Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV Thường niên C: Tiền của trước mặt Thiên Chúa

16/09/2022
529


Khi đồng hành với các bạn trẻ Công giáo, đặc biệt là các bạn sinh viên khối kinh tế–quản trị kinh doanh và những người mới ra trường đi làm, tôi thường gặp câu hỏi này: “Người Công giáo có được phép làm giàu không?” Hỏi như thế vì các bạn nghĩ rằng Đức Giêsu khuyến khích người ta phải “bỏ mọi sự” mà theo Ngài; hoặc chỗ khác trong Kinh Thánh dạy rằng: “Người giàu có khó vào được Nước Thiên Đàng!” (x. Mt 19,23–30)

Các bạn trẻ Công giáo thân mến,

Thực ra không dễ để trả lời câu hỏi trên. Một mặt chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang mời gọi một số người theo Ngài cách triệt để. Họ có thể là các tu sĩ, linh mục đang dấn thân trọn vẹn cho Nước Trời. Họ từ bỏ mọi sự, theo đúng nghĩa đen, để đi theo Đức Giêsu. Sứ mạng chính của họ là loan báo tin mừng Nước Trời cho muôn người.

Còn giáo dân thì sao? Ngay từ Công đồng Vaticanô II (1962–1965), Giáo hội mời gọi giáo dân làm chứng cho Thiên Chúa giữa đời. Cụ thể, “Chắc chắn ý định của Thiên Chúa về thế giới là muốn con người đồng tâm kiến tạo và không ngừng hoàn thiện hóa trật tự trần thế. Tất cả những gì tạo nên trật tự trần thế, chẳng hạn những thiện ích của cuộc sống và gia đình, nền văn hóa, kinh tế, nghệ thuật và nghề nghiệp.”[1] Như thế ngay trong cuộc sống cũng như công việc của họ, Tin Mừng Chúa cũng có thể được lan tỏa. Chẳng hạn một doanh nhân Công giáo làm giàu hợp pháp rất đáng được khuyến khích. Một bạn trẻ Công giáo biết vận dụng mọi tài năng Chúa ban để xây dựng sự nghiệp là điều đáng trân quý. Thiên Chúa muốn mọi người đều có được cuộc sống sung túc, đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần.

Có lẽ tiền của tự nó không tốt cũng không xấu. Tốt xấu là do cách chúng ta sử dụng. Nói cách khác, tiền của sẽ là đầy tớ tốt lành, nhưng lại là ông chủ rất tệ bạc. Từ kinh nghiệm đơn sơ này, chúng ta thấy Tin Mừng Chúa Nhật 25 thường niên hôm nay, Chúa Giêsu một mặt ngài không xúi người ta đừng sử dùng tiền bạc, nhưng mời gọi người ta „hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè.” (Lc 16,9). Thú vị là Ngài còn chỉ cho chúng ta một bí quyết để làm sao sinh nhiều hoa trái trong việc sử dụng tiền bạc: Trung tín. Một mặt tiền có nguy cơ cám dỗ người ta không còn phó thác và tin cậy vào Chúa, mặt khác tiền của dễ đưa người ta đến nhiều con đường tội lỗi. Từ nguy cơ này, Đức Giêsu mời gọi mỗi người hãy dùng tiền thật cẩn thận, từ những việc rất nhỏ, để làm sao trước mặt Thiên Chúa, đồng tiền ấy tạo nghĩa anh em, xây dựng cộng đoàn và lan tỏa tình yêu. Đây là một thách đố không nhỏ cho mỗi người. 

Xin nhắc lại, Giáo hội Công giáo “ủng hộ hoạt động kinh tế, khi ít nhất con người có thể hưởng được sự sung túc tương đối và không còn phải lo sợ cảnh nghèo nàn. Học thuyết xã hội Công giáo muốn tất cả mọi người tham gia tích cực để mang lại tiến bộ kinh tế, cải thiện sản xuất kinh doanh, và phân phối hàng hóa vật chất (x. GS 63, 65).” (Docat 162).

Chúng ta chú ý đến câu cuối của tin mừng hôm nay: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16,13). Không ai muốn để tiền đè đầu cưỡi cổ mình, nhưng tiếc rằng thực tế thì ngược lại. Thậm chí vì tham lam tiền bạc mà nhiều người đã xa rời Thiên Chúa, bạc nghĩa với anh em. Trong khi đó,  tiền chỉ là phương tiện để đạt được hạnh phúc. “Thánh Phanxicô Assisi đã hiểu rằng tiền bạc chỉ là một công cụ. Như vậy, nó phục vụ cho việc xây dựng một nền kinh tế tốt đẹp, giàu ý nghĩa và quà tặng, không thể loại trừ ai, ngược lại, nó phải hướng đến lợi ích của tất cả mọi người và đặc biệt là những người rốt cùng.”[2]

Đã đến lúc người trẻ Công giáo chúng ta cần nghĩ khác. Hoặc nói đúng hơn, hiện nay Giáo hội đang mời gọi chúng ta bước vào một “nền kinh tế thánh Phanxicô Assisi”. Nơi đó, chúng ta cùng nhau dựa trên những giá trị của Tin Mừng và tình liên đới. Tiến sĩ Gambino, người thúc đẩy nền kinh tế này, đề nghị 5 điều quan trọng cần thực hiện cho nền kinh tế trên:

  • Trước hết cần từ bỏ quan niệm cá nhân chủ nghĩa.
  • Công nhận tính chủ quan và ưu tiên xã hội của gia đình như nền tảng của lợi ích chung.
  • Thúc đẩy các điều kiện làm việc để bảo vệ cuộc sống gia đình.
  • Sự tăng trưởng kinh tế không làm tổn hại đến các nhu cầu cơ bản của con người về các mối quan hệ và gia đình.
  • Đổi mới các mô hình kinh tế dựa trên lòng quảng đại của cá nhân đối với những người nghèo khổ.

Đó cũng là lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho các doanh nhân trẻ: “Hãy tạo không gian gặp gỡ giữa mọi người, được điều hành bởi sự tin tưởng và minh bạch, dựa trên các nguyên tắc chia sẻ, liên đới và hiệp thông.” Như thế vấn đề là làm sao để chúng ta dùng tiền bạc, hoặc tài năng để giúp cho chính mình và nhiều người được bình an và hạnh phúc, được đến gần Thiên Chúa và gần với nhau hơn.

Với hướng đi trên, chúng ta có thể hiểu được lời chia sẻ của Chúa Giêsu về cách sử dựng tiền của: “nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?” Thiên Chúa tin tưởng và trao cho chúng ta những tài năng để kiếm tiền. Khi có tiền, Thiên Chúa cũng tiếp tục mời gọi mỗi người dùng tiền của ấy để sinh nhiều hoa trái cho mình và cho người khác. Khi ấy chúng ta không chỉ được thành công, mà còn hạnh phúc nữa.

Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan để biết cách sử dụng tiền bạc đúng theo mục đích của nó. Xin Chúa cho chúng con đừng bao giờ làm nô lệ của tiền bạc hay của cải vật chất nhưng biết dùng chúng để xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp và công bằng hơn. Xin Chúa nâng đỡ chúng con trong những lúc chúng con gặp khó khăn về tài chính. Chúng con tin rằng Chúa sẽ chỉ dẫn cho chúng con biết tìm ra hướng giải quyết hiệu quả. Amen

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

https://dongten.net/2022/09/15/suy-tu-chua-nhat-25-tnc-tien-cua-truoc-mat-thien-chua/

[1] x. Sắc lệnh về hoạt động tông đồ giáo dân, số 7.

[2] Trích diễn văn của Đức cha Domenico Sorrentino, khai mạc sự kiện quốc tế “Nền kinh tế Phanxicô” tại Assisi, diễn ra từ 19-21/11/2020.