SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN B

25/09/2024
252

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Sự ích kỷ là bức tường ngăn cản chúng ta gắn kết với Chúa và với nhau. Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Dân Số, chúng ta thấy rằng, vì Môsê không thể một mình quán xuyến được việc cai trị dân Chúa, nên Thiên Chúa đã ra lệnh cho Môsê chọn 70 vị bô lão trong dân, để những người này chia sẻ những gánh nặng với Môsê trong công việc lãnh đạo dân này. Ông tập trung các vị bô lão này quanh lều trại. Và Kinh Thánh cho biết, Thiên Chúa đã rút Thần Khí nơi Môsê, để đặt trên những vị này, và khi Thần Khí đã xuống trên họ, thì họ đã nói tiên tri, kể cả hai vị đã không có mặt trong cuộc tập họp ấy.

Sự việc này đã làm cho Giosuê người đang phụ giúp cho Môsê bất bình. Giosuê đã thưa với Môsê ; “Thưa Ngài, xin Ngài ngăn cản họ lại chứ ?” ( Ds 11,28 ). Nhưng Môsê, một nhà lãnh đạo khôn ngoan, không muốn độc quyền những ân huệ của Thiên Chúa đã ban cho ông, mà ông lại muốn những ân huệ đó phải được thông ban cho nhiều người, để làm ích cho những người khác. Ví thế Môsê đã trả lời cho Giosuê : “ Anh ghen giùm tôi à ? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ ”. ( Ds 11,29 )

Tâm trạng của Giosuê thời Môsê, cũng là tâm trạng của Gioan thời Chúa Giêsu. Tin mừng thánh Marcô thuật lại rằng : khi thấy có người không thuộc nhóm mười hai của Ông, đã lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỉ, thì Gioan đã ngăn cấm người này. Lý do của việc ngăn cấm này, một phần là để bảo vệ danh tiếng cho Thầy mình, phần khác lại muốn dành cho mình và các đồng nghiệp của mình đặc ân duy nhất, là được sử dụng danh Chúa Giêsu để trừ quỉ. Chắc chắn rằng, khi làm việc này, Gioan đã cho rằng mình làm như thế là đúng. Thế nhưng, khi Chúa Giêsu hay biết sự việc thì Ngài lại ra lệnh: “Đừng ngăn cản người ta” ( Mc 9,39 ). Gioan có lẽ đã chưng hửng trước lệnh truyền này của Chúa.

Chúng ta có thể nói được rằng, người này chưa có một lòng tin vào Chúa Giêsu như các Tông Đồ của Ngài, nhưng anh cũng đã bắt đầu tin, còn kết quả của việc anh đã làm, là trừ quỉ, chỉ là một yếu tố làm gia tăng lòng tin của anh vào Chúa Giêsu mà thôi. Có lẽ vì thế mà Chúa Giêsu đã không ngăn cấm.

Lệnh truyền : “Đừng ngăn cản người ta” ở đây, không phải chỉ là một lệnh truyền của Chúa, mà còn là một lời cảnh cáo về thái độ muốn độc quyền làm những việc lành, thái độ đóng kín, thái độ chia rẽ giữa người này, người kia của Gioan. Những lời của Chúa là những nhát búa đập phá bức tường ngăn cách mà con người đã dựng lên, để Chúa thiết lập một xã hội huyng đệ, đại đồng, một xã hội sẽ không còn phe phái, không còn có người nhóm này, người nhóm kia nữa.

Chúng ta thường nói rằng : “Tứ hải giai huynh đê” - bốn bể đều là anh em. Con người trên trái đất này, dù nói những tiếng nói khác nhau, dù giữ những phong tục tập quán khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều là con của một Cha trên trời.

Đây là một sự thật, và sự thật này vẫn sẽ tồn tại mãi mãi cho dù con người có công nhận nó hay không. Nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta thấy gì ? Chúng ta thấy một thế giới đầy những tranh chấp, từ những tranh chấp giữa các cá nhân với cá nhân, đến những tranh chấp giữa phe nhóm này với phe nhóm khác; từ những tranh chấp giữa các quốc gia đến những tranh chấp giữa các khối quốc gia với nhau...Nhưng tại sao lại có những cuộc tranh chấp ấy ? Câu trả lời  không gì khác hơn là não trạng ích kỷ, hẹp hòi.

Não trạng này, hình như đã trở thành một bản năng của con người. Thực vậy, ngay từ khi bập bẹ nói, con người đã bắt đầu biểu lộ não trạng ích kỷ này rồi.

Quan sát những cuộc tranh giành miếng ăn hay đồ chơi của những em bé, chúng ta thấy câu nói nào là câu mà các em thường nói với nhau nhất ? Thưa câu nói đó là : “cái này là của tôi”. Trẻ con thì tranh giành nhau cái kẹo, đồ chơi, còn người lớn thì tranh giành nhau địa vị, quyền lợi; các quốc gia thì tranh giành nhau về kinh tế, ảnh hưởng ...Trẻ con thì dùng tiếng khóc; còn người lớn thì tinh khôn hơn, nên dùng thủ đoạn, dùng vũ khí, bạo lực... để giành dật về cho mình, cho phe nhóm của mình những gì mà mình muốn. Tất cả chỉ là vì ích kỷ, vì chỉ nghĩ đến mình, mà người ta sẵn sàng loại trừ người khác, bất chấp lẽ phải; thậm chí người ta có thể dàn dựng lên từ không thành có, miễn là làm sao hạ gục được đối thủ, chiếm đoạt được những gì người ta muốn chiếm. Nói khác đi, ích kỷ đã xây lên một bức tường ngăn cách giữa chúng ta với người khác.

Tâm trạng của con người chúng ta thường hẹp hòi. Bởi đó, chúng ta thường cho rằng, người khác không tốt, không hay bằng chúng ta. Tại sao chúng ta lại thường không muốn những người khác được hơn mình? Tại sao chúng ta lại thường không muốn chấp nhận ý kiến, quan điểm của người khác? Tất cả chỉ là vì tâm trạng hẹp hòi, đóng kín của chúng ta. Tâm trạng đó đã lây lan ra, tạo nên những phe nhóm. Và óc phe nhóm, bè phái đã khiến cho người ta loại trừ nhau. Đây chính là điều mà Gioan và các Tông Đồ của Chúa ngày xưa cũng đã mắc phải. 

Như vậy rõ ràng là các Tông Đồ của Chúa ngày xưa đã muốn độc quyền làm việc lành. Ý muốn trên đây phát sinh từ tính ích kỷ, ham danh, mà có lẽ không một ai trong chúng ta, đã không mắc phải, không nhiều thì ít. Để cho người khác lấy danh nghĩa Chúa mà trừ quỉ, là làm cho độc quyền trừ quỉ của các ông không còn nữa, và như thế, các ông đâu còn có uy thế, đâu còn được người ta kính nể nữa. Chính vì thế mà Gioan đã nói: “Chúng con đã cố ngăn cản” ( Mc 9,38 ).

Ngày nay, sự ích kỷ, óc bè phái không phải là không còn trong hàng ngũ những con cái Chúa. Có những người theo Chúa, những người đang hăng say phục vụ Chúa, vậy mà lại cũng đang miệt mài theo đuổi những hình thức để khai trừ những người, cũng đang theo Chúa, đang phục vụ  Chúa nhưng thuộc về những nhóm khác, không thuộc về nhóm mình. Nếu tình trạng phân hoá bởi óc bè phái cứ tự do hoành hành như thế, thì liệu điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội của chúng ta ? Có lẽ lúc đó, những việc lành sẽ vắng bóng trong xã hội chúng ta đang sống, và chúng ta sẽ chỉ sống co cụm trong những nhóm của chúng ta.

Con người được dựng nên không ai giống ai hoàn toàn, cả về mặt thể chất, lẫn tinh thần. Nhưng sự khác biệt ấy không phải là một bất toàn của Đấng Tạo Hóa, mà trái lại, đó lại là một sự toàn hảo của Ngài. Chính sự khác biệt ấy đã làm cho bộ mặt của thế giới thêm phong phú. Như thế, sự khác biệt không phải là lý do để con người loại trừ nhau, mà trái lại nó phải là lý do khiến con người chấp nhận nhau, bởi chính sự khác biệt đó, sẽ làm cho con người được phong phú thêm. Nhưng làm thế nào để có thể chấp nhận nhau? Thưa chỉ có tình yêu. Tình yêu sẽ vượt thắng mọi thứ hàng rào ngăn cách. Tình yêu sẽ lôi kéo những con người đang xa cách nhau về tiếng nói, về màu da, về địa vị ... xích gần lại với nhau. Tại sao chúng ta lại không muốn chấp nhận người sống bên cạnh chúng ta chỉ vì người đó không theo ý mình ? Thưa vì thiếu tình thương, thiếu tình yêu, yêu Chúa cũng như yêu  người anh chị em của chúng ta. 

Xin Chúa cho chúng ta biết đập đi bức tường của sự ích kỷ, hẹp hòi, óc bè phái là nguyên nhân dẫn đến mọi bất hòa. Đồng thời, biết xây dựng những cây cầu gắn kết yêu thương, để cùng nhau dấn thân xây dựng viễn tượng “ trời mới đất mới” mà Kinh thánh nói tới, trong đó, mọi người thuộc đủ mọi mầu da tiếng nói, tất cả đều nắm tay nhau mà ca hát, cầu nguyện với nhau, tất cả đều gọi Thiên Chúa là Cha của mình.

 

Lm. Giuse Phan Cảnh