Phản ứng của các Giám mục Pháp về việc nước này đưa "quyền" phá thai vào Hiến pháp

05/03/2024
534
Quốc hội Pháp bỏ phiếu việc đưa vào Hiến pháp việc bảo đảm quyền tự do phá thai của phụ nữ  


Phản ứng của các Giám mục Pháp về việc nước này đưa "quyền" phá thai vào Hiến pháp

Hội đồng Giám mục Pháp tái khẳng định sự phản đối về việc quy định “quyền” phá thai trong Hiến pháp Pháp, khi Thượng viện và Quốc hội chuẩn bị thông qua một dự luật mới. Các ngài mời gọi tín hữu cầu nguyện để người dân Pháp "sẽ tìm lại được hương vị của sự sống, của việc cho đi, của việc đón nhận nó, của việc đồng hành với nó, của việc sinh sản và nuôi dạy con cái”.

 

Vatican News

Thứ Hai ngày 4/3/2024 đã trở thành ngày “lịch sử” đối với Pháp khi với cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Quốc hội lưỡng viện tại Versailles, Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi quyền phá thai vào Hiến pháp của mình.

Việc phá thai đã được hợp pháp hóa ở Pháp vào năm 1975 dưới thời Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing. Dự luật mới - muốn sửa đổi Điều 34 của Hiến pháp bằng cách đưa vào Hiến pháp việc bảo đảm quyền tự do của phụ nữ trong việc phá thai - đã được trình lên Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 12/2023 bởi bà Élisabeth Borne, khi đó là Thủ tướng Pháp. Sau khi Hạ viện Pháp đã thông qua đề xuất vào tháng 1 với đa số phiếu áp đảo, vào ngày 29/2/2024, đề xuất này đã được Thượng viện Pháp thông qua trong phiên đầu tiên và không có sửa đổi nào (267 phiếu thuận, 50 phiếu chống).

Để có được sự phê chuẩn cuối cùng, dự luật phải có sự bỏ phiếu của 3/5 số nghị sĩ đã họp trong phiên họp toàn thể của Quốc hội. Chiều ngày 4/3/2024, 780 đại biểu và thượng nghị sĩ đã thông qua việc đưa vào điều 34 của Hiến Pháp: “Luật xác định các điều kiện đảm bảo sự tự do của phụ nữ trong việc thực hiện chấm dứt thai kỳ tự nguyện”. Chỉ có 72 đại biểu bỏ phiếu chống.

Theo chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron, biện pháp mới này là phản ứng đối với việc Hoa Kỳ rút lại cái gọi là quyền phá thai, sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào năm 2022 đã lật ngược phán quyết Roe vs Wade, là phán quyết cho phép phá thai trên toàn nước Mỹ kể từ năm 1973.

Phản ứng của các Giám mục Pháp

Hiến pháp Pháp nên đặt “việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em làm trọng tâm”

Trong một tuyên bố được đưa ra vào tuần trước, Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) đã bày tỏ “sự đau buồn” khi biết kết quả cuộc bỏ phiếu của Thượng viện vào thứ Tư, trong đó chỉ có 50 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại văn bản được đề xuất. Trong khi thừa nhận những khó khăn có thể buộc một số phụ nữ phải phá thai, các giám mục than thở rằng “các biện pháp hỗ trợ cho những người muốn giữ lại đứa con của họ” đã không được thảo luận trong cuộc tranh luận. Các ngài nhắc lại xác tín rằng việc phá thai “vẫn là một cuộc tấn công vào sự sống ngay từ đầu” và “không thể chỉ nhìn nhận từ góc độ quyền phụ nữ”. Theo các Giám mục Pháp, Hiến pháp Pháp nên đặt “việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em làm trọng tâm”. Các ngài tiếp tục đảm bảo sự gần gũi của họ với những “cha mẹ quyết định giữ con mình”, ngay cả trong những tình huống khó khăn, và yêu cầu tôn trọng “quyền tự do lương tâm của các bác sĩ và tất cả nhân viên y tế”, ca ngợi “lòng can đảm và sự cống hiến” của họ.

Bảo vệ thai nhi có liên hệ với bảo vệ quyền con người

Trước đó, trong một tuyên bố được đưa ra trong phiên họp toàn thể vào tháng 11/2023 với tựa đề “Tất cả sự sống là một món qua”, các giám mục Pháp đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với văn bản được đề xuất. Trích dẫn Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha Phanxicô, các ngài nhận xét rằng việc bảo vệ sự sống của các thai nhi “có mối liên hệ mật thiết với việc bảo vệ tất cả các quyền con người”.

“Cái chết dường như được bảo vệ hơn là sự sống được khuyến khích”

Trong những tuần qua, một số giám mục Pháp cũng đã đưa ra quan điểm công khai về vấn đề này. Đức Tổng Giám mục Olivier de Germay của Lyon đã tố cáo điều mà ngài gọi là “sự phủ nhận nền dân chủ”, nêu bật khó khăn “trong việc bày tỏ ý kiến về chủ đề này mà không gặp phải nguy cơ bị giới truyền thông nhắm đến”. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Công giáo La Croix, Đức Tổng Giám mục Pascal Wintzer của Poitiers đã than thở rằng: “Cái chết dường như được bảo vệ hơn là sự sống được khuyến khích”.

Cầu nguyện để người dân Pháp tìm lại được hương vị của sự sống

Hôm thứ Hai ngày 4/3/2024, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đã đưa ra một tuyên bố mới trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng ở Versailles, mời gọi người Công giáo trên khắp đất nước tham gia cầu nguyện và ăn chay cho việc tu chỉnh hiến pháp được bãi bỏ. Các ngài nói: “Là người Công giáo, chúng ta phải tiếp tục phục vụ sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết, trở thành những nghệ nhân tôn trọng mỗi con người, vốn luôn là một món quà được trao cho tất cả những người khác, và hỗ trợ những người chọn giữ lại đứa con của mình ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn”. Các ngài lưu ý rằng Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất có số ca phá thai không giảm mà thậm chí còn tăng lên trong hai năm qua. Các giám mục Pháp kết luận: “Chúng ta hãy cầu nguyện để đồng bào của chúng ta sẽ tìm lại được hương vị của sự sống, của việc cho đi, của việc đón nhận nó, của việc đồng hành với nó, của việc sinh sản và nuôi dạy con cái”.

"Sự sống không có vấn đề gì. Chính cái chết và sự phủ nhận sự sống đã tạo ra vấn đề"

Trang tin tức trực tuyến SIR của Hội đồng Giám mục Ý đã có cuộc trò chuyện với Đức cha Antoine Hérouard, Tổng Giám mục của Dijon và Phó Chủ tịch Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu châu, gọi tắt là COMECE. Đức cha nhận định rằng “Chúng ta đánh mất ý thức về giá trị của sự sống. Và nó sẽ bị mất đi khi đối với một số tình huống nhất định và đối với một số người, nó trở thành một vấn đề”. Nhưng theo Đức cha, “Sự sống không có vấn đề gì. Chính cái chết và sự phủ nhận sự sống đã tạo ra vấn đề. Do đó chúng ta phải giúp sự sống phát triển, được chào đón và đồng hành”.

Cuộc phỏng vấn Đức Tổng Giám mục giáo phận Dijon

** Thưa Đức Cha, tại sao các Giám mục lại nói không?

- Bởi vì chúng tôi ủng hộ sự sống. Vấn đề không nằm ở bản thân luật phá thai cho bằng ở thực tế là các vấn đề cơ bản không được giải quyết. Khi luật do Simone Veil đưa ra năm 1974 lần đầu tiên được bỏ phiếu, người ta tuyên bố rằng luật này được đưa ra để chấm dứt một tình huống nguy hiểm lớn.

Và ngược lại chúng ta thấy số ca phá thai ngày càng gia tăng và ngày nay nó đã đạt con số cao nhất từ trước đến nay. Ở Pháp, chúng ta có 235.000 ca phá thai mỗi năm. Đây là một con số rất lớn.

** Ngài muốn nói điều gì khi nói đến “các vấn đề cơ bản”?

- Không ai, không đảng phái nào ngày nay đặt vấn đề về quyền tự do lựa chọn. Không có nguy hiểm về điểm này. Đúng hơn, vấn đề là tìm hiểu xem tại sao rất nhiều phụ nữ đã và đang tiếp tục sử dụng phương pháp phá thai. Đây là hành vi nghiêm trọng, gây hậu quả sâu sắc, trong đó có hậu quả về tâm lý đối với nhiều phụ nữ.

** Với quyết định của Quốc hội hôm nay, việc phá thai trở thành một phần của hiến pháp. Đó là một quyết định lịch sử đối với nước Pháp. Đối với các ngài, điều gì không thuyết phục?

- Việc đưa quyền tự do này vào Hiến pháp, vì Hiến pháp đúng hơn là khuôn khổ pháp lý cho sự vận hành của nhà nước dân chủ. Vấn đề không phải là đưa tất cả các luật vào trong Hiến pháp. Đây cũng là lý do tại sao các giám mục không ủng hộ.

** Các Giám mục đã nhận xét rằng việc phá thai “không thể chỉ được nhìn nhận từ quan điểm về quyền phụ nữ”.

- Đúng, chúng tôi đã nói rằng vấn đề không thể tranh luận chỉ bắt đầu từ quyền của phụ nữ, đây rõ ràng là một điều rất quan trọng, nhưng cũng có một sự sống bắt đầu và chúng ta không nói đến nó.

** Ngài là đại diện giám mục người Pháp tại COMECE. Theo ngài, quyết định này của Pháp gửi tới châu Âu thông điệp gì?

- Quyết định này được đưa vào cấp độ Châu Âu nhằm đưa quyền tự do phá thai này vào Hiến chương về các Quyền Cơ bản của Châu Âu. Nhưng chúng ta thấy rằng tình hình rất khác nhau giữa các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Ví dụ, chúng tôi biết rằng việc phá thai thậm chí còn bị cấm ở Malta. Nó thậm chí không phải là vấn đề của luật pháp Châu Âu, bởi vì các vấn đề liên quan đến vấn đề đạo đức và gia đình chỉ phụ thuộc vào luật pháp quốc gia. Tuy nhiên, chính phủ Pháp và Tổng thống Macron đã nỗ lực thực hiện các động thái tiếp theo như một tín hiệu ở cấp độ quốc tế.

** Các ngài với tư cách là các giám mục đang nói chuyện với một xã hội ngày càng thế tục và phi Kitô giáo ở Châu Âu. Và lời nói của các ngài thường bị đánh giá là bảo thủ và truyền thống. Các ngài phản ứng thế nào với những quan sát này?

- Đây không phải là việc đánh giá những phụ nữ yêu cầu phá thai, bởi vì chúng tôi biết rằng đằng sau việc đó thường có những tình huống khó khăn và đa dạng. Điều chúng tôi muốn nói là phá thai không thể chỉ là một biện pháp tránh thai. Phá thai luôn là một hành vi nghiêm trọng gây ra nhiều hậu quả trong cuộc đời người phụ nữ. Và chúng ta thường thấy điều đó ở những phụ nữ đã “ngừng mang thai” cách ý thức cách đây 20 hoặc 30 năm và sau đó đến với một linh mục để nói rằng đối với họ, trải nghiệm đó vẫn giống như một vết thương sâu. Do đó, điều chúng tôi muốn nói là chiều kích này của phá thai không thể chỉ được coi là một quyền mà thôi. Đó là một điều thâm sâu liên quan đến phụ nữ và cả người nam.

** Điều gì khiến các ngài - Giáo hội ở Châu Âu - lo lắng nhất khi phải đối mặt với các dự án chính trị liên quan đến những lĩnh vực sâu thẳm nhất của sự sống con người?

- Những gì chúng ta thấy ngày nay ở các xã hội châu Âu là nhu cầu gần như vô hạn về quyền cá nhân nhằm đảm bảo những gì tôi muốn làm, khi nào tôi muốn làm và tôi muốn làm như thế nào mà không xem xét đến khía cạnh xã hội và tập thể trong hành động của tôi và hậu quả của nó đối với người khác.

Ví dụ, nếu chúng ta khẳng định khả năng giúp cho ai đó chết thông qua việc trợ tử, thì lựa chọn này sẽ gây ra hậu quả gì đối với những người yếu đuối nhất đang bị bệnh? Họ có thể nghĩ gì? Rằng phải chăng sự sống của họ không còn giá trị gì nữa và thực sự là một gánh nặng? Do đó, vấn đề là phải hiểu xem sự chú ý đến những người yếu đuối nhất và không có khả năng tự vệ nhất, dù ở giai đoạn đầu hay cuối cuộc đời, có vẫn còn có vai trò trong sự hiểu biết của chúng ta về sự sống con người không.

** Là các Giám mục ngày nay, các ngài có cảm thấy cô đơn và cô lập hơn không?

- Trong thực tế, hầu như không có gì thay đổi. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là xem xã hội thực sự làm gì để giúp phụ nữ tránh rơi vào hoàn cảnh khó khăn này và xem việc phá thai được phép ở mức độ nào. Lúc đầu ở Pháp là 10 tuần, sau đó chuyển sang 12 tuần và bây giờ là 14 và trong khi đó, số lượng bác sĩ sẵn sàng làm việc đó không tăng lên, vì họ thấy rằng nó ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp ngay cả về mặt kỹ thuật. Tất cả những điều này cũng đặt ra một vấn đề nghiêm trọng để họ hiểu được sứ mạng của họ là sứ mạng giúp đỡ mọi người chứ không phải hủy diệt sự sống.

Nguồn:vaticannews.va