Tổ chức Bác ái của Giáo hội Ý có hơn 84 ngàn tình nguyện viên

21/03/2024
451
Các nhân viên Caritas Ý chuẩn bị bữa ăn cho người nghèo trong thời đại dịch Covid-19 


Tổ chức Bác ái của Giáo hội Ý có hơn 84 ngàn tình nguyện viên

Theo một báo cáo được công bố ngày 19/3/2024, trong năm 2023, Caritas Ý, tổ chức bác ái của Giáo hội Ý, có 84.248 tình nguyện viên trên cả nước. Trong số này có 22.275 người đang hoạt động tích cực trong các hoạt động của giáo phận và 61.973 người phục vụ tại các giáo xứ. 78,8% tình nguyện viên Caritas dấn thân “vì ích lợi cho tha nhân, cho xã hội”.

 

Hồng Thủy - Vatican News

Các tình nguyện viên của Caritas Ý hoạt động tại các trung tâm và dịch vụ dân cư và phi dân cư ở cấp giáo phận (như các nơi cung cấp bữa ăn, trung tâm phân phối hàng hóa, trung tâm thương mại, các nơi nghỉ đêm, nhà ở gia đình và cộng đồng cư trú, trung tâm lắng nghe, vv.). Tuy nhiên, phần lớn hiện diện ở khu vực giáo xứ, với hơn 61.000 người, đặc biệt là ở hai miền Puglia và Umbria. 

Một nửa số tình nguyện viên Caritas hoạt động chủ yếu ở các vùng miền Bắc nước Ý (50,4%), 16,6% ở miền Trung, 33% ở miền Nam. Về lý thuyết, mỗi giáo phận Ý có thể có số lượng trung bình là 103 tình nguyện viên, nhưng nhìn chung số lượng hiện diện dao động từ 2 đến 50 người. 

Tính vô vị lợi luôn là đặc điểm của sự dấn thân tự nguyện

Báo cáo cho thấy những động lực khác nhau của các tình nguyện viên của Caritas: 78,8% tình nguyện viên Caritas dấn thân “vì ích lợi cho người khác, cho xã hội”. 49% vì những lý do liên quan đến nhu cầu hành động đi đôi với đức tin tôn giáo của mình. Mặt khác, theo báocáo, 2,8% có những động cơ vị lợi (phát triển nghề nghiệp, đạt được tín chỉ đào tạo, phát triển trong môi trường làm việc mới, v.v.). Báo cáo cho thấy tính vô vị lợi luôn là đặc điểm của sự dấn thân tự nguyện trong tổ chức Caritas.

Cha Marco Pagniello, giám đốc Caritas Ý, nhận xét: “Những tình nguyện viên hành động vì tình yêu dành cho người khác mà không mong đợi được đền đáp. Hoạt động tình nguyện được nhìn nhận là cổ vũ nền văn hóa vô vị lợi, đi ngược lại chiều hướng lợi nhuận cá nhân, vốn đang thống trị xã hội chúng ta”. “Thiện nguyện viên phụ trách các công việc chung và tham gia tích cực vào đó, họ trở thành một ‘công dân có trách nhiệm’, một ‘nhân vật chính trị’theo nghĩa cao nhất và cao quý nhất của thuật ngữ này, tức là một người quan tâm đến lợi ích chung, người thúc đẩy công lý và thay đổi xã hội, đóng vai trò là người phát ngôn cho quyền lợi và nhu cầu của những người yếu thế nhất và nghèo nhất”. (SIR 19/03/2024)

Nguồn:vaticannews.va