Ngày Hội Ngộ Di Dân Thanh Hóa Tại Miền Nam – “Đồng Hành Với Các Gia Đình Xa Quê”

07/05/2019
4563
Di dân Giáo phận Thanh Hóa tại Miền Nam đã bước sang năm thứ 14. Đến hẹn lại lên, đại hội di dân giáo phận Thanh Hóa tại miền Nam với chủ đề: “Đồng hành với các gia đình xa quê” tiếp tục được tổ chức tại nhà thờ giáo xứ Phú Trung,  Tgp. Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 01 tháng 5 năm 2019. 




Từ sáng sớm, sân nhà thờ Giáo xứ Phú Trung được bao phủ bởi nhiều sắc màu trang phục: từ trang phục công nhân, công sở, học sinh – sinh viên đến các màu tu phục của các cha, các thầy, các sơ là con cái của Giáo phận Thanh Hóa. Những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay thân mật được trao cho nhau sau những ngày xa cách đã nói lên tình huynh đệ thắm thiết, tình hiệp nhất của Giáo hội Công Giáo.


















Chương trình đại hội di dân năm nay gồm 03 phần chính:

Phần 1: Giờ tâm linh

Mở đầu chương trình là giờ phút hồi tâm do cha Phêrô Nguyễn Văn Trường, phó xứ Chính Tòa, phụ trách.  Khởi đi từ đoạn Tin Mừng theo thánh Matthew về dụ ngôn "Người mục tử tốt lành và con chiên bị lạc", cha Phêrô đã gợi lại cho cộng đoàn suy tư về  lòng thương xót của Thiên Chúa.

Qua việc đặt câu hỏi: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?”  (Mt 18,12), Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng Ngài yêu thương họ, sẵn sàng lên đường tìm kiếm và đưa họ trở về bên Ngài. 

Người dân xa quê, xa khỏi nếp sinh hoạt êm ấm của một giáo xứ, có thể tự coi mình như những con chiên có nguy cơ đi lạc vào giữa chợ đời ồn ào náo nhiệt và đầy cạm bẫy. Giờ phút này, Thiên Chúa đến với họ, ở bên họ và lắng nghe tâm tư của họ... Bởi vậy, mỗi người được mời gọi hãy tìm về với Chúa và nhận lấy tình thương của Chúa, để dù sống xa nhà, xa gia đình, nhưng tâm lòng  thì không  bao giờ xa Chúa.







Sau phần hướng dẫn của cha Phêrô, mỗi người tự xét lại bản thân để nhận ra những bất xứng và tội lỗi của mình, giục lòng thống hối và đến lãnh nhận bí tích Hòa Giải. Tòa Giải tội được đặt hai dãy song song bên ngoài nhà thờ để mọi người xếp hàng lần lượt lãnh nhận ơn tha thứ. 




Cao điểm của giây phút tâm linh chính là giờ Chầu Thánh Thể. Có lẽ cũng lâu lắm rồi giáo dân xa quê mới có những phút giây lắng đọng bên Chúa trong không khí đặc biệt của ngày hội ngộ di dân. Giữa một xã hội nhiều cạm bẫy, đời sống gia đình cũng gặp phải vô số những chao đảo khiến cho bữa cơm gia đình cũng giảm bớt niềm vui. Ước gì qua việc chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, mọi người sẽ tìm thấy được niềm vui sâu thẳm và bình an. 






Phần 2: Gặp gỡ chủ chăn

Sau những giây phút trầm lắng trong suy tư và cầu nguyện, đúng 9:30, không khí ngày hội ngộ chuyển sang trạng thái tưng bừng rộn rã. Cộng đoàn hân hoan chào đón Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường, Giám mục giáo phận Thanh Hóa, cùng quý cha từ giáo phận quê nhà đã đến với ngày hội di dân. Kèn, trống hòa với tiếng nhạc, điệu nhảy của các bạn sinh viên đã tạo nên một màn chào đón nồng nhiệt, sôi động, và đầy cảm xúc.   








Cha Phêrô Đỗ Minh Hoàng – phó Giám đốc trụ sở, Quyền Trưởng ban tổ chức ngày hội di dân giáo phận Thanh Hóa tại miền Nam, đã thông qua bản báo cáo công tác di dân của giáo phận Thanh Hóa trong 14 năm qua. Công tác di dân từ ngày còn non trẻ cho tới bây giờ đã đạt được những kết quả tốt đẹp nhờ việc bác ái, hành hương, dạy giáo lý và khích lệ tinh thần sống đạo của những con cái xa quê. 





Nói đến di dân là nói đến một mối lương duyên sâu sắc giữa giáo phận Thanh Hóa và giáo xứ Phú Trung, bởi vì ngoài giáo xứ Vườn Xoài và giáo xứ Phát Diệm, thì Phú Trung luôn là một địa điểm mà giáo phận Thanh Hóa chọn làm nơi tổ chức hội ngộ di dân trong những năm gần đây. Đại diện phía chủ nhà, cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng – Tổng thư ký Ủy ban Công lý và hòa bình cũng là cha chánh xứ giáo xứ Phú Trung đã phát biểu bày tỏ sự phấn khởi của ngài khi giáo xứ Phú Trung vẫn được chọn là nơi diễn ra đại hội di dân của giáo phận Thanh Hóa. Nhân dịp này, ngài cũng bày tỏ những suy tư, trăn trở của các vị mục tử đối với việc sống đạo của đoàn con cái xa quê.  




Chương trình gặp gỡ còn được góp vui bằng các tiết mục văn nghệ đến từ các nữ tu cộng đoàn Mến Thánh giá Tân Trang, ca sĩ công giáo Hồng Ân, quý sơ dòng Thánh Phaolô.
 









Cha Tôma Bùi Huy Cường – Chủ tịch ủy ban giáo lý giáo phận Thanh Hóa cũng từ quê hương vào đây, ngài đã chia sẻ với các tham dự viên về chủ đề cầu nguyện. Trong một cuộc sống với nhiều thứ “nhanh” như: đi nhanh, ăn nhanh, sống nhanh,…thì có lẽ chỉ có cầu nguyện mới là giây phút có thể níu kéo con người ta chậm lại để tĩnh tâm và suy nghĩ về Chúa và về tha nhân. 




Di dân năm nay cũng là năm đầu tiên Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường tham dự với tư cách là vị cha chung của đoàn chiên Thanh Hóa. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxico bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Thanh Hóa ngày 25 tháng 4 năm 2018. Là một vị chủ chăn của giáo phận, Ngài có những ưu tư, trăn trở, lo lắng cho con cái của ngài khi phải xa quê. Chia sẻ với anh chị em di dân, ngài đồng cảm với cuộc sống vật chất khó khăn họ đang trải và Ngài luôn mong mỏi con cái di dân luôn ý thức việc sống đạo, lan tỏa tình yêu Chúa khắp muôn dân.







Phần 3: Thánh lễ tạ ơn

Thánh lễ hội ngộ di dân giáo phận Thanh Hóa tại miền Nam được cử hành theo ý lễ Mừng kính Thánh Giuse thợ, là đấng bảo trợ của giới công nhân Công giáo. 



Mở đầu thánh lễ, Đức cha chủ tế kêu gọi cộng đoàn cùng hiệp ý với ngài dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và cầu xin Chúa tiếp tục ban muôn ơn lành xuống cho cộng đoàn con cái xa quê hương, đặc biệt là ơn đức tin và ơn chứng nhân Tin Mừng.  








Chia sẻ trong thánh lễ, Đức Cha Giuse mở đầu bằng một câu chuyện về kiếp người, con người chúng ta sinh ra là bắt đầu cuộc hành trình đi tới cái chết. Vậy chúng ta phải sống thế nào để không bị lãng phí khoảng thời gian sống ấy? Lời Chúa hôm nay chính là một bài học hướng dẫn cho chúng ta cách sống. Từ khởi nguyên, Chúa đã dạy con người hãy phát triển thế giới này, hãy sinh sôi nảy nở khắp mặt đất này thông qua việc lao động. Lao động là một ơn gọi, chúng ta được cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa. Thánh giá là biểu tượng cho sự lao động cần cù, khó khăn, nhưng sau khó khăn là vinh quang và chỉ có lao động thì con người mới nhận lại được vinh quang xứng đáng nhất. 

Nhìn vào con cái di dân, những người ra đi với hai bàn tay trắng, Đức cha kết thúc bài giảng: “Dù thân phận con người yếu đuối thể xác và cạm bẫy bủa vây nhiều nơi nhưng với một lòng tin tưởng vào Đấng bảo trợ là thánh Giuse thợ và nhờ lời cầu bầu của ngài lên cùng Thiên Chúa  thì dù có khó khăn nào, cha cũng luôn tin tưởng con cái Thanh Hóa vượt qua và đạt được kết quả tốt đẹp.





Thánh lễ kết thúc với nghi thức sai đi. Bảy bạn trẻ đại diện cho bảy giáo hạt của giáo phận Thanh Hóa tiên lên trước gian cung thánh. Đức cha trao cho những người đại diện cây nến cháy sáng và  cuốn Kinh Thánh. Ánh sáng Phục Sinh và Lời Chúa chính là những hành trang mà Mẹ Giáo Hội luôn mong muốn đoàn con cái mình đưa vào cuộc sống. 






Thánh lễ tạ ơn kết thúc vào giữa trưa nắng nhưng tình yêu thương giữa các cha và con cái ngày gặp lại đã làm quên đi cái nắng gắt của Sài Gòn vào khô. Những cái ôm, những cái bắt tay một lần nữa được lặp lại, nhưng không phải chào hỏi nữa mà là chào chúc nhau, tạm biệt và hẹn gặp lại mùa di dân năm tiếp theo.























Lặng thầm