Sứ vụ Truyền giáo của Hôn nhân và Gia đình

06/06/2018
2609
Công đồng Vaticanô II, được gọi là Công Đồng của Chúa Thánh Thần. Công đồng được Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập trong bối cảnh Giáo Hội đang ở trong sự “an toàn” của một cơ cấu phẩm trật “cứng nhắc”; trong khi thế giới thì đang xảy ra những cuộc chiến tranh tàn khốc, cũng như con người chưa được nhìn nhận đúng với nhân phẩm của mình… Do đó, Công Đồng đã có sự “canh tân” khi cho thấy Giáo Hội cần phải “mở cửa,” phải “đi ra” để đến với muôn dân nhằm xây dựng thực tại Nước Trời ngay ở trần gian là hòa bình, phẩm giá, bình an và hoan lạc… Thực tại ấy sẽ được thành toàn trong Đức Giêsu Kitô.

Xây dựng thực tại Nước Trời và đưa mọi người đến với Vương Quốc của Thiên Chúa tình yêu, chính là nội dung của Tin Mừng, là bản chất của sứ vụ truyền giáo mà Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ là những vị đại diện cho Giáo Hội (x. Mt 28,19-20). Vừa là “thành phần” của Giáo Hội, vừa là “Giáo Hội thu nhỏ,” bậc sống hôn nhân và gia đình đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Đây là “điểm son” trong các văn kiện cũng như trong các phương thế mục vụ kể từ Công đồng Vaticanô II đến nay, cách đặc biệt trong triều đại của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và hiện tại với Đức Phanxicô.

Càng ngày, vai trò của hôn nhân và gia đình trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội càng cần thiết và hiệu quả hơn, đó cũng là động lực để tôi chọn đề tài: “Sứ vụ truyền giáo của hôn nhân và gia đình trong thế giới hôm nay.” Với đề tài này, tôi trình bày qua ba điểm sau: (1) Sứ vụ truyền giáo là gì? (2) Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội, (3) Hôn nhân và gia đình thi hành sứ vụ truyền giáo trong thế giới hôm nay.

1. Sứ vụ truyền giáo là gì?

Trước khi trả lời cho câu hỏi trên, thiết nghĩ chúng ta nên tìm hiểu về thuật ngữ “truyền giáo.” Trong tiếng Việt, từ “truyền giáo” thường được dùng đồng nghĩa với các từ như: truyền đạo, giảng đạo, truyền bá Tin Mừng, mở mang Nước Chúa… và ít nhiều ai cũng có thể hiểu được nghĩa của nó. Với ngôn ngữ Âu Châu, nghĩa của từ “truyền giáo” thì phức tạp hơn. Thông thường, người ta dịch từ truyền giáo từ chữ “mission” trong Anh ngữ và Pháp ngữ. Thế nhưng, từ “mission” lại không chỉ có nghĩa là truyền giáo mà còn có các nghĩa khác như: sứ mệnh, nhiệm vụ; đi công cán, công tác; phái đoàn; tòa công sứ, tòa đại sứ (Anh – Mỹ); sự truyền giáo, hội truyền giáo, khu vực truyền giáo; trụ sở của hội truyền giáo.1 Còn trong nguyên ngữ Latinh cũng như trong thần học, từ truyền giáo thường được dịch từ “missio” và được bắt nguồn từ động từ “mittere” có nghĩa là gửi đi, sai đi, phái đi. Do đó, từ truyền giáo có nghĩa là sứ vụ, sứ mạng.2

Cho dù còn nhiều tranh luận, nhưng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiếp tục theo Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vaticanô II, thể hiện trong Thông điệp Redemptoris Missio, đặt nền tảng của vấn đề truyền giáo xuất phát từ sứ vụ của Chúa Ba Ngôi, đến Giáo Hội và từng người tín hữu Kitô chúng ta.3 Mặc dù ở mỗi sứ vụ có sự khác biệt về hình thức, nhưng tựu trung sẽ không thay đổi về mục đích là: “phụng sự con người bằng việc tỏ ra cho họ tình yêu của Thiên Chúa được bộc lộ nơi Chúa Giêsu Kitô.”4 Theo cách nói khác, truyền giáo chính là rao giảng và mở mang Nước Chúa (Vương Quốc của Thiên Chúa) trên trần gian này,5 vì “Vương Quốc của Thiên Chúa là trọn vẹn dự án cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ và thể hiện.”6

Chính Đức Giêsu đã thiết lập Nước Thiên Chúa (Vương Quốc của Thiên Chúa) trên trần gian.7 Trong sứ vụ rao giảng, chính Đức Giêsu đã giới thiệu, mặc khải sự hiện diện và quang lâm của Nước Thiên Chúa cho dân chúng (x. Mc 1,15; Mt 4,17),8 không chỉ qua lời nói mà còn qua các dấu chỉ, Người cho thấy Nước Thiên Chúa đã đến (x. Lc 11,20; Mt 12,28).9 Điểm trọng tâm về bản chất của Nước Thiên Chúa là chính con người và sứ vụ của Đức Giêsu.10 Nên sau khi Đức Giêsu phục sinh và lên trời, sứ vụ rao giảng của các Tông Đồ không dừng lại ở Nước Thiên Chúa, mà luôn quy chiếu về chính Chúa Giêsu (x. Cv 2,22-39; 3,12-26; 4,9-12).11

Tóm lại, Nước Thiên Chúa (Vương Quốc của Thiên Chúa) ở đây phải được hiểu trong sự liên hệ với Đức Kitô và Giáo Hội, Nước ấy không phải là một khái niệm mơ hồ, một ý thức hệ, nhưng đó là một con người cụ thể được thể hiện qua lời nói, việc làm và sự hiện diện của chính Đức Giêsu Kitô (x. Mc 1,14-15; Lc 11,20;).12 Sứ vụ truyền giáo ấy, Giáo Hội đã nhận từ Đức Giêsu Kitô để tiếp tục rao giảng, đồng thời thiết lập về Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc.13

2. Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội

Truyền giáo đóng vai trò quan trọng nhất trong sứ vụ của Giáo Hội, vì đó chính là ý muốn của Chúa Cha và là sứ vụ của Chúa Giêsu (x. Lc 4,43).14 Chính Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các Tông Đồ sau biến cố phục sinh và trước khi về trời là phải ra đi truyền giáo (x. Mt 28,19-20).15 Các Tông Đồ đã mau mắn thi hành sứ vụ sau khi được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thúc đẩy và trợ lực vì Người chính là tác nhân chính của việc truyền giáo (x. Cv 1,8).16 Chính nhóm Tông Đồ mà Chúa Giêsu đã lập (x. Mc 3,13) là nền tảng của Giáo Hội, để qua Giáo Hội Chúa Giêsu muốn cho Nước Thiên Chúa được mở rộng đến với tất cả mọi dân tộc (x. Lc 4,43),17 cho mọi người được cứu độ (x. Lc 13,30; 1 Tm 2,4), nghĩa là được thông phần vào sự sống siêu việt của Ba Ngôi Thiên Chúa.18 Như vậy, sứ mạng truyền giáo chính là bản chất của Giáo Hội.19 Đó cũng chính là lý do cho sự hiện hữu của Giáo Hội, điều này cũng đồng nghĩa: “Nếu ngày nào Giáo Hội không truyền giáo thì đó không phải là Giáo Hội của Chúa Kitô.”20

Giáo Hội luôn ý thức rằng chính những lời của Chúa Giêsu đã nói: “Tôi phải loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa” (Lc 4,43), cũng hoàn toàn áp dụng cho đời sống và sứ vụ của mình.21 Đó cũng chính là bổn phận và trách nhiệm của toàn thể con cái trong Giáo Hội mà trong đó phần lớn là giáo dân.22 Người giáo dân được “sinh ra” qua Bí tích Rửa tội, đó là lý do nền tảng để gia đình Kitô hữu trở thành môn đệ truyền giáo.23 Mặt khác, vì gia đình Kitô giáo vừa là “nền tảng của xã hội,”24 vừa là một Giáo Hội “thu nhỏ”25, nên hôn nhân và gia đình sẽ tích cực tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội như Đức Phaolô VI nhấn mạnh, “người ta không thể không nhấn mạnh đến tác động truyền bá Phúc Âm hóa của gia đình trong công cuộc tông đồ truyền bá Phúc Âm hóa của người giáo dân […] gia đình phải là nơi truyền đạt Phúc Âm và chiếu tỏa Phúc Âm.”26

Giáo Hội phải truyền giáo, người tín hữu Kitô phải truyền giáo, nên người sống bậc hôn nhân và gia đình cũng phải truyền giáo.

3. Hôn nhân và gia đình thi hành sứ vụ truyền giáo trong thế giới hôm nay

Hôn nhân và gia đình phải thi hành sứ vụ truyền giáo theo căn tính của mình giống như Giáo Hội mà Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và lời chứng, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian về tội lỗi đồng thời soi sáng cho những ai đang kiếm tìm chân lý.”27

Như vậy, hôn nhân và gia đình sẽ thi hành sứ vụ truyền giáo qua gương sáng đời sống và lời chứng (lời rao giảng) của mình trong môi trường sống hằng ngày, dù cả hai có sự phân biệt nhưng không tách biệt. Vì thế, hôn nhân và gia đình cũng sẽ thi hành sứ mạng như Kitô hữu được chia sẻ nơi Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương đế.28

Sứ mạng ngôn sứ của hôn nhân và gia đình

Vì tham dự vào đời sống và sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, nên hôn nhân và gia đình sẽ thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình qua việc “đón nhận và loan báo Tin Mừng Nước Trời.”29Do đó, gia đình được mời gọi trở nên một cộng đồng tin và loan báo Tin Mừng.30

Đức Phaolô VI đã nói: “Giống như Giáo Hội, gia đình phải là nơi truyền đạt Phúc Âm và chiếu tỏa Phúc Âm. Trong một gia đình nhận thức được sứ vụ này, tất cả mọi phần tử cần phải truyền bá phúc âm hóa và cần được truyền bá phúc âm hóa. Cha mẹ chẳng những thông đạt Phúc Âm cho con cái của mình, mà bản thân họ còn nhận được từ con cái mình chính Phúc Âm họ hết sức sống theo nữa. Một gia đình như vậy trở nên một nhà truyền ba phúc âm hóa cho nhiều gia đình khác, và cho hàng xóm láng giềng chung quanh họ.”31

Gia đình là một cộng đồng tin và loan báo Tin Mừng từ nền tảng của Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Hôn phối.32 Vì thế, mọi thành viên trong gia đình được khuyến khích không ngừng đào sâu chiều kích đức tin và dành ưu tiên cho một sự giáo dục liên tục về chính đức tin của mình, qua việc lắng nghe và đọc Lời Chúa, học hỏi giáo lý, huấn luyện thiêng liêng, giúp đỡ nhau trong việc đọc ý nghĩa và những biến cố cuộc đời dưới ánh sáng của Tin Mừng.33 Những việc làm ấy phải được thể hiện cách liên lỉ trong cuộc sống thường ngày, bởi sống đạo cũng đồng nghĩa với loan báo, đây chính là sự ưu tiên trong chính sứ vụ của Giáo Hội. Như Đức Phaolô VI đã nói: “Con người tân tiến mong nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có lắng nghe các thầy dạy là bởi vì các vị thầy này là những chứng nhân.”34

Hơn nữa, bởi hôn nhân và gia đình được xây dựng trên nền tảng là tình yêu.35 Chính tình yêu giữa vợ chồng dành cho nhau trong hôn nhân tự nhiên là dấu chỉ giao ước giữa Thiên Chúa và dân người (x. Hs 2,21; Gr 3,6-13); cách riêng trong hôn nhân Kitô giáo, nó là dấu chỉ hay bí tích diễn tả tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5,21-34).36 Gia đình được xây dựng trên hôn nhân, chính tình yêu giữa vợ chồng với nhau và với con cái cũng như mọi thành viên trong gia đình phải trở nên sự phản ảnh của tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.37 Như vậy mỗi gia đình phải được nhìn nhận như một “cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu.”38 Chính căn tính này đã cho thấy được vai trò và bổn phận của hôn nhân và gia đình trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội là không thể thay thế.39

Đầu tiên phải kể đến vai trò của vợ chồng, giữa vợ chồng phải thể hiện tình yêu cách hoàn toàn, trung thành, kiên định và trao ban sự sống như giao ước hôn nhân đòi buộc. Chính khi vợ chồng sống tình yêu ấy cách trọn vẹn thì cũng chính là lúc họ đang minh chứng cho tình yêu nhiệm mầu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.40 Qua đó, mọi người sẽ nhận ra được dung mạo của Thiên Chúa tình yêu, khi đó vợ chồng đang là chứng nhân của Tin Mừng. Tình yêu giữa vợ chồng sẽ có sức mạnh loan báo Tin Mừng hơn nữa qua việc đón nhận, sinh sản và giáo dục con cái theo luật Đức Kitô và Giáo Hội.41 Là con cái trong gia đình, chúng phải có thái độ hiếu thảo, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ trong sứ vụ của các ngài… Nhờ đó, gia đình trở thành Phúc Âm sống động, một tổ ấm hạnh phúc mang lại niềm hy vọng cho mọi người.42

Không chỉ dừng lại trong môi trường gia đình, sứ vụ loan báo Tin Mừng phải được thể hiện ra bên ngoài qua tinh thần bác ái, hy sinh và phục vụ. Hôn nhân và gia đình phải tích cực tham gia vào các hoạt động khác của Giáo Hội và xã hội. Trong Giáo Hội, hôn nhân và gia đình ngoài việc chu toàn bổn phận người tín hữu Kitô, thì phải giúp đỡ cho các đôi bạn trẻ đang tiến tới hôn nhân gia đình, đồng hành với các gia đình trẻ, gia đình gặp bất trắc, dạy giáo lý cho trẻ em và cả người lớn, nuôi dưỡng và nâng đỡ các ơn gọi thừa sai…43Ngoài xã hội, hôn nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phù hợp với đức ái Kitô giáo, đồng thời cũng lên tiếng bảo vệ chân lý trước những gì đi ngược lại với nhân phẩm, với tự do, công lý và hòa bình…44 Tất cả với mục đích, hôn nhân và gia đình đang truyền đạt đức tin, thánh hóa và biến đổi xã hội hiện tại theo ý định của Thiên Chúa.45

Sứ mạng tư tế của hôn nhân và gia đình

Như Giáo Hội là dân tư tế,46 gia đình được Chúa Giêsu mời gọi và lôi cuốn vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa bằng các phương tiện của đời sống bí tích, của việc dâng hiến đời mình và kinh nghiệm thiêng liêng, trở thành của lễ và đền thờ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa (x. 1 Pr 2,5).47 Qua cuộc sống hằng ngày, hôn nhân và gia đình được mời gọi tự thánh hóa và thánh hóa cộng đồng Giáo Hội và thế giới.48

Ơn thánh hóa xuất phát từ Bí tích Rửa tội và được Bí tích Hôn phối lấy lại và chuyên biệt hóa, để nhờ mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô mà một lần nữa tình yêu vợ chồng được thanh tẩy và thánh hóa.49 Để ơn thánh hóa được hữu hiệu và kéo dài, gia đình phải không ngừng cầu nguyện, sống đời sống bí tích cách sâu xa và trung thành, nhất là qua Bí tích Hòa Giải50 và Thánh Thể.51 Gia đình cũng không được xem nhẹ vai trò của các giờ kinh nguyện, ưu tiên cho việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, tham dự các cử hành phụng vụ và giáo dục con cái trong đức tin. Những việc làm đó phần lớn là những việc làm đạo đức bình dân, nhưng nó là nhân tính của người tín hữu Kitô53 và mang một ý nghĩa đặc biệt trong sứ mạng truyền giáo, là sự biểu lộ và nuôi dưỡng đời sống đức tin của cá nhân, gia đình và Giáo Hội.54 Nhờ chu toàn các việc làm trên gia đình sẽ chu toàn được mục đích thánh hóa con người, xây dựng Thân Thể Chúa Kitô, thờ phượng Thiên Chúa và góp phần vào việc biến đổi thế giới.55

Để thánh hóa Giáo Hội và thế giới, gia đình cũng phải thực thi công bình bác ái đối với tha nhân, và vì là chủ thể dâng lễ vật lên cho Thiên Chúa, nên các việc bác ái hy sinh của gia đình sẽ có giá trị khi họ tạo ấn tượng tốt đẹp trong môi trường sống, đồng thời xin ơn cứu độ của Chúa xuống trên nhân loại.56 Đó là tự bản chất trong sứ mạng vương đế đòi hỏi nơi bậc sống hôn nhân và gia đình.

Sứ mạng vương đế của hôn nhân và gia đình

Ơn gọi của hôn nhân và gia đình là ơn gọi của tình yêu.57 Tiếp nối với Bí tích Rửa tội, Bí tích Hôn phối nêu lên một lần nữa luật tình yêu của Tin Mừng.58 Hơn nữa, trong sứ vụ của hôn nhân và gia đình vì được chia sẻ sứ mạng vương đế của Chúa Giêsu, nên hôn nhân và gia đình phải luôn ý thức về tinh thần hy sinh phục vụ trong tình yêu, như Chúa Giêsu đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).59 Qua đời sống và sứ vụ, Chúa Giêsu đã thực hiện mầu nhiệm tự hủy (kenosis) trong tình yêu cách tròn đầy (x. Pl 2,6-11). Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Tất cả “chứng tá tình yêu ấy chính là chứng tá và loan báo chính đức ái của Thiên Chúa, bởi vì hôn ước được phát sinh từ tình yêu của Thiên Chúa vì nhân loại, của Đức Giêsu cho Giáo Hội và hôn ước ấy là sự tái diễn mang tính chất bí tích.”60

Tuy nhiên, việc phục vụ con người từ phía hôn nhân và gia đình phải được thực hiện trước tiên từ trong chính đời sống của hôn nhân và gia đình mình, phải tạo nên dấu chỉ về Nước Trời trong môi trường gia đình.61 Điều đó được thể hiện qua tình yêu giữa vợ chồng, qua sự trung thành với hôn ước, chu toàn bổn phận làm cha, làm mẹ có trách nhiệm và quảng đại, chăm sóc và giáo dục con cái cách chu đáo.62 Hôn nhân và gia đình phải luôn ý thức và cố gắng chu toàn quyền lợi và trách nhiệm ấy vì, “gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô.”63

Khi nào hôn nhân và gia đình sống dựa trên nền tảng là đức ái, thì khi đó hôn nhân và gia đình đang thi hành sứ mạng truyền giáo của mình như Chúa Giêsu đã ra lệnh truyền: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34-35).

Hôn nhân và gia đình phải đóng một vai trò quan trọng trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, bởi “tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình.”64 Vì thế, nếu hôn nhân và gia đình không được truyền giáo và không truyền giáo, đó quả là một sự thiếu sót trầm trọng trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phức tạp như hiện nay như: tình trạng tục hóa, chủ nhĩa hưởng thụ, chủ nghĩa vô thần… đang gây ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc của hôn nhân và gia đình. Thế nhưng, chính trong thực trạng đó, bậc sống hôn nhân và gia đình càng được mời gọi để trở thành một cộng đồng yêu thương và hiệp nhất với nhau, trở thành một Giáo Hội thu nhỏ với việc chu toàn ba sứ vụ của Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương đế. Qua đó, bậc sống hôn nhân và gia đình góp phần vào sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội.

Để kết thúc phần trình bày, tôi xin được trích lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi nói về hôn nhân và gia đình trong sứ vụ xây dựng Nước Chúa ở trần gian: “Gia đình kitô hữu xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử qua các thực tại thường nhật liên hệ tới điều kiện sống của họ và là đặc điểm của điều sống ấy: từ đó chính ngay trong tình yêu hôn nhân và gia đình – được sống trong những giá trị phong phú phi thường và với những đòi hỏi của một tình yêu toàn diện, chuyên nhất, trung thành và phong nhiêu.”65

John Phạm

Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org
 _________________
GHI CHÚ
1 Từ Điển Anh – Việt, “Mission,” (Phần mềm Bkav eDict), http://www.edict.vn. 
2 Phan Tấn Thành, OP., “Thần Học Mục Vụ & Truyền Giáo,” (Ratio Vatican), http://www.simonhoadalat.com. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2017.
3 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ridemptoris Missio, số 1 (07.12.1990), nd. Lm. Cao Tấn Tĩnh, BLV. http://www.thoidiemmaria.net. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2016. 
4 Ibid., số 2. 
5 Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nutiandi, số 32.34 (08.12.1975) bd. Xuân Bích Việt Nam, https://xuanbichvietnam.wordpress.com. Truy cập ngày 06 tháng 5 năm 2015. 
6 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ridemptoris Missio, số 15.18. 
7 X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Dei Verbum, số 17 (18.11.1965), bt. Phân khoa Thần học – Giáo hoàng Học viện thánh Piô X, (Đà Lạt – Việt Nam, 1972), 508. 
8 X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 46. 
9 X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 12. 
10 X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 5. 
11 Sebastian Karotemprel (ED.), Bước Theo Đức Kitô Trên Đường Sứ Mệnh – Giáo Trình Truyền Giáo Học Căn Bản, cn. Lm. Ngô Quang Tuyên, (ĐCV. Bùi Chu, Tủ Sách Ra Khơi Bùi Chu, 2017), 116-117.
12 X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 5; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ridemptoris Missio, số 13-20.
13 Ibid. 
14 X. Tông huấn Evangelii Nutiandi, số 6.7. 
15 X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 3.
16 Ibid., số 4; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ridemptoris Missio, số 30. 
17 X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 5.
18 X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ridemptoris Missio, số 23;Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, số 38, bd. Ủy ban Bác ái Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2007), 54.
19 X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 2; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ridemptoris Missio, số 62.
20 X. Phanxicô, “Sứ Điệp Truyền Giáo Năm 2017” (04.6.2017), nd. Lm. Ngô Quang Tuyên, http://www.simonhoadalat.com. Truy cập ngày 06 tháng 12 năm 2017.
21 X. Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nutiandi, số 14; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ridemptoris Missio, số 9.
22 X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 33. 
23 X. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 119.120 (08.12.2013), nd. Lm. Nguyễn Văn Trinh, (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2014),  104-106. 
24 Gioan Phaolô II, Thông điệp Familiaris Consortio, số 42. (22.11.1981), bd. Ủy ban Mục vụ Gia đình – Hội đồng Giám mục Việt Nam, (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011), 108.
25 Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 11; Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, số 11.
26 Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nutiandi, số 71. 
27 Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 35. 
28 X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Familiaris Consortio, số 50. 
29 Đan Vinh, Cẩm Nang Đạo Đức Và Sinh Hoạt Gia Đình, (Hà Nội: Nxb.Tôn Giáo, 2009), 19.
30 Gioan Phaolô II, Thông điệp Familiaris Consortio, số 51. 
31 Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nutiandi, số 71. 
32 X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Familiaris Consortio, số 52. 
33 X. Hội đồng Giám mục Việt Nam – Văn phòng Thư ký (Lm. Nguyễn Văn Dụ), Hành Trình Tiến Đến Hôn Nhân – Dành Cho Người Hướng Dẫn, (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2006), 129-130.
34 Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nutiandi, số 41. 
35 X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium Et Spes, số 12. 
36 X. Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetititia, số 67-70 (19.3.2016), bd. Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2016), 71-82. 
37 X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium Et Spes, số 48; Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetititia, số 71-73. 
38 Gioan Phaolô II, Thông điệp Familiaris Consortio, số 50. 
39 Ibid., số 17. 
40 Ibid., số 51. 
41 Ibid., số 53. 
42 X. Hội đồng Giám mục Việt Nam – Văn phòng Thư ký (Lm. Nguyễn Văn Dụ), Hành Trình Tiến Đến Hôn Nhân – Dành Cho Người Hướng Dẫn, op. cit.,130. 
43 X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Familiaris Consortio, số 47.54; Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetititia, số 86-88. 
44 X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Familiaris Consortio, số 42-44.48. 
45 Ibid., số 52. 
46 X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9.10. 
47 X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, số 11.
48 X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Familiaris Consortio, số 55. 
49 Ibid., số 56. 
50 Ibid., số 58.
51 Ibid., số 57; Hội đồng Giám mục Việt Nam – Văn phòng Thư ký (Lm. Nguyễn Văn Dụ), Hành Trình Tiến Đến Hôn Nhân – Dành Cho Người Hướng Dẫn, op. cit.,130. 
52 Ibid., số 57-61. 
53 Ibid., số 62. 
54 X. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 122-126. 
55 X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 59. 
56 X. Đan Vinh, Cẩm Nang Đạo Đức Và Sinh Hoạt Gia Đình, op. cit., 19. 
57 X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium Et Spes, số 60. 
58 X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Familiaris Consortio, số 63. 
59 Ibid.
60 Hội đồng Giám mục Việt Nam – Văn phòng Thư ký (Lm. Nguyễn Văn Dụ), Hành Trình Tiến Đến Hôn Nhân – Dành Cho Người Hướng Dẫn, op. cit.,131. 
61 X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Familiaris Consortio, số 64. 
62 Hội đồng Giám mục Việt Nam – Văn phòng Thư ký (Lm. Nguyễn Văn Dụ), Hành Trình Tiến Đến Hôn Nhân – Dành Cho Người Hướng Dẫn, op. cit.,131. 
63 Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 35. 
64 Gioan Phaolô II, Thông điệp Familiaris Consortio, số 86. 
65 Ibid., số 50.