Cơn khủng hoảng về Thiên Chúa trong thế giới hiện đại

13/04/2017
2240

1. Khái niệm về khủng hoảng

 

Khủng hoảng là từ thường gặp thấy trong đời sống hằng ngày. Người ta vẫn nói khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng tinh thần. Tựu trung, những tiếng ấy đều chỉ một tình trạng chao đảo, sa sút, lạc lõng, bấp bênh. Ví dụ khủng hoảng kinh tế là khi đồng tiền mất giá, đời sống đắt đỏ, công ăn việc làm khan hiếm gây nên tình trạng thất nghiệp hay đồ vật sản xuất ra bị ứ đọng, không tiêu thụ được. Có một cái gì trục trặc, rối loạn, bất ổn đi liền với khủng hoảng. Khủng hoảng về Chúa là khi người ta không còn tin Người nữa, đặt Người thành vấn đề, mất cả lòng tôn kính, thậm chí muốn đẩy Người ra khỏi cõi đời này. Người ta hoang mang, hoài nghi, coi thường Đấng từ trước đến nay vẫn mang tên là Chúa.

 

2. Những dấu hiệu khủng hoảng về Chúa

 

Thiết tưởng có thể căn cứ vào những dấu hiệu sau đây để nói rằng hiện nay đang diễn ra một cơn khủng hoảng về Chúa. Đó là :

 

1) Phong trào phản kháng

 

Phản kháng là chống lại, không thuận phục, chấp nhận. Đây là một hiện tượng đã bùng nổ mạnh mẽ trong giới trẻ tại các nước Âu Mỹ, nhất là ở Pháp với cuộc nổi loạn của sinh viên hồi tháng 5 năm 1968. Cuộc nổi loạn này đã ghi dấu sâu đậm vào tâm trí một số linh mục, tu sĩ nam nữ tương đối trẻ trong Hội thánh tại Pháp. Có lẽ nói được rằng do ảnh hưởng của nó một phần mà đã phát sinh ra nhóm “TRAO ĐỔI VÀ ĐỐI THOẠI” qui tụ vào hồi tháng bẩy năm 1968, 621 linh mục thuộc một số quốc tịch Tây Âu, như Pháp Bỉ, Thuỵ Sĩ, Hòa Lan, Tây ban Nha, Áo, Đức. Chủ trương của nhóm này là đòi xét lại và sửa đổi qui chế về đời sống của các linh mục, như đòi cho được tự do dấn thân vào các hoạt động chính trị hay nghiệp đoàn, được làm ăn sinh sống như những người khác mà không cần có phép của các vị giám mục, được tự do sống độc thân hay kết bạn tuỳ ý. Xin đừng vội tưởng nhóm này hành động liều lĩnh không có chủ trương. Họ có chủ trương dựa vào phân tích, lý luận và nhân danh chủ trương ấy mà phản kháng. Thực ra, họ không phải hoàn toàn vô lý ở một vài điểm liên quan đến sự cần thiết phải xét lại một số vấn đề trong Giáo Hội, nhưng cách thế hành động của họ đã vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường, thậm chí như bất chấp cả kỷ luật và uy quyền trong Giáo Hội. Nói chung, giới linh mục và tu sĩ trẻ ở Pháp cũng như ở mấy nước Âu Châu đang băn khoăn tìm cách sống cuộc đời linh mục và tu sĩ của mình một cách thật có ý nghĩa trong một xã hội mỗi ngày một thêm tục hóa, nơi Chúa đang trở thành xa lạ và vắng bóng. Người ta muốn xóa bỏ mọi dấu vết và ảnh hưởng của Ki-tô giáo, như ngăn cấm đọc kinh, treo ảnh tượng trên tường các lớp học. Bản dự thảo Hiến Pháp Au châu không một chỗ nào nói đến Ki-tô giáo, dù Ki-tô giáo đà nhào nặn nên châu lục này.

 

Chính mối băn khoăn đó đã thúc đẩy những người nói trên tìm tòi, suy nghĩ, đề nghị, sáng kiến… ngõ hầu tạo nên một mẫu linh mục thích hợp cho thời đại họ đang sống, mang nhiều chất Tin Mừng và truyền giáo hơn. Tất nhiên, trong trào lưu tiến hoá và khát vọng đổi mới ấy, đã xảy ra những điều quá đáng, khiến cho dư luận phải xôn xao lo ngại.

 

Tựu trung, phản kháng tự nó chưa phải là xấu và đôi khi còn cần thiết cho sự tiến bộ nữa, nhưng cách thế phản kháng và những điều phản kháng mới là vấn đề.

 

Nền thần học tuyên bố sự cáo chung của Thiên Chúa

 

Nền thần học này phát xuất từ BONHOEFFER, một mục sư người Đức bị chết trong một trại tập trung của Quốc xã năm 1945. Tư tưởng của ông được đúc kết trong các lá thư viết từ trong trại gởi ra ngoài. Khi sống trong trại, ông nhận thấy không thể nói về Chúa như trước kia đươc nữa, vì nói như thế không cảm kích được lòng người và hầu như không có ảnh hưởng thiết thực nào trên đời sống bất công, đau khổ người ta phải gánh chịu cả. Bởi vậy, ông chủ trương đổi mới ngôn ngữ, trình bày lại quan niệm về Chúa. Khi tuyên bố sự cáo chung của Thiên Chúa, các người theo ông không muốn bảo rằng Chúa đã chết rồi đâu, mà chỉ muốn nói hình ảnh lệch lạc về Chúa được nghe từ trước đến nay, hình ảnh ấy mới chết và phải lấy Thiên Chúa vừa đích thực, vừa cao cả, lại vừa gần gũi để thay thế cho quan niệm kia.

 

Sau Đệ nhị thế chiến, tư tưởng của Bonhoeffer lan tràn sang Mỹ, ảnh hưởng mạnh mẽ trên một số mục sư và dần dần tạo thành một khuynh hướng thần học gọi là “khoa thần học tuyên bố sự cáo chung của Thiên Chúa” như ở Mỹ, Anh với những tên tuổi như J Robinson qua tác phẩm “Honest to God”. Tác phẩm này được xếp vào loại sách bán chạy nhất trong năm 1963 ở Mỹ. Điều ấy chứng tỏ dân Mỹ đón nhận các sứ giả của nền thần học mới vừa khai nguyên một cách nồng nhiệt đến mức độ nào. Chủ trương của khuynh hướng thần học tin lành mới này mỗi ngày một lan rộng và gây thêm uy thế, khiến cho nhiều người đặt lại vấn đề Chúa và dường như muốn kéo Chúa xuống gần con người, gần quá đến nỗi làm giảm thiểu tính siêu việt của Người, để chỉ còn lại tính “người” ở nơi Chúa mà mất tính Chúa ở nơi “người”.

 

Thực ra, như vậy rất hợp với thời đại ngày nay, một thời đại đề cao con người, coi con người là trung tâm tất cả và xưng tụng uy thế và quyền năng của con người trên mọi địa hạt. Thật là một nền thần học nhập thế, dễ chấp nhận, dễ cảm kích lòng người hơn là những ý niệm trừu tượng, xa xôi, khó hiểu về Chúa, không đưa vào cuộc đời và không mở cho người ta những chân trời khoáng đạt hơn về các vấn đề nhân sinh.

 

Tuy nhiên, cần phải coi chừng với khuynh hướng muốn gạt hết các phần thánh thiêng siêu việt ở nơi Chúa mà chỉ nhận những gì hợp với con người. Như vậy thì thật khó còn chỗ cho Chúa, vì tự nhiên con người thường có xu hướng chiếm đoạt chỗ dành cho Chúa và ưa sống dường như không có Chúa để đỡ phải bận tâm. Đàng khác, người ta lại hay nghĩ về Chúa như nghĩ về một người, đành rằng đã có một thời Chúa cũng là người như chúng ta. Nghĩ về Chúa như một người để cảm thông một cách sâu sắc hơn tình Người yêu thương, muốn đồng hóa, gần gũi với ta trong mọi sự, trừ tội lỗi thì đó là một phát hiện mới mẻ của nền thần học nhập thể ngày nay, để giúp ta dễ tiếp xúc, giao cảm một cách thân tình với Thiên Chúa. Còn quan niệm Người như một người để bắt Người phải xử sự và hành động như nguyên một người thì đó là bắt Chúa phải đi vào chiều hướng, tầm nhìn của loài người, thay vì điều chỉnh, qui hướng lối nhìn theo Chúa. Như vậy, không thể nào giải quyết được cho ổn thỏa những vấn đề như tai ương, tội ác, cảnh lầm than cùng khổ của con người, lòng yêu thương và đức công bình của Chúa, vì khi đem những vấn đề ấy đối chiếu với Chúa mà coi Người như một người, ta sẽ thấy có nhiều nghịch lý khiến mình không tài nào chấp nhận Chúa nổi! Còn nếu vượt lên trên và đi xa hơn thì phải nhận rằng ý tưởng của Chúa và đường lối của Người không phải và cũng không giống như của người trần gian, như ông Gióp được nghe Chúa nói : “Đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi” (Is 55,8)

 

Tựu trung, dù đổi mới ngôn ngữ hay làm cho linh động quan niệm về Chúa thế nào đi nữa, thì vẫn không thể loại bỏ việc xây dựng lòng tin sâu xa đích thực của con người đặt nơi Thiên Chúa được.

 

2) Mất ý thức về sự thiêng thánh và tội lỗi

 

Phần đông người thời nay không còn nghĩ về sự thiêng thánh và tội lỗi với một niềm tin tưởng cung kính và một sự e ngại, dè dặt, lo sợ như xưa nữa, khi ý thức về hai thứ đó còn khá mạnh mẽ trong tâm tưởng mỗi người và trong sinh hoạt của xã hội. Có người cho rằng đó là một bằng chứng về sự tiến bộ của con người trong thời đại ta, là đã gạt bỏ được những tàn tích của một thời non nớt nhìn thấy quyền lực thần thánh ở khắp nơi và cái gì cũng cho là tội

 

Người ta mừng vì con người đã gỡ mình ra khỏi những ràng buộc với thần thiêng và tội lỗi, trở nên tự do. Nhưng thiêng thánh là một cái gì cao cả phát sinh từ Đấng Tối Cao trổi vượt, khiến ta phải nhìn nhận, tôn kính và tội lỗi là một sự tàn phá ghê gớm hủy hoại con người, gây đảo lộn trong xã hội và lôi kéo theo sau nó biết bao nhiêu tai họa ! Về điểm này, cần phải có đức tin mới chấp nhận được. Ngoài ra, nếu không có đức tin hay đức tin yếu kém thì khinh thường sự thiêng thánh hay loại bỏ ý thức về sự tội lỗi là điều tất nhiên. Khi không còn ý thức về sự thiêng thánh và tội lỗi nữa thì người ta xa lìa và chối bỏ Chúa là phải. Đó thực là một qui kết dĩ nhiên, chứng tỏ cơn khủng hoảng trầm trọng về Chúa trong thời đại ta. Lý do gây nên sự khinh thường và mất mát này là vì người ta đã quá trở nên vật chất và ham mê hưởng thụ, đến nỗi vượt qua cả giới hạn thân phận thụ tạo của mình mà phủ nhận quyền của Đấng Hóa công. Thêm vào đó là cảm quan về những vấn đề linh thiêng đã bị hao mòn, tê liệt do đời sống quá trần tục và máy móc hiện nay chi phối.

 

3. Căn cớ gây nên khủng hoảng

 

Dù muốn dù không, phải công nhận rằng đã có những dấu hiệu khủng hoảng về Chúa như mới phác họa trên đây và thực ra đang có cơn khủng hoảng ấy. Nhưng thử hỏi những căn cớ nào đã gây nên khủng hoảng ?

 

1) Ảnh hưởng của thuyết duy vật và nhân bản vô thần :

 

Chủ nghĩa duy vật khước từ và chối bỏ Thiên Chúa. Nhà nước Liên xô trước kia và các chính phủ cộng sản trên thế giới đặt cuộc tranh đấu để chống lại Thiên Chúa và ảnh hưởng của Người trên tâm hồn nhân loại làm thành quốc sách. Trong mọi hoạt động, người cộng sản dành một nỗ lực lớn lao để đạt tới mục tiêu này. Vì thế, họ không từ chối một cơ hội, một phương tiện nào xét ra cần thiết và hữu hiệu để tiêu diệt lòng tin tưởng và kính yêu của con người đối với Thiên Chúa. Bởi vậy, họ tổ chức mặt trận chống tôn giáo, phát động những chiến dịch nhằm lũng đoạn đức tin của tín đồ, đưa ra những luận cứ tự xưng là khoa học và kinh tế để đả phá tôn giáo. Họ phổ biến tư tưởng vô thần qua sách báo, phim ảnh, kịch trường, văn nghệ. Kết quả là một số người hiểu biết mơ hồ về đạo lại yếu kém lòng tin đã chạy theo và chấp nhận chủ trương ấy. Mà không nguyên chỉ có những người vô thần cộng sản mới làm như vậy; ngay cả những nhà văn hoá nhân bản vô thần ở các nước tư bản chủ nghĩa Tây phương như Martin Heidegger, Jean-Paul-Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus, Merleau-Ponty, Husserl, Bertrand Russel v.v… cũng làm công việc ấy nhân danh tự do cho con người. Trong tác phẩm Les mouches (Con ruồi), Les mains sales (Bàn tay bẩn), Le Bon Dieu et le diable (Đức Chúa Trời và thằng quỉ) của Jean-Paul-Sartre cũng như La Peste (Bệnh dịch hạch) của Albert Camus đều phảng phất những tư tưởng đặt tôn giáo và Thiên Chúa thành những vấn đề khả nghi. Jean-Paul-Sartre cũng đã viết : “Đức Chúa Trời đã chết ngay cả trong lòng các tín hữu !”.

 

Ở Việt Nam, về phương diện văn hóa, cách đây mấy chục năm có nhóm Hàn Thuyên với những Đặng thái Mai, Nguyễn Tế Mỹ, Nguyễn Đức Quỳnh …. và ở miền Nam trước đây với Phạm Công Thiện trong cuốn Hố thẳm, đã phổ biến các tư tưởng vô thần trong văn học nghệ thuật.

 

Thứ đến là lối sống duy vật của những người theo tư bản chủ nghĩa trên nước ta. Cứ nhìn vào tầng lớp thanh thiếu niên của ta hiện nay cũng hiểu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật tư bản trên họ.

 

Ngoài ra còn phải kể đến ảnh hưởng của chiến tranh nữa. Chiến tranh tàn phá tiêu hủy không nguyên trong phạm vi vật chất mà còn lan sang địa hạt tinh thần. Vì quá đau khổ do cuộc vật lộn tranh sống trong hoàn cảnh chiến tranh, lại phải chứng kiến bao cảnh tang thương chết chóc, lòng người dễ trở nên chai đá, liều lĩnh, lạc hướng, mất tin tưởng. Đành rằng cũng có một số người vì sống trong chiến tranh mà được tôi luyện cho thêm tốt lành, tin tưởng hơn. Nhưng đây chỉ là một số ít, còn phần đông, nếu lợi dụng làm giàu được thì làm, dù phải dùng đến những cách thế bất công và tàn nhẫn, hoặc vì quá túng bấn hay bực bội mà đâm ra làm càn, bất chấp cả lương tâm và luật lệ. Vì đâu xảy ra tình trạng này, nếu không phải vì quá mệt mỏi, chán nản và mất niềm tin ở Thiên Chúa là Đấng Tối Cao điều khiển và hướng dẫn bước đi của lịch sử loài người.

 

2) Óc khoa học thực tiễn :

 

Hiện nay khoa học phát triển vô cùng rực rỡ, với những thành quả trên địa hạt thám hiểm không gian, đưa con người đặt chân lên nguyệt cầu, làm vẻ vang cho óc sáng kiến và trí phát minh của con người. Song song với những thành quả ấy, là niềm hiên ngang và lòng tự hào tin tưởng dường như vô biên của con người vào tiềm năng sáng tạo của mình. Do đấy, phát sinh ra một tâm địa và một cách xử sự khoa học trước vấn đề đức tin và Thiên Chúa. Người ta muốn đưa tức tin và Thiên Chúa vào phòng thí nghiệm để phân chất và chứng nghiệm. Nhưng, đức tin và Thiên Chúa không phải là đối tượng của khoa học vì hai thực tại đó không có phân khối, chất lượng và những phản ứng vật lý hay hoá học. Vì thế, không thể dùng định luật của khoa học mà thí nghiệm được. Thành ra, những thực tại ấy trở thành khả nghi và ít minh bạch, hiển nhiên dưới mắt những người theo khoa học thực nghiệm hay cư xử hành động theo cách thế của khoa học. Oc khoa học kỹ thuật này bây giờ lan rộng khắp nơi, ảnh hưởng nhiều trên tâm trí của người thời đại ta, khiến họ có một cái nhìn thiết thực về cuộc đời, thường chỉ chuộng những gì kết quả trông thấy ngay trước mắt hay có thể chứng minh, thí nghiệm được, còn những điều thuộc phạm vi siêu nhiên, vô hình như đức tin và Thiên Chúa thì họ không mấy bận tâm hay cho rằng không có ích gì thiết thực cho cuộc sống. Đàng khác, họ lại cho rằng khoa học là chìa khoá mở cửa thành công cho con người, nên phải trau dồi và phát huy nó càng nhiều càng tốt, đồng thời thay vì dành thời giờ cho Chúa thì dành nó cho khoa học, kỹ thuật và những vấn đề kinh tế, xã hội.

 

Thực ra, theo Chúa và phụng sự Người, không đòi phải giảm thiểu lòng hăng hái say sưa truy tầm và phụng sự khoa học, và những vấn đề thuộc phạm vi trần thế như kinh tế, chính trị, xã hội; nhưng, nên nhớ rằng giữa Chúa và những địa hạt đó, có sự khác nhau mà không chống đối kình địch nhau, như Công đồng Va-ti-ca-nô II đề cập trong hiến chế “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng”: “Chẳng những không được coi những thành công của tài trí và sức can đảm của con người là đối nghịch với quyền lực của Thiên Chúa và coi con người như địch thủ của Đấng Hoá công, mà ngược lại, Ki-tô hữu phải thâm tín rằng những chiến thắng của nhân loại là một dấu hiệu về sự cao cả của Thiên Chúa và là một công hiệu phát huy từ ý định khôn tả của Người” (Concile cecuménique Vatican II, Centurion Paris 1967 trang 251)

 

Hơn nữa, trong giờ chiến thắng của khoa học, người tín hữu không nên lo sợ, hoảng hốt vì nghĩ rằng khoa học càng bành trướng phát triển thì đức tin càng bị lu mờ thiệt thòi hay người ta sẽ bỏ Chúa mà theo khoa học, đành rằng khoa học tự nó là vô thần, vì không bàn đến Chúa, cũng chẳng đặt vấn đề về Người, như Đức Phao-lô VI đã nói : “Trong giờ chiến thắng của khoa học, đó là một dấu hiệu mạc khải tự nhiên. Mạc khải đó phải dẫn đưa ta về nguồn mạch vạn vật, Đấng độc nhất cần thiết, nguyên lý sáng tạo tức Thiên Chúa sống động. Ta đừng bỏ qua cơ hội này để học trở nên khiêm nhường, đạo hạnh, tử tế và sung sướng, trước những dấu hiệu hiển nhiên như thế cho người muốn xem thấy sự hiện diện của Chúa trong nhân loại và trong cuộc đời ta. Ta hãy yên lặng cung kính ….. Phải, ta nên thán phục. Tâm tình này sẽ hướng ta về con người và Thiên Chú.” (La Croix : 3/5/69 : Devant le vol spatial des astronautes trang 12 )

 

Như vậy, khoa học vừa có thể là căn cớ gây nên cơn khủng hoảng về Chúa, nếu người ta quá tin vào nó mà gạt Chúa ra ngoài, đồng thời vừa là cơ hội đưa người ta đến chỗ suy phục Chúa, vì Người là Đấng tác thành nên những sự kỳ diệu mà loài người mỗi ngày một khám phá dần ra.

 

3) Viễn ảnh phát triển kinh tế :

 

Hiện nay hai phần ba trong tổng số nhân loại sống trong cảnh cùng khổ, nghèo đói không xứng với phẩm giá con người. Những người kém may mắn này đang bị đè bẹp bởi bệnh tật, dốt nát, đói ăn, thiếu mặc. Ước mong của họ là được thoát cảnh cùng cực đó. Nhưng làm thế nào ? Nhiều người nghĩ đến giải pháp tranh đấu hoặc áp dụng chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, nhiều người lại cho rằng tin theo Chúa không giải quyết được vấn đề đói khổ, vì cầu nguyện, đi lễ, giữ đạo không đem lại cho người ta cơm áo mà phải làm việc để phát triển kinh tế, tổ chức và xây dựng lại xã hội. Như vậy, đâu có cần Chúa, cần đạo ? Vả lại, theo họ nhiều khi đạo và Chúa lại ngăn trở việc phát triển nữa vì đạo dạy rằng “quê hương của con người là ở trên trời” và trong các lời nguyện thỉnh thoảng ta lại nghe đọc “xin cho chúng tôi biết khinh chê những của đời này mà biết tìm của trên trời” v.v….

 

Thực ra, từ trước đến nay, đạo được trình bày một cách hơi đen tối, vì quá chú trọng đến phần thiêng liêng mà bỏ qua phần vật chất, đến nỗi quên rằng cái siêu nhiên cần phải xây dựng trên cái tự nhiên, con người là một tổng hợp cả hồn lẫn xác, “có thực mới vực được đạo” và “phải có một số tiện nghi tối thiểu mới thực tập các nhân đức được”. Gần đây, nền thần học và quan niệm tu đức đã đổi mới, chú trọng nhiều hơn đến con người với những ảnh hưởng địa lý, nhân văn, tâm lý, xã hội. Khoa thần học lịch sử và những thực tại trần gian ra đời để nghiên cứu, suy nghĩ về những vấn đề nhân sinh như lao động, phát triển, chính trị, kinh tế, tính phái ngõ hầu đem ánh sáng của đạo Chúa chiếu soi lên những vấn đề đó, đồng thời đặt chúng vào những vị trí xứng hợp và đích đáng, biến chúng thành những giá trị dọn đường cho ơn giải thoát của Chúa Ky-tô. Công đồng Va-ti-ca-nô II đã làm sáng tỏ vấn đề này trong hiến chương nổi tiếng : “Nỗi vui mừng và Niềm hy vọng” và Đức Phao-lô VI cũng đã đề cập trong thông điệp “Phát triển các dân tộc”.

 

Như vậy, đạo cũng chú trọng đến con người và những vấn đề tại thế. Đạo mở cho con người nhìn thấy một viễn tượng rộng lớn và bền vững hơn, khi nhắc nhở cho nó không nên chỉ nghĩ đến trần gian này, vì một ngày kia trần gian này sẽ qua đi, mà còn phải vượt ra ngoài trần gian, hướng tới một cuộc sống không cùng, khi ra khỏi cõi đời này. Chính trong viễn tượng ấy mà lời khuyên nhủ cũng như dạy dỗ của đạo mới có nghĩa lý và căn bản.

 

KẾT LUẬN :

 

Chúa đang bị đặt thành vấn đề cả nơi người tin lẫn kẻ không tin. Cơn khủng hoảng về Chúa đang diễn ra trên mọi địa hạt, khiến người ta hoài nghi, hoang mang, lo lắng, chán nản, thất vọng … nhất là nơi những người trẻ. Đó là một triệu chứng đức tin sa sút, nhưng cũng là cơ hội để thử thách lòng trung thành của những người tin theo Chúa, đồng thời là thước đo mực độ hiểu biết của các tín hữu về Người. Vì thế, phải trau dồi đức tin bằng cách học hỏi đạo lý mới mong đứng vững và đối phó được với cơn khủng hoảng đang đe doạ chúng ta bây giờ.

 

LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP