Câu Chuyện Truyền Giáo: “Cõng Vợ Đi Tìm Cái Chúa”

22/02/2018
2917
Mấy hôm nay, chiếc xe Win của anh chàng người H’Mông phải làm việc nhiều hơn bình thường, cứ ngày ngày anh lại đèo vợ, con nhỏ và người mẹ đi ra tìm “cái Đạo”, cái “Chúa”, chiều lại vượt thác bằng rừng 30 km đón nhau về. Việc đi lại sẽ chẳng vất vả đến thế, nếu như bà con được quyền mời chứng nhân của Chúa đến mục vụ!



Tôi đã ngẫm nghĩ rất nhiều trước khi đặt bút viết về câu chuyện mà mắt thấy, tai nghe này. Không phải chỉ lo việc viết thế nào cho hay, cho dễ hiểu, và lột tả hết cái vất vả của những “thợ gặt” trên cánh đồng truyền giáo. Quan trọng hơn là làm thế nào để khi viết lại câu chuyện mà các nhà chính quyền đọc xong, họ hiểu được khát khao trở về làm con Chúa của con người là hoàn toàn chính đáng, hay ít nhất cũng không gây khó khăn cho bà con giáo dân.

Chuyện là thế này, trong chuyến công tác vừa rồi, tôi có vào thăm một Linh mục đang coi xứ ở vùng cao. Nói là xứ, nhưng đến nay chính quyền chưa công nhận “Đạo”, nên chưa có nhà thờ, nhà xứ. Do đó, nơi làm việc và sinh hoạt của cha phải thuê của người dân, chỗ dâng lễ phải nhờ vào các gia đình… Chắc có lẽ vì còn khó khăn trong việc sống Đạo, nên trên đường tôi tìm hỏi vào nơi ở của cha đã có những ánh mắt dò xét, nghi ngờ của những người mà thoáng qua có thể đoán là anh cán bộ nào đó hay ít nhất không phải là người dân nơi đây.

Sau thời gian ngắn gặp lại, cha con tay bắt mặt mừng, trong khi chời đợi ấm nước trà, cha dẫn tôi đi thăm phòng, nói đúng hơn là căn gác nhỏ mượn của người dân, dưới gác là nơi ở của thầy dạy giáo lý, đồng thời cũng là nơi để áo lễ, và đồ dùng cá nhân. Quay trở lại bàn uống nước được kê tạm trên mấy tấm ván ngoài sân, nhấp chén nước trà, cha kể về công tác mục vụ trên vùng núi. Theo lời cha, khi xung phong lên làm cha xứ vùng cao, bản thân ngài cũng chưa lường hết khó khăn vất vả. Khó khăn nhất không phải là nơi ăn chốn ở mà là việc dâng lễ, thăm mục vụ giáo dân.

Mỗi lần đi dâng lễ, cha phải trình báo và xin phép từ tỉnh, huyện, xuống đến xã, rồi đến khi đi dâng lễ vào bản phải khai báo, kiểm kê đồ mang theo. Có khi đến sớm hơn giờ dâng lễ để giải tội, để thăm giáo dân nhưng lại bị mời ra xã “uống nước trà” vì chưa đến giờ?

Đời sống đạo còn khó khăn, nhưng cha nói: “Ơn Chúa, người dân khao khát được có lễ, được báo hiếu với Chúa”. Đang lúc cha con trò chuyện thì một anh người H’Mông trên chiếc xe Win đèo phía sau nào vợ, con và một người phụ nữ trung niên tiến gần về phía hai cha con. Họ chào cha bằng tiếng dân tộc, cha mỉm cười chào lại. Theo lời kể của anh chàng người H’Mông này, thì anh ở cách đây khá xa, nhưng mấy hôm nay, sáng nào anh cũng đèo vợ, con và mẹ ra đây để tìm “cái Chúa”. Đưa vợ ra nhưng anh chưa học, mẹ anh cũng chưa học mà chỉ ra bế con cho vợ học. Sau đó lại về đi làm nương, chiều lại đón vợ con và mẹ về. Ôi lạy Chúa!

Trước đây người dân chỗ anh không phải đi học Đạo, học giáo lý xa như vậy, bởi có thầy giáo lý viên cũng là người H’Mông. Nhưng nay thầy cũng đã bị trục xuất không được dạy giáo lý trong bản nữa, nên anh phải đưa vợ con ra đây để “tìm cái Chúa” thôi.

Câu chuyện tưởng chừng rất bình thường đó, khiến tôi nhớ đến hình ảnh hạt lúa mì rơi xuống đất trong bài Phúc Âm theo thánh Gioan 12, 20 - 33 “…Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt….”. Nguyện xin Chúa ban xuống muôn ơn cho các vị “chủ chăn” và những “con chiên” ở những nơi còn khó khăn trong việc giữ đạo, sống đạo và truyền đạo. Xin Chúa cũng mở lòng cho các nhà lãnh đạo, để họ biết tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mọi người, nhất là anh chị em đồng bào trên những vùng cao.
 
Giuse Hoàng Văn Lực

(Nguồn: giaophanhunghoa.org)