cầu trong thời nay. Từ năm 2019, đồng tiền quốc gia đã mất 98% giá trị. Tình trạng nghèo đói đã bao trùm dân số ở quốc gia từng có thu nhập trung bình này.
Cha Youssef Nasr cho biết các trường Công giáo đang cố gắng thực hiện điều mà Thánh Gioan Phaolô II đã ca ngợi vùng đất của những cây tuyết tùng: “Libăng không chỉ là một quốc gia. Đó là một sứ điệp về tự do và một ví dụ về chủ nghĩa đa nguyên cho Đông và Tây”. Vì thế, hơn 30% học sinh ở các trường Công giáo không phải là Kitô hữu. Ở một số khu vực của Libăng, tỷ lệ người Hồi giáo ghi danh vào các trường Công giáo lên tới 90%. Điều làm cho các trường Công giáo khác với các trường khác đó là trường Công giáo đem lại cho các cộng đồng có cơ hội hiểu biết và xây dựng mối quan hệ chung sống tốt đẹp. Trường Công giáo cung cấp một môi trường an toàn về các giá trị, truyền thống và các nguyên tắc. Phụ huynh biết con mình đang được học gì và điều này làm họ an tâm.
Vào năm 2020, 80% trường Công giáo có nguy cơ phải đóng cửa; nhưng nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, Hiệp hội Phúc lợi Công giáo vùng Cận đông (CNEWA) và tổ chức bác ái Công giáo L'œuvre d'Orient, các trường đã có thể tiếp tục hoạt động giảng dạy. Nhưng theo cha Youssef Nasr trong năm 2023 này, tình hình khủng hoảng có thể trở lại như trước đây.
Khủng hoảng kinh tế trầm trọng, tầng lớp trung lưu gần như đã biến mất hoàn toàn. Với sự mất giá của đồng tiền, tiền lương đã trở nên vô giá trị. Cha Nasr cho biết trong ba năm qua, 20% giáo viên đã nghỉ việc. Một số tìm được cơ hội làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở vùng Vịnh; những người khác đã thay đổi nghề nghiệp. Các trường học đã bắt tay vào việc đào tạo giáo viên mới được tuyển dụng. Các trường Công giáo đang phải đối diện với thách đố “làm thế nào để ở bên cạnh các giáo viên của chúng ta để cung cấp cho họ một mức lương tốt, đủ sống để họ tiếp tục sứ mạng của mình”.
Đại diện cho các trường Công giáo, cha Nasr kêu gọi các tổ chức và các nhà hảo tâm tiếp tục trợ giúp các trường Công giáo để các trung tâm giáo dục này luôn là nơi giáo dục tốt nhất cho các thế hệ trẻ của đất nước, như mong muốn của Thánh Gioan Phaolô II.
Nguồn:vaticannews.va