Thánh Lễ cuối cùng

03/04/2020
861
Thánh Lễ cuối cùng!
 

Mới nghe, có vẻ như là Thánh Lễ cuối cuộc đời vậy! Thế nhưng không, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phúc tạp, tôi cũng bớt chút thời gian nhắn tin hỏi thăm những người thân ở xa và lâu ngày không gặp họ. Tôi hỏi thăm tình hình chỗ ở của mọi người thế nào, tôi có hỏi một chị rằng “quê chị vẫn ổn chứ?”. Chị trả lời tôi “chiều nay là Thánh Lễ cuối cùng rồi em”. Nghe ra có vẻ ngộ nhỉ, đâu là Thánh Lễ cuối cùng của con người, nào đâu có ai biết trước được. Thế nhưng, vì dịch bệnh mà nhiều nhà thờ, nhà nguyện  trên toàn thế giới đã phải tạm dừng Thánh Lễ để hạn chế tập trung đông người. Vì thế nên có lẽ chị đã tham dự Thánh Lễ hôm ấy như Thánh Lễ cuối của cuộc đời mình chăng?

Thánh lễ cuối cùng!

Trong khi tôi ghé vào trang facebook lướt xem tin tức, tôi bị hút vào tin của một người bạn chia sẻ về buổi thống hối cộng đồng ở giáo xứ của anh trước ngày tạm dừng Thánh Lễ. Trong bài viết, anh có chia sẻ về cảm giác buồn khó tả của mình trong một ngày nhận tin dừng Lễ. Bài viết của anh có phần đặc biệt hơn làm tôi suy tư, anh đã viết về hình ảnh những giọt nước mắt của người cha xứ. Lâu nay chỉ thấy giáo dân khóc chứ mấy ai thấy linh mục khóc. Tôi thiết nghĩ họ không khóc, không phải vì họ vô cảm nhưng là một người linh mục họ được tôi luyện trở nên người mục tử nhân lành đầy kiên cường để vượt qua những khó khăn thử thách nên ít ai thấy được họ rơi lệ. Đọc tới đây, tôi nhớ ngay tới đoạn Tin Mừng của thánh sử Gio-an đã: “Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: “Các người để xác anh ở đâu?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy  đến mà xem”. Đức Giêsu liền khóc. Người Do-thái mới nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh La-ra-dô  biết mấy!” (Ga 11, 33-36). Có lẽ, vị linh mục rơi lệ vì thật sự ngài đã quá xót xa và đau đớn. Phải chăng ngài đã thổn thức trước nỗi đau của nhân loại, ngài khóc vì xót xa trước cảnh thế giới đang phải gánh chịu tang thương. Ngài khóc thương thế giới như  chính Chúa Giê-su đã khóc thương anh La-ra-dô trong đoạn trích trên. Dù là gì thì hình ảnh đó trong hoàn cảnh này thật là một hình ảnh đẹp và ý nghĩa.

Thánh lễ cuối cùng!

Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi nhận thông báo sẽ được về quê. Dì phụ trách dặn dò chúng tôi một số vấn đề cần chú ý trong dịp này. Với tôi, Dì nói tôi cứ về nhà với gia đình khi nào ổn định Dì báo tôi vào sau. Như vậy, đồng nghĩa với việc tôi sẽ xa nhà dòng chưa biết tới khi nào quay trở lại. Bất chợt trời đổ mưa, đang miên man trong dòng suy nghĩ lòng tôi thắt lại vì đau đớn cho thế giới. Tôi nhớ đến những người thân của mình đang sống trong vùng tâm dịch bệnh bủa vây, lo lắng và bồn chồn. Tôi buồn vì không thể hiện diện cách trực tiếp với họ lúc này. Vì bổn phận, họ vâng lời bề trên sống xa quê hương học tập để chu toàn sứ vụ của mình. Chẳng ai muốn trong hoàn cảnh này mà phải sống xa quê hương không có người thân bên cạnh. Đó cũng là một sự cô đơn khi con người thiếu vắng đi tình thương và tình thân. Cũng đời tu xa, nhưng tôi được phép về để được ở bên gia đình vượt thử thách, còn với họ thì vẫn nơi đất khách quê người không biết khi nào bệnh tới mình. Nghĩ đến đó thôi, trong tiềm thức, dòng lệ trong tôi ứa trào ra. Trong căn phòng tĩnh mịch, chỉ còn lại tôi và con người thống khổ nhất là Thầy Giê-su đang cô đơn trên cây thập giá dõi nhìn thế giới. Người ở đó chờ đợi con người, cùng chịu đau khổ với con người. Tôi ngắm nhìn Ngài đau đớn để cùng đớn đau với Ngài. Có lẽ, nỗi đau của tôi chỉ giới hạn ở quê hương, ở những người thân của mình. Còn với Ngài, thì Ngài đau cho toàn nhân loại đang sống trong cảnh lầm than. Ở nơi đây, tôi mới hiểu nỗi đau của Ngài vô hạn thế nào.

Thánh lễ cuối cùng!

Với tôi, ngày nhận được tin báo thì tôi có một cảm giác mất đi thứ gì đó rất quan trọng với mình. Tuy về tới quê, tôi vẫn được tham dự Thánh Lễ cùng cha xứ, không bị mất Lễ. Thế nhưng, cảm giác những ngày sau Thánh Lễ chỉ còn vài ba cha con thật là thiếu vắng trống trải trong lòng. Với tôi, nó không dừng lại việc Thánh Lễ không có giáo dân, mà là tình hình dịch bệnh ngày càng diễn ra phức tạp, dịch bệnh ngày càng lan rộng nằm ngoài kiểm soát. Số ca mắc bệnh ngày càng tăng vọt, số người tử vong vì dịch bệnh mỗi ngày càng gia tăng không có dấu hiệu dừng lại. Mọi thứ không đơn giản là hằng ngày giáo dân không được tham dự Thánh Lễ, mà nó còn xa hơn tầm nhìn của chúng ta. Cả thế giới đang phải đối mặt với một thử thách khó khăn. Nó nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Mọi sinh hoạt của con người bị hạn chế, nhiều nhà máy xí nghiệp, công ty, cửa hàng phải đóng cửa. Nền kinh tế giảm sút nghiêm trọng. Học sinh không được tới trường...  Hơn thế nữa, con người sống trong hoang mang lo sợ, lòng người bỗng trở nên khép kín với anh em đồng loại. Họ lên án lẫn nhau, đổ lỗi cho người này mang bệnh tới cho người kia mắc bệnh. Họ kỳ thị người ở nơi xa về quê, và kết tội những người mắc bệnh. Nào có ai muốn mang trong mình căn bệnh này, nào mấy ai nghĩ mình là người có bệnh.

Thánh lễ cuối cùng!

Ở quê tôi, hôm ấy nhà thờ trở nên nhỏ bé hơn, từng giây phút còn được hiện diện trong ngôi thánh đường dường như thiêng liêng và ý nghĩa hơn với người giáo dân trước ngày tạm dừng Thánh Lễ. Bởi lẽ, họ ý thức được tầm quan trọng của Thánh Lễ trong hoàn cảnh như thế này. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đáng lẽ phải đẩy mạnh Thánh Lễ, giờ chầu Thánh Thể để bà con giáo dân cầu nguyện cho dịch bệnh mau chóng qua đi, thế nhưng họ lại phải hy sinh, tự cách ly mình với nhà Chúa. Với tôi, thiết nghĩ không có Thánh Lễ là một sự hy sinh không hề nhẹ với giáo dân. Những người dân đạo đức không được tham dự Thánh Lễ hằng ngày, trẻ em không được sinh hoạt học giáo lý. Mọi thứ như thói quen nay bị bó buộc chắc chẳng dễ dàng gì. Buổi tối hôm ấy câu hỏi “cho tới bao giờ dịch bệnh mới qua đi?” cứ thế hiện lên trong đầu tôi. Và câu hỏi ấy mỗi ngày lại hiện lên trong tôi, để tôi sống mỗi ngày như “Thánh lễ cuối cùng của đời mình.

 
                                                                      Thanh Hóa, ngày 1 tháng 4 năm 2020