Sứ Điệp Của Tòa Thánh Vatican Nhân Ngày Quốc Tế Du Lịch 27.09.2017: “Du Lịch Bền Vững: Một Khí Cụ Cho Sự Phát Triển”

30/06/2017
927

1.Nhân Ngày Quốc Tế Du Lịch, mà như mọi năm, sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng 09 năm 2017, cùng với cộng đồng dân sự, Giáo hội tiếp cận vấn đề này trong niềm xác tín rằng, bất cứ hoạt động nào của con người trong ý nghĩa tròn đầy của nó, cũng đều phải tìm thấy một tiếng vang trong tâm hồn của những người môn đệ Chúa Ki-tô. [1]

Sứ Điệp của Tân Thánh Bộ Phục Vụ Việc Phát Triển Toàn Vẹn Con Người này được công bố lần đầu tiên như là thành phần trong sứ vụ của mình.

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố năm 2017 là “Năm Quốc Tế Du Lịch Bền Vững vì Sự Phát Triển”. Theo sau quyết định vừa nêu, Tổ Chức Du Lịch Quốc Tế (UNWTO) đã chọn cho Ngày Quốc Tế Du Lịch năm 2017 một khẩu hiệu mang đầy ý nghĩa sau đây: “Du Lịch Bền Vững: Một Khí Cụ Cho Sự Phát Triển”.

2.Khi chúng ta nói về du lịch, chúng ta nghĩ tới một hiện tượng có tầm quan trọng to lớn cả về con số những người có liên hệ (khách du lịch và người lao động), lẫn vô vàn những tác động tích cực của nó (kinh tế, văn hóa và xã hội), nhưng đồng thời cũng xét đến những rủi ro và những mối nguy hiểm mà tự nó, việc du lịch có thể mang đến cho nhiều lãnh vực.

Theo thống kê của Tổ Chức Du Lịch Quốc Tế, con số khách du lịch quốc tế trong cả năm 2016 đã lên tới khoảng 1 tỷ 235 triệu. Lãnh vực này sẽ chiếm 10% GDP và 7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, nếu người ta lưu ý tới chuyện cứ 11 chỗ làm thì sẽ có thêm được một chỗ nữa nhờ vào việc du lịch. Do đó, du lịch chiếm một vị trí quan trọng trong lãnh vực kinh tế của các quốc gia riêng lẻ, cũng như trong các chính sách mà chúng nhắm tới sự phát triển toàn diện và tính bền vững của chính sách bảo vệ môi trường trên bình diện quốc  tế.

3.Du lịch có thể trở thành một khí cụ quan trọng cho sự phát triển và cho cuộc chiến chống lại sự nghèo đói. Theo học thuyết xã hội của Giáo hội, “phát triển không chỉ đồng nghĩa một cách đơn giản với sự phát triển về kinh tế”. Một sự phát triển đích thực “phải có tính sâu rộng và đầy đủ”, có nghĩa là, “nó phải lưu tâm tới từng người và tới toàn thể nhân loại”, như được nhấn mạnh trong Thông Điệp Populorum progression.[2] Trong cùng một ý nghĩa, Đức Phao-lô VI đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải trình bày một “nền nhân bản theo nghĩa đầy đủ” trong sự bao hàm tất cả mọi nhu cầu cả về vật chất lẫn tinh thần, mà chúng cần thiết cho sự trưởng thành của cá nhân mỗi người trong phẩm giá của họ.[3] Hai mươi năm sau, tức năm 1987, Liên Hiệp Quốc đã ban hành một đề cương nhắm tới sự phát triển toàn diện với tư cách là “một sự phát triển có khả năng thỏa mãn những nhu cầu hiện tại mà không vì thế gây tổn hại đến nguồn lực của các thế hệ tương lai để thỏa mãn những nhu cầu riêng của mình”.[4] Giáo hội cho phép thực hiện dự án phát triển toàn diện trong sự liên kết với ý tưởng “phát triển con người”, mà ở đây cũng bao hàm cả tính bền vững mà Liên Hiệp Quốc đã nói về nó, cũng như bao hàm mọi khía cạnh của cuộc sống: xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tinh thần, đến độ chúng có thể trở thành thành tố của một tổng hợp duy nhất: con người.

Tổ chức WTO đã áp dụng ý tưởng đó để thúc đẩy “du lịch bền vững”.[5] Với những lời khác, du lịch phải có trách nhiệm, không được hủy hoại cũng như không được xâm phạm tới môi trường hay tới bối cảnh văn hóa và xã hội mà du lịch tác động đến, phải đặc biệt kính trọng cư dân địa phương và di sản văn hóa, phải hỗ trợ cho việc bảo vệ phẩm giá của từng cá nhân và quyền lợi của giới công nhân, đặc biệt là phải quan tâm tới những người bị thiệt thòi và những người dễ bị tổn thương. Những kỳ nghỉ không được phép trở thành cớ cho những hành vi vô trách nhiệm hay cho sự bóc lột: Trái lại, kỳ nghỉ nên trở thành một thời gian cao quý mà trong đó, bất cứ người nào cũng có thể bổ sung giá trị cho cuộc sống của mình hay cho cuộc sống của người khác. Du lịch bền vững cũng là một khí cụ nhằm đưa tới sự phát triển kinh tế trong cuộc khủng hoảng, nếu việc du lịch trở thành một người mang đến những cơ hội mới và không trở thành nguồn cơn của những vấn đề.

Trong sự quyết định của mình về năm 2017, Liên Hiệp Quốc đã nhìn nhận rằng, du lịch bền vững có giá trị như một “khí cụ tích cực để chiến đấu chống lại nạn nghèo túng, để bảo vệ môi trường, để cải thiện chất lượng cuộc sống và để tăng cường về mặt kinh tế cho phụ nữ và giới trẻ, và nhìn nhận rằng, tự bản chất, du lịch sẽ góp phần đưa đến sự phát triển bền vững trong ba chiều kích, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển.”[6] Trong ý nghĩa đó, sự bền vững liên quan tới vấn đề sinh thái sẽ được thúc đẩy, mà sự bền vững ấy sẽ quan tâm làm sao để tất cả mọi hệ sinh thái đều không bị thay đổi; đó là một sự bền vững về mặt xã hội mà nó phát triển trong sự hòa điệu với cộng đồng chủ nhà; và là một sự bền vững về khía cạnh kinh tế mà nó tạo ra những xung lượng cho sự phát triển toàn diện. Vì thế, trong khuôn khổ của chương trình nghị sự 2030, Năm Quốc Tế hiện tại này sẽ giới thiệu một cơ hội, để thúc đẩy những chính sách thích hợp về phía các chính phủ, cũng như khuyến khích các phương pháp đáng tin cậy về phía những doanh nghiệp thuộc lãnh vực này, và để khơi lên nơi giới tiêu thụ cũng như nơi các cư dân địa phương niềm ý thức rằng, một dự án du lịch toàn diện sẽ góp phần đưa đến một sự phát triển bền vững đích thực.

4.”Với tất cả sự hiện diện cũng như trong tất cả hành động của mình, Giáo hội được kêu gọi hãy thúc đẩy một sự phát triển toàn diện con người trong ánh sáng Tin Mừng.”[7] Trong niềm ý thức đó, những người Ki-tô hữu chúng ta muốn thực hiện sự đóng góp của mình để việc du lịch có thể góp phần đưa đến sự phát triển các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc đang bị thiệt thòi nhất giữa các dân tộc. Vì thế, chúng tôi muốn trình bày những suy tư của mình ở đây. Chúng ta nhìn thấy trong Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo vũ trụ và là Cha của tất cả mọi người, điều làm cho tất cả chúng ta trở thành những người anh chị em của nhau. Vì thế, chúng ta hãy đặt con người vào trung tâm điểm; chúng ta hãy nhìn nhận phẩm giá của từng người và nhìn nhận các mối tương quan giữa con người với nhau; chúng ta hãy chia sẻ cho nhau nguyên lý về một số phận chung của gia đình nhân loại và mục đích phổ quát của việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên. Con người không được phép cư xử như một “chủ nhân ông”, nhưng như một “viên quản lý có trách nhiệm”.[8] Vì chúng ta nhìn nhau với tư cách là những người anh chị em, nên chúng ta hiểu được “nguyên lý của sự nhưng không và luận lý của sự trao tặng”[9], và hiểu được bổn phận của mình trong việc thúc đẩy tình liên đới, sự công bằng xã hội và Đức Ái.[10]

Giờ đây chúng ta hãy tự hỏi: bằng cách nào, những nguyên lý ấy có thể góp phần đưa đến sự cụ thể hóa việc phát triển du lịch? Những người du lịch, các doanh nhân, các công nhân, các chính phủ và các cộng đồng địa phương sẽ nhận được những hệ quả nào? Đó là một cuộc đối thoại mở. Chúng tôi mời gọi tất cả những ai có liên quan hãy suy tư một cách nghiêm túc về đề tài này, và hãy thúc đẩy các chính sách theo hướng đó, và đồng thời, bổ sung thêm những cách ứng xử và những thay đổi vào trong cách sống thông qua một hình thức mới của các mối tương quan với người khác.
Giáo hội giới thiệu một sự đóng góp riêng bằng cách đề xướng các sáng kiến mà chúng thực sự đặt du lịch vào trong sự phục vụ việc phát triển toàn diện con người. Vì thế, người ta nói về “du lịch với một dung mạo nhân loại”, mà dung mạo ấy được diễn tả trong các dự án của một “nền du lịch hiệp thông”, “của sự hợp tác” và “của tình liên đới”, cũng như trong việc làm tăng giá trị và sự khai thác di sản nghệ thuật to lớn mà nó diễn tả một “con đường đích thực của cái đẹp”.[11]

Trong bài diễn văn của mình trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khẳng định rằng: “Ngôi nhà chung của tất cả mọi người phải tiếp tục nổi bật trên nền tảng của một sự hiểu biết đích thực về tình huynh đệ phổ quát và sự tôn trọng tính bất khả xâm phạm của bất cứ sự sống nhân loại nào – của bất cứ người nam hay người nữ nào; […] Ngôi nhà chung của tất cả mọi người cũng phải được kiến tạo trên sự hiểu biết về một sự bất khả xâm phạm nào đó của thế giới thụ tạo.”[12] Ước chi sự dấn thân của chúng ta sẽ được sống trong ánh sáng của những lời và những dự phóng đó!

Vatican ngày 29 tháng 06 năm 2017
Đức Hồng Y Peter Kodwo Appiah Turkson
(Tổng Trưởng Thánh Bộ Phát Triển Toàn Diện Con Người)

Ghi chú:
[1] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes, 7. 12.1965, Nr. 1.
[2] ĐTC Phao-lô VI, Thông Điệp Populorum progressio, 26.03.1967, Nr. 14.
[3] ĐTC Phao-lô VI, Thông Điệp Populorum progressio, 26.03.1967, Nr. 42.
[4] Ủy Ban Quốc Tế về môi trường và sự phát triển, tương lai chung của chúng ta, 4.08.1987. Ủy Ban này được thành lập vào năm 1983 bởi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
[5] Tổ Chức Du Lịch Quốc Tế, Tuyên Ngôn Hager về Du Lịch, 10-14.04.1989, Nguyên tắc III.
[6] Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, Beschluss A/RES/70/193, bế mạc Đại Hội Đồng, 22.12.2015
[7] ĐTC Phan-xi-cô, Tông Sắc Humanam progressionem trong hình thức một ‘Motu Proprio’, nhằm thiết lập Thánh Bộ phụ trách việc phát triển toàn diện con người, 17.08.2016.
[8] ĐTC Phan-xi-cô, Thông Điệp Laudato si’, 24.05.2015, Nr. 116.
[9] ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông Điệp Caritas in veritate, 29.06.2009, Nr. 36.
[10] ĐTC Phao-lô VI, Thông Điệp Populorum progressio, 26.03.1967, Nr. 44.
[11] ĐTC Phan-xi-cô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, 24.11.2013, Nr. 167.
[12] ĐTC Phan-xi-cô, Diễn Văn trong cuộc gặp gỡ với các thành viên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, 25.09.2015.


Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

(Nguồn: Simonhoadalat.org)