Giờ Chầu Thánh Thể Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Trái Đất

25/03/2021
1728
Bài đọc : St 1,26-2,3.15

Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú tất cả mặt đất, và mọi giống vật bò dưới đất.” Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình; Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống bò trên mặt đất.” Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực.” Liền có như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người. Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.

SUY NIỆM

Từ mạc khải Thánh Kinh về trình thuật sáng tạo, chúng ta thấy được hình ảnh của một Đấng Tạo Hóa là Cha đầy tình thương. Thiên Chúa tạo dựng muôn loài không chỉ bằng quyền năng mà còn bằng một tình yêu cao cả. Như vậy, các thụ tạo hiện hữu mang một ý nghĩa nhiệm mầu và thâm sâu vì chúng phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa và sự hiện hữu tuyệt đối của Người.

Sự tốt đẹp của các thụ tạo được nhận thấy không những nơi mỗi loài, mỗi cá thể, mà còn nơi tổng thể công trình tạo dựng. Đó là sự phong phú với một trật tự hết sức hài hòa giữa các loài thụ tạo. Thiên Chúa tạo dựng có nghĩa là Người thiết lập một trật tự. Thiên Chúa đã phân chia công trình tạo dựng thành sáu ngày, điều này nói lên một lịch trình, diễn tả một trật tự theo từng cấp độ mà Thiên Chúa muốn sắp đặt cho các thụ tạo. Tất cả thụ tạo không ở trên cùng một bình diện, nhưng được phân chia theo cấp bậc, từ vật chất vô tri đến các loài thực vật, động vật và trên hết là con người. Tất cả đều xuất hiện đúng thời điểm của mình. Trình thuật sách Sáng Thế cho chúng ta thấy các thụ tạo hoàn hảo hơn xuất hiện sau các thụ tạo thấp kém hơn và con người là thụ tạo cao cả nhất của Thiên Chúa được Người cho hiện hữu sau cùng. Từ vị trí đặc biệt đó, con người cũng được Thiên Chúa giao cho một trách nhiệm đặc biệt đối với vũ trụ tạo thành. Vì được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, nên con người được giao cho quyền làm chủ toàn thể công trình tạo dựng. “Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26). 

Theo dòng chảy của thời gian, con người đã làm cho trái đất này ngày một tiến bộ. Việc phát triển khoa học và kỹ thuật, làm cho vũ trụ được khai mở thêm và thêm phần hoàn thiện, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Tuy nhiên, hậu quả của nguyên tội và tội lỗi của các thế hệ nhân loại đã làm cho con người vượt quá giới hạn của mình. Dường như con người đã giành quyền chủ tể của Thiên Chúa, cộng với tính tham lam của cải vật chất, từ đó họ đã làm đảo lộn phần nào trật tự vũ trụ, khiến cho kho tàng trái đất ngày càng trở nên kiệt quệ, môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Mẹ thiên nhiên đã phản ứng lại bằng những tiềng kêu gào ai oán bởi sự thờ ơ của con người. Tiếng thét gào đó được thể hiện qua những trận động đất, lũ lụt, sạt lở, nhiệt độ nóng lên…. Tất cả đều do lòng tham vô đáy của con người. 

Trong sứ điệp về ngày cầu nguyện cho môi trường và thiết lập Năm Thánh Trái Đất, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định rằng: “Ngày nay, lối sống của chúng ta thúc đẩy trái đất đi quá giới hạn của nó. Sự liên tục đòi hỏi tăng trưởng và cái vòng không ngừng sản xuất và tiêu thụ đang làm cho môi trường bị kiệt quệ. Rừng cây tan biến, đất đai bị xói mòn, cánh đồng biến mất, sa mạc lan rộng, biển trở thành a-xít và bão tố gia tăng cường độ: công trình sáng tạo đang rên xiết! Chúng ta cần tìm ra những lối sống quân bình và bền vững, trả lại cho trái đất thời kỳ nghỉ ngơi cần thiết, những sinh kế đủ cho mọi người, không phá hủy hệ thống môi sinh đang nâng đỡ chúng ta”.

Để làm được điều đó, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy khám phá lại căn tính của chúng ta trước trọng trách mà Thiên Chúa đã giao phó trong việc trông coi vũ trụ. Đức Thánh Cha nói: Khi nhấn mạnh con người là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta không được quên rằng mỗi thụ tạo đều có một phận vụ và không có điều gì dư thừa. Toàn bộ vũ trụ vật chất là dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa, sự âu yếm vô tận của Người đối với chúng ta. Đất đai, nguồn nước, núi non – tất cả đều là sự âu yếm của Thiên Chúa. Lịch sử tình thân với Thiên Chúa đều diễn ra trong một khoảng không gian địa lý, trở thành một dấu chứng hoàn toàn cá nhân và mỗi người trong chúng ta sẽ gìn giữ trong ký ức của mình các vị trí, mà khi nhớ lại sẽ đem đến những gì tốt đẹp. Ai đã lớn lên trong vùng núi, hay khi còn bé đã cố uống nước trong dòng suối, hay ai đã chơi trong một khu giữa thành phố, khi trở về chốn cũ, sẽ tìm lại được căn tính của mình.

Thiên Chúa đã viết một cuốn sách quý, “những dòng chữ của cuốn sách ấy là vô số những vật được tạo thành hiện diện trong vũ trụ.” Chiêm ngắm công trình sáng tạo giúp chúng ta khám phá trong mỗi sự vật một giáo huấn mà Thiên Chúa muốn trao cho chúng ta, vì “đối với người tin, chiêm ngắm công trình sáng tạo là lắng nghe một thông điệp, một tiếng nói trái ngược và thầm lặng”. Chúng ta có thể nói rằng “cùng với việc mạc khải chính danh được chứa đựng trong Kinh Thánh, có một sự thần hiện trong ánh sáng chói lọi của mặt trời và sự buông xuống của màn đêm”. Chú ý đến biểu hiện này, chúng ta học cách nhìn thấy chính mình trong tương quan với tất cả mọi loài thụ tạo khác. (x. LS s.85 - 86).

Trái đất cần được chữa lành những vết thương do con người mang lại. “Chúng ta bó buộc phải sửa chữa [trái đất] theo đức công bằng, đảm bảo cho những người đã cư ngụ trên một trái đất, qua bao thế hệ, có thể phục hồi hoàn toàn việc sử dụng nó. (LS 51). Chúng ta đang cùng với toàn xã hội hưởng ứng chiến dịch giờ trái đất như là việc làm có tính tạm thời để gây ý thức cho mọi người trong việc bảo về trái đất. Là những Ki-tô hữu, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta sống Năm Thánh Trái đất trên bình diện vĩ mô cả chiều kích thực hành và tâm linh. Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Năm thánh là thời kỳ phục hồi sự hòa hợp nguyên thủy của công trình sáng tạo và chữa lành những tương quan giữa con người với nhau bị thương tổn. Mùa này mời gọi tái lập những quan hệ xã hội công bằng, trả lại cho mỗi người tự do và tài sản của họ, tha thứ các món nợ cho người khác. Vì thế, chúng ta không được quên lịch sử bóc lột các nước nghèo đã tạo nên một món nợ rất lớn về môi trường, phần lớn do sự bóc lột các tài nguyên và sử dụng thái quá không gian môi trường chung để vứt bỏ những đồ phế thải tại đó. Về vấn đề này, tôi lặp lại lời kêu gọi xóa bỏ nợ nần cho những nước nghèo nhất, dưới ánh sáng ảnh hưởng nặng nề của các cuộc khủng hoảng y tế, xã hội, kinh tế các nước ấy đang phải đương đầu do đại dịch Covid-19. Cũng cần đảm bảo sao cho những biện pháp khích lệ để phục hồi, đang được đề ra và thực thi trên bình diện thế giới, miền và quốc gia, được thực sự hữu hiệu, với những chính sách, luật lệ và những đầu tư nhắm tới công ích, và với sự bảo đảm sao cho các mục tiêu xã hội và môi trường trái đất được theo đuổi”.

Mặc khải của Kinh Thánh Tân Ước không chỉ nói cho chúng ta về Chúa Giê-su trần thế, mối tương quan cụ thể và yêu thương của Người với thế giới, nhưng còn cho thấy Người đã sống lại và vinh hiển, Người hiện diện trong mọi thụ tạo với quyền Chủ Tể vũ hoàn: ‘Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá’ (Cl 1,19-20). Điều này hướng tầm nhìn của chúng ta đến tận cùng của thời gian, khi Người Con sẽ trao hết mọi sự cho Chúa Cha, để ‘Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài’ (1Cr 15,28). Các loài thụ tạo của thế giới này không còn xuất hiện trước mắt chúng ta dưới dáng vẻ thuần tuý tự nhiên nữa, vì Đấng phục sinh sẽ bao phủ chúng cách nhiệm mầu và hướng chúng đến sự viên mãn tận cùng. Những bông hoa ngoài đồng và những cánh chim trời mà Người đã chiêm ngắm giờ đây được mặc lấy sự hiện diện đầy vẻ uy linh của Người” (x. LS s.100).

Chúng ta cần nhìn nhận rằng, chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, trong việc bảo vệ anh em của chúng ta. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại Đấng Tạo Hóa, người Cha tốt lành ban phát cho mọi người và muốn chúng ta sống với nhau trong sự hiệp thông và thịnh vượng. Trái Đất đã phản ứng thế nào? Trái Đất không tha thứ: nếu chúng ta đã hủy hoại Trái Đất thì hậu quả sẽ rất tồi tệ.

Hiệp với muôn người thiện chí, chúng ta cùng chung lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha toàn năng, cùng với Con chí ái của Người và với Chúa Thánh Thần Đấng luôn hiện diện và mang sức sống cho muôn loại thụ tạo: 

Lạy Thiên Chúa toàn năng
Chúa luôn hiện diện trong vũ trụ
và ngay trong những thụ tạo nhỏ bé nhất của Chúa.
Chúa đã phủ đầy lòng từ ái trên tất cả những gì hiện hữu,
Xin gieo vào lòng chúng con sức mạnh của tình yêu Chúa,
để chúng con bảo vệ cuộc sống và vẻ đẹp muôn loài.
Xin đổ tràn bình an của Chúa vào lòng chúng con,
để chúng con có thể sống như anh em, chị em với nhau,
không tác hại cho bất cứ người nào.
Lạy Thiên Chúa của anh chị em nghèo khổ,
xin trợ giúp chúng con
để chúng con giơ tay cứu giúp những anh chị em bị bỏ rơi,
những người bị lãng quên trên trái đất này,
những người này thực sự luôn luôn có giá trị trước mặt Chúa.
Xin cứu chữa cuộc sống của chúng con,
để chúng con trở thành những người bảo vệ cho trái đất này,
chứ không phải là những kẻ cướp bóc,
để chúng con gieo những gì tốt đẹp
chứ không phải những thứ ô nhiễm và tàn phá.
Xin chạm đến tâm hồn những kẻ chỉ tìm thành công
dựa trên giá trị của người nghèo và của trái đất này.
Xin dạy chúng con
khám phá giá trị của vạn vật
và biết chiêm ngắm trong sự ngất ngây,
để nhận ra
chính chúng con cũng được liên kết sâu xa với tất cả thụ tạo này
trên con đường chúng con tiến vào ánh sáng vô tận của Chúa.
Xin tạ ơn Chúa vì Chúa hiện diện từng ngày với chúng con.
Chúng con nài xin Chúa nâng đỡ chúng con
trong cuộc chiến cho công bằng, tình thương và bình an. Amen.

“Lời kinh cho trái đất chúng ta” (Trích Trong Thông điệp Laudato Si’).

___________________
CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
Kinh Thánh ấn bản 2011, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nhà XB Tôn giáo, Hà Nội, 2011.
ĐGH PHAN-XI-CÔ, Thông điệp Laudato Si’, dịch giả Nguyễn Văn Trinh, Nhà XB Tôn Giáo, Hà Nội, 2015.
ĐGH PHAN-XI-CÔ, Sứ điệp Năm Thánh Trái Đất, dịch giả Nguyễn Minh Anh, nguồn: https://tgpsaigon.net/.