Tình hình Giáo hội và việc loan báo Tin mừng tại Mông cổ

24/04/2018
741
Tuy còn non trẻ, mới chỉ 25 năm tuổi đời, nhưng Giáo hội Công giáo Mông cổ lại đang phát triển ổn đinh, với một chân dung rõ ràng: sự tươi trẻ trong việc loan báo Tin mừng.
 
Lễ phong chức linh mục đầu tiên người Mông cổ - RV 

Bắt đầu từ 3 nhà truyền giáo đầu tiên đến Mông cổ vào năm 1992, khi các mối quan hệ ngoại giao giữa Mông cổ và Tòa Thánh được mở ra, một giáo miền tự quản, ngày nay Giáo hội Mông cổ là một phủ doãn Tông tòa có 7 giáo xứ và 3 trung tâm truyền giáo. Ngoài một linh mục bản xứ, linh mục đầu tiên người Mông cổ, được thụ phong linh mục hồi năm ngoái (2017), có 77 thừa sai thuộc 10 hội dòng, đến từ 22 quốc gia khác nhau, đang làm việc tại nước này. Trong số này có 26 linh mục, 45 nữ tu và một nữ thiện nguyện quốc gia. viên. Các tín hữu Công giáo hoạt động tích cưc, đặc biệt trong lãnh vực xã hội. Sự thận trọng là thái độ chính yếu để hòa hợp với dân chúng.

Năm ngoái (2017), Giáo hội Mông cổ kỷ niệm 25 năm Công giáo hiện diện trên mảnh đất thảo nguyên này. 2 sự kiện lớn có ý nghĩa được tổ chức trong dịp này. Thứ nhất là Thánh lễ do Đức cha giám quản Wenceslao Padilla chủ tế vào ngày 14 tháng 7, tại nhà thờ chánh tòa Ulanbato. Trong số những người hiện diện trong Thánh lễ, có Đức cha phụ tá giáo phận Daejon của Hàn quốc -  giáo phận có mối liên hệ mật thiết với Giáo hội Mông cổ, Đức ông Marco Sprizzi, xử lý thường vụ của Tòa sứ thần và 2 thừa sai đầu tiên đã đến Mông cổ vào năm 1992, một vị người Philippines và một vị người Bỉ.

Biến cố thứ hai là từ ngày 23 đến 26 tháng 11, một đại hội được tổ chức, giống như hình thức một công đồng địa phương. Địa hội được triệu tập để suy tư về 25 năm vừa qua, về tình hình hiên tại và về cách thế hành động trong tương lai. Các nhóm truyền giáo và đại diện các giáo xứ đã tham dự sự kiện này. Trong dịp này, mọi người đã thảo luận về một văn bản mà Đức Giám mục sẽ ban hành trong những tháng tới như bản hướng dẫn cho 5 năm tới.

Trong ¼ thế kỷ vừa qua, số người được rửa tội tại Mông cổ là 1255 người, một con số nhỏ bé ít ỏi so với dân số 3 triệu người. Giáo hội muốn hiện diện hơn nữa trong xã hội, nghĩa là có một ảnh hưởng lớn trong lòng xã hội và đồng thời, cũng có nghĩa là đâm rễ sâu ở cấp độ gia đình, nơi những người trưởng thành, là những người bắt đầu trao chuyển đức tin cho chính con cái họ. Song song với điều này là vấn đề hội nhập văn hóa, nghĩa là tìm cách thực hiện việc loan báo Tin mừng bằng sự hiểu biết cần có về căn tính văn hóa và lịch sử và tìm cách để cho dân chúng có thể diễn tả đức tin của họ theo cách gần gũi với họ, theo cách diễn đạt của họ.

Cho đến nay, hoạt động chính yếu của Giáo hội Mông cổ là dấn thân trong xã hội. Việc dấn thân mạnh mẽ của Giáo hội trong những năm đầu tiên và vẫn tiếp tục ngày nay là hoạt động thăng tiến con người, chú ý đến người nghèo với các dự án khác nhau, như giáo dục, y tế, đón nhận trẻ em bị bỏ rơi. Từ một vài năm, Giao hội cũng cộng tác vào tổ chức Bác ái của Mông cổ. Rồi mỗi giáo xứ có những dự án của mình.

Mông cổ là một dân tộc có căn tính, lịch sử và văn hóa rất lâu đời, đâm rễ sâu và họ hãnh diện về truyền thống của họ. Về vấn đề truyền giáo tại quốc gia này, cha Giorgio Marengo, thừa sai dòng Consolata, hoạt động tại Mông cổ từ 14 năm nay, chia sẻ: Không có một công thức cụ thể trong việc truyền giáo tại quốc gia này, nhưng có một số cách hành xử có thể giúp cho việc loan báo Tin mừng, ví dụ như con đường thăng tiến con người, các dự án và sự gần gũi, nhưng trên hết là sự tự do, tìm cách hài hòa và cảm thông với những người mình sống chung, trong khi biết những giới hạn của mình. Người dân Mông cổ cần có sự tự do và sẵn sàng để đáp lại các câu hỏi; họ sẽ bỏ đi nếu chúng ta quá cưỡng ép họ và họ có khuynh hướng từ chối khi cảm thấy mình thúc bách quá. Do đó cần thời gian làm việc lâu dài và đón tiếp từng cá nhân. Khi có những điều kiện thích hợp, cần đi vào trọng tâm của các vấn đề, đừng luẩn quẩn trong những điều nhỏ nhặt, nhưng đi vào những điều thiết yếu của đức tin và tìm cách làm chứng tá bằng sự đơn giản. Vi lý do này, việc chú ý đến phụng vụ, giáo lý và rao giảng rất là quan trọng. Sứ điệp Tin mừng được loan truyền qua những điều này chứ không qua những khẩu hiệu hay những chiến dịch kèn trống.

Tuy là một Giáo hội bé nhỏ nhưng Giáo hội Mông cổ có thể mang lại sự tươi trẻ cho Giáo hội hoàn vũ. Việc loan báo Tin mừng sản sinh những tín đồ mới và những người này tạo thành cộng đoàn và trở thành những ánh sáng nhỏ trong lòng xã hội. Đây là nét đẹp của một Giáo hội được sinh ra, cố gắng tìm ra vị trí của mình trong xã hội và những điều Chúa Thánh Thần soi sáng. Cuộc gặp gỡ giữa Tin mừng và nền văn hóa, điều trước đây luôn xa cách nhau, giờ đây là điều tươi đẹp, đánh động và thu hút. Tất cả những điều này nhắc cho Giáo hội hoàn vũ rằng ở đây người ta sống như trong sách Công vụ Tông đồ: có những con đường mở ra và những con đường khác đóng lại. Đồng thời, tín hữu Công giáo Mông cổ cảm thấy hiệp thông với toàn thể Giáo hội và đặc biệt với Đức Giáo hoàng. Họ cảm thấy mình là một phần của gia đình rộng lớn hơn nhiều so với điều người ta nhìn thấy. (Asia News)
 
Hồng Thủy

(Radio Vatican 13/04/2018)