NGÔN NGỮ TÔN GIÁO

23/07/2024
773


NGÔN NGỮ TÔN GIÁO

Chúng ta cần phải đọc lại cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với thánh Phêrô ở trang cuối của Tin Mừng Gioan. Ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Anh có yêu mến Thầy không?” và sau đó Chúa nói với Phêrô: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (x. Ga 21 15-19). “Chiên của Thầy” chứ không phải “chiên của anh”.

Đức hồng y Luis Tagle có lần nêu câu hỏi trong một bài thuyết trình rằng rất nhiều hình ảnh được vận dụng trong Kinh Thánh là những hình ảnh của đời sống nông thôn, làm sao để con người thời công nghệ hiện nay có thể hiểu được? Câu hỏi của ngài rất đáng quan tâm. Trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước, những hình ảnh như đồng ruộng, lúa và cỏ lùng, gieo hạt, cánh hoa ngoài đồng, cánh chim tung trời…tất cả đều liên quan đến thời nông nghiệp. Hơn nữa, có những hình ảnh của đời sống nông thôn không những được dùng trong Kinh Thánh mà còn ăn sâu vào sinh hoạt của Hội Thánh cho đến ngày nay, chẳng hạn hình ảnh con chiên và những từ ngữ quen thuộc trong đời sống Hội Thánh như đàn chiên, mục tử, chủ chăn, lời chủ chăn… Liệu những từ ngữ ấy có được hiểu đúng như Kinh Thánh muốn không hay cũng có khi bị hiểu sai, hiểu lầm, kể cả lạm dụng? Bài viết này không có tham vọng nghiên cứu tường tận vấn đề từ nhiều góc cạnh, nhưng chỉ chia sẻ vài ghi nhận và suy nghĩ. 

Chúa Giêsu Mục tử nhân lành

Trước hết về Kinh Thánh và ngôn ngữ nhân loại. Thiên Chúa là Đấng vô hình nhưng để con người có thể hiểu được tấm lòng và dự định của Ngài, Thiên Chúa phải dùng ngôn ngữ của con người. Gắn liền với ngôn ngữ là những hình ảnh và kinh nghiệm sống của con người. Với người dân Do Thái cách đây hai ngàn năm, còn hình ảnh nào quen thuộc và gần gũi cho bằng hình ảnh mục tử và đàn chiên, và Kinh Thánh vận dụng hình ảnh ấy để nói về tương quan giữa Thiên Chúa với Dân của Ngài.

Tuy nhiên, cũng như trong mầu nhiệm Nhập Thể, khi Thiên Chúa sử dụng ngôn ngữ nhân loại, Ngài cũng phải chấp nhận những giới hạn của ngôn ngữ ấy: giới hạn về thời gian (cách đây 20 thế kỷ); giới hạn về không gian (nông thôn thay vì thành thị); giới hạn về môi trường văn hóa (ngôn ngữ của một dân)… Cũng vì thế, trong bối cảnh khác về thời gian, không gian, văn hóa, hình ảnh chiên và mục tử có thể bị hiểu sai. Không những người ngoài Công giáo hiểu sai mà có khi cả người Công giáo cũng hiểu không đúng. Nghe đâu có người giải thích “chiên” là con vật để vỗ béo rồi làm thịt và chén! Hoặc hiểu “chiên” là con vật khờ khạo, nhút nhát và người giáo dân được gọi là “con chiên” theo nghĩa đó. Đúng là ngây ngô!

Kế đến là tương quan giữa chiên và mục tử. Trong Kinh Thánh, nói đến chiên thì cũng nói đến mục tử và nói về mục tử thì cũng nói đến chiên, vì thế điều được nhấn mạnh là mối tương quan giữa chiên và mục tử. Mối tương quan ấy được vận dụng để làm sáng lên mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Tương quan ấy là tương quan tình yêu, thể hiện qua việc quy tụ, chăm sóc, bảo vệ đàn chiên:

+ Quy tụ: “Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày người ấy ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy” (Ed 34,12)”.

+ Chăm sóc: “Chúa là Mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 22,1); “Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

+ Bảo vệ: “Dù qua lũng âm u, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng” (Tv 22,4); Người làm thuê thấy sói đến thì bỏ chiên mà chạy, còn mục tử nhân lành “hi sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,15).

Cuối cùng, cần phải tránh những lạm dụng trong cách thi hành chức năng mục tử, ví dụ nghĩ rằng là chủ chăn thì có toàn quyền sinh sát, muốn làm gì thì làm! Đây chẳng phải là “giáo sĩ trị” hay sao? Và đâu phải bây giờ mới có, nhưng trong Cựu Ước đã có rồi: “Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt” (Ed 34,3-4). Chính vì sự lạm dụng như thế nên Chúa phán: “Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa” (Ed 34,8-10).

Chúng ta cần phải đọc lại cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với thánh Phêrô ở trang cuối của Tin Mừng Gioan. Ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Anh có yêu mến Thầy không?” và sau đó Chúa nói với Phêrô: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (x. Ga 21 15-19). “Chiên của Thầy” chứ không phải “chiên của anh”. “Chiên của Chúa” chứ không phải chiên của linh mục hay giám mục nào. Bản thân linh mục hay giám mục cũng là chiên của Chúa thôi, nếu được gọi là mục tử hay chủ chăn là do ơn Chúa ban để chia sẻ chức năng mục tử của Chúa và phục vụ dân của Ngài. Đó là lý do thánh Augustino nói: “Với anh chị em, tôi là Kitô hữu; cho anh chị em, tôi là giám mục”. Hãy là con chiên tốt để có thể là mục tử tốt như lòng Chúa mong ước.


Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Nguồn: giaophanmytho.net