Tinh Thần Truyền Giáo

05/06/2018
1449
Người ta thường nói tinh thần đức tin, tinh thần tông đồ, tinh thần truyền giáo. Tinh thần là cái gì ẩn giấu bên trong, bên ngoài chỉ nghe nói mà không thấy được. Chúng ta biết người này người kia có tinh thần. Tinh thần của người ấy biểu lộ ra bên ngoài bằng các việc làm. Ta chỉ trông thấy việc làm, còn tinh thần của người ấy ta không thấy.

1, Tinh thần là sức sống bên trong

Tinh thần là sức sống bên trong phát xuất ra bên ngoài qua các hành động. Nó là động lực, là cái hồn ở trong con người, linh hoạt mọi tư tưởng và việc làm của người ấy. Người có tinh thần là người đáng nể. Muốn là người đáng nể thì phải rèn luyện tinh thần, đem tinh thần vào trong công việc và đời sống. Người có tinh thần thì làm việc đến nơi đến chốn, không hời hợt, luôn sửa soạn trước cho công việc được chu đáo. Người có tinh thần làm cho người khác được yên tâm vì tính nghiêm túc và cẩn thận của mình.

Nay áp dụng vào công việc tông đồ thì tinh thần truyền giáo là gì ? Thưa là hết lòng hết sức với công việc rao truyền lời Chua, gây dựng Giáo Hội ở nơi nào chưa có, hay đã có mà ngả nghiêng, xiêu vẹo, như các nhà truyền giáo vẫn làm từ trước đến nay. Các vị đó đã để hết tâm lực vào công việc này khiến cho có thể nói cuộc đời của các vị tập trung và thu gọn lại trong đó.

Mới đây, tình cờ tôi có gặp một linh mục dòng Chúa Cưu Thế trẻ, mới chịu chức được vài năm nay. Hiện linh mục này đang làm việc cho ngươì Thượng trên vùng Đà lạt. Ông đã nói chuyện say sưa với tôi về những công việc ông đã làm và đang làm cho những người này. Tôi thấy trong ông như có một ngọn lửa. Chính ngọn lửa ấy đã đốt cháy cuộc đời ông, không phải cháy tiêu tan mà cháy bừng lên ngọn lửa hy sinh nhiệt thành cho công việc. Bên cạnh đó là lòng tin vào sức mạnh phù trì của Chúa.

Ban đầu, người ta không cho ông ở với dân. Mỗi lần đi lễ, dân kéo cả làng đi và phải đi bộ 6 tiếng mới tới nơi hành lễ. Như vậy, mỗi lần đi lễ phài mất cả một ngày. Về sau, Nhà Nước thấy dân đi đông như thế rất khó kiểm soát, nên cuối cùng đã cho ông đến ở giữa dân. Hiện ông đang làm nhà thờ cho họ. Tôi có hỏi ông khi người ta đi lễ, ông có cho họ ăn không. Ông nói có, vì thường họ ở đến hôm sau mới về. Tôi hỏi tiếp : thế lấy tiền đâu ra để nuôi họ. Ông nói : lạ lắm! Không làm thì thôi mà hẽ làm thì tiền bạc từ đâu tới không biết nữa, chỉ thấy người thì cho tiền, người cho quần áo, người cho gạo. Ngay cả việc làm nhà thờ hiện nay cũng thế. Cứ làm rồi có người giúp. Như thế có phải là việc Chúa làm không ? Mình làm việc cho Chúa thì Chúa làm việc cho mình. Chính nhờ thế mà nhà truyền giáo thêm tin tưởng và tìm được niềm vui trong công việc của mình.

Một linh mục khác cũng còn trẻ thuộc dòng Đa Minh, bây giờ tự ý bỏ nơi yên ổn đi vào vùng sâu vùng xa trên Buôn ma thuột. Ông này cũng đang gặp khó khăn với chính quyền địa phương, nhưng kiên trì ở lại giũa những người Thượng. Lâu dần người ta thấy ông lo cho dân, giúp họ làm nhà, dựng chợ, nên cũng đã cho qua.

Thường chính quyền vốn dị ứng với việc giảng đạo, nhu mới đây tôi đến xin tạm trú cho một nhóm y bác sĩ đến nhà An hạ tĩnh tâm. Họ là nhóm người thiện nguyện lo giúp cho các bệnh nhân HIV. Một nữ công an hỏi ngay là có giảng đạo không đấy, không được giảng đạo đâu nhé!Tôi bảo người ta đến nghỉ ngơi thư giãn;sau những ngày làm việc mệt mỏi, họ cần ra khỏi thành phố, tìm nơi thoáng mát để thay đổi không khí. Lúc đó họ mới chịu.

Trở lại trường hợp linh mục dòng Chúa Cứu Thế ở trện. Ông cho tôi biết là ông thích việc truyền giáo cho người Thượng ngay từ khi đang ở học viện. Lúc ấy ông đã bắt đầu học tiếng Thượng và tâm trí lúc nào cũng vẩn vơ với công việc này.

Như vậy tinh thần truyền giáo có nghĩa là mối bận tâm suy nghĩ tìm tòi về công việc truyền giáo và luôn hướng lòng về đó mà chuẩn bị cho mình biết chịu khó, tập thích nghi với hoàn cảnh và sẵn sàng để được sai đi.

Cách đây ít hôm có một thầy thuộc Dòng Chúa Thánh Thần đến gặp tôi và tỏ ý lo ngại về ơn gọi của mình. Thầy nói dòng của thầy là dòng truyền giáo. Anh em trong dòng của thầy được huấn luyện để gửi đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy mọi người phải học tiếng Anh ráo riết. Bây giờ thầy đã lớn rồi, việc học ngoại ngữ có phần khó khăn, sức tiếp thu không được nhanh nhạy. Thầy thấy sợ không biết có đáp ứng nổi ơn gọi này không.

Mối lo ngại của thầy là chính đáng. Nó cho thấy một khía cạnh thực tế của ơn gọi truyền giáo. Đó là phải tạo cho mình một khả năng thích ứng. Mối bận tâm lo cho mình có thể thích ứng với ơn gọi cũng là một nét biểu dương tinh thần truyền giáo, nghĩa là tìm hết cách để có thể làm tốt công việc này. Bởi vậy, tinh thần truyền giáo là thích nghi để đáp ứng. Việc thích nghi đòi phải hy sinh luyện tập cho quen với môi trường mình phải sống và ở với những người mình được sai đến. Mới nghĩ thì tự nhiên củng thấy sợ và ngại. Nhưng với ơn Chúa giúp thì cái sợ cái ngại kia lại có thể trở thành niềm vui và một sự hấp dẫn : vui vì có dịp cho đi cái phần tốt nhất của mình và hấp dẫn vì khám phá ra nhiều điều mới lạ nơi những người mình phục vụ và trong khu vực mình sinh sống.

2. Làm thế nào để gây được tinh thần truyền giáo ?

Truyền giáo lá một ơn gọi đặc biệt. Muốn đáp ứng ơn gọi này, phải có tinh thần. Tinh thần này có được là do cầu xin và tập luyện.

2,1 Cầu xin

Hàng ngày nhà truyền giáo phải cầu xin cho mình có khả năng nuôi dưỡng và giữ được ơn gọi truyền giáo. Đi truyền giáo là thi hành và đáp lại lệnh truyền của Chúa : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trờ thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19) Ơn gọi và nhiệm vụ này không dễ thực thi, nếu không được ơn Chúa phù trì. Vì vậy, ưu tiên số một là cầu xin mỗi ngày cho ơn gọi truyền giáo của mình, sao cho ơn này luôn sống động mạnh mẽ, thúc đẩy mình ham mê dấn thân hoạt động, dù gặp khó khăn hay cản trở. Lời cầu nguyện này phải được tỏ bày trong thánh lễ mỗi ngày, trong các sinh hoạt đạo đức hay trong những giờ phút yên lặng mình tự chọn.

2,2 Tập luyện

Ngoài cầu nguyện ra là tập luyện, tập luyện hàng ngày trong giai đoạn đào tạo theo đường hướng tu đức truyền giáo. Tập luyện bằng hai hình thức : lý thuyết và thực hành. Lý thuyết là nền thần học về truyền giáo và thực hành là đi thực tập tại các thí điểm truyền giáo ; một đàng thì thấm nhuần lý thuyết, một đàng thì trưởng thành trong thực nghiệm. Tập mãi sẽ quen rồi thành nếp. Khi đã thành nếp thì mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn lúc ban đầu như trường hợp em bé ở lớp mẫu giáo tập đánh vần hay tập viết chữ. Lúc đầu thật khó khăn cho em nhưng sau một thời gian, em sẽ không còn lúng túng nữa. Vì thế, luyện tập là cần thiết và phải được kiên trì theo đuổi.

Kết luận

Muốn làm giỏi công việc của mình, người thợ phải yêu nghề và luyện tập cho tay nghề mỗi ngày một cao. Khi đó, người ấy sẽ thành một tay thợ lành nghề. Lành nghề thì làm hay, làm nhanh, làm tốt công việc của mình, tạo ra được những sản phẩm đẹp và bền, làm vừa ý người tiêu dùng. Nhà truyền giáo có tinh thần thì cũng giống như người thợ yêu nghề và lành nghề. Cái lành nghề trong bộ môn của mình là chính niềm vui cho mình và cho người khác : vui cho mình vì thấy mình được việc và vui cho người khác vì họ được nhờ cái thành thạo của mình mà lấy làm ưng ý.

Vậy nhà truyền giáo hiện tại cũng như tương lai nên rèn luyện cho mình một tinh thần truyền giáo và dấn thân theo tinh thần này, để hạt giống Tin Mừng được gieo vãi khắp nơi và nhiều người được đón nhận ơn cứu độ.

L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.