Người vô thần và người mất đức tin giúp ta trở thành những nhà truyền giảng Tin Mừng tốt hơn

26/11/2017
851
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy con số người vô thần và rời khỏi Giáo Hội Công Giáo ngày càng đông hơn. Nên các nhà truyền giảng Tin Mừng ngày nay không thể không cảm thấy bị thách thức bởi hiện tượng này. Mà dù có vô cảm đối với vấn đề này đi chăng nữa, các vị cũng được người ta nhắc nhớ khôn nguôi. 

Đó là trường hợp của linh mục Robert E. Lauder, giáo sư triết học tại Đại Học St John, tác giả cuốn Pope Francis’ Profound Personalism and Poverty (Resurrection Press) và loạt bài thuyết giảng “The Catholic Novel” trên YouTube. Cha kể lại: 

Sau các buổi thuyết giảng của tôi, đều có một ai đó, thường là một phụ huynh, đến nói với tôi một cách buồn bã về một người khác, thường là đứa con trai hay đứa con gái, không còn tìm được thích thú nào nữa trong đức tin Công Giáo. Mỗi lần như thế, họ đều để lại cho tôi nhiều câu hỏi khiến tôi phải vật lộn với chúng: làm cách nào cha có thể đem một ai đó trở về với đức tin? Làm cách nào cha có thể rao giảng tin mừng cho những người không còn tìm được chút giá trị gì trong mối liên hệ của họ với Thiên Chúa đầy yêu thương?

Gần đây, hai con người bất ngờ đã giúp tôi đào sâu và sắc bén hóa các câu trả lời của mình, tôi hy vọng thế. Một người hoàn toàn xa lạ. Còn người kia là bạn của tôi, một linh mục đã về hưu. Cả hai đều đã từ bỏ đức tin Kitô Giáo. 

“Con không tin Thiên Chúa”, một thanh niên tuyên bố như thế trong một buổi hỏi thưa nhân một bài nói chuyện của tôi về triết học nhân vị tại trụ sở Công Nhân Công Giáo ở Bowery, thuộc thành phố New York, cách nay vài năm. “Con không tin có đời sau. Con cũng không thèm dành thì giờ để suy nghĩ về các vấn đề này. Con không cảm thấy mình có xu hướng suy nghĩ về chúng, và con cảm thấy chẳng có lỗi gì. Con chỉ sống cuộc sống của mình”. 

Anh ta cùng với một nhóm nhỏ các sinh viên của một trường đại học Công Giáo tới dự giảng khóa của tôi, và tôi thấy anh là người can đảm dám nói lên quan điểm riêng của mình trước một cử tọa Công Giáo đông đảo. Tôi gần như lập tức nghĩ tới tiểu thuyết gia Walker Percy—nỗi bận bịu với điều ông gọi là “sự phiền muộn” (“the malaise”) và tình cảm qúy mến ông dành cho cha đẻ của chủ nghĩa hiện sinh, Søren Kierkegaard (1813-55).

Điều Percy gọi là sự phiền muộn thì Kierkegaard mô tả như một nỗi thất vọng (despair): bị mất hút trong cái hàng ngày, không có khả năng hay không sẵn lòng đối chất với các câu hỏi tối hậu. Kierkegaard nghĩ rằng mọi người đều sống một trong ba tinh cầu hiện hữu sau đây: 1) mỹ thuật, nghĩa là đắm chìm trong các khoái cảm giác quan của thế giới này mà không một chút ý thức gì về sự siêu việt; 2) đạo đức học, một thứ chủ nghĩa Khắc Kỷ (stoicism), chỉ nhấn mạnh tới bổn phận, dấn than và trung thành với luật lệ; và 3) tôn giáo, tức mối tương quan liên bản vị với Thiên Chúa, một mối tương quan đạt được không phải nhờ lý trí hay luận điểm hoặc chứng cớ mà là qua cái nhẩy vọt của đức tin. Người thực hiện bước nhẩy vọt này sẽ phải sống cách nào đó để làm chứng cho sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa. Chứng tá này vừa là một dấu hiệu vừa là một lời mời ngỏ với người khác. 

Trong phần lớn cuốn tiểu thuyết đầu tay của Percy, tức cuốn The Moviegoer, Binx Bolling, người kể chuyện và là nhân vật chính, sống trong tinh cầu mỹ thuật, nhưng luôn đi tìm kiếm. Anh nhận định: “biết mình có khả năng tìm kiếm là đã thấy mình đang đi tới một điều gì đó. Không đang đi tới một điều gì đó là đang thất vọng”. Cuối cùng, nhờ tương quan yêu thương với một công nương trẻ rất cần người khác, Binx đã làm một bước nhẩy vọt tới Thiên Chúa.

Lúc ấy tôi mong được nói chuyện với người sinh viên sau buổi giảng bài của tôi ở trụ sở Công Nhân Công Giáo, nhưng anh ta đã rời khỏi trước khi tôi được anh ta chú ý. Nếu có dịp, có lẽ tôi sẽ đối chất với anh ta bằng một số câu hỏi liên quan tới môn siêu hình mà tôi vốn đặt ra cho các sinh viên trong các lớp triết học của tôi: Anh nghĩ đời sống có ý nghĩa gì? Nếu không có Thiên Chúa, thì đâu là các hệ luận đối với đời sống? Nếu không có Thiên Chúa, há đời người chẳng phi lý hay sao? Nếu đời là phi lý, thì kinh nghiệm yêu và được yêu của anh là gì, và đâu là ý nghĩa của tương quan yêu thương? 

Tôi nghĩ không có gì sai đối với các câu hỏi trên, nhưng giờ đây tôi e rằng khi nêu chúng ra, dường như tôi là một nhà cải đạo chứ không hẳn một nhà truyền giảng Tin Mừng đối với người thanh niên này. Có lẽ tôi nghĩ tôi có thể lý luận khiến anh ta bước vào niềm tin. Sau khi suy nghĩ, tôi hiểu ra rằng truyền giảng Tin Mừng đòi hỏi nhiều hơn việc nêu lên các câu hỏi bằng lời nói. Kierkegaard nghĩ đúng: chìa khóa là làm chứng bằng chính đời mình. Không ai có thể làm bất cứ ai khác trở lại. Việc trở lại chân thực phải là việc của tự do. Khi tôn trọng tự do của người khác, ta mô phỏng Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên tự do của con người và tôn trọng sự tự do này.

Trong “Niềm Vui Tin Mừng”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết như sau về các nhà truyền giảng Tin Mừng: “Thay vì tỏ ra muốn áp đặt các nghĩa vụ mới, các nhà truyền giảng nên chứng tỏ mình là người muốn chia sẻ niềm vui của họ, hướng dẫn họ tới chân trời cái đẹp, và mời gọi họ tới bàn tiệc thơm ngon. Giáo Hội lớn mạnh không nhờ việc cải đạo, mà là ‘nhờ sự lôi cuốn’”. 

Đáng lẽ tôi phải nhớ các lời lẽ trên khi ngồi ăn trưa để chờ gặp một người bạn già, một linh mục đã về hưu. Khi thuật lại hành trình ra khỏi đức tin của mình, ông bạn tôi lý luận rằng niềm tin Kitô Giáo không tạo được bất cứ khác biệt cụ thể nào đối với đời một con người. Ngài bảo: “cha tin một vị Thiên Chúa có bản vị, còn tôi, tôi tin một năng lực hiện sinh. Việc này không tạo nên bất cứ khác biệt nào trong lối sống của chúng ta”. Tôi vội vàng đáp lại “dĩ nhiên là có. Tôi có thể liên hệ với một vị THiên Chúa có bản vị. Tôi không thể liên hệ với một năng lực hiện sinh”.

Tôi thấy vui khi nhận định của tôi làm ngài im lặng. Tôi có lời nói sau cùng, thắng cuộc tranh luận. Nhưng nhìn lại cuộc chuyện trò, tôi thắc mắc không biết ông bạn tôi có vô tình thách thức tôi phải trở nên một nhà truyền giảng Tin Mừng, một chứng tá, hơn là một nhà cải đạo không? Có phải bước đầu tiên trong tương quan truyền giảng Tin Mừng là người truyền giảng Tin Mừng phải được truyền giảng Tin Mừng hay không?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng Thiên Chúa là thành phần của đời mỗi người, cả những người không bao giờ nghĩ tới Thiên Chúa hay cho rằng mình đã mất hết đức tin vào Thiên Chúa. Trong cuộc phỏng vấn đăng trên tờ America hồi tháng Chín năm 2013, Đức Phanxicô nói thế này: 

“Tôi có sự chắc chắn của một tín điều là: Thiên Chúa hiện diện trong đời sống mọi người, Thiên Chúa quả hiện diện trong đời sống mọi người. Cha có thể, cha phải cố gắng tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi cuộc nhân sinh. Mặc dù đời sống một con người là mảnh đất đầy chông gai và cỏ dại, nó vẫn luôn có chỗ để hạt giống tốt mọc lên. Cha phải tín thác vào Thiên Chúa”.

Với “sự chắc chắn của một tín điều" trên, nhìn lại hai tương tác của mình, tôi không còn thấy chúng gây nản lòng nữa. Đối với một nhà truyền giảng Tin Mừng, nản lòng không phải là một giải pháp. Không, tôi không thay đổi được tâm trí của bất cứ ai. Nhưng có lẽ, dù chàng sinh viên trẻ và vị linh mục về hưu không hề có ý định, một cách gián tiếp, họ vẫn là những nhà truyền giảng Tin Mừng cho tôi. Tại sao không? Chúa Thánh Thần thổi đâu tùy ý Người.

Vũ Văn An