Nơi đây không chỉ dạy nghề...

08/06/2018
927
Nằm trên một ngọn đồi thuộc khu phố Hưng Bình, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), từ nhiều năm qua, Trung tâm dạy nghề tư thục Kỳ Anh là nơi tin cậy với nhiều gia đình khi gởi gắm con em đến học. Đây là trường nghề duy nhất của dòng Don Bosco ở phía Bắc.
 
Trung tâm dạy nghề tư thục Kỳ Anh
Mái nhà của thanh thiếu niên

10 năm trước, chính phủ Tây Ban Nha, thông qua dòng Don Bosco, muốn tài trợ cho Việt Nam một trường nghề tại một địa phương nghèo. Thấy được sự thiện tình nơi chính phủ nước bạn và lợi ích trong tương lai, nhà nước đã cấp khu đất rộng hơn 4 hecta tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để mở trường, cùng tạo những điều kiện thuận lợi cho dự án được tiến hành.
 
“Phương châm đào tạo các học viên của trường là học phải đi đôi với hành, thực hành kỹ năng nghề nghiệp song song với việc giáo dục đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật và bảo đảm tính giáo dục toàn diện” -  Linh mục Tôma Trần Quốc Tuấn, SDB -  Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục Kỳ Anh.

Năm 2010, trường đã được gầy dựng tương đối đủ các cơ sở vật chất cần thiết cho việc học và khóa đầu tiên đã được khai giảng. Ngoài không gian học tập, nhà xưởng thực hành, nhà ăn, trường còn có sân chơi thể thao cùng khu ký túc xá rộng rãi vì phần lớn học viên đều ở nội trú. Đa số học sinh đến học nghề thuộc hoàn cảnh khó khăn, có những em phải nghỉ học sớm để phụ gia đình, cũng có em quậy phá, tính bỏ học nên cha mẹ gởi vào để nhờ các cha, thầy dạy thêm con chữ, hơn nữa là giúp con mình có cái nghề để tự lập trong tương lai… Dù nằm tại Hà Tĩnh nhưng chưa đến 1/3 học viên là con em địa phương, số còn lại đến từ Quảng Bình, Nghệ An hay xa hơn như Hà Nội, Thái Bình…
 
 Giờ thực tập của các học viên lớp kỹ nghệ sắt
Hiện tại trường đào tạo 6 nghề chủ lực bao gồm cơ khí chế tạo, cơ khí động lực, điện công nghiệp và điện nhà, kỹ nghệ sắt, may công nghiệp và may thời trang, tin học văn phòng. Mỗi năm tuyển sinh khoảng 120 em. Mỗi tháng, nhà trường thu phí là 1.500.000 đồng/người/tháng, bao gồm cả tiền học và ăn ở. Với trường hợp quá nghèo, Ban giám hiệu vẫn tìm cách hỗ trợ bằng suất học bổng, giảm học phí hay tìm kiếm việc làm thêm trong dịp hè để các em vừa nâng cao tay nghề vừa dành dụm thêm tiền trang trải cho năm học sau.

Dù eo hẹp về kinh phí nhưng trường vẫn cố gắng đầu tư, sắm mới những trang thiết bị cần thiết trong giảng dạy, để khi tốt nghiệp, học sinh khỏi bỡ ngỡ bởi dàn máy móc ngày càng hiện đại nơi những công ty, xí nghiệp. “Tất cả nhằm hướng đến việc giúp cho học viên có một nghề cơ bản để vững tin bước vào đời, bởi linh đạo của dòng Don Bosco luôn là thực thi bác ái, nhất là với đối tượng thanh thiếu niên”, cha Tôma Trần Quốc Tuấn, bề trên cộng đoàn, Giám đốc trường nghề Kỳ Anh cho biết.

Nơi rèn chữ, luyện đức

Để bảo đảm học sinh sau khi ra trường sẽ có bằng trung cấp nghề và được tốt nghiệp phổ thông, nhà trường còn liên kết với Trung tâm giáo dục thường xuyên thị xã Kỳ Anh cho những em chưa hết lớp 12 theo học. Sau khi tốt nghiệp, nếu có nhu cầu, học viên có thể liên thông lên Cao đẳng, rồi Đại học từ các trường mà nhà dòng có mối quan hệ. Bên cạnh tiêu chí đào tạo tay nghề có chất lượng, trường cũng đặt nặng việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cùng tác phong công nghiệp. Do đó thời gian biểu sinh hoạt của học viên được quản lý chặt chẽ. Đặc biệt tại đây thường có những buổi giáo dục nhân bản, chia sẻ kỹ năng sống do các cha, thầy trong dòng hướng dẫn. Ngoài ra còn có khóa huấn luyện để giúp định hướng nghề nghiệp, tạo kỹ năng điều hành nhóm và sinh hoạt cộng đồng. Mỗi tháng nhà trường có một chủ đề riêng để các sinh hoạt thêm phong phú.
 
Lớp may công nghiệp
Với sân chơi rộng rãi nằm ngay trong khuôn viên trường, sau giờ học, học viên sẽ giải trí qua các môn bóng đá, cầu lông, bóng bàn. Trường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thể thao, giao lưu văn nghệ, qua đó học viên có thể phát triển cả thể chất lẫn năng khiếu và xây dựng tinh thần liên đới, sẻ chia với nhau. Ban giám hiệu cũng đang dự tính nếu có đủ điều kiện, sắp tới sẽ mở một khu nhà đa năng để có thêm không gian giải trí. “Vì học viên hầu hết đang tuổi lớn nên cần được hoạt động nhiều, vì chơi sẽ giúp các em thêm phát triển bản thân”, cha Tuấn lý giải.

Chính nhờ được đào tạo vững vàng, trang bị các kỹ năng nên mỗi học viên luôn tạo được uy tín khi đi làm. Có những doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng, thấy được năng lực của học viên tốt nghiệp từ trường Tư thục Kỳ Anh, đã gọi điện đến xin thêm người. Không chỉ là tay nghề hay kiến thức, mỗi học viên ra trường còn mang theo trong hành trang cả sự tự tin và tinh thần đạo đức. Em Hoàng Thanh Long, học viên của trường nghề Kỳ Anh, ba năm trước đã tính chuyện nghỉ học vì quậy phá, lười học và không thi đậu vào lớp 10, nhưng khi được các tu sĩ dòng Don Bosco đồng hành, Long đã dần thay đổi, để giờ đây lấy việc học là mục tiêu cho cuộc sống. “Nếu ngày xưa làm biếng bao nhiêu thì nay em lại thích đi học bấy nhiêu. Chính những tháng ngày ở trường nghề Kỳ Anh đã truyền cho mình sự hăng say và biết nhìn về phía trước”, Long chia sẻ. Hiện em đang học lên Cao đẳng ở Sài Gòn. Còn các thầy trong dòng lý giải : “Có lẽ sự nhiệt tâm và tận tình của những người đang làm việc đã phần nào truyền đến các em nguồn cảm hứng”.

Khi tốt nghiệp, dù đi làm gần hay xa, các cựu học viên vẫn luôn giữ lại trong tâm khảm những ấn tượng đẹp về ngôi trường nghề Kỳ Anh một thời, như tâm tình của bạn Trần Dương Xuân: “Với chúng em, nơi đây như một gia đình”.

Võ Quới
(Theo website: cgvdt.vn)