Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: (69) Gia đình khác đạo

13/12/2022
1226

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 69: GIA ĐÌNH KHÁC ĐẠO
 
Cao Gia An, S.J.

Hỏi: Con được sinh ra trong gia đình có Bố là người bên lương và Mẹ là người Công giáo. Bố con vẫn giữ những nghi thức cúng bái, đưa tang, ăn cơm cúng… Bà nội con thường đi gặp Thầy ở Chùa để xin giải hạn cho con. Con đã được rửa tội, và hiểu rõ những bối rối của Mẹ con. Vậy, chúng con có được tham gia những nghi thức mà Bố và Bà con tham gia không?

Trả lời:



Đây là một câu hỏi thường gặp, vì thật ra trường hợp của gia đình bạn không phải là trường hợp hoạ hiếm ngày nay. Sau hơn 400 năm Tin Mừng đến Đất Việt, người Công giáo ở thời điểm hiện tại vẫn chỉ là một thiểu số trong lòng dân tộc Việt Nam. Trước đây, Đạo Công giáo ở Việt Nam đã phải trải qua một thời gian dài sống khép và kín theo hướng tự vệ. Khi đó người Công giáo chỉ được phép lấy người Công giáo và không có nhiều gia đình sống theo hôn nhân khác đạo. Nhưng khi cuộc sống mở ra, nhất là khi Giáo hội Công giáo Việt Nam đã chọn “sống đức tin giữa lòng dân tộc”, nhiều khả thể khác được mở ra với các gia đình Công giáo. Hôn nhân khác đạo đã không còn là chuyện quá lạ lùng hay cấm kỵ.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là phủ nhận những khó khăn và thử thách trong đời sống đạo của hai mẹ con bạn. Mẹ của bạn đã theo tiếng gọi của con tim, đã can đảm chọn đi một con đường khó. Trên con đường ấy, nỗ lực gìn giữ đức tin và việc nuôi dưỡng bạn lớn lên theo truyền thống Công giáo là điều rất đáng trân trọng. Những bối rối và trăn trở của cả hai mẹ con bạn trong trong việc làm sao để sống đúng đức tin của mình cho chính đáng và phù hợp cũng là điều rất đáng trân trọng.

Để phần nào giãi gỡ những bối rối và trăn trở ấy, trước hết, chúng ta cần nhận ra những điều tích cực trong gia đình của bạn.

Nếu ngay từ đầu, bố mẹ của bạn và gia đình nội ngoại hai bên đã đồng thuận trong việc Đạo ai nấy giữ, đồng thời Giáo hội đã chuẩn nhận việc hôn nhân khác đạo, thì điều quan trọng nhất là việc thực hành đức tin riêng của mỗi bên cần phải được tôn trọng, đúng không? Bạn đã được cho rửa tội để làm người Công giáo, nghĩa là gia đình bên nội đã có một sự tôn trọng nhất định đối với mẹ bạn và tôn giáo của mẹ bạn rồi. Việc chấp thuận để cho bạn được rửa tội và được giáo dục theo đức tin Công giáo cũng cho thấy gia đình bên nội cũng đã giữ lời hứa so với cam kết ban đầu của mình. Nếu hai mẹ con bạn đã có đủ tự do để sống đức tin Công giáo của mình, bố của bạn cũng xứng đáng có được sự tự do ấy để sống đức tin của mình, phải không?

Vì thế, việc bố của bạn theo những nghi thức của Phật Giáo, hay của niềm tin tự nhiên theo truyền thống gia đình bên nội, là điều cần được tôn trọng. Việc thực hành những nghi thức cúng bái, đưa tang, ăn cơm cúng… cho thấy bố của bạn là một người có đời sống tâm linh, có tâm tình tôn giáo. Đây là phẩm chất rất quý của con người sống trong thời hiện đại. Cũng vậy, việc bà nội đi Chùa cầu siêu cho cháu của mình cũng là một điều chính đáng, phải không? Đó là cách bà thể hiện tình thương và sự chăm sóc cho cháu mình. Bạn nên nhận sự quan tâm và chăm sóc ấy, nên cám ơn bà nội của mình về điều ấy. Hơn nữa, cả gia đình bên nội của bạn theo Phật Giáo, chắc chắn những ngày giỗ chạp hay đám tiệc của nhà nội sẽ phải được tổ chức theo nghi thức tôn giáo của bên ấy. Đối với những nghi thức ấy, bạn nên có sự tôn trọng đúng mực.

Sự hiện diện của mẹ con bạn với cả đại gia đình trong những dịp họp mặt và lễ truyền thống như thế là cách sống sự hiệp thông và nuôi dưỡng tình thân gia đình. Đó là một phần của gia đình mà mẹ bạn đã chọn để sinh bạn ra và nuôi dưỡng bạn lớn lên. Vì vậy, hai mẹ con bạn không nên tự tách mình ra khỏi bầu khí gia đình chỉ vì lý do khác biệt về tôn giáo. Bởi lẽ, nếu nại vào lý do khác biệt tôn giáo để hai mẹ con bạn sống tách biệt và cô lập, thì hoá ra tôn giáo lại trở thành duyên cớ của sự phân biệt và chia rẽ trong cùng một gia đình hay sao?

Cần phân biệt rõ rằng việc vái hương hay cúi đầu tỏ lòng tôn kính trước Đức Phật không phải là việc tôn thờ ngẫu tượng. Cũng giống như việc người Công giáo thắp nhang và cúi đầu trước bàn thờ của ông bà tổ tiên: đó là cách thể hiện lòng hiếu thảo và tôn kính, chứ không phải là tôn thờ. Chúng ta chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa. Trong đức tin của chúng ta, Đức Phật là một Đấng đáng kính, đáng để chúng ta bày tỏ lòng kính ngưỡng mộ và tôn trọng.

Thêm nữa, có thể phân biệt rằng tham dự thì khác với tham gia. Bạn có thể tham dự vào những nghi lễ trong gia đình bên nội bằng sự hiện diện và sự tôn trọng, bằng mối dây hiệp thông gia đình. Nhưng sự tham dự ấy không có nghĩa là bạn tham gia vào việc thờ phượng của một tôn giáo khác. Bởi vì bạn mang một đức tin khác, một văn hoá khác, lòng của bạn hướng về một Đấng khác.

Chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất không loại trừ và cấm chúng ta bày tỏ lòng tôn kính đối với những bậc đáng kính, dù là trong tôn giáo mình hay trong các tôn giáo bạn. Cần nhìn nhận rõ ràng rằng những người thuộc các tôn giáo khác không phải là đối thủ, càng không phải là kẻ thù nguy hiểm cho đức tin chúng ta. Chúng ta luôn có thể chung sống trong an bình và dành cho nhau sự tôn trọng sâu sắc với những người khác niềm tin với chúng ta. Đó là cách để chúng ta xây dựng một thế giới hoà bình. Thế giới ấy khởi đi từ chính gia đình của bạn.

Đây là lời khuyên quan trọng dành cho bạn: khi bạn và mẹ của bạn đã cùng chia sẻ với gia đình bên nội những sinh hoạt của họ, thì thỉnh thoảng cũng nên mời họ tham dự vào các sinh hoạt cầu nguyện của bên mình, phải không? Nếu bạn đã cùng tham dự những buổi cầu nguyện với gia đình nhà nội, bạn có từng thử cũng mời họ tham dự giờ cầu nguyện và giải thích cho họ về ý nghĩa của việc cầu nguyện trong đạo Công giáo không? Nếu bạn đã một vài lần đến Chùa cùng với bố và nội, bạn có từng thử mời họ một vài lần đến Nhà Thờ với mình không? Chẳng hạn: vào những dịp quan trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh, các buổi diễn nguyện thánh ca, hay các hoạt động bác ái xã hội… Đã bao giờ bạn thử mời bố cùng tham dự vào giờ kinh tối, phút hồi tâm cuối ngày, hay một giờ trầm lắng cầu nguyện nào đó với mẹ con bạn không?

Mục đích của chúng ta ở đây không phải là việc “dụ khị” bố của bạn hay nhà bên nội của bạn vào đạo Công giáo. Mục đích chính ở đây, trước hết là giúp cho bố bạn và nhà bên nội có cơ hội để hiểu và có thiện cảm với Đạo của mẹ con bạn. Đừng trình bày với gia đình bên nội về Đạo của mình như là Đạo cho phép làm điều này, cấm làm điều kia… như thể Đạo chỉ là một bộ luật và một mớ nguyên tắc. Hãy giới thiệu cho họ về một Thiên Chúa là Cha bao dung và yêu thương, một Thiên Chúa không nhất thiết phải luôn luôn đòi hỏi và áp đặt, một Thiên Chúa dám đặt niềm tin của mình vào tự do của con người.

Biết cách sống tốt đức tin của mình trong gia đình, biết bám rễ từ tinh thần đại đồng Kitô giáo để xây dựng hạnh phúc gia đình, biết đâu bạn và mẹ của bạn có thể thuyết phục được bố và chia sẻ được với bố về niềm tin của mình thì sao! Chân lý luôn có cách tự tỏ lộ mình. Sau khi bạn đã làm hết mọi sự tốt đẹp trong khả năng của mình, phần còn lại Chúa sẽ lo.

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)

Đọc thêm:
Bài 68: Vượt qua lười biếng
Bài 67: Ý nghĩa của Bí tích Giao hòa
Bài 66: Chúa ơi! Con là người ngoại giáo
Bài 65: Kính nhớ tổ tiên theo truyền thống dân tộc
Bài 64: Giáo hội và vấn đề đồng tính
Bài 63: Kitô hữu là ai?
Bài 62: Chỉ một lần sống trên đời, nên sống sao cho trọn vẹn?
Bài 61: Hoàn thiện trong Đức Kitô
Bài 60: Nghe và làm theo Lời Chúa
Bài 59: Vấn đề sự sống đời sau
Bài 58: Các Thánh trong Cựu Ước và Tân Ước
Bài 57: Ươm mầm đức tin
Bài 56: Tự do
Bài 55: Sống chiều sâu
Bài 54: Bận lòng cùng Chúa
Bài 53: Đức Mẹ đồng trinh trọn đời
Bài 52: Tóm lược đạo Công Giáo
Bài 51: Vợ, hay “con vợ”?
Bài 50: Gia đình Công Giáo đóng góp cho xã hội Việt
Bài 49: Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình
Bài 48: Khôn ngoan thì tha thứ
Bài 47: Thủ dâm có phạm tội không?
Bài 46: Chúa dựng nên con cách lạ lùng
Bài 45: Người Công Giáo có nên đi xem bói?
Bài 44: Thiên Chúa và sự đau khổ
Bài 43: Nguyên nhân người trẻ rời xa Thiên Chúa
Bài 42: Khi con đau khổ, Thiên Chúa ở đâu?
Bài 41: Làm sao tu? Tu làm sao?
Bài 40: Con người trực giác về Thiên Chúa
Bài 39: Sao Thiên Chúa trong Cựu ước ác thế?
Bài 38: Hai nhân vật Giuse trong Kinh Thánh
Bài 37: Phương tiện truyền thông xã hội
Bài 36: Những nơi thờ phượng
Bài 35: Thiên Chúa ở đâu trong trái tim tôi?
Bài 34: Robot thánh
Bài 33: Sống cảm thức cùng Giáo hội
Bài 32: Lập gia đình theo luật Công giáo
Bài 31: Quan điểm của Giáo hội Công giáo về các phương pháp ngừa thai
Bài 30: Có Thiên Chúa thật không?
Bài 29: Cám dỗ tính dục
Bài 28: Chết trong an bình?
Bài 27: Thái độ dành cho những người thuộc giới tính thứ ba
Bài 26: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 2)
Bài 25: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 1)
Bài 24: Giống nhau không?
Bài 23: Khoa học và đức tin: Tưởng thù hóa ra bạn
Bài 22: Để tin vào Thiên Chúa vô hình
Bài 21: Một đời để sống
Bài 20: Những ngày lễ truyền tin của cuộc đời
Bài 19: Cảm nghiệm về Thiên Chúa!
Bài 18: Kế hoạch của Thiên Chúa trong đời ta
Bài 17: Nghiệp quả từ góc nhìn của đức tin Công giáo
Bài 16: Tương thân tương ái
Bài 15: Áo giáp chống nạn
Bài 14: Đức tin kiến tạo hòa bình và công bằng xã hội
Bài 13: Vấn đề truyền giáo
Bài 12: Thờ kính ông bà tổ tiên
Bài 11: Truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo
Bài 10: Bền đỗ trong ơn gọi gia đình
Bài 09: Vấn đề “theo đạo rồi mới cho cưới”
Bài 08: Gieo suy nghĩ tốt
Bài 07: Nhanh từ từ thôi
Bài 06: Hiện tượng bóng ma
Bài 05: Vượt qua khủng hoảng!
Bài 04: Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa
Bài 03: Đừng cám dỗ nhau nhé!
Bài 02: Sao lại kỳ thị người tu xuất?
Bài 01: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời