Người giáo dân và cuộc tranh luận quanh việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ

26/11/2017
896

Với việc công khai hóa bức thư của 4 vị Hồng Y gửi Đức Phanxicô để bày tỏ 5 điều hoài nghi về Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Niềm Vui Yêu Thương và các “đe dọa” sẽ chính thức “sửa sai huynh đệ” hoặc có thể tước mũ Hồng Y, nhiều người cho rằng Giáo Hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng thực sự. Và cuộc khủng hoảng này không thua gì cuộc khủng hoảng Ariô thế kỷ thứ tư.
 
Và cũng như cuộc khủng hoảng Ariô, vai trò của người giáo dân lại được trân trọng nhắc đến. Một vị giám mục (Đức Cha Schneider) còn công khai viết rằng: Thiên Chúa cần ‘người tín hữu tầm thường’để bảo vệ đức tin trong thời khủng hoảng này!
 
Bỏ qua một bên tính cách khủng hoảng nói trên, trong cuộc bàn luận quanh chương 8 của Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, nhất là mục nói về viễn ảnh những người Công Giáo ly dị và tái hôn có thể được rước lễ dù không sống như anh trai em gái mà vẫn sống như thể vợ chồng, người giáo dân tham dự có khi đông đảo hơn cả các vị chức sắc trong Giáo Hội, và đại đa số họ đứng về phía “bảo vệ truyền thống” chống lại khuynh hướng bị họ coi là lỏng lẻo của Niềm Vui Yêu Thương, ngoại trừ một ít người như giáo sư Buttinglione và tác giả Austen Ivereigh hết lòng bênh vực Đức Phanxicô và lối giải thích tông huấn dường như đi ngược lại giáo lý truyền thống.
 
Trong bài này, chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy các đóng góp của một số giáo dân nổi tiếng trên thế giới vào cuộc bàn luận sôi nổi hiện nay.
 
I. Phe chỉ trích
 
Tạm xếp vào loại chỉ trích các nhận định có tính giải thích Niềm Tin Yêu Thương theo chiều hướng nó không thay đổi truyền thống giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, nhất là tính bất khả tiêu của nó qua việc ngăn cấm người Công Giáo ly dị tái hôn rước lễ. 
 
1. Niềm Vui Yêu Thương không thay đổi giáo luật: người ly dị tái hôn không được rước lễ
Ngay khi Niềm Vui Yêu Thương được công bố, Edward N. Peters, một giáo dân phục vụ tại Tối Cao Pháp Viện của Tòa Thánh trong tư cách thẩm trình viên (referendary), đã nhận định ngay rằng: Niềm Vui Yêu Thương “không phải là một văn kiện lập pháp, nó không chứa đựng ngôn ngữ có tính lập pháp hay giải thích chân chính nào, và nó không thảo luận điều 915 của Giáo Luật”. Nên điều giáo luật này không thay đổi: các người Công Giáo trong các cuộc hôn nhân bất hợp lệ không nên rước lễ”.
Trong bài “The law before ‘Amoris’ is the law after” (Luật trước khi có ‘Amoris’ vẫn là luật sau đó), Peters bàn về điều 915 Bộ Giáo Luật, tức điều dạy rằng các thừa tác viên Thánh Thể không được cho rước lễ những người “cố chấp sống trong một tội nặng công khai”. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2384, dạy rằng cuộc tái hôn dân sự sau khi ly dị là “tội ngoại tình công khai và thường xuyên” nghĩa là một tội nặng hiển nhiên. Thành thử, nếu Đức Phanxicô muốn cho phép người ly dị tái hôn rước lễ, hẳn ngài phải thay đổi điều luật này. 
Muốn thay đổi như thế, theo Peters, các vị giáo hoàng thường sử dụng một số loại văn kiện như tông hiến, tự sắc hoặc ít nhất một số loại ngôn từ như “tôi chỉ thị” hoặc “tôi chấp thuận in forma specifica (dưới hình thức đặc biệt)”. Niềm Vui Yêu Thương không thuộc loại này và không bàn chi tới điều giáo luật 915. Kết luận là: bất cứ điều 915 dạy gì trước khi có Niềm Vui Yêu Thương, nó vẫn dậy như vậy sau đó, bao gồm việc: người Công Giáo sống trong các cuộc hôn nhân bất hợp lệ không được rước lễ. 
Đi vào chi tiết hơn, Peters đề cập tới ba vấn đề của Niềm Vui Yêu Thương:
a. Đức Phanxicô viết rằng “mỗi nước hay miền có thể tìm các giải pháp thích hợp với văn hóa của mình hay nhậy cảm với truyền thống và nhu cầu địa phương của mình” (NVYT số 3, và các số 199, 207). Nhưng sáng kiến địa phương không thể làm biến chất, huống hồ là phản bội giáo huấn phổ quát của Chúa Kitô và Giáo Hội.
b. Trong NVYT số 301, Đức Phanxicô viết: “Thành thử không được đơn giản nói rằng tất cả những ai sống trong bất cứ hoàn cảnh ‘bất hợp lệ’ nào cũng đều sống trong tình trạng tội trọng cả và do đó không có ơn thánh hóa”. Xem ra Đức Phanxicô muốn tấn công ý niệm cho rằng hoàn cảnh bất hợp lệ do cuộc tái hôn dân sự sau khi ly dị là một tội trọng. 
Peters cho rằng quả là sai lầm khi quả quyết rằng mọi người sống trong hoàn cảnh bất hợp lệ đều sống trong tội trọng. Nhưng nếu bảo rằng ta không thể quả quyết nữa rằng một cá nhân nào đó đang sống trong cuộc kết hợp bất hợp lệ có thể “đang sống trong tình trạng tội trọng”, thì điều này rõ ràng đi ngược lại truyền thống của Giáo Hội. 
c. Một số người đọc lời của Đức Phanxicô theo lối nhận vơ (eisegetical), bằng cách nghĩ rằng ghi chú số 351 trong NVYT và đoạn văn đi kèm cho phép người ly dị tái hôn rước lễ. Thực ra, Đức Phanxicô chỉ nói tới việc những cuộc kết hợp bất hợp lệ cần sự giúp đỡ của các bí tích, nhưng ngài không nói: mọi bí tích, và nhất là các bí tích họ không có tư cách lãnh nhận. Đã đành ngài bảo: tòa giải tội không phải là phòng tra tấn và Thánh Thể không phải là phần thưởng dành cho người hoàn hảo, mà là thuốc tiêng liêng, điều này đúng, chỉ trừ khi được lãnh nhận cách bất xứng hay lỗi luật, điều mà người Công Giáo nào cũng cần phải giả thuyết và vị giáo hoàng nào cũng thấy dù không nói ra.
Nhận định sau cùng của Peters hình như không hẳn là tâm thức của Đức Phanxicô, vì sau này, ngài khen các giám mục Buenos Aires đã giải thích đúng khi cho rằng có những trường hợp người ly dị tái hôn được rước lễ. 

2. Văn kiện của Đức Phanxicô có thể dẫn tới ly giáo
Cũng trong tháng Tư, một giáo dân nổi danh khác là Robert Spaemann, một trong các triết gia Công Giáo hàng đầu người Đức, người từng được Đức Gioan Phaolô II tin dùng và là bạn thân của Đức Bênêđíctô XVI, lên tiếng cho rằng Rước Lễ là một vấn đề ‘có hay không’ (yes or no question) và văn kiện của Đức Phanxicô mâu thuẫn với giáo huấn truyền thống của Giáo Hội và có thể dẫn tới ly giáo. 
Ông nói rõ hơn khi cho rằng phần lớn NVYT phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, nhưng một số tiết có thể bị đọc cách khác. Theo ông, số 305 cùng với ghi chú 351 kèm theo, “trực tiếp mâu thuẫn với số 84 tông huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolô II”. 
Số 305 này nói tới các người sống trong các hoàn cảnh “bất hợp lệ”, tức những người ly dị tái hôn. Đức Phanxicô viết ở đó rằng “vì nhiều hình thức điều kiện hóa và nhiều nhân tố giảm khinh, có thể có việc này: trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một hoàn cảnh có thể không thể qui tội một cách chủ quan, hoặc qui tội hoàn toàn như thế, một người nào đó vẫn có thể đang sống trong ơn thánh của Thiên Chúa, có thể yêu thương và cũng có thể lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, trong khi lãnh nhận ơn phù giúp của Thiên Chúa để đạt cùng đích này”. 
Ghi chú 351 viết thêm: “Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự giúp đỡ của các bí tích. Do đó, ‘tôi muốn nhắc nhở các linh mục rằng tòa giải tội không được trở thành phòng tra tấn, nhưng đúng hơn là một cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Thiên Chúa’ (Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng [24 tháng Mười Một, 2013], số 44: AAS 105 [2013], 1038). Tôi cũng muốn chỉ rõ rằng Thánh Thể ‘không phải là phần thưởng cho người hoàn hảo, nhưng là thuốc chữa mạnh mẽ và là của dưỡng nuôi người yếu đuối’”. 
Tông Huấn Familiaris Consortio năm 1984 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng những người ly dị tái hôn không nên rước lễ trừ khi họ sống “tiết dục hoàn toàn”. Tông Huấn dạy rằng điều này dựa vào truyền thống bắt nguồn từ Thánh Kinh: “Giáo Hội tái khẳng định thực hành của mình không cho phép các người ly dị tái hôn được rước lễ, một thực hành vốn dựa vào Thánh Kinh”. 
Spaemann cho rằng: “Ta không thể chờ mong việc người ta thưởng thức một bản văn tươi đẹp mà quên mất những đoạn văn chủ yếu có tính thay đổi giáo huấn của Giáo Hội trong một văn kiện giáo hoàng. Thực sự chỉ có một quyết định rõ ràng là có hay không. Cho rước lễ hay không cho rước lễ, không có chủ trương nào ở giữa cả”. 
Theo Spaemann, cánh cửa đã đóng đối với việc lãnh nhận các bí tích của những người tiếp tục sống trong các liên hệ tình dục, vì việc này “mâu thuẫn một cách khách quan đối với trật tự sống của Kitô Giáo”.
Ông bảo NVYT chịu ảnh hưởng của nền đạo đức hoàn cảnh vốn bị Đức Gioan Phaolô II kết án trong thông điệp Veritatis Splendor. Ông tiên đoán rằng sẽ có “bất trắc và hồ đồ” ở mọi bình diện của Giáo Hội, “từ các hội đồng giám mục tới vị linh mục bé nhỏ ở rừng sâu” và tình trạng này có thể dẫn tới ly giáo “ở ngay trái tim của Giáo Hội”. Ông nói thêm: mục tiêu chiếm được lòng người của Đức Phanxicô đã bị đánh chìm bởi văn kiện này trong một “thời gian có thể tiên đoán được”. 
Sau khi có việc công bố lá thư của bốn vị Hồng Y, Spaemann len tiếng ủng hộ các vị này, cho rằng các vị đã đi đúng đường và mong muốn nhiều người tham gia hàng ngũ của các ngài. 
Theo ông, Đức Đương Kim Giáo Hoàng vốn không thích đưa ra các “quyết định đòi phải nói có hay không”. Nhưng Chúa Kitô thường làm “cho các tông đồ kinh ngạc bằng tính đơn giản và sáng sủa của tín điều”. 

3. Song hành giữa lạc giáo Ariô và Niềm Vui Yêu Thương
Cũng ngay trong tháng Tư, Claudio Pierantoni, một giáo dân giáo sư từng dạy môn sử Giáo Hội và giáo phụ học tại Pontificia Universidad Católica và hiện dạy môn triết học trung cổ tại Universidad của Chile, lên tiếng so sánh giữa cuộc khủng hoảng Ariô và tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, qua hai kiểu nói mơ hồ “giống như Chúa Cha” (Ariô) và “trong một số trường hợp” của ghi chú 351 trong Niềm Vui Yêu Thương. Cả hai đều phát xuất từ cùng một ý hướng: cố tình mơ hồ. 
Hồi ấy, phe Ariô cố tình không muốn minh nhiên chủ trương rằng Chúa Con kém Chúa Cha, nên họ đã dùng kiểu nói “giống như Chúa Cha” để ai muốn hiểu thế nào thì hiểu nhưng chắc chắn có hàm một mức độ “bề dưới”. 
Pierantoni cho rằng chương 8 của Niềm Vui Yêu Thương cũng đã áp dụng cùng một chiến thuật khi dùng kiểu nói “trong một số trường hợp” những người trong các tình huống gọi là “bất hợp lệ” có thể được “sự trợ giúp của các bí tích”. Ông tự hỏi, đây là những trường hợp nào? Và ông đưa ra 4 giả thuyết để lần lượt bác bỏ:
a. Theo nguyên tắc của lối giải thích liên tục (hermeneutic of continuity), kiểu nói “trong một số trường hợp” cần được giải thích như để nói tới các trường hợp chuyên biệt đã được nhắc tới trong các văn kiện hiện đã có của Huấn Quyền, như "Familiaris consortio" (FC), là văn kiện quả quyết rằng có thể ban việc giải tội và rước lễ cho những người đang sống chung với nhau nhưng đoan hứa sẽ sống chung với nhau như anh trai em gái.
Lối giải thích trên dựa trên một nguyên tắc giải thích căn bản, xem ra không thể bác bỏ được; nhưng chẳng may, nó mâu thuẫn với ghi chú số 329, là ghi chú minh nhiên quả quyết rằng tác phong này (tức việc sống chung như anh trai em gái) có thể gây hại và do đó, nên tránh. 
b. “Trong một số trường hợp” có thể được giải thích theo một nghĩa rộng hơn, để chỉ việc chủ quan biết chắc tính vô hiệu của cuộc hôn nhân trước, với gải thuyết cho rằng, vì nhiều lý do riêng biệt, không thể chứng minh điều này trước tòa án. 
Trong những trường hợp như trên, rất có thể có việc này: ở cõi sâu kín của lương tâm, người ta cảm thấy không có lỗi gì trong cuộc kết hợp mới cả: Về phương diện học lý luân lý, việc này có thể được coi là phù hợp với Familiaris Consortio. Nhưng vẫn còn một khác biệt nền tảng về phương diện Giáo Hội học: Thánh Thể là một hành vi bí tích, công cộng, trong đó, người ta không thể xem xét một thực tại vốn tự tại vô hình và không thể kiểm chứng cách công khai được.
c. “Trong một số trường hợp” cũng có thể giải thích một cách rộng rãi hơn nữa để chỉ trách nhiệm chủ quan giảm khinh hoặc thậm chí triệt tiêu nữa, vì ngu dốt không biết luật, thiếu khả năng thấu hiểu luật hoặc “sức mạnh lấn át” (force majeure) mà trong những hoàn cảnh đặc biệt, mạnh đến nỗi “buộc” người ta phải sống chung “more uxorio” (kiểu vợ chồng), một việc do đó, không còn tạo ra tội trọng nữa; thực vậy, theo văn kiện, việc bỏ không sống chung nữa có thể tạo ra một lỗi nặng hơn. 
Ở đây, ta gặp các vấn đề còn trầm trọng hơn nữa về thần học luân lý. Ngu dốt và thiếu khả năng hiểu biết quả thực có khả năng giới hạn trách nhiệm bản thân: ấy thế nhưng nại đến chúng trong trường hợp này là điều phi lý, chưa kể là mâu thuẫn nữa. Vì văn kiện vốn nhấn mạnh tới một diễn trình và việc biện phân có hướng dẫn. Các diễn trình này hẳn phải chuyên biệt thiết kế sao đó để khắc phục sự ngu dốt và thiếu khả năng hiểu luật lệ. 
Còn về “sức mạnh lấn áp”, chắc chắn sẽ không hiển nhiên, mà còn mâu thuẫn với toàn bộ thánh truyền, và các tuyên bố có tính tín điều chính yếu khi cho rằng nó có thể biện minh cho việc thất bại, không tuân theo luật Thiên Chúa. Đã đành ta không nên tiên thiên loại bỏ điều này: có những hoàn cảnh đặc biệt trong đó tình huống có thể thay đổi hình sắc luân lý (moral species) của một hành vi mà bề ngoài xem ra vẫn là một, thậm chí một cách có ý thức và ý hướng: thí dụ, hành vi rời một đồ vật khỏi một ai đó có thể được giải thích không phải là một việc ăn cắp, mà là một việc giúp người này trong một vụ cấp cứu, hay như một hành vi ngăn ngừa một điều xấu hơn. Tuy nhiên, dù cho rằng điều này có thể áp dụng vào việc ngoại tình, ngăn trở dứt khoát đối với việc biện minh kiểu này là đặc điểm vĩnh viễn của tác phong tiêu cực khách quan, một tác phong dù có thể biện minh được trong một khoảnh khắc đặc biệt nào đó, vẫn không thể biện minh trong một tình huống ổn định, được chọn lựa một cách hữu thức. 
Dù sao, tính thành sự vẫn luôn cần được tôn trọng, như trong trường hợp nguyên tắc Giáo Hội học đã nói trước đây rằng dưới bất cứ hoàn cảnh nào, một điều, từ bản chất của nó, vốn thuộc cõi sâu nhiệm của lương tâm, cũng không thể trở thành hữu hình một cách ma thuật ở bình diện công cộng được.
d. Theo một nghĩa rộng rãi nhất, “trong một số trường hợp” có thể mở rộng để bao gồm mọi trường hợp có thật, cụ thể và thường xuyên mà một cách tổng quát ta vẫn có trong đầu, trong đó có một cuộc hôn nhân không có hạnh phúc, thất bại do hàng loạt các hiểu lầm và bất tương hợp và sau đó là một cuộc sống chung hạnh phúc ổn định với thời gian, trung thành hỗ tương v.v… (xem NVYT số 298). 
Trong những trường hợp như trên, xem ra kết quả thực tế, đặc biệt là khoảng thời gian kéo dài và hạnh phúc của cuộc kết hợp mới so với thời gian vắn vỏi và/hoặc sự bất hạnh của cuộc kết hợp trước, đã được giải thích như một thứ xác nhận tính tốt lành, và do đó, tính hợp pháp của cuộc kết hợp mới: trong đồng văn này (NVYT số 298), không hề có bóng dáng nào của việc xem xét tới tính thành sự của cuộc hôn nhân trước, việc thiếu khả năng hiểu biết hay “sức mạnh lấn át”. Thực vậy, ở số 300, khi nói phải xem xét tới việc biện phân trong các trường hợp này, người ta lại càng thấy rõ hơn: các vấn đề được thảo luận trong việc xét lương tâm và sự ăn năn liên hệ không là gì khác hơn là tác phong tốt hay xấu trước cuộc hôn nhân không thành công và thành quả tốt của cuộc kết hợp mới. 
Điều cũng rõ là “sự ăn năn”, hết sức có liên hệ ở đây, không hề liên quan tới cuộc kết hợp mới, mà liên hệ tới a) tác phong trong cuộc khủng hoảng trước đây, b) các hậu quả của cuộc kết hợp mới đối với gia đình và cộng đồng.
Bởi thế, điều hiển nhiên là văn kiện có ý hướng muốn vượt quá các trường hợp trong đó có sự chủ quan chắc chắn về tính bất thành sự của cuộc hôn nhân trước, ngu dốt, thiếu hiểu biết, “sức mạnh lấn át” hay bất lực cho rằng mình không thể tuân theo lề luật được.
Thành thử, nay ta thấy rõ: điểm chuẩn có giá rị để phán định tính “hợp pháp” của cuộc kết hợp mới chung cục chỉ là sự thành công thực tế và hạnh phúc trông thấy của nó, ngược với việc thiếu thành công và bất hạnh của cuộc hôn nhân trước: “tính hợp pháp” giả định này hiển nhiên là điều kiện tiên quyết để được lãnh nhận ơn tha tội và Thánh Thể. Hậu quả không thể tránh được là cuộc hôn nhân trước nay bị coi một cách mặc nhiên, nhưng công khai là không còn hiệu lực và do đó bị tiêu hủy: do đó, thực tế là nhờ thứ “chăm sóc mục vụ” này, cuộc hôn nhân được tuyên bố là khả tiêu. Cũng do đó, dù Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục dùng lời quả quyết tính bất khả tiêu của nó, nhưng trên thực tế, ly dị đã được du nhập. 
Pierantoni nhận định như sau về “đề xuất” hay “lối giải thích” nói trên: “Điều cũng rõ là nếu sự thành công của cuộc hôn nhân mới đủ để thiết lập ra tính hợp pháp của nó, thì ta cũng phải biện minh cho hầu hết mọi cuộc kết hợp mới: thực vậy, nếu cuộc kết hợp mới bị coi là không thành công, thì đâu cần phải mất công biện minh cho nó, người ta có thể thực hiện cuộc kết hợp tiếp theo, hy vọng nó sẽ thành công. Và cứ như thế thì đâu có khác gì với luận lý học ly dị!”.
Đối với Pierantoni, các điểm sau đây đáng lo ngại hơn cả:
- công khai không đòi những người sống chung phải tiết dục mới được lãnh nhận các bí tích như "Familiaris Consortio" đòi hỏi;
- loại bỏ các biên giới trước đây đã định rõ giữa sự chắc chắn của lương tâm và các qui định của Giáo Hội học về bí tích; 
- sử dụng các giới điều thương xót và không phê phán của Tin Mừng để biện minh cho chủ trương: trong Giáo Hội, không thể áp đặt việc kiểm trừng tổng quát lên các tác phong chuyên biệt, bất hợp pháp về phương diện khách quan.

4. Bác bỏ các tuyên bố có thể bị hiểu theo nghĩa đi ngược lại đức tin và luân lý Công Giáo
Qua tháng Sáu, một nhóm 45 học giả Công Giáo gửi một lá thư cho mọi Hồng Y, yêu cầu các ngài thưa với Đức Giáo Hoàng bác bỏ điều họ gọi là “một số lời tuyên bố có thể bị hiểu theo nghĩa đi ngược lại đức tin và luân lý Công Giáo”.
Lá thư dài 13 trang này, được dịch sang sáu ngôn ngữ, trưng dẫn 19 đoạn của Niềm Vui Yêu Thương mà họ cho “dường như trái ngược với các tín lý Công Giáo”. Các người ký thự gồm các giáo phẩm, học giả, giáo sư, tác giả và giáo sĩ của nhiều đại học Giáo Hoàng, chủng viện, cao đẳng, viện thần học, dòng tu và giáo phận khắp thế giới. 
Phát ngôn viên của nhóm là Joseph Shaw, một giáo dân và là một giáo sư triết tại Đại Học Oxford. Ông quả quyết: “chúng tôi không kết án Đức Giáo Hoàng lạc giáo, nhưng chúng tôi coi khá nhiều đề xuất trong Niềm Vui Yêu Thương có thể bị hiểu là lạc giáo theo lối đọc bản văn cách tự nhiên. Nhiều tuyên bố khác có thể rơi vào các kiểm trừng thần học (theological censures) lâu đời khác, như gây tai tiếng, sai lạc về đức tin, và mơ hồ…”.
Trong số các vấn đề được nêu lên, nhóm tin rằng Niềm Vui Yêu Thương “làm suy yếu” giáo huấn của Giáo Hội khi cho phép các người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được chịu các bí tích. Họ cũng tin rằng việc này mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội vốn dạy rằng mọi giới răn có thể được tuân giữ với ơn thánh của Thiên Chúa, và một số hành vi luôn luôn sai lầm. 
Theo Ông Shaw, các người ký thự hy vọng rằng “tìm được từ Đức Thánh Cha một bác bỏ dứt khoát các sai lầm trên, chúng tôi có thể giúp giảm bớt đi sự mơ hồ mà Niềm Vui Yêu Thương đã gây ra nơi các mục tử và tín hữu giáo dân”.
Sự mơ hồ trên, theo Ông Shaw, “chỉ có thể được đánh tan một cách hữu hiệu, nhờ một khẳng định không hàm hồ về giáo huấn Công Giáo chân chính của vị kế nhiệm Thánh Phêrô”.
Nội dung lá thư và tên những người ký thự thoạt đầu không được công bố. Theo Giáo Sư Shaw, các người ký thự cho công chúng hay sự hiện hữu của lá thư để “những người Công Giáo nào bối rối về một số câu tuyên bố trong Niềm Vui Yêu Thương biết rằng đang có các biện pháp để giải quyết các vấn đề nó nêu ra”.
Ông nói với LifeSiteNews rằng “các người tổ chức không muốn công bố các tài liệu này, vì chúng được gửi cho các vị Hồng Y và thượng phụ, những vị hết sức lý tưởng có tư cách xem xét chúng mà không sợ bị cuộc tranh luận công cộng quấy rầy”. 
Hơn nữa “các kiểm trừng là một tài liệu thần học chi tiết và có tính kỹ thuật có nội dung không sẵn sàng dễ hiểu đối với những người đọc không chuyên môn, và dễ bị trình bầy sai và hiểu sai. Công bố các tài liệu này sẽ gây trở ngại cho các vị Hồng Y trong nhiệm vụ của các vị qua việc tường thuật của truyền thông và những cuộc tranh luận và bút chiến thường kém hiểu biết do nó tạo ra”. 
Nhưng rồi ngày 18 tháng Bẩy, tờ Catholic Herald cho hay đã nhận được một bản của lá thư và tên các người ký thự. Tờ này bèn cho phổ biến nhiều chi tiết hơn nữa về lá thư, nhưng không đăng trọn lá thư này cũng như tên các người ký thự. Bốn ngày sau, tờ National Catholic Reporter cho đăng trọn danh sách các người ký thự. Và qua ngày 27 tháng Bẩy, Tess Livingstone cho đăng trọn tài liệu và tên các người ký thự trên trang mạng của tờ The Australian ở Úc. Cô vốn là người viết tiểu sử của Đức Hồng Y Pell nhưng cô không cho hay do đâu cô có được tài liệu này.
Giáo Sư Shaw quả quyết rằng các cơ quan trên không hề được phép đăng tải như họ đã làm. Trước tình thế này, ông cho hay: “Việc phê bình là công việc của một số học giả Công Giáo; họ lo âu rằng người Công Giáo có thể hiểu một số đoạn trong Niềm Vui Yêu Thương như đi ngược lại tín lý của đức tin Công Gáo. Chữa trị sự nguy hiểm này là tuyên bố có thẩm quyền và chung cục của Đức Giáo Hoàng nhằm quả quyết rằng các lối hiểu này không thể được người Công Giáo chủ trương, và Niềm Vui Yêu Thương không hề trình bầy chúng như các giáo huấn của huấn quyền hay buộc phải tin chúng. Hồng Y Đoàn có chức năng cố vấn Đức Giáo Hoàng… Thành thử, một tài liệu đã được soạn thảo trình bầy các nguy hiểm trầm trọng nhất của bản văn Niềm Vui Yêu Thương và gửi tới các vị Hồng Y và thượng phụ, cùng với một lá thư yêu cầu các vị thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng lên án các sai lầm có vấn đề”. 
Nhân cơ hội này, Ông cũng giải thích bản chất của kiểm trừng thần học: “nó chỉ có tính học lý chứ không có tính pháp lý, vì các người ký thự không hề có thẩm quyền để áp đặt bất cứ kiểm trừng pháp lý nào. Họ không nghi vấn đức tin bản thân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay cho rằng ngài đồng thuận với các đề xuất bị kiểm trừng… Mục đích của tài liệu này là để nhận được lời kết án các đề xuất này của Đức Giáo Hoàng”. 

5. Quyền của tín hữu Công Giáo 
Lá thư của nhóm 45 học giả trích giáo huấn của Thánh Tôma Aquinô rằng “bề dưới buộc phải sửa sai các bề trên của mình một cách công khai khi có nguy hiểm cận kề cho đức tin”. Họ cũng trưng dẫn bộ giáo luật dành cho Giáo Hội La Tinh rằng “các tín hữu Công Giáo có quyền và đôi khi nghĩa vụ, phù hợp với kiến thức, năng quyền, và vị thế của mình, phải làm người khác biết các quan điểm của mình về các vấn đề có liên quan tới lợi ích của Giáo Hội”. 
Thành thử, ở phần kết luận, họ quả quyết: “các nhà thần học Công Giáo có nghịa vụ nghiêm ngặt phải lên tiếng chống lại các sai lầm biều kiến trong văn kiện. Tuyên bố về Niềm Vui Yêu Thương này nhằm chu toàn nghĩa vụ ấy, và nhằm trợ giúp hàng giáo phẩm của Giáo Hội trong việc giải quyết tình thế này”.
Đi vào chi tiết, tài liệu của nhóm coi là đi ngược lại Thánh Kinh các tuyên bố cho rằng Giáo Hội “cương quyết” bác bỏ án tử hình, coi nó luôn luôn bất chính, người vợ không nên phục tùng chồng, và bậc sống đồng trinh không cao hơn bậc sống vợ chồng. 
Dựa vào Thánh Kinh và một số giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội, nhất là Công Đồng Trent, nhóm cũng kết án các gợi ý sau đây của Niềm Vui Yêu Thương:
Đối với một số người, sống phù hợp với các giáo huấn của Tin Mừng có thể là điều không thể làm được 
Không ai bị phạt sa hỏa ngục cả 
“Những người ly dị và tái hôn dân sự nào quyết định chọn tình huống của họ một cach hiểu biết hoàn toàn và với sự thuận tình trọn vẹn của ý chí không sống trong trạng thái tội trọng, và họ có thể lãnh nhận ơn thánh hóa và lớn lên trong đức ái”
“Một tín hữu Công Giáo có thể hoàn toàn biết rõ luật Thiên Chúa và tự ý phá bỏ nó trong một vấn đề nghiêm trọng, nhưng vẫn không rơi vào trạng thái tội trọng do kết quả của hành động này” 
“Một người hoàn toàn biết rõ luật Thiên Chúa vẫn có thể phạm tội khi quyết định vâng theo luật này” 
Lương tâm một người có thể “phán đoán đúng” rằng các tội tình dục bị Tin Mừng minh nhiên kết án “đôi khi có thể đúng về phương diện luân lý hay được Thiên Chúa yêu cầu hay ra lệnh” 
“Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, muốn rằng Giáo Hội bãi bỏ kỷ luật lâu đời từ chối không cho những người ly dị tái hôn rước lễ hay không giải tội cho họ nếu họ không biểu lộ sự ăn năn thống hối về lối sống của mình và cương quyết sửa sai lối sống này”
“Không có lỗi nặng vì trách nhiệm giảm bớt, những người ly dị và tái hôn dân sự không sống tách xa nhau, cũng không cam kết sống tiết dục hoàn toàn, nhưng vẫn ở lại trong trạng thái ngoại tình và đa hôn khách quan có thể được rước lễ”.
Tuy nhiên, nhóm vẫn cho rằng: “vấn đề của Niềm Vui Yêu Thương không phải là nó đã áp đặt các qui luật có tính trói buộc về luật pháp từ nội tại vốn bất chính hay giảng dạy một cách có thẩm quyền các giáo huấn có tính trói buộc mà bản chất thì sai lầm”.
Theo nhóm, “văn kiện này không có thẩm quyền ban hành các luật lệ bất chính hay đòi phải chấp thuận các giáo huấn sai lầm, vì Đức Giáo Hoàng không có quyền làm những điều này. Vấn đề của văn kiện này là nó có thể dẫn người Công Giáo đến chỗ tin điều sai lầm và làm điều bị luật Thiên Chúa ngăn cấm… Điều quan trọng về văn kiện này là hậu quả gây hại nó có thể có đối với niềm tin và đời sống luân lý của người Công Giáo”. 

6. Đức Giáo Hoàng có ý định thay đổi kỷ luật bí tích
Qua tháng Tám, một giáo sư người Áo, Josef Seifert, viện trưởng sáng lập của Hàn Lâm Viện Triết Học Quốc Tế, đưa ra một phê phán dài tới 28 trang nhằm yêu cầu Đức Phanxicô rút lại các “tuyên bố lạc giáo” của Niềm Vui Yêu Thương.
Ông nhấn mạnh rằng lời phê bình của ông được viết ra với lòng khiêm nhường và trung thành, không hề có mưu toan “tấn công Đức Giáo Hoàng, gây hại cho ngài hay bác bỏ tính hợp pháp của ngài”. Ông chỉ nhằm “hỗ trợ ngài và phụ giúp ngài trong bổn phận nền tảng của ngài là giảng dậy sự thật”. 
Theo ông, một số đoạn của NVYT ít nhất xem ra đối nghịch với Lời Chúa và giáo huấn của Thánh Giáo Hội Công Giáo về trật tự luân lý, về điều xấu từ trong nội tại và các hành vi vô trật tự, về các giới răn của Thiên Chúa và khả năng chu toàn chúng của ta với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa, về nguy cơ bị phạt đời đời, về tính bất khả tiêu của hôn nhân và tính thánh thiện của các bí tích Thánh Thể và Hôn Phối, cũng như về kỷ luật bí tích và việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội phát sinh từ Lời Chúa và truyền thống 2000 năm của Giáo Hội. 
Ông cho rằng các tuyên bố sai hoặc xem ra sai của Đức Giáo Hoàng đều cần phải khẩn cấp được sửa sai vì tính “tối thượng của sự thật”, một tính tối thượng từng buộc Thánh Phaolô công khai sửa sai vị giáo hoàng đầu tiên tức Thánh Phêrô. 
Theo ông, có những tuyên bố trong NVYT hàm hồ một cách nguy hiểm cần được soi sáng, nhưng nhiều tuyên bố khác đơn thuần là sai lầm cần được Đức Giáo Hoàng rút lại. 
Cũng như Pierantoni, Seifert khởi sự phân tích vấn đề chính tức: những cặp nào là “những cặp sống trong các tình huống bất hợp lệ” được NVYT cho phép lãnh nhận các bí tích như được đề xuất tại ghi chú 351? Và ông đưa ra bốn câu trả lời: không cặp nào cả, mọi cặp, một ít cặp và chỉ những cặp bước vào một “cuộc hôn nhân lương tâm” nghĩa là tuy không thể nhận được án vô hiệu, nhưng tin thật trong lòng rằng mình có đủ cơ sở để được án này. 
Đối với câu trả lời đầu tiên, không như Đức Hồng Y Gerhard Muller, Đức Hồng Y Raymond Burke và Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, Seifert cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ý định “thay đổi một điều gì đó trong kỷ luật bí tích” khi ở ghi chú 351, ngài cho phép một số cặp được lãnh nhận các bí tích trong khi cho tới nay họ tuyệt đối bị cấm. Nhưng điều này không thể xẩy ra vì vấn đề này thuộc truyền thống giáo huấn 2000 năm của Giáo Hội và nó trực tiếp phát sinh từ Lời Chúa. 
Seifer cho câu trả lời thứ hai là của những người như Cha Antonio Spadaro, S.J., Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, Đức Tổng Giám Mục (nay là Hồng Y) Blaise Cupich, cũng như Đức Hồng Y Christoph Schönborn. Ông gọi đây là chủ trương “triệt để, mâu thuẫn và tuyêt đối đi ngược lại giáo huấn truyền thống”. Vì nếu thế, thì có thể cho phép cả những người phá thai và các bác sĩ và y tá trợ giúp phá thai được rước lễ. 
Ông cho chủ trương này “hoàn toàn làm mất hết ý nghĩa của NVYT” và do đó “một tuyên bố rất rõ ràng và mau chóng của Đức Giáo Hoàng rằng lối giải thích này hoàn toàn sai lầm một cách triệt để là điều khẩn trương cần thiết và hết sức khẩn trương, nếu ta muốn tránh hỗn loạn hoàn toàn”. 
Seifert cũng bác bỏ cả hai lối trả lời sau. Ông không cho là thích đáng khi một linh mục đơn độc lại có thể là người phán định liệu một người về chủ quan có thiếu khả năng nhận ra tội mình phạm hay không. Ông cũng không tán thành ý niệm cho rằng có những cặp chỉ cần dựa vào lương tâm của mình để quyết định liệu cuộc hôn nhân bí tích đầu tiên có thành sự hay không. Cả hai đều dẫn tới chủ nghĩa duy chủ quan, gương xấu công khai và hỗn loạn. 
Giáo sư Seifert tỏ ra hết sức lo ngại, khi NVYT không hề nhắc đến những răn đe như “không kẻ ngoại tình nào được vào Nước Trời?”, “ai ăn và uống Mình và Máu Chúa Kitô cách bất xứng, là ăn và uống án phạt của riêng mình”. Trái lại chỉ biết tâng bốc những người ly dị tái hôn dân sự là “chi thể sống động của Giáo Hội”. 
Ông bảo “không nhắc một chữ đến răn đe, thậm chí còn chối bỏ chúng, là trực tiếp mời gọi các cặp đang sống một cách trực tiếp mâu thuẫn với Giáo Hội này ở lỳ trong sự mâu thuẫn này và nếu còn bảo đảm với họ thêm rằng ‘không ai bị án phạt đời đời’ nữa, thì, theo tôi, đây quả không phải là một hành vi thương xót mà là một hành vi bạo tàn”. 
Giáo sư Seifert, nhân dịp này, bênh vực việc một giáo dân phê phán một giáo hoàng. Ông đưa ra nhiều điển hình trong lịch sử Giáo Hội cho thấy người giáo dân giúp tay chống lại các lạc giáo. 
Điển hình là Hoàng Đế Constantine, người, theo giáo luật, chỉ là một giáo dân, nhưng năm 325, đã triệu tập Công Đồng Nixêa, công đồng chung đầu tiên của Giáo Hội, và đã tích cực tham dự, thuyết phục đa số các vị giám mục lúc ấy chịu ảnh hưởng của Ariô chấp nhận giáo huấn chính thống thừa nhận thần tính của Chúa Giêsu Kitô, qua việc từ bỏ công thức sai lầm cho rằng Chúa Kitô chỉ tương tự (homoiousios) như Chúa Cha, để công nhận công thức chân thực rằng Người đồng bản tính (homoousios) với Chúa Cha. Do đó, nhờ lời phê phán đa số các giám mục của một giáo dân mà tín lý chủ yếu của toàn bộ đức tin Kitô Giáo đã được duy trì. 
Điều cũng được Giáo Sư trưng dẫn là lúc ấy, Thánh Anatasiô, dù mới là phó tế, chưa là giáo sĩ hoàn toàn, cũng đã cùng vị giám mục của mình, trở thành người chủ đạo chống lại lạc giáo Ariô tại Công Đồng Nixêa và là người hết lòng ủng hộ chủ trương của Hoàng Đế Constantine tại Công Đồng này. Giáo Hội Coptic còn tin rằng chính Phó Tế Anatasiô đã soạn ra Kinh Tin Kính Nixêa. 
Sau này, Hoàng Đế Constantine thay đổi lập trường, muốn đưa ra một thỏa hiệp giữa phe Ariô và các Kitô hữu Nixêa, Thánh Anatasiô đã can đảm chống lại, dù không thành công và sau đó còn bị con trai của Constantine là Constantius II ép buộc các giám mục dự công đồng Arles phạt tuyệt thông. Ngược với Đức Liberiô, dù trước đây cực lực lên án Ariô, nhưng khi bị Constantius II bỏ tù, đã thỏa hiệp với Phe Ariô bác bỏ công thức của Nixêa và phạt tuyệt thông Anatasiô. Dù thế Anatasiô vẫn kiên trì, với 7 lần bị phát vãng và tuyệt thông, hàng ngũ giáo dân đã tiếp tục lên tiếng và nhờ thế các sai lầm đã được sửa chữa. 
Thánh nữ Catarina thành Sienna cũng đã sắc sảo nhưng dịu dàng phê phán các vị giáo hoàng Grêgôriô XI và Urbanô VI. Ngài viết cho Đức Giáo Hoàng Urbanô VI rằng: “người con thấy rõ rằng cha mình, người có bổn phận cai quản một gia đình lớn, chỉ có thể nhìn như một người nhìn, không hơn không kém. Nên nếu con cái hợp pháp của ông không sốt sắng quan tâm đến danh dự và phúc lợi của ông, chắc hẳn ông sẽ bị lừa nhiều lần. Thưa Đức Thánh Cha, sự thường là thế. Đức Thánh Cha là cha và là chúa của toàn bộ Kitô Giáo; chúng con ở dưới cánh thánh thiện của Đức Thánh Cha: về thẩm quyền, Đức Thánh Cha có thể làm mọi sự, nhưng về việc nhìn, Đức Thánh Cha chỉ có thể nhìn như một người nhìn; nên con cái Đức Thánh Cha cần phải trông chừng và quan tâm với những tấm lòng trong trắng và không sợ sệt của kẻ nô dịch trước những gì có lợi cho danh dự Thiên Chúa cũng như sự an toàn và danh dự của Đức Thánh Cha và của đoàn chiên dưới quyền săn sóc của Đức Thánh Cha. Và con biết Đức Thánh Cha rất muốn có người giúp đỡ Đức Thánh Cha; nhưng Đức Thánh Cha phải kiên nhẫn lắng nghe họ”. 
Thành thử khi thấy giám mục Rôma mắc sai lầm, người giáo dân, như Thánh Tôma Aquinô đã dậy ở trên đây, có quyền và nghĩa vụ phải phê phán “bằng tình yêu sự thật và Giáo Hội”. Chính Đức Phanxicô, ở ngay đầu triều giáo hoàng của ngài, cũng đã thúc giục mọi người đừng xu nịnh ngài hay nói dối ngài hoặc bênh vực các tuyên bố sai lầm. 

7. Năm điều hồ nghi
Đến tháng Chín, 4 vị Hồng Y chính thức nhập cuộc yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm sáng tỏ 5 điều hồ nghi (dubia) mà các ngài e ngại Niềm Vui Yêu Thương đang hướng dẫn sai một cách trầm trọng và gây ra lẫn lộn sâu xa.
Các Đức Hồng Y Carlo Caffarra, Raymond Burke, Walter Brandmüller và Joachim Meisner, cũng theo khuôn khổ của nhóm 45 học giả, bằng cách gửi lên Đức Giáo Hoàng và Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin một tài liệu gồm 5 câu hỏi và một lá thư đính kèm vào ngày 19 tháng Chín. 
Dubia (các điều hoài nghi) là các câu hỏi chính thức đệ lên Đức Giáo Hoàng nhằm để ngài trả lời “có” hay “không”, không cần phải lập luận thần học. Thực hành này vốn có từ xưa trong Giáo Hội Công Giáo nhằm đạt được sự rõ ràng sáng sủa về giáo huấn của Giáo Hội. 
Bốn Hồng Y cho hay: mục tiêu của các ngài là muốn được soi sáng “các lối giải thích trái ngược nhau” về các đoạn 300-305 của chương 8 trong Niềm Vui Yêu Thương, là các đoạn gây tranh cãi nhiều nhất liên quan đến việc cho phép một số người ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ khước trả lời 5 câu hỏi trên, khiến bốn vị Hồng Y liên hệ quyết định công bố hai tài liệu của mình vào tháng Mười Một. Các ngài cho rằng: các ngài đọc “quyết định tối thượng của ngài (Đức Phanxicô) như một lời mời tiếp tục cuộc suy tư và thảo luận, một cách thanh thản và kính trọng” do đó, đã quyết định thông tri “cho toàn thể Dân Chúa biết sáng kiến của chúng tôi và cung hiến cho họ mọi tài liệu của chúng tôi”.
Nhờ thế, mọi người được hay: câu hỏi đầu là câu hỏi thực tiễn liên quan tới các người ly dị và tái hôn dân sự; bốn câu hỏi sau liên quan tới các vấn đề nền tảng của đời sống Kitô hữu. 
a. Câu hỏi đầu hỏi: có phải “nay đã có thể” nhận cho chịu các bí tích các người ly dị tái hôn, dù họ vẫn tiếp tục các mối liên hệ tình dục, không “chu toàn các điều kiện” được dự liệu trong các giáo huấn trước đây, phần lớn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như tông huấn Familiaris Consortio năm 1981 của ngài về gia đình. Câu hỏi cũng hỏi thêm rằng liệu kiểu nói “trong một số trường hợp”, tìm thấy ở Ghi Chú số 351 (Đoạn 305) của Niềm Vui Yêu Thương có nên được áp dụng vào những người ly dị hiện sống trong một cuộc kết hợp mới và vẫn tiếp tục sống more uxorio (theo lối vợ chồng) không.
b. Câu hỏi thứ hai hỏi: liệu giáo huấn ở số 79, trong thông điệp Veritatis Splendor năm 1993 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “về sự hiện hữu của các qui luật luân lý tuyệt đối ngăn cấm các hành vi xấu từ bên trong và có tính trói buộc không trừ ai” có còn giá trị không.
c. Câu hỏi thứ ba hỏi rằng liệu, sau Niềm Vui Yêu Thương, ta “còn có thể quả quyết” rằng một người “quen sống mâu thuẫn với giới điều của luật Thiên Chúa, như giới điều ngăn cấm ngoại tình” chẳng hạn có đang sống trong một tình thế tội trọng liên miên một cách khách quan hay không.
d. Câu hỏi thứ bốn hỏi rằng liệu, dưới sự soi sáng của Niềm Vui Yêu Thương, giáo huấn của Veritatis Splendor rằng “các hoàn cảnh hay ý hướng không bao giờ có thể biến đổi một hành vi xấu từ bên trong nhờ đối tượng của nó thành một hành vi tốt ‘theo chủ quan’ hay như một lựa chọn có thể bào chữa được” có còn giá trị hay không. 
e. Câu hỏi cuối cùng hỏi liệu số 56 của Veritatis Splendor, tức số dạy “rằng việc nhấn mạnh rằng lương tâm không bao giờ được phép hợp pháp hóa các ngoại lệ đối với các qui luật luân lý tuyệt đối vốn ngắn cấm các hành vi xấu từ bên trong nhờ các đối tượng của chúng” có còn giá trị nữa hay không. 
Trong tuyên bố ngày 14 tháng Mười Một, bốn vị Hồng Y nhấn mạnh: các ngài hành động vì công lý và đức ái. Công lý, vì qua 5 điều hoài nghi này, các ngài tuyên xưng thừa tác vụ hợp nhất và củng cố đức tin của thừa tác vụ Phêrô; đức ái, vì các ngài muốn “trợ giúp Đức Giáo Hoàng ngăn ngừa các chia rẽ và tranh chấp trong Giáo Hội, khi yêu cầu ngài đánh tan mọi hàm hồ”. 
Các vị cũng cho hay các vị thi hành bổn phận của mình phù hợp với Điều 349 Bộ Giáo Luật: giúp Đức Giáo Hoàng ‘săn sóc Giáo Hội hoàn vũ’. Và các vị yêu cầu đừng coi sáng kiến của các vị “theo mô hình cấp tiến/bảo thủ”.
Động lực của các vị là “lợi ích đích thực của các linh hồn, luật pháp tối cao của Giáo Hội chứ không cổ vũ bất cứ hình thức chính trị nào trong Giáo Hội”. 
Các vị nài nỉ: “chúng tôi hy vọng không ai phê phán chúng tôi một cách bất công, như những kẻ thù của Đức Thánh Cha và là những người thiếu lòng thương xót. Điều chúng tôi đã và đang làm có gốc rễ sâu xa trong lòng âu yếm hợp đoàn vốn hợp nhất chúng tôi với Đức Giáo Hoàng và sự hết lòng quan tâm tới lợi ích của các tín hữu”. 
Trong lá thư gửi Đức Giáo Hoàng, các ngài muốn được soi sáng vì “các nhà thần học và các học giả đã đề xuất các lối giải thích” chương 8 của Niềm Vui Yêu Thương “không những khác nhau mà còn mâu thuẫn với nhau”. 
Thêm vào đó, truyền thông “nhấn mạnh tới cuộc tranh luận này, do đó gây ra bất trắc, lẫn lộn và mất hướng nơi nhiều tín hữu”. Vả lại, “nhiều giám mục và linh mục” còn nhận được “nhiều lời yêu cầu của tín hữu thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau muốn có lời giải thích chính xác” về chương này. 
Các ngài cảm thấy “bị thúc đẩy trong lương tâm” phải hành động vì “trách nhiệm mục vụ” của mình và vì các ngài muốn “thi hành nhiều hơn tính công đồng mà Đức Thánh Cha vốn thúc giục chúng con”.
Kết thúc bức thư, các vị kêu gọi Đức Thánh Cha “củng cố anh em mình trong đức tin, giải quyết các bất trắc và đem lại sự rõ ràng, từ nhân trả lời các câu hồ nghi mà chúng con đính kèm thư này”.

8. Một cuộc khủng hoảng gây di căn
Tuy nhiên, xem ra Đức Phanxicô, hoặc ít nhất, các phụ tá tin cẩn của ngài không nghĩ như thế. Đức Phanxicô chưa trực tiếp nói gì, nhưng các phụ tá tin cẩn của ngài vừa bác bỏ việc trả lời vừa tấn công ý hướng của các vị Hồng Y liên hệ.
Trong khi ấy, ngày 8 tháng Mười Hai, một số giáo dân đã tham gia nhóm 23 học giả Công Giáo lên tiếng ủng hộ bốn vị Hồng Y. Hai giáo sư giáo dân Joseph Shaw của Đại Học Oxford, Anh và Anna M. Silvas của Đại Học New England, Úc, những người từng tham gia nhóm 45 học giả trên đây, cũng đã tham gia nhóm mới này. Trong số thành viên, còn có giáo sư triết học Claudio Pierantoni, người vốn chỉ trích chương 8 của Niềm Vui Yêu Thương trong một cuộc tranh luận với giáo sư Rocco Buttiglione. 
Họ cho biết nay là thời điểm nghiêm trọng, có tính quá độ, tương tự như cuộc khủng hoảng do lạc giáo Ariô gây ra. Nhóm cho rằng khi lạc giáo Ariô đang lấn lướt, “đại đa số các giám mục, kể cả vị kế nhiệm Thánh Phêrô, đã chao đảo đối với thần tính của Chúa Kitô. Nhiều vị chưa hoàn toàn rơi vào lạc giáo; nhưng, bị lẫn lộn làm hoang mang và nhát đảm làm cho yếu đuối, họ đi tìm các công thức thỏa hiệp tiện lợi dưới chiêu bài ‘hòa bình’ và ‘hợp nhất’. Ngày nay, ta cũng đang mục kích một cuộc khủng hoảng gây di căn tương tự, lần này về các khía cạnh nền tảng của lối sống Kitô Giáo”.
Bản tuyên bố của nhóm nói rằng người ta chỉ đãi môi đãi miệng (lip service) bênh vực các giáo huấn như “tính bất khả tiêu của hôn nhân, tính tội lỗi khách quan trầm trọng của gian dâm, ngoại tình và kê gian, tính tháng thiêng của Thánh Thể, và thực tại hãi hùng của tội trọng”. Nhưng nhiều nhân vật chủ chốt đang ngầm phá hoại hay thực tế bác bỏ các tín lý này bằng cách “nhấn mạnh một cách cường điệu và một chiều tới ‘lòng thương xót’, ‘đồng hành mục vụ’, và ‘các hoàn cảnh giảm khinh’”. 
Nhóm kêu gọi các vị giám mục ủng hộ bốn vị Hồng Y vì cho rằng bốn vị đã nêu lên “các câu hỏi đi thẳng vào vấn đề và có tính tìm kiếm” và nếu Đức Giáo Hoàng không chịu tái xác nhận giáo huấn của Giáo Hội, thì các vị Hồng Y phải “tiếp cận ngài một cách tập thể để áp dụng một hình thức sửa sai anh em nào đó, trong tinh thần khuyên răn của Thánh Phaolô đối với tông đồ bạn của mình là Thánh Phêrô tại Antiôkia”.
Dịp này Giáo Sư Shaw cho hay: “chỉ có Đức Thánh Cha có quyền giải quyết sự hỗn độn hiện nay, và ngài khẩn thiết phải làm như thế vì lợi ích các linh hồn”.
Ông nói thêm rằng một số người tự nhận ủng hộ Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho hay: “Người Công Giáo nên cùng một lúc tin rằng giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và của mọi vị tiền nhiệm của ngài, vẫn đúng, nhưng không còn áp dụng được vào các hoàn cảnh cụ thể nữa. Đòi người ta tiếp nhận kiểu suy nghĩ nước đôi này không phải là hành động của một người cha tốt; mà là một việc lạm dụng người Công Giáo bình thường và sự thật. Bác bỏ lối bênh vực Niềm Vui Yêu Thương này không những là đòi hỏi của Đức Tin mà còn của sự lành mạnh tinh thần nữa”. 
 
9. Sử dụng sai Niềm Vui Yêu Thương
Một ngày sau, tức ngày 9 tháng Mười Hai, hai học giả giáo dân kỳ cựu là John Finnis, giáo sư luật và triết học luật pháp của Đại Học Oxford và Germain Grisez, giáo sư hưu trí về đạo đức học Kitô giáo của Đại Học Mount St. Mary’s University, Maryland, Hoa Kỳ, tiết lộ đã gửi một lá thư bỏ ngỏ lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẩn khoản yêu cầu ngài chấm dứt điều hai ông gọi là “việc sử dụng sai” Niềm Vui Yêu Thương để “hỗ trợ cho các sai lạc chống lại đức tin Kitô Giáo”. 
Hai ông Finnis và Grisez không cho rằng chính Niềm Vui Yêu Thương sai lạc, mà nhấn mạnh rằng văn kiện này bị sử dụng sai để phá hoại các giáo huấn Công Giáo. Với họ, các tuyên bố của các vị giáo hoàng “phải được giả thiết là nhất quán với nhau khi được giải thích cách thận trọng” và do đó, Niềm Vui Yêu Thương phải được đọc dưới sự soi sáng của các tuyên bố rõ ràng của các vị giáo hoàng trước đây nhằm khẳng định giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân.
Việc sử dụng sai này đã phát sinh ra tám đề xuất mà hai giáo sư Finnis và Grisez cho rằng người ta đang coi chúng nhất quán với Niềm Vui Yêu Thương, nên họ thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án chúng:
- Các linh mục có thể ban sự tha tội cho dù hối nhân không có ý định sửa đổi;
- Người ta có thể quá yếu đuối đến không thể vâng theo các giới điều của Thiên Chúa; 
- Không có luật luân lý nào mà lại không bao giờ có ngoại lệ; 
- Các luật luân lý chỉ là các lý tưởng, và quả là không hiện thực chút nào khi hy vọng chúng được chu toàn;
- Trong một số hoàn cảnh, tốt nhất là vi phạm luật luân lý; 
- Sinh hoạt tính dục chỉ sai nếu có người bị khai thác hay tổn thương; 
- Có thể tiêu hủy một cuộc hôn nhân đã thành sự; và
- Không ai bị kết án sa hỏa ngục cả. 
Điều đáng ghi nhận là giáo sư Grisez vốn là phụ tá của Cha John C. Ford, Dòng Tên, người đứng đầu phe thiểu số trong Ủy Ban Dân Số, Gia Đình, và Sinh Xuất của Đức Phaolô VI, để ngài viết thông điệp có tính tiên tri về Sự Sống Con Người năm 1968. Chính tham luận của phe thiểu số này, được Cha Ford và Grisez soạn thảo và trình lên Đức Phaolô VI, qua Đức Hồng Y Alfredo Ottaviani, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin lúc ấy, đã được nhận làm chủ điểm cho giáo huấn của Đức Phaolô về ngừa thai, một giáo huấn vẫn đã được các vị giáo hoàng cho tới nay tiếp tục duy trì.

II. Phe ủng hộ
 
Cho tới nay, chưa thấy có một nhóm giáo dân Công Giáo nào lên tiếng ủng hộ việc cho phép người ly dị tái hôn dân sự được lãnh nhận các bí tích. Nhưng người giáo dân nổi tiếng nhất lên tiếng ủng hộ việc này là chính trị gia kiêm giáo sư triết Rocco Buttiglione.

1. Chủ quan tính và việc định tội
Thực vậy từ hồi tháng Bẩy, trong Bài “Niềm Vui Yêu Thương và Sự Sửng Sốt Của Các Nhà Thần Học” (The joy of love and the consternation of theologians) đăng trên tờ báo chính thức của Tòa Thánh, tức tờ L’Osservatore Romano, Giáo Sư Buttiglione đã cho rằng có những trường hợp nên cho người ly dị và tái hôn dân sự được lãnh nhận các bí tích.
Theo ông, Sách Giáo Lý Rôma, tức sách Giáo Lý của Thánh Giáo Hoàng Piô X, vị giáo hoàng đấu tranh kịch liệt chống lại phe duy hiện đại, dạy rằng có ba yếu tố mới tạo nên một tội trọng: phải là một hành vi xấu từ trong nội tại hay đi ngược một cách trầm trọng với luật luân lý, nghĩa là phải là một việc hệ trọng. Các liên hệ tính dục ngoài hôn nhân chắc chắn đi ngược lại luật luân lý một cách trầm trọng. Điều này đúng trước khi có Niềm Vui Yêu Thương, điều này đúng trong Niềm Vui Yêu Thương và dĩ nhiên nó tiếp tục đúng sau khi đã có Niềm Vui Yêu Thương. Đức Giáo Hoàng không hề thay đổi tín lý của Giáo Hội. 
Nhưng Thánh Piô X còn dạy ta thêm: ngoài việc phạm một việc hệ trọng ra, muốn thành tội trọng, người phạm phải hiểu biết đầy đủ về cái xấu của hành vi mình phạm. Nếu ai tin chắc trong lương tâm rằng hành vi này không xấu một cách trầm trọng, thì nó chỉ xấu về chất thể (materially) nhưng với họ không bị kể là một tội trọng.
Cuối cùng, chủ thể hành động phải tự ý bằng lòng làm hành vi này. Điều này có nghĩa: họ phải được tự do hành động hay không hành động: nghĩa là được tự do hành động kiểu này hơn là kiểu kia, và không bị cưỡng ép bởi một nỗi sợ sệt buộc họ phải làm một điều khi họ thích làm một điều khác. 
Rồi Giáo Sư Buttiglione đưa ra một số điển hình cho thấy có những hoàn cảnh người ly dị tái hôn dân sự rơi vào trạng huống sống trong một tội trọng mà không hoàn toàn hiểu biết hay tự ý bằng lòng: một người đàn bà tuy đã chịu phép rửa nhưng chưa bao giờ được phúc âm hóa thực sự, bước vào một cuộc hôn nhân cách hời hợt, rồi bị người chồng bỏ rơi; một người đàn ông kết hợp với một người ông ta đang giúp đỡ một người đàn bà trong lúc gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Ông thành thực yêu thương người đàn bà này và trở thành một người cha tốt đối với các đứa con của người đàn bà từ cuộc hôn nhân đầu của nàng. 
Đối với các trạng huống trên, Giáo Sư Buttiglione cho rằng bạn có thể gợi ý để ông ta hay bà ta sống với nhau như anh trai em gái. Nhưng nếu họ từ chối sống như thế thì sao? Có thể có các khả thể sau: vào một lúc nào đó, một trong hai người tìm được vẻ đẹp của đức tin và được phúc âm hóa thực sự lần đầu tiên trong đời. Hay, cuộc hôn nhân đầu thực sự không thành sự, nhưng có những lý do hợp lý khiến họ không ra tòa án Giáo Hội được hoặc vì bất cứ lý hợp lý nào khiến họ không chứng minh được tính không thành sự của cuộc hôn nhân đầu… 
Nhưng Niềm Vui Yêu Thương thì sao, nó dậy gì? Giáo Sư Buttiglio bảo: có lẽ tốt hơn nên bắt đầu với những gì nó không dậy. Nó không dậy: người ly dị tái hôn dân sự cứ lặng lẽ bình thản lên rước lễ. Đức Giáo Hoàng mời gọi họ bước và tiếp tục bước con đường hoán cải. Ngài mời gọi họ tự vấn lương tâm và thổ lộ hết tình huống của mình. Ngài mời gọi hối nhân và vị giải tội cùng bước con đường biện phân tâm linh. Tông Huấn không nói ở điểm nào trên con đường này, họ có thể nhận ơn giải tội và tiến lên rước lễ. Nó không nói vì tính đa dạng của các tình huống và hoàn cảnh nhân bản thì quá bao la.
Con đường mà Đức Giáo Hoàng đề nghị với người ly dị tái hôn y hệt con đường Giáo Hội vẫn đề nghị với mọi người có tội: đến tòa giải tội, và vị linh mục, khi đã xem xét mọi hoàn cảnh, sẽ quyết định liệu có ban ơn giải tội cho hối nhân và cho phép họ rước lễ hay không.
Một lần nữa, Giáo Sư Buttiglione nhắc lại rằng: về phương diện khách quan, chắc chắn những người này đang sống trong trạng huống tội trọng, trừ trường hợp hôn nhân trước không thành sự. Nhưng liệu họ có hoàn toàn chịu trách nhiệm chủ quan và do đó có tội hay không lại là một chuyện khác cần được xem xét. Chính vì thế, họ cần phải tới tòa giải tội. 
Còn đối với vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II thì sao? Có mâu thuẫn hay đứt đọan gì không? Giáo Sư Buttiglione cho rằng NVYT không mâu thuẫn với Veritatis Splendor của Đức Gioan Phaolô II. Vì nó vẫn cho rằng có những hành vi tự chúng xấu như ngoại tình chẳng hạn, bất kể các hoàn cảnh đi kèm với chúng và ý hướng của người thực hiện chúng. Nhưng chính Thánh Gioan Phaolô II cũng chắc chắn rằng các hoàn cảnh có ảnh hưởng tới việc đánh giá luân lý về người chủ của hành vi, khiến họ trở thành có tội nhiều hay có tội ít đối với hành vi xấu một cách khách quan của họ. Không hoàn cảnh nào có thể biến một hành vi tự nó xấu thành một hành vi tốt, nhưng hoàn cảnh có thể tăng hay giảm trách nhiệm luân lý của người thực hành hành vi này. Đó là điều NVYT truyền dậy, thành thử không hề có thứ “đạo đức học hoàn cảnh” trong nó mà chỉ có sự cân bằng cổ điển của trường phái Tôma biết phân biệt giữa việc phán đoán hành vi và việc phán đoán người làm hành vi, trong đó, các hoàn cảnh giảm khinh hay miễn tội (exonerating) cần được xem xét.
Đối với Tông Huấn Familiaris Consortio số 84 và NVYT số 305, nhất là ghi chú 351, Giáo Sư Buttiglione cho rằng Thánh Gioan Phaolô II không cho phép người ly dị tái hôn dân sự rước lễ, còn Đức Phanxicô thì dậy rằng họ được phép trong một số trường hợp. Nhưng đâu có gì mà coi là mâu thuẫn?
Ta hãy đọc bản văn kỹ hơn một chút. Trước đây, người ly dị và tái hôn dân sự bị tuyệt thông và trục xuất ra khỏi đời sống Giáo Hội. Thứ tuyệt thông này đã không còn với Bộ Giáo Luật mới và Tông Huấn Familiaris Consortio, và người ly dị tái hôn dân sự nay được khuyến khích tham dự vào đời sống Giáo Hội và cho con cái được dưỡng dục theo Kitô Giáo. Đây quả là một quyết định can đảm tách ra khỏi một truyền thống lâu đời. Nhưng Familiaris Consortio vẫn dậy rằng người ly dị tái hôn dân sự không được rước lễ. Lý do là họ sống trong một trạng thái tội lỗi công khai tỏ tường và họ phải tránh gây gương mù. Các lý do này mạnh đến nỗi bất cứ hoàn cảnh giảm khinh nào cũng không được cứu xét.
Nhưng Giáo Sư Buttiglione nói rằng: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo ta nên xem xét các hoàn cảnh ấy. Sự khác nhau giữa Familiaris Consortio và NVYT chỉ có thế. Hiển nhiên, về phương diện khách quan, người ly dị tái hôn sống trong trạng huống tội nặng; Đức Giáo Hoàng Phanxicô không hề cổ vũ việc những người như thế được rước lễ, nhưng, giống mọi người có tội, được đến tòa giải tội. Ở đấy, họ sẽ kể hết mọi hoàn cảnh giảm khinh của họ và nghe vị giải tội xem dưới những điều kiện nào họ có thể được lãnh ơn tha tội”. 
Ông nhận định: “Rõ ràng, Thánh Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Phanxicô không nói cùng một điều nhưng các ngài cũng không mâu thuẫn với nhau về thần học hôn nhân. Đúng hơn, các ngài thi hành quyền tha buộc của Thánh Phêrô do Thiên Chúa ban một cách khác nhau trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Để hiểu điều này, ta hãy xem xét câu hỏi sau đây: có mâu thuẫn không giữa các vị giáo hoàng phạt tuyệt thông các người ly dị tái hôn và Thánh Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đã rút lại vạ tuyệt thông này?”
Giáo Sư Buttiglione đi xa hơn một chút khi quả quyết rằng: “các vị giáo hoàng trước ngài luôn biết rằng một số người ly dị tái hôn có thể đang sống trong ơn thánh Chúa do nhiều hoàn cảnh giảm khinh. Các ngài biết rõ rằng thẩm phán tối hậu chỉ có một mình Thiên Chúa mà thôi. Nhưng các ngài vẫn phải nhấn mạnh tới vạ tuyệt thông để củng cố chân lý bất khả tiêu của hôn nhân trong lương tâm đoàn chiên mình. Đây là một chiến lược mục vụ hợp pháp trong một xã hội phần lớn đồng thể (homogenous) vào thời đó, lúc ly dị là tình trạng ngoại lệ, người ly dị tái hôn rất ít… 
“Nay, ly dị là một hiện tượng thường xuyên hơn nhiều và có nguy cơ chối đạo hàng loạt nếu người ly dị tái hôn rời bỏ Giáo Hội và không cho con cái một nền giáo dục Kitô Giáo nữa. Chúng ta không còn sống trong một xã hội đồng thể. Nó dị thể nhiều hơn và rất linh động. Con số người ly dị đã gia tăng lớn lao cũng như những người trong các hoàn cảnh “bất hợp lệ” nhưng về chủ quan, có thể sống trong trạng thái ơn sủng; do đó, cần phải khai triển một chiến lược mục vụ mới. Vì lý do này, các vị giáo hoàng đã quyết định thay đổi không phải luật Thiên Chúa mà là luật của con người vốn nhất thiết đi kèm với luật Chúa, xét vì Giáo Hội là một thực thể nhân bản và hữu hình”. 
Chiến thuật mới có nguy cơ không? Giáo Sư Buttiglione cho rằng có. Có nguy cơ một ai đó sẽ rước lễ cách phạm thượng vì không ở trong trạng thái ơn thánh. Nếu thế, họ tự ăn và uống hình phạt của họ.
Nhưng chiến thuật cũ cũng có nguy cơ. Vì có những người bị tước mất sự nâng đỡ của bí tích mà họ có quyền được hưởng. Ông kết luận: “hãy để cho các hội đồng giám mục, các giám mục cá thể, và cuối cùng, để các cá nhân Kitô hữu, sử dụng các biện pháp đúng để tối đa hóa các lợi ích của đường hướng mục vụ này và tối thiểu hóa các nguy cơ. Dụ ngôn các nén bạc dạy ta phải chấp nhận rủi ro và có lòng tin vào sự thương xót”. 

2. Trả lời 5 điều hoài nghi của 4 vị Hồng Y
Thực ra, phe chỉ trích rất dễ đánh đổ các luận điểm của Giáo Sư Buttiglione. Các tác giả như linh mục giáo sư Robert Gahl, Cha Brian Harrison, Veronica A. Arntz đã lần lượt phân tích các điểm yếu trong luận điểm Buttiglione.
Cha Gahl chẳng hạn nhấn mạnh rằng trong diễn trình đồng hành và biện phân, người ly dị tái hôn “không hiểu biết” phải được giúp đỡ để hiểu biết rõ về tình trạng của mình. Nhưng Giáo Sư Buttiglione vẫn cho rằng nói như thế là chưa hiểu thấu đáo về lương tâm. Có những người dù được giảng dậy như thế, vẫn tin trong lương tâm rằng họ không có lỗi, và do đó, họ sống trong trạng thái ơn thánh… Điều này không được tác giả Arntz đồng ý vì cho rằng hôn nhân, theo Thánh Gioan Phaolô II, là một việc hoàn toàn tự nhiên, không con người tự nhiên nào mà lại không hiểu bản chất của hôn nhân, đến nỗi không chấp nhận lời giảng khuyên của diễn trình đồng hành và biện phân!
Hơn nữa, những điều Giáo Sư trình bầy về xã hội thay đổi, con số ly dị gia tăng, nguy cơ bỏ đạo để bênh vực việc nới rộng kỷ luật bí tích đến có thể đụng tới tính bất khả tiêu của hôn nhân và nền tảng của bí tích giải tội (quyết tâm sửa đổi) có thể cứu được một số người đi chăng nữa, nhưng sẽ làm lung lay đức tin của vô số người, đẩy họ vào chỗ bỏ đạo trên thực tế. Cái hại chắc chắn sẽ lớn lao hơn cái ích rất nhiều.
Lịch sử cho thấy chỉ một việc cử hành Thánh Lễ quay xuống hay quay lên, bằng tiếng La Tinh hay tiếng bình dân cũng đã đẩy hàng triệu người xa lánh Giáo Hội, đến nỗi dù nay ta hết sức lôi kéo những người này trở lại, họ vẫn dùng dằng “em chả, em chả”. Với sự “thay đổi chiến thuật” này, không phải mấy triệu người mà hàng trăm triệu người chính thức rời bỏ Giáo Hội và hàng trăm triệu người khác rời bỏ Giáo Hội trên thực tế. 
Giáo Sư Buttiglione hình như không sợ như vậy. Nên khi nghe 4 vị Hồng Y bầy tỏ 5 điều hồ nghi (dubia), ông không ngại lên tiếng chỉ trích, với tư cách một giáo dân, từng làm chồng, làm cha, đọc Thánh Tôma và năng đi xưng tội. 
Thực tế, ông cũng chỉ nhắc lại những điều đã viết trên đây để trả lời 4 vị Hồng Y. Như khi trả lời “dubia” thứ nhất rằng: liệu, trong một số trường hợp, có thể tha tội cho một người, dù còn bị trói buộc bởi cuộc hôn nhân trước, vẫn sống theo kiểu vợ chồng, nghĩa là tiếp tục làm tình trong cuộc kết hợp hiện nay, ông trả lời là có “như đã viết trong NVYT và được quả quyết trong các nguyên tắc tổng quát của thần học luân lý. Cần có sự phân biệt rõ ràng giữa hành vi tạo nên tội trọng và người làm hành vi, rất có thể bị trói buộc bởi các hoàn cảnh có thể giảm khinh trách nhiệm của họ đối với hành vi và trong một số trường hợp hoàn toàn loại bỏ trách nhiệm này”. Ông không nói gì tới việc đồng hành và biện phân. Nhưng ông đưa ra thí dụ: một người đàn bà hoàn toàn lệ thuộc một người đàn ông về tài chánh và tâm trí và buộc phải làm tình ngược với ý muốn mình. 
Trả lời “dubia” thứ hai rằng giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II trong số 79 của Veritatis Splendor – về sự hiện hữu của các hành vi xấu từ trong nội tại – có còn giá trị hay không, ông bảo: còn. Vì NVYT không nói đến việc lượng giá hành vi xấu mà lượng giá mức độ của trách nhiệm chủ quan.
Trả lời “dubia” thứ ba rằng có thể quả quyết những người vẫn sống như vợ chồng là đang sống trong tình trạng tội nặng hay không, ông bảo: câu trả lời có thể là “có” nếu là tội nặng (grave sin) chứ không phải tội trọng (mortal sin). Theo ông tội nặng được xác định bởi đối tượng (vấn đề nặng). Tội trọng trái lại được ấn định bởi hậu quả gây ra cho chủ thể (giết linh hồn). Mọi tội trọng đều là tội nặng nhưng không phải tội nặng nào cũng là tội trọng! Vì có những trường hợp vấn đề nặng không đi đôi với việc hiểu biết hoàn toàn và đồng ý hoàn toàn của chủ thể. 
Trả lời “dubia” thứ tư rằng giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II ở số 81 của Veritatis Splendor, tức số nói rằng: “các hoàn cảnh hay ý hướng không bao giờ có thể biến đổi một hành vi xấu từ bên trong do đối tượng của nó thành một hành vi tốt về phương diện 'chủ quan' hay có thể bênh vực được như một chọn lựa, có còn giá trị không, ông bảo: chắc chắn còn giá trị. Sống chung theo lối vợ chồng, chẳng hạn, bất kể ý hướng hay hoàn cảnh nào, vẫn luôn luôn xấu, đi ngược lại kế hoạch Thiên Chúa. Nó là một vết thương, nhưng có tử thương không? Thì ông bảo là không! Vết thương nặng này không gây tử thương. Hoàn cảnh không thay đổi bản chất của hành vi nhưng có thể thay đổi phán đoán liên quan tới trách nhiệm của người làm. 
Trả lời “dubia” thứ năm rằng giáo huấn ở số 56 của Veritatis Splendor, tức giáo huấn dạy rằng lương tâm không có một vai trò sáng tạo và không thể biện minh cho các ngoại lệ đối với các qui luật luân lý tuyệt đối, có còn giá trị không, ông trả lời: nó vẫn còn giá trị. Lương tâm nhìn nhận chân lý chứ không tạo ra chân lý, nó không thể thiết lập ra một qui luật hoàn toàn hoặc một phần đi trệch khỏi qui định của luật tự nhiên. NVYT không quả quyết bất cứ ngoại lệ nào đối với qui luật. Ngoại tình là một tội và hối nhân phải luôn nhìn nhận phần lỗi của mình và tìm cách làm cho tình trạng của mình phù hợp với qui luật. Nhưng họ có thể chỉ không hoàn toàn chịu lỗi vì thiếu khả năng hoàn toàn sống theo các nguyên tắc công lý và vì lý do này rơi vào tình huống có tội nhưng không phải là tội trọng (mortal). Khi bí tích được ban cho những người thấy mình sống trong tội nặng nhưng không phải tội trọng, thì đây không phải là một lời mời hối nhân cắt ngắn hành trình tiến tới nhân đức luân lý của họ, vì tưởng mình đã thoả đáng rồi. Đúng hơn, đây là một lời động viên để họ tiếp tục hành trình ấy. 
Ở đây, Giáo Sư Buttiglione đưa ra một thí dụ hơi lạ: giả dụ Ông Giakêu rơi vào hoàn cảnh không trả lại gấp bốn lần số tiền ông đã lấy của người ta, có thể vì ông đã trót phung phá hết mà cũng có thể là vì ông ta không đủ rộng lượng để làm thế, mà chỉ có thể trả lại nửa số tiền đã lấy của người ta, liệu ông ta có tôn trọng ý Chúa không? Giáo Sư Buttiglione bảo: có, do nửa số tiền ông trả lại, chứ không do nửa số tiền ông chưa trả. Cũng thế, những người đi lại con đường đức tin và chân lý và chỉ một phần sửa lại các lỗi lầm của mình có thể an tâm rằng họ đã hành động phù hợp với thánh ý Thiên Chúa bao lâu họ tiếp tục cầu nguyện với Người để Người ban cho họ ơn thánh giúp họ tiếp tục con đường thống hối cho tới khi nó được hoàn tất. Dọc con đường này, công lý và thương xót như hai người đi đường nâng đỡ nhau cùng đi hay như hai người phối ngẫu cùng nhau tìm cách giáo dục con cái họ sống trọn đời sống nhân bản và Kitô hữu.
Tóm lại, NVYT hoàn toàn phù hợp với tín lý và truyền thống thánh thiện của Giáo Hội và không hề mâu thuẫn với giáo huấn thần học của Đức Gioan Phaolô II cũng như các vị tiền nhiệm và kế nhiệm ngài. 
Nhưng theo Cha Brian Harrison, Giáo Sư Buttiglione, dù là một nhà hộ giáo rất có khả năng, vẫn khó có thể thành công khi cố gắng chứng tỏ rằng NVYT “đầy rối rắm lại có thể hoàn toàn cùng đường hướng với tín lý truyền thống Công Giáo”. 
Cha cho rằng thí dụ ông đưa ra để trả lời “dubia” thứ nhất không ăn uống gì tới vấn đề đang bàn: vì nếu người đàn bà làm tình “ngược với ý muốn của nàng” thì việc làm tình của nàng đâu phải là một hành vi nhân linh và do đó đâu có tội mà phải đi xưng! Đức Phanxicô đâu có nói thế, ngài nói tới những người tái hôn bất hợp lệ thuận tình sống với nhau như vợ chồng và muốn được giải tội và rước lễ. 
Cha Harrison cho rằng Giáo Sư Buttiglione hết sức hời hợt khi trả lời “dubia” thứ hai, có lẽ vì ông không nhận ra lý do khiến 4 vị Hồng Y “hồ nghi” điều này. Thực vậy, ở số 304 của NVYT, Đức Phanxicô không chỉ nói rằng việc quy tội ngoại tình đôi khi có thể giảm khinh bởi nhân tố chủ quan. Dường như ngài còn muốn nói: có thể có các ngoại lệ đối với chính lề luật. Vì ở đây, ngài nại tới một đoạn trong Summa (Ia IIae, Q. 94, a. 4) trong đó, Thánh Tôma không nói tới việc qui lỗi chủ quan mà nói tới các qui luật tổng quát của tác phong không áp dụng trong mọi tình huống đặc thù. Trong ngữ cảnh của chương 8 NVYT, dường như Đức Thánh Cha muốn hàm ý ở số 304 rằng dựa trên giáo huấn của Thánh Tôma, chúng ta có thể xếp luật luân lý ngăn cấm việc thân mật tính dục ở bên ngoài cuộc hôn nhân thành sự như là một trong “các luật hay qui định tổng quát” có thể có ngoại lệ trong các trường hợp đặc thù. Thực vậy, ở số trước đó, tức số 303, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng “lương tâm” của một người sống trong một mối liên hệ tính dục bất hợp lệ “có thể tiến tới chỗ thấy một cách tương đối chắn chắn về phương diện luân lý rằng [mối liên hệ này] là điều chính Thiên Chúa yêu cầu trong sự phức tạp cụ thể của các giới hạn của họ”. Vì Thiên Chúa không bao giờ “yêu cầu” ta làm một điều mâu thuẫn với chính các giới răn của Người, nên các hành vi tính dục đang bàn hẳn phải biện minh được một cách khách quan, chứ không chỉ bào chữa được về phương diện chủ quan. Nói cách khác, hình như ở các số 303-304, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn dạy một chủ đề mới gây kinh ngạc rằng “lương tâm” người ta có thể hợp lý khám phá ra các ngoại lệ thực sự, tự áp dụng cho chính họ, đối với luật Thiên Chúa ngăn cấm sự thân mật tính dục ở bên ngoài một cuộc hôn nhân thành sự. 
Hơn nữa, như nhiều học giả của trường phái Tôma đã chỉ rõ, Thánh Tôma không quả quyết cũng không hàm ý cho rằng điều trên có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, nên việc nại tới thẩm quyền của ngài trong số 304 là điều lầm lẫn. Ở đây, ở Câu Hỏi 94, mục 4, thánh nhân chỉ tập chú vào các giới điều tích cực của luật tự nhiên; các giới điều này dĩ nhiên đôi khi có ngoại lệ. Điều này rõ ràng ngay trong thí dụ điển hình đã nêu ra: dù luật tổng quát dạy rằng “các của cải ủy thác cho một người khác phải được phục hồi lại cho người sở hữu chúng”, nhưng có những hoàn cảnh, thánh nhân nói thế, trong đó, không nên làm như thế: thí dụ, nếu ta biết rõ thứ khí giới cho mượn có thể được sử dụng cho một mục đích xấu nếu được hoàn lại cho người sở hữu nó lúc ấy. Thánh Tôma không bao giờ gợi ý là có những ngoại lệ cho các giới điều tiêu cực như “ngươi đừng ngoại tình”. Thực vậy, ngay ở mục tiếp theo, tức mục 5 của cùng Câu Hỏi 94, Thánh Tôma cho biết rõ: ngay mạc khải đặc biệt bảo tiên tri Hôsêa “lấy người vợ gian dâm” cũng không được hiểu như một ngoại lệ đối với luật Chúa cấm ngoại tình.
Chỉ với việc phân biệt giữa tội nặng (nặng khách quan) và tội trọng (chủ quan mất ơn thánh hóa) khi trả lời “dubia” thứ ba, theo Cha Harrison, Giáo Sư Buttiglione cũng đã không nắm được lý do khiến 4 vị Hồng Y “dubia”. Vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi đề cập tới những người Công Giáo ly dị và tái hôn bất thành sự mà vẫn tiếp tục tích cực hoạt động tính dục, đã đưa ra một tuyên bố gây ngỡ ngàng ở số 301 rằng một số những người này có thể “ở trong một tình huống cụ thể không cho phép họ hành động cách khác và quyết định cách khác mà không phạm tội thêm”. Nếu đối với những người trong “tình huống cụ thể” ấy mà từ chối không làm tình với người bạn tình không phải là người phối ngẫu thực sự của mình là điều có tội, thì mối liên hệ tính dục tiếp tục của họ quả thực không phải là “một tình huống khách quan của tội nặng thường xuyên” nữa, càng không phải là một tình huống có thể qui tội trọng về phương diện chủ quan. Trái lại, nó còn là một điều bắt buộc về luân lý nữa!
Hơn nữa, khi nhấn mạnh tới gương mù, Giáo Sư Buttiglione cũng đã không hiểu thấu đáo đức Gioan Phaolô II ở số 84, Tông Huấn Familiaris Consortio , khi ngài nhấn mạnh rằng gương mù chỉ là lý do phụ, lý chính yếu khiến những người ly dị và tái hôn dân sự không được rước lễ là vì “tình trạng và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội vốn được Phép Thánh Thể tượng trưng và hữu hiệu hóa”. Thực ra, Giáo Sư Buttiglione không hề nhắc tới giáo huấn này.
Cha Harrison cũng cho rằng các tuyên bố ở các số 301, 303 và 304 của NVYT đã phân tích trên đây khiến cho câu trả lời cho các “dubia” 4 và 5 của Giáo Sư Buttiglione không đúng trọng tâm và không giải quyết được vấn đề. 
Nếu đúng như thế, thì Giáo Sư Buttiglione khó lòng có thể tự hào là người hiểu cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Phanxicô trong tư cách bạn thân như ông từng thổ lộ trong cuộc phỏng vấn của tờ TheRealClearReligion ngày 25 tháng Chín năm 2014. 

3. Bất thuận
Ta hãy xem người giáo dân thứ hai tích cực bênh vực quan điểm bị “người ta” hiểu lầm của Đức Phanxicô trong NVYT. Đó là Austen Ivereigh, tác giả viết tiểu sử về Đức Phanxicô. Với bài báo ngày 11 tháng Mười Hai, 2016, tựa là “As anti-Amoris critics cross into dissent, the Church must move on”, Ivereign không ngại gọi những người phê phán NVYT là “dissent” (người bất thuận).
Tuy nhiên, 4 vị Hồng Y chỉ bị Ivereign tố cáo là thiếu “good manners and respect” (tư cách và lòng kính trọng). Việc thiếu tư cách và lòng kính trọng này đã khiến “giọng điệu bất kính và miệt thị của một số người viết ủng hộ các vị rớt sâu xuống một mức đáng ngỡ ngàng”. Tệ hơn nữa, họ đã “vượt ranh giới” rơi tõm xuống “bất thuận”. 
Ivereign cho rằng bất thuận không phải là bất đồng (disagreement). Đức Phanxicô không những không bác bỏ việc một số người bất đồng với ngài về quyết định này hay tuyên bố nọ của ngài, ngài còn khuyến khích nữa. Nhưng bất thuận thì khác. Bất thuận so với bất đồng cũng giống như bất tín (disbelief) so với hoài nghi. 
Trong yếu tính, bất thuận là tra vấn tính hợp pháp của triều giáo hoàng. Là hoài nghi việc phát triển Giáo Hội dưới quyền vị kế nhiệm Thánh Phêrô hiện nay không phải là hoa trái của Chúa Thánh Thần.
Sau đó, Ivereign không nhằm phân tích và phê phán các quan điểm, cho bằng tấn công người (ad hominem). Ông cho biết “điều họ [những người bất thuận] có chung là gần như luôn luôn, họ là giáo dân, có học và phát xuất từ thế giới giầu có hay từ những vùng giầu có của thế giới đang phát triển. Phần lớn họ là các nhà trí thức, luật sư, giáo sư, nhà văn…”
Luận điểm được Ivereign nhấn mạnh là đa số người Công Giáo thừa nhận việc phát triển là hợp pháp, là vị Giáo Hoàng hành động vì lợi ích của Giáo Hội, là một giải đáp trung thành với tín lý đứng trước các dấu chỉ thời đại. Họ hiểu thượng hội đồng và NVYT như một giải đáp được linh hứng đối với thời ta, một phương thế vừa để tái xây dựng hôn nhân vừa giúp băng bó những ai bị thương tích do việc thất bại của hôn nhân gây ra.
Như thế, Ivereign muốn nói những người phê phán không chấp nhận việc phát triển. Nhưng ông không hề đi vào chi tiết họ không chấp nhận những gì và tại sao. 
Còn về việc trả lời 4 vị Hồng Y, Ivereign chỉ biết lặp lại rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần trả lời gián tiếp rồi. Và ông cho rằng Roma locuta, causa finita (Rôma đã lên tiếng, vấn đề đã chấm dứt). Hơn nữa, theo Ivereign, không phải chỉ có Rôma lên tiếng mà là cả Giáo Hội khi đa số 2 phần 3 các nghị phụ thượng hội đồng thông qua các điều được “Rôma” đúc kết trong NVYT.
Hình như đó là điểm Ivereigh cường điệu hóa, bởi có những điểm không được đa số 2 phần 3 thông qua, tuy được đa số tương đối đồng ý.
Vả lại, các điều thắc mắc của 4 vị Hồng Y không hẳn liên quan tới chính NVYT mà là các lối giải thích mà các ngài cho là gây hoang mang cho các tín hữu, nên cần huấn quyền làm rõ. Nói chung rằng các phê phán này nhằm vào Đức Giáo Hoàng hay thượng hội đồng không hẳn chính xác.
Lối tranh luận nhằm vào người rất nổi trong tư duy của Ivereign khi ông cho rằng trong 4 vị, hết 3 vị Hồng Y, trước thượng hội đồng thứ nhất, đã viết sách cho rằng sẽ không có thay đổi, thành thử đây chỉ là bổn cũ soạn lại. Riêng Hồng Y Burke còn tệ hơn vì bị Vatican cách chức chỉ vì không chịu bất cứ cải tổ nào về diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu, một việc được Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình khuyến cáo. 
Với các giáo dân phê phán, ông bảo họ giống những người tân tòng trốn chạy cảnh bùn lầy tín lý của Anh Giáo để đi tìm thứ khách quan tính cứng như đá, hay các tay chiến binh văn hóa (culture warriors) sẵn sàng ngoảnh mặt khỏi cái đau của những người thất bại hôn nhân để chỉ chú tâm bảo vệ định chế hôn nhân… 
Và ông cảnh cáo họ rằng: xe lửa đã rời ga, Giáo Hội đang tiếp tục tiến bước... Các “dubia” của 4 vị Hồng Y sẽ trở thành một ghi chú trong lịch sử triều giáo hoàng này… thế hệ linh mục kế tiếp sẽ áp dụng giáo huấn tuyệt vời của NVYT, và những trào lưu ồn ào, giận dữ của bất thuận sẽ phai nhạt dần vào một ký ức dĩ vãng xa xôi. 
Trong bài thứ hai đăng ngày 30 tháng Mười Hai trên tạp chí Crux, tựa là “Critics of ‘Amoris’ need to look at concrete cases” (Những người phê bình ‘Amoris’ [Niềm Vui Yêu Thương] cần nhìn các trường hợp cụ thể”, Ivereign chưa hẳn từ bỏ lối lý luận “ad hominem” ngay ở đầu bài khi cho nhận định của Đức Hồng Y Burke rằng việc chăm sóc mục vụ nên hướng về việc giúp giải thoát những người ly dị tái hôn dân sự khỏi tội ngoại tình, chứ đâu có giúp ích gì cho họ, ngược lại còn làm hại họ khi bảo họ: “Không sao, có thể cứ sống như thế mà vẫn được chịu các bí tích” là chỉ thuyết phục được những người “kém thông minh”. 
Ông bảo lý do là đã cho vào cùng một rổ “ngoại tình” mọi trường hợp ly dị tái hôn. Thực ra, không ai trong phe chỉ trích lại không đồng ý với diễn trình đồng hành và biện phân. Họ chỉ không đồng ý với việc mục tiêu của biện phân và đồng hành dừng lại ở một kết quả không những nửa vời mà còn phản lại tín lý chủ chốt của bí tích. Chủ trương của số 84 Tông Huấn Familiaris Consortio phản ảnh diễn trình đồng hành và biện phân chân thực để giúp các người ly dị tái hôn tiến tới chân lý hoàn toàn của hôn nhân Công Giáo và Phép Thánh Thể. 
Ivereign lần này khuyên các người phê bình hãy lưu ý tới những trường hợp cụ thể chứ đừng nói trừu tượng vu vơ. Ông bảo: hiện có hai phương thức hoàn toàn khác biệt nhau: một bên tìm cách biện phân và hội nhập, lưu ý tới các hoàn cảnh khác nhau, một bên tìm cách áp dụng luật một cách độc dạng và từ khước cả việc phân biệt các trường hợp khác nhau; một bên nhìn bằng con mắt thương xót, vừa giữ luật và lý tưởng vừa lưu ý tới các cá nhân; một bên mù quáng bởi bị ám ảnh bởi việc bảo vệ luật và không hề quan tâm tới các cá nhân. 
Nhưng các trường hợp cụ thể mà cả Ivereign lẫn Giáo Sư Buttiglione đưa ra không hẳn phản ảnh những quả quyết mà một số người vẫn cho là của NVYT hay ít nhất của những người giải thích NVYT cách lỏng lẻo mà hiện chưa bị chính thức bác bỏ hay soi sáng. Hơn nữa, chúng còn bất cập và phản cả hiểu biết thông thường như Cha Harrison nêu ra trên đây. 

Nói tóm lại, trong cuộc tranh luận hiện nay chung quanh chương 8 của NVYT và nhất là vấn đề trong một số trường hợp, người ly dị tái hôn dân sự có thể được lãnh nhận các bí tích, người giáo dân đã tham gia một cách tích cực. Nhưng xét chung, phần lớn họ đứng về phía tạm gọi là bênh vực việc không cho phép những người như thế lãnh nhận các bí tích vì làm như thế không những thay đổi kỷ luật bí tích mà thôi mà còn đi ngược lại tín lý mạc khải thể hiện trong tính bất khả tiêu của hôn nhân. Những người giáo dân lên tiếng bênh vực việc cho phép họ lãnh nhận bí tích vừa không nắm vững vấn đề vừa nhằm nhiều vào con người để tấn công chứ không hẳn tranh biện lý lẽ.
 
Vũ Văn An
 
(Nguồn: Vietcatholic.net)