
SỰ THAM GIA CỦA CÁC ĐOÀN THỂ TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI: XÂY DỰNG GIÁO XỨ HIỆP HÀNH ĐỒNG TRÁCH NHIỆM
Việc tông đồ luôn mang tính cộng đoàn là một trong những đặc nét bao trùm mọi sinh hoạt của đời sống Giáo hội, nhằm xây dựng Giáo hội địa phương ngay chính nơi mình sinh sống tức là giáo xứ.
Dẫn nhập
Sau khi Chúa Giêsu về trời, các Tông đồ đã quy tụ lại cùng nhau cầu nguyện để chờ đón Chúa Thánh Thần: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14). Trong giờ cầu nguyện, chúng ta nhận thấy có sự tham gia của những người ngoài Nhóm mười hai, đó là các phụ nữ và có cả Mẹ Maria.
Từ cộng đoàn cầu nguyện tiên khởi đã hình thành nên cộng đoàn tín hữu đầu tiên của Giáo hội, đặt nền móng cho sự hiệp thông tham gia của mọi thành phần dân Chúa vào đời sống cầu nguyện của Giáo hội sau này: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Có thể nói, các tín hữu đầu tiên đã bắt đầu ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Giáo hội thành cộng đoàn hiệp nhất yêu thương bằng đời sống bác ái huynh đệ: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv2,44).
Cũng kể từ đó, hạt giống đức tin đã trổ sinh hoa trái là đời sống bác ái yêu thương, ươm mầm cho ơn gọi của các đoàn thể Tông đồ giáo dân sau này, mà căn nguyên là do ơn ban của Bí tích Rửa Tội đem lại: “Toàn thể dân Chúa qua Bí tích Rửa tội chia sẻ cùng một phẩm giá và ơn gọi. Nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống của Hội thánh. Trong các giáo xứ, các cộng đồng Kitô hữu nhỏ, các phong trào giáo dân, các cộng đoàn tu trì, và các hình thức hiệp thông khác, nam nữ, trẻ già, tất cả chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau để nhận ra sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần”.[1] Nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội: “Phần các giáo dân, vì được tham dự thực sự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, nên cũng góp phần thực hiện sứ mệnh của toàn thể dân Chúa trong Giáo hội và trên trần gian”.[2]
Nhờ việc tham gia đó, các đoàn thể tông đồ giáo dân góp phần “Xây dựng giáo xứ hiệp hành đồng trách nhiệm”, theo tinh thần Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 đề ra, mà Chúa Kitô đã thiết lập và trao ban cho Giáo hội tiếp tục sứ mạng của Người nơi trần gian cho mai ngày Người đến trong vinh quang: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).
1. Giáo hội trong ý định của Thiên Chúa
Trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm của ý muốn Ngài; nhờ mầu nhiệm đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa.[3] Thiên Chúa luôn muốn con người cộng tác để ơn cứu độ được thực hiện nơi mỗi người và toàn thể nhân loại. “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người” (Thánh Augustinô). Nhờ đón nhận và cộng tác “với ân huệ của Ðấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ. Hội thánh đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Hội thánh là mầm mống và khai nguyên Nước ấy ở trên trần gian”.[4]
1.1 Chúa Kitô hoạt động trong Giáo hội
Tự bản chất, Giáo hội lữ hành là người được sai đi, vì cội nguồn của Giáo hội gắn liền với việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha.[5] Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa luôn đi bước trước để khởi xướng mọi sự: “Từ khởi sự cho đến hoàn thành”,[6] không chỉ là chương trình sáng tạo, mà còn trong chương trình cứu độ nhân loại: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”,[7] Chúa Cha đã gửi Con Một nhập thể làm người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (Ga 3,14-21), và ủy thác cho Chúa Kitô sứ mạng thành lập Giáo hội. Từ khi đó cho đến ngày cánh chung, Chúa Kitô vẫn không ngừng hoạt động trong Giáo hội nhằm mở rộng Vương quốc của Người trên khắp địa cầu, để tôn vinh Thiên Chúa Cha và làm cho mọi người được tham dự vào công trình cứu độ.[8] Thế mới rõ là những ai được tham dự vào trong kế hoạch cứu độ, thì không phải là do tự mình quyết định mà được, song là nhờ đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Giáo hội không phải là một xã hội kết thành do ý muốn của những người cùng hợp quần để sống liên hệ với nhau, mà là một “dân Thiên Chúa chọn” cho riêng Người, nhờ Phép Rửa, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô và hiệp nhất nên một với Người, như một chủ thể duy nhất. Vì thế, chúng ta tuy nhiều người, “nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô” (Gl 3,16.26-29), và những ai “được kể là nhập hiệp hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo hội, những người có Thần Khí Đức Kitô, đồng thời chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương thế cứu độ được thiết lập nơi Giáo hội, và trong cơ chế hữu hình của Giáo hội, nhờ mối dây liên kết qua việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, và sự cai quản của hàng giáo sĩ và sự hiệp thông, họ sống kết hiệp với Đức Kitô, Đấng đang lãnh đạo Giáo hội qua Đức giáo hoàng và các Giám mục”.[9]
Giáo hội của Chúa Kitô là Giáo hội phổ quát, nghĩa là cộng đoàn của các môn đệ Chúa trong toàn cầu,[10] luôn hiện diện và sinh động ngay giữa những nét đặc thù và những bối cảnh đa dạng của những con người, những nhóm, những thời đại và nơi chốn khác nhau. Giữa nhiều thành ngữ đặc biệt dùng để nói lên sự hiện diện cứu độ của Giáo hội duy nhất do Chúa Kitô thiết lập, thì ngay từ thời các Tông đồ đã thấy có những biểu thức mang chính danh xưng các Giáo hội.[11] Giáo hội được hiện diện và quy tụ là nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô nhưng tất cả đều khởi đi từ Thánh ý Chúa Cha: “Chúa Cha muốn quy tụ vào trong Giáo hội hết thảy những ai tin kính Ðức Kitô. Từ nguyên thủy, Giáo hội đã được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị cách kỳ diệu trong lịch sử dân Do Thái và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng, được biểu tỏ lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến hồi thế mạt, sẽ hoàn tất trong vinh quang”.[12]
Như vậy, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Kitô được trao cho sứ vụ không những quy tụ Giáo hội mà còn hiệp nhất và hoạt động ngay trong một thân thể mình của Người, nhờ đó Người thông truyền sự sống cho những người tin,[13] để Giáo hội được hiệp thông một cách trọn vẹn, viên mãn vào trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, và trong Chúa Thánh Thần chúng ta được thánh hóa trở nên một với Đức Kitô, nhờ Đức Kitô chúng ta nên một với Thiên Chúa. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đến đồng nhất với Đức Kitô: “chúng ta có Thánh Thần chúng ta thuộc về Đức Kitô” (Rm 8,9).
1.2 Chúa Thánh Thần thánh hóa Giáo hội
Trong hành trình trần thế, hành trình đức tin tiến về nhà Cha, người Kitô hữu cần được soi sáng và thánh hóa bởi Chúa Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần được mạc khải như là Đấng ban sự sống.[14] Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo hội cộng tác thực hiện trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Đức Kitô làm nguyên lý cứu độ cho toàn thế giới. Chúa Thánh Thần không chỉ là sự hiệp nhất của Giáo hội từ bên ngoài; mà còn lệnh cho chúng ta phải hiệp nhất. Chính Người là “mối dây hiệp nhất” và tạo nên sự hiệp nhất của Giáo hội.[15]
Chúa Thánh Thần luôn làm việc trong Giáo hội và nơi mỗi Kitô hữu, qua đó, Giáo hội của Chúa Kitô rất đa dạng và phong phú bao gồm nhiều thành phần. Sự đa dạng này thể hiện một sức sống dồi dào và năng động của Giáo hội, được thực hiện rõ nét nơi các Giáo hội địa phương: “Các Giáo hội địa phương tuy khác nhau, nhưng đều quy về với hiệp nhất, nên chúng càng xác nhiên minh chứng đặc tính Công giáo của một Giáo hội không phân chia”.[16] Mặc dầu Giáo hội đa dạng mà vẫn hiệp nhất, đó chính là do ân ban của Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần làm cho thân thể liên kết được với Ðầu duy nhất là Đức Kitô, bằng một sức sống duy nhất của Ngài, là điều kiện để có cùng một đức tin, một đức ái và một niềm hy vọng.
Quả thật, tất cả các tín hữu rải rác trên khắp hoàn cầu đều hiệp thông với nhau nhờ sự thánh hóa của Chúa Thánh Thần,[17] như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 nói nhân ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXIII tại Sydney – Úc năm 2008: Chúa Thánh Thần, Thần Khí tình yêu của Cha và Con, là nguồn mạch sự sống thánh hóa chúng ta, “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Nếu từ đời đời Chúa Thánh Thần đã liên kết Ba Ngôi nên một và bất phân ly, thì “vào lúc thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4,4) Ngài kết hợp xác thịt nhân loại với Con Thiên Chúa, kết hợp thiên tính với nhân tính nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài sản sinh ra các Kitô hữu, là nguồn mạch của sự hiệp thông bên trong Giáo hội.
Vì thế, “khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x Ga 17,4), Chúa Thánh Thần được sai đến trong ngày lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo hội mãi mãi, và những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Giáo hội duy nhất (x Ep 2,18), và được hiệp hành trong Ba Ngôi vì nơi Ba Ngôi luôn có sự “hiệp hành” nơi Chúa Con và Chúa Thánh Thần, “hiệp hành” là cách thức mà Thiên Chúa sử dụng để dẫn đưa chúng ta trở về với Ngài.[18]
1.3 Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp hành với Giáo hội
Trong ý định ngàn đời, tình yêu Thiên Chúa luôn đi trước tình yêu của con người, nên Chúa Cha đã nhắm đến định mệnh của con người được tuyển chọn và kêu gọi họ làm nghĩa tử, không chỉ trong chiều kích cá nhân mà còn trong chiều kích cộng đồng nhân loại. Ngài quyết định tập họp những người tin vào Đức Kitô thành một Giáo hội thánh thiện, một gia đình của Thiên Chúa.[19] Từ đó, “Giáo hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được đoàn tụ nhờ mối hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.[20] Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn cội của mọi sự, là căn nguyên, là hiệp thông và là nền tảng của Giáo hội.
Ba Ngôi luôn hiệp hành trong chính nội tại của Ngài, nên Ngài cũng luôn hiệp hành trong nhiệm cục, chính từ sự hiệp hành đó mà có muôn loài hữu hình và vô hình xuất hiện, trong đó có loài người. Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26). Hơn nữa, nhờ mạc khải cho thấy rõ chỗ đứng độc đáo của Giáo hội trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ sáng kiến của Chúa Cha, từ khôn ngoan thượng trí của Chúa Con, và từ tình yêu của Chúa Thánh Thần mà Giáo hội hiện hữu: “Giáo hội Chúa Kitô nhận thức rằng khởi điểm của đức tin Giáo hội và việc Chúa tuyển chọn Giáo hội đã được tìm thấy nơi các tổ phụ, Môsê và các Ngôn sứ, như mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa an bài.”[21]
Giáo hội là duy nhất được bắt nguồn từ Ba Ngôi Thiên Chúa để nên một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô, Giáo hội đến từ trên cao và được đặt vào trong thời gian do tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh, và từ đó Giáo hội thi hành sứ mạng của mình theo những đặc sủng riêng mà Chúa Thánh Thần thông ban cho từng người vì lợi ích của Giáo hội: “Người thì được ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ”. (1 Cr 12,8-10). Có thể nói, Giáo hội tiếp tục sứ mạng hiệp hành của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi trần gian qua ơn gọi làm Kitô hữu của mình, và được phong phú hóa nhờ việc lãnh nhận các Bí tích của Chúa Kitô: “Bảy Bí tích liên quan đến tất cả các giai đoạn và thời điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu: người tín hữu được sinh ra và lớn lên, được chữa lành và sai đi. Giữa những giai đoạn của đời sống tự nhiên và đời sống thiêng liêng, có nhiều điểm tương đồng”.[22] Giáo hội hiện diện và hiệp thông sâu xa vào trong sự sống và phương thức hiện hữu của Ba Ngôi Thiên Chúa, không chỉ là nguồn gốc mà còn là ý nghĩa và khuôn mẫu bất biến cho cách thức hiện hữu của Giáo hội, như lời chúc phúc của thánh Phaolô tông đồ: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13,13).
Do đó, sự hiệp hành của Ba Ngôi Thiên Chúa là mẫu mực cho sự hiệp hành của Giáo hội, và trở thành nền tảng cho các Giáo hội địa phương khi hiệp thông, tham gia và sứ vụ, đồng thời nên một với Giáo hội hoàn vũ theo mô hình của các mối tương quan giữa Ba Ngôi. Trong Ba Ngôi, tình yêu nối kết các Ngôi vị và vượt qua những khác biệt để hiệp nhất với nhau, thì Giáo hội nhờ vào tình yêu ấy, năng lực của sự hiệp thông vô biên do Chúa Cha thiết định trong sứ vụ của Con và Thánh Thần, mà sống hiệp thông các đoàn sủng, và cũng từ đó, Giáo hội phát sinh từ Ba Ngôi thì phải trở về với Chúa Cha, qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, cho đến ngày tất cả mọi sự được đặt dưới chân Chúa Con và Người trao lại mọi sự cho Chúa Cha để “Thiên Chúa ở trong mọi sự” (1 Cr 15,28).[23]
2. Giáo hội địa phương
Giáo hội được thiết lập nhằm mở rộng Vương quốc Chúa Kitô trên khắp địa cầu, để tôn vinh Thiên Chúa Cha và làm cho mọi người được tham dự vào công trình cứu độ,[24] cho nên các Giáo hội địa phương đều được thiết lập “theo hình ảnh Giáo hội phổ quát”,[25] chính nhờ và trong các Giáo hội này mà có một Giáo hội Công giáo duy nhất, và mỗi Giáo hội là “một phần của dân Thiên Chúa được trao phó cho một vị giám mục, để ngài làm mục tử chăn dắt với sự trợ giúp của linh mục đoàn”.[26] Thế nên, chỉ có một dân Thiên Chúa được Người tuyển chọn: “chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Ep 4,5), … Các chi thể chung hưởng cùng một phẩm giá vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, cùng một ơn gọi trở nên trọn lành, cùng một ơn cứu độ, cùng một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia.
Trong Chúa Kitô và nơi Giáo hội, không có sự hơn kém về nguồn gốc hay dân tộc, về địa vị xã hội hay giới tính, vì lẽ: “không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, bởi anh em hết thảy chỉ là một trong Chúa Giêsu Kitô” (Gl 3,28; Cl 3,11). Giáo hội “nhập thể” vào trong những môi trường xã hội cá biệt, nên cần mặc lấy những hình thức sinh sống và hoạt động khác nhau, và qua đó, nêu bật những giá trị khác nhau của từng địa phương, từng dân tộc, cũng như của mọi nền văn hóa.
Trong suốt dòng lịch sử Giáo hội, cũng như trong thời đại hôm nay, người ta thấy các đoàn sủng khác nhau triển nở nơi cộng đoàn giáo dân cả nam lẫn nữ. Chính nơi cộng đoàn đem lại sự sinh động tông đồ và sự thánh thiện cho Giáo hội, nhờ đó “ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác, có như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10). Tất cả là do ân ban của Thiên Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần thánh hóa và thúc đẩy, mà mọi thành phần dân Chúa mau mắn và quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, Đấng giờ đây đang tha thiết mời gọi họ.[27] Chúa Thánh Thần đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống của Giáo hội sơ khai. Từ đó, Giáo hội chính thức được khai sinh, có sức sống để hăng hái lên đường rao giảng Tin Mừng cho mọi người, bất chấp mọi khó khăn thử thách. Tất cả điều đó là nhờ sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Người là “linh hồn của Giáo hội”.
2.1 Chúa Thánh Thần linh hồn của Giáo hội
Chúa Thánh Thần hiện diện qua lịch sử cứu độ từ khởi nguyên cho tới tận cùng, như lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi” (Ga 14,16). Có thể nói, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các con cái Thiên Chúa có thể mang lại hoa trái, là khi được Đấng đã tháp chúng ta vào Cây Nho thật, sẽ làm cho chúng ta mang lại hoa trái của Thần Khí, là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23). Thần Khí là sự sống của chúng ta; chúng ta càng từ bỏ chính mình, Thần Khí càng làm cho chúng ta hoạt động,[28] nhờ bởi: “Lời và Sinh khí của Thiên Chúa là nguồn hiện hữu và sự sống của mọi loài thụ tạo”.[29]
Các đoàn thể Tông đồ giáo dân khi thi hành sứ mạng của mình, là nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Ngài là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7). Để việc tông đồ được thực thi cách hữu hiệu, Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá dân Chúa qua thừa tác vụ và các Bí tích, thông ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt, “phân chia cho mỗi người tuỳ theo ý Ngài muốn” (1 Cr 12,11) để “mỗi người tuỳ theo ơn đã lãnh nhận mà phục vụ kẻ khác” và trở nên “như những người khéo quản lý các ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10), để xây dựng toàn thân trong đức ái (x Ep 4,16)”.[30] Nhờ Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội thêm phong phú bằng những ân huệ và những thôi thúc đặc biệt khác nữa, được gọi là các đoàn sủng, và nhờ vào tính đa dạng của đoàn sủng mà mỗi người được ban cho những ơn cần thiết để tham gia vào đời sống Giáo hội, cho dù đặc biệt hay bình thường và khiêm tốn, các đoàn sủng đều là những ân sủng của Thánh Thần, trực tiếp hay gián tiếp đem lại một lợi ích cho Giáo hội, hướng về việc xây dựng Giáo hội, thiện ích của con người và nhu cầu của thế giới.[31]
Do đó, các đoàn thể Tông đồ giáo dân nhờ vào đoàn sủng được ban bởi Chúa Thánh Thần nhằm một mục đích chung là để xây dựng Giáo hội (x 1 Cr 12,4-1; Rm 12,3-5). Bởi đó, không có lý do gì mà những người đã nhận được đoàn sủng lại đâm ra ghen tị nhau. Trái lại, tất cả cần bổ túc cho nhau như những chi thể hợp tác với nhau giúp cho toàn thân được sống (x 1 Cr 12,12-14), cùng nhau xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô tức là Hội Thánh, vì “Hội Thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Thần Khí là như linh hồn của Nhiệm Thể, là nguyên lý của sự sống của Nhiệm Thể, nguyên lý của sự hợp nhất trong khác biệt, nguyên lý của sự phong phú các hồng ân và đặc sủng của Nhiệm Thể”.[32]
Nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện là linh hồn của cuộc gặp gỡ mà mọi sự được biến đổi và tràn đầy niềm vui thánh thiện: Thánh Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng trong lòng mẹ”, Đức Maria cất lên lời ngợi khen qua kinh Magnificat… Chúa Thánh Thần luôn phù trợ và gia tăng ân sủng nơi các đoàn thể tông đồ giáo dân khi hăng say thi hành sứ mạng, dẫu có gặp gian truân thử thách, nhưng tâm hồn vẫn luôn bình an và dâng trào một niềm vui, là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi mỗi cá vị và đoàn thể, đồng thời cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hợp nhất của Giáo hội trong Chúa Kitô, Đấng đã nói: “Ở đâu có hai, ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20).[33]
2.2 Các đoàn thể Tông đồ giáo dân tham gia vào đời sống Giáo hội
Các đoàn thể tông đồ giáo dân được khai sinh từ giáo xứ khi họ quy tụ thành cộng đoàn hay nhóm và có chung sứ vụ, linh đạo, đường hướng… Vì thế, giáo xứ không chỉ là nơi các tín hữu tụ họp để cử hành phụng vụ, mà còn là cộng đoàn, nơi mỗi cá nhân đều có vai trò và trách nhiệm như những chi thể trong một thân Thể là Chúa Kitô (x 1 Cr 12,12). Giáo xứ là nơi thể hiện rõ nhất tinh thần cộng đoàn của các đoàn thể tông đồ giáo dân, họ liên đới và hiệp thông trong Giáo hội, họ tham gia và đồng trách nhiệm để làm phong phú thêm đời sống giáo xứ, trong việc xây dựng một Giáo hội hiệp hành, nơi mỗi người đều cảm thấy mình là một phần quan trọng của thân thể Chúa Kitô.
Với vai trò là tác nhân của sự hiệp nhất và tính hiệp hành, các đoàn thể tông đồ giáo dân là yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng và duy trì Giáo hội hiệp hành.. Người tông đồ giáo dân không chỉ góp phần vào sự phát triển của Giáo hội, mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bình và liên đới, bác ái và yêu thương, đó chính là tính cách đặc thù của bậc giáo dân là sống giữa thế gian và giữa các công việc trần thế, họ được Thiên Chúa kêu gọi để thực thi việc tông đồ với tinh thần Kitô hữu như chất men thấm vào thế giới.[34] Nhờ đó, các đoàn thể tông đồ giáo dân không chỉ đóng góp vào sự phát triển của Giáo hội, mà còn đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội rộng lớn.
2.3 Nơi giáo xứ
Giáo hội địa phương ám chỉ trước hết là các giáo phận,[35] và trong một giáo phận bao gồm nhiều giáo xứ, để từ đó người Kitô hữu chọn cho mình một hội đoàn tông đồ thích hợp với khả năng, để tham gia và thể hiện ơn Chúa ban qua ơn gọi của mình, hầu góp phần xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, để làm vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Đức ông Andrea Celli Cha sở Giáo xứ Thánh Piô X của giáo phận Roma khẳng định: “Giáo xứ là một nơi phong phú và hiệu quả để làm chứng và trải nghiệm chiều kích thánh thiện của cộng đoàn. Giáo xứ là một công cụ thuộc về Giáo hội được dành đặc quyền cho các hành trình đức tin khác nhau của cá nhân và cộng đoàn, trong đó sự đa dạng của các đặc sủng và hoạt động mục vụ không phải là dấu hiệu của sự hoạt động trong tất cả: “Ut unum sint” (Xin cho họ nên một), điều mà Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nơi lời cầu nguyện trong Tin Mừng rằng: dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thì tâm hồn luôn rộng mở, không gây chia rẽ, mà là hiệp thông trong sự hiệp nhất của Thánh Thần: Gioan chương 17 câu 3: ‘để họ được nên một như chúng ta là một’”.
Giáo xứ là nơi hình thành nên các đoàn thể tông đồ giáo dân, sự tham gia của giáo dân được thực hiện trước hết và cần thiết trên bình diện Giáo hội địa phương, qua đó dân Thiên Chúa được quy tụ, và tại cộng đoàn giáo xứ, trở thành nơi thể hiện vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, trong hành trình nên thánh của cá nhân và cộng đoàn.[36] Như vậy, Giáo hội Đức Kitô thật sự hiện diện trong mọi cộng đoàn tín hữu địa phương hợp pháp, là những cộng đoàn luôn gắn bó với các vị Chủ chăn của mình, và Tân Ước cũng gọi đó là các Giáo hội, và trong Giáo hội địa phương của mình, các cộng đoàn này là đoàn dân mới, được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự sung mãn dồi dào.[37]
2.4 Nơi các đoàn thể tông đồ giáo dân
Trong môi trường giáo xứ là nơi hình thành các đoàn thể tông đồ giáo dân, để từ đây họ thi thố tài năng Chúa ban qua những cộng việc cụ thể, mà linh đạo hay tôn chỉ hướng dẫn họ phải theo, cũng nhờ đó, họ nhận ra vai trò và sứ vụ của người giáo dân trong thế giới hôm nay: “Người giáo dân thực thi hoạt động tông đồ đa dạng của mình ngay trong lòng Giáo hội cũng như giữa môi trường trần thế”.[38] Cho nên, các đoàn thể luôn gắn bó và cộng tác với giáo xứ tức là giáo hội địa phương của mình: “Các đoàn thể tông đồ giáo dân không bao giờ thiếu vắng trong Giáo hội, vì khởi phát từ chính ơn gọi Kitô hữu”.[39] Đức thánh cha Phanxicô lưu ý rằng: “Giáo xứ là sự hiện diện của Giáo hội tại một lãnh thổ nhất định, là nơi để nghe Lời Chúa, để tăng trưởng đời sống Kitô hữu, để đối thoại, rao giảng, làm việc bác ái, thờ phượng và cử hành”, và ngài khẳng định rằng giáo xứ là “một cộng đoàn của các cộng đoàn”.[40]
2.4.1 Mục đích của các đoàn thể tông đồ giáo dân
Các thành viên của các đoàn thể tông đồ giáo dân có mục đích giúp nhau thánh hoá bản thân, sống ơn gọi Kitô hữu, chung sức làm việc tông đồ và sống đạo giữa đời, để làm chứng cho Chúa trong môi trường xã hội. Nhằm nâng cao lòng mến Chúa yêu người, củng cố đức tin, noi gương Thánh Quan Thầy, hay đặc sủng và linh đạo riêng biệt, nhất là thúc đẩy mọi thành viên sống hiệp nhất yêu thương phục vụ, với mục đích Phúc Âm Hóa, góp phần vào việc đem Tin Mừng Đức Kitô đến với mọi người, phát triển đời sống vật chất và tinh thần của người giáo dân trong xã hội. Nhờ nhiệt huyết tông đồ, các đoàn thể tông đồ giáo dân gặp gỡ, đối thoại và dẫn dắt nhiều người đến với Chúa và Giáo hội, kể cả những người nguội lạnh, dửng dưng với đức tin nay trở lại sống đạo”.[41] Các đoàn thể tông đồ giáo dân luôn nâng đỡ nhau thăng tiến về đời sống đức tin, cũng như trong đời sống xã hội, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng hội đoàn, và phải có trách nhiệm vun đắp tình đoàn kết trong hội đoàn.
2.4.2 Cùng tham gia và đồng trách nhiệm
Các hội đoàn tông đồ là môi trường lý tưởng thể hiện “mầu nhiệm hiệp thông” của Giáo hội.[42] Sắc lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân viết: “Việc tông đồ của các hội đoàn là một dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo hội trong Đức Kitô”.[43] Luôn cộng tác và tuân theo sự hướng dẫn của Đức giám mục giáo phận, và các cha xứ sở tại là người được ủy quyền cai quản và chăm sóc đoàn chiên giáo xứ. Vì thế, các hội đoàn tông đồ giáo dân, luôn sẵn sàng đón nhận góp ý và hướng dẫn của Đấng bản quyền. Mau mắn cộng tác vào việc sinh hoạt chung của cộng đoàn giáo xứ, nhất là những việc mục vụ chung như: dạy giáo lý, tham gia ca đoàn, các giới, Ban hành giáo, cộng tác vào chương trình từ thiện bác ái xã hội... Đó là việc duy trì sự hiệp thông với Giáo hội, cố gắng sống thánh thiện và cổ vũ cho việc xây dựng Giáo hội phát triển và thánh hoá không ngừng, để Tin mừng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại trong mọi thời và mọi nơi.
2.4.3 Xây dựng giáo xứ
Các hội đoàn tông đồ có rất nhiều hình thái khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một mục đích sâu xa và rộng lớn, “đó là tham gia có trách nhiệm vào sứ vụ của Giáo hội, sứ vụ loan báo Tin Mừng Đức Kitô như nguồn hy vọng cho mọi người và như nguồn mạch canh tân cho xã hội”.[44] Hội đoàn tông đồ là nơi thể hiện sự hiệp thông giữa giáo dân với nhau và với hàng giáo phẩm, là nơi nâng đỡ nhau trên con đường tiến tới sự trọn lành, là nơi cùng nhau thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng mà Chúa Kitô trao phó.[45] Đức giáo hoàng Gioan XXIII, trong Thông điệp Hòa bình trên Trái đất, xác định: “Trong bất cứ hiệp hội nào của con người theo quy chế và sinh hiệu quả đều phải chấp nhận nguyên tắc nền tảng là mỗi con người là một nhân vị, tức là theo bản tính họ được phú bẩm sự hiểu biết và ý chí tự do. Vì thế họ là chủ thể của những quyền lợi và nghĩa vụ xuất phát ngay từ chính bản tính của mình; những quyền lợi và nghĩa vụ phổ quát, bất khả xâm phạm, và không thể hủy bỏ”,[46] cùng nhau chung tay xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn hiệp nhất yêu thương như lòng Chúa mong ước.
Kết luận
Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi làm tông đồ nhờ Bí tích Rửa tội, qua sứ mạng tông đồ người Kitô hữu làm mới lại, cả nhận thức và thực hành, ơn gọi và sứ mạng của mình trong thế giới hôm nay: “Theo chương trình của Thiên Chúa, mỗi người được kêu gọi để tự phát triển; chỉ vì toàn cuộc sống là ơn gọi,”[47] mà Chúa thương ban cho mỗi người tùy theo bậc sống mình, trong đó, sứ mạng cao cả nhất là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận sứ điệp cứu độ.[48] Như vậy, việc tông đồ luôn mang tính cộng đoàn là một trong những đặc nét bao trùm mọi sinh hoạt của đời sống Giáo hội, nhằm xây dựng Giáo hội địa phương ngay chính nơi mình sinh sống tức là giáo xứ thành cộng đoàn đức tin, cùng nhau hiệp hành đồng trách nhiệm làm cho Giáo hội tăng trưởng về mọi mặt, nhất là đời sống bác ái yêu thương, đó cũng là dấu chỉ chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô ngang qua việc tông đồ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35), cho tới ngày Chúa đến trong vinh quang để hoàn tất lịch sử cứu độ.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 145 (Tháng 01 & 02 năm 2025)
----------
[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941.
[2] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về hoạt động tông đồ giáo dân (Apostolicam Actuositatem), số 2.
[3] GLHTCG 51.
[4] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), số 5.
[5] Ibid., số 48.
[6] Kinh tin kính.
[7] Ibid.
[8] Gioan XXIII, Tông hiến Humanae Salutis, 25.12.1961: AAS 54 (1962), tr. 7-10.
[9] Lumen Gentium, số 14.
[10] X. Mt 16,18; 1 Cr 12,28.
[11] X. Cv 8,1; 11,22; 1 Cr 1,2; 16,19; Gl 1,22; Kh 2,1,8.
[12] Lumen Gentium, số 2.
[13] X. Ibid., số 7.
[14] X. Kinh tin kính.
[15] X. Phanxicô, Tiếp kiến chung thứ Tư ngày 9 tháng 10 năm 2024.
[16] Lumen Gentium, số 23.
[17] X. Ibid., số 13.
[18] X. Giuse Kiều Văn Tụ, Hiệp hành khởi đi từ Thiên Chúa Ba Ngôi.
[19] X. GLHTCG 759.
[20] Lumen Gentium, số 4.
[21] Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 4b.
[22] GLHTCG 1210.
[23] Thời sự thần học số 65 (tháng 8 năm 2014), tr. 54-90.
[24] X. Apostolicam Actuositatem, số 2.
[25] Lumen Gentium, số 23.
[26] Giáo luật, số 376.
[27] X. Apostolicam Actuositatem, số 33.
[28] X. GLHTCG 736.
[29] GLHTCG 703.
[30] Apostolicam Actuositatem, số 3.
[31] X. Gioan Phaolô II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles Laici), số 24.
[32] GLHTCG 809.
[33] Apostolicam Actuositatem, số 18.
[34] X. Apostolicam Actuositatem, số 2.
[35] X. Giáo luật 368.
[36] X. bài thuyết trình của Đức ông Andrea Celli.
[37] Lumen Gentium, số 26.
[38] Apostolicam Actuositatem, số 9.
[39] Ibid., số 1.
[40] Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656
[41] Alphongsô Nguyễn Hữu Long, Bài tham luận hội thảo về việc Loan báo Tin Mừng đối với các hội đoàn năm 2017, Tập san Hiệp Thông, số 104, 2018.
[42] Walter Kasper, L’Eglise comme communion, in revue Communion, Tome XII, 1, s. tháng 1-2/1987, tr. 18.
[43] Apostolicam Actuositatem, số 18.
[44] Ibid., số 29.
[45] X. Ibid., số 18.
[46] Gioan XXIII, Thông điệp Hòa bình trên Trái Đất (Pacem in terris), số 9.
[47] Gioan Phao lô II, Thông điệp Bách Chu Niên (Centesimus Annus), số 5.
[48] X. Apostolicam Actuositatem, số 2.