Ngôn ngữ mở rộng hay khép kín tâm thức của chúng ta?

16/11/2017
753

30 năm trước nhà giáo dục người Mỹ, Allan Bloom, đã viết một quyển sách với tựa đề Sự khép kín của tâm thức Mỹ (The Closing of the American Mind). Lập luận của ông là trong thế giới thế tục hóa thời nay, ngôn ngữ của chúng ta trở nên mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa, một chiều và thiếu chiều sâu hơn bao giờ hết. Và chính điều này khép kín tâm thức của chúng ta, bằng cách tước đoạt những ý nghĩa sâu xa hơn bên trong cảm nghiệm của chúng ta. Với ông, cách chúng ta xác định một cảm nghiệm quyết định tầm mức ý nghĩa lớn lao hơn của nó.

20 năm trước trong một bài luận còn sâu sắc hơn với tựa đề Sự chiến thắng của Phép chữa bệnh (The Triumph of the Therapeutic), Philip Rieff đã nêu ra một luận điểm tương tự. Với ông, chúng ta sống trong một tình trạng “bờ rào hình tượng,” cụ thể là một ngôn ngữ và các biểu tượng mà chúng ta dùng để diễn giải các kinh nghiệm của mình. Bờ rào đó có thể cao hay thấp, rồi từ đó ý nghĩa mà chúng ta rút ra từ một cảm nghiệm cũng cao thấp như vậy. Cảm nghiệm có thể phong phú hoặc nông cạn tùy theo ngôn ngữ mà chúng ta dùng để diễn giải nó.

Lấy một ví dụ thế này: một người bị đau lưng và đến gặp bác sĩ, và bác sĩ bảo là ông bị chứng viêm khớp. Nghe thế ông khá yên tâm, nhưng chưa thấy thỏa mãn, nên ông đến gặp một bác sĩ tâm lý. Bác sĩ tâm lý bảo ông là những triệu chứng của ông không phải chỉ về mặt thể lý nhưng ông còn đang gặp phải cơn khủng hoảng tuổi trung niên. Và như thế cơn đau của ông đã được đặt vào một mức độ sâu hơn, cho ông hiểu rõ hơn về tình trạng của mình. Nhưng ông vẫn chưa thỏa mãn và đến gặp một vị linh hướng. Vị linh hướng, dù không bác bỏ là ông có bị viêm khớp và khủng hoảng tuổi trung niên, nhưng còn bảo ông rằng, ông nên xem cơn đau của mình như là Vườn Cây Dầu, như là thập giá để vác.

Cả ba chẩn đoán này điều nói về cùng một chứng đau nhưng mỗi lời lại đặt chứng đau đó dưới một bờ rào hình tượng khác nhau. Ngôn ngữ có nhiều cấp độ khác nhau và chỉ có một thứ ngôn ngữ nhất định nói được tầm mức của linh hồn. Gần đây chúng ta đã có nhiều cách hơn để hiểu điều này, qua các tác phẩm của Carl Jung và một số môn đệ của ông, họ đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn ngôn ngữ của linh hồn và cách ngôn ngữ đó phơi bày những nguyên hình mẫu sâu xa trong chúng ta.
Chúng ta thấy ngôn ngữ của linh hồn là một trong số những điều bí ẩn và thần thoại nhất. Sự đơn giản của ngôn ngữ linh hồn có thể khiến bạn bị nhầm. Đơn giản nhưng không đơn điệu. Một ví dụ là câu chuyện Cô bé Lọ Lem. Điều đầu tiên chúng ta cần chú ý trong câu chuyện này đó là tên của Cô bé Lọ Lem. Cinderella không phải là một cái tên thật nhưng là ghép bởi hai từ: Cinder, nghĩa là tro, và Puella nghĩa là cô gái bất tử. Đây không phải là một câu chuyện thần tiên đơn giản về một cô bé cô đơn bị hành hạ. Nó là câu chuyện để nêu bật một cơ cấu sâu xa trong linh hồn con người. Cụ thể là trước khi linh hồn của chúng ta sẵn sàng để mang lấy đôi hài thủy tinh, để làm tâm điểm của buổi tiệc, cưới hoàng tử và sống hạnh phúc mãi mãi về sau, thì chúng ta phải trải qua một số thời gian vùi trong tro bụi, bị sỉ nhục và được thanh luyện.

Câu chuyện này có cách của nó để nói lên linh đạo của chúng ta về mùa chay, một mùa ăn năn hối cải khi chúng ta lấy tro xức lên mình, để đi vào hoang địa chính mình.
Cô Bé Lọ Lem là một câu chuyện soi rọi đôi chút vào chiều sâu của linh hồn chúng ta. Nhiều chuyện cổ tích có tác dụng như thế, dù cho không có chuyện gì, hay cái gì có thể soi rọi vào linh hồn sâu xa hơn là Kinh Thánh. Ngôn ngữ và những biểu tượng trong Kinh Thánh xác định cảm nghiệm của chúng ta theo một cách vừa tôn vinh linh hoan, vừa giúp chúng ta đưa chiều sâu đích thực vào trong các cảm nghiệm của mình.

Ví dụ như chúng ta có thể thấy hoang mang, hay nói cách khác là ở trong bụng của con cá voi. Có thể thấy mình bất lực trước chứng nghiện, hay nói cách khác là bị quỷ ám. Chúng ta có thể giao động giữa đời sống cầu nguyện sốt sắng và những giờ u ám, hay nói khác là đang dao động giữa đi cùng Chúa đến Galilê hay ở với Ngài tại Giêrusalem. Chúng ta có thể bị tê liệt khi đứng trước một sự toàn cầu hóa quá mức với chúng ta, hay nói cách khác là chúng ta có thể đứng với Chúa Giêsu bên rìa của vùng Samari, nói chuyện với một người phụ nữ dân ngoại. Chúng ta có thể phải đấu tranh giữa sự trung tín với Chúa và sự gắn bó với các quan hệ của mình, hay nói cách khác là chúng ta có thể đứng cùng ông Joshua, nhận huấn lệnh giết hết người Canaan nếu muốn được vào đất hứa. Chúng ta có thể bị đau khớp, hay nói cách khác là đang đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu.
Ngôn ngữ mà chúng ta dùng để hiểu một cảm nghiệm sẽ tạo nên sự khác biệt vô cùng lớn trong những gì mà cảm nghiệm đó đem lại cho chúng ta. Trong quyển Sự khép kín của tâm thức Mỹ, Allan Bloom đã dùng một hình ảnh trần tục hơn nhưng rất sinh động để giải thích điều này. Ông nói rằng trong những giờ nghỉ, các học trò của Plato ngồi lại và kể những câu chuyện tuyệt vời đầy ý nghĩa về những khát khao bất tử trong họ. Còn sinh viên của ông trong giờ nghỉ, thì ngồi quanh và nói chuyện gái gú.

Chúng ta đang đánh mất và ngày càng thiếu thốn ngôn ngữ của linh hồn.

Ron Rolheiser