Không phải người giữ cửa

16/11/2017
1304
Toni Morrison, tác giả đoạt giải Nobel đã đặt ra câu hỏi này, “Tại sao anh muốn quen biết một người lạ, trong khi ghẻ lạnh một ai đó thì dễ dàng hơn? Tại sao chúng ta muốn kết nối những khoảng cách trong khi chúng ta có thể đóng sầm cánh cổng?” Nhưng đây không phải là một câu hỏi, mà là một nhận định.

Đây là một nhận định tiêu cực về cả xã hội và Giáo hội của chúng ta. Thật sự lòng của chúng ta hướng về cái nào? Chúng ta cố gắng để kết nối những khoảng cách giữa chúng ta và những người xa lạ, hay là chúng ta cố gắng đóng sầm cánh cổng để giữ những kẻ xa lạ với chúng ta?

Nói một cách công bằng, câu này chỉ ra rằng, đây là điều mà chúng ta phải đấu tranh. Không có một thời đại vàng son khi mọi người đều nhiệt thành chào đón người lạ. Có những con người và những cộng đồng với tấm lòng vàng luôn mở ra để chào đón, nhưng ở tầm mức toàn xã hội hay Giáo hội thì không.

Vấn đề này cũng là một điều phải đương đầu và là trọng tâm trong các chính sách thời nay. Khi khắp nơi, các quốc gia đang đấu tranh giữa các chính sách nhập cư của mình và bổn phận phải làm với hàng triệu người tị nạn và di dân muốn vào đất nước họ, thì tôi muốn đưa ra lời thách thức của Morrison: Chúng ta mời người lạ vào? Hay chúng ta thấy hài lòng khi để những người lạ tránh xa nhà của mình?

Có một thách thức điển hình trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về ông chủ vườn nho quá hào phóng, nhưng chúng ta lại thường dễ bỏ qua. Thách thức này nằm trong câu hỏi mà ông chủ hỏi nhóm nhân công cuối cùng, những người chỉ làm việc trong vòng một tiếng đồng hồ. Không như nhóm đầu tiên, ông chủ không hỏi họ, “Các anh có muốn làm việc trong vườn nho của tôi không?” Mà ông chủ hỏi rằng, “Tại sao anh không làm việc?” Họ trả lời, “Bởi chẳng ai thuê chúng tôi!” Hãy để ý rằng họ không trả lời là họ không làm việc vì họ lười biếng, thiếu năng lực. Và câu hỏi của ông chủ vườn cũng không có ý như thế. Họ không làm việc đơn giản là bởi không ai mời họ làm việc!

Đáng buồn thay, đây cũng là trường hợp cho rất nhiều người dường như đang lạnh lùng hay lãnh đạm với tôn giáo và Giáo hội của chúng ta. Không một ai mời họ vào! Và điều này cũng đúng ở thời của Chúa Giêsu. Có một nhóm người lãnh đạm và thù địch với tôn giáo dường như đều bị kết án đơn giản là tội nhân. Những người bị xem là tội nhân này, là các gái điếm, người thu thuế, ngoại kiều và tội phạm. Chúa Giêsu mời họ đến, và nhiều người trong số họ đã đáp lời một cách chân thành, hối cải, và sốt mến đến nỗi khiến cho những người tự nhận mình là tín hữu cũng phải thấy xấu hổ. Với những người bị xem là tội nhân này, ngăn cách giữa họ và cổng vào nước trời chỉ là một lời mời chân thật mà thôi.

Tại sao anh không đi lễ?

Bởi chẳng có ai mời tôi cả!

Trong những kinh nghiệm mục vụ phải nói là có giới hạn của tôi, tôi đã chứng kiến nhiều người từ lúc nhỏ cho đến tận tuổi trung niên đã sống lãnh đạm thậm chí là sợ hãi kiểu hoang tưởng về tôn giáo và giáo hội. Họ xem đó là một thế giới mà họ bị loại trừ. Nhưng nhờ một số người nhân hậu, hay gặp một hoàn cảnh nào đó, mà họ cảm nhận mình được mời gọi và họ trao trọn bản thân cho gia đình xã hội mà họ mới tìm thấy, một cách nồng hậu, nhiệt thành, biết ơn và thường vô cùng tự hào về tình trạng mới của mình. Tôi đã chứng kiến việc này nhiều lần và tôi hiểu tại sao các cô gái điếm và người thu thuế đã tin vào Chúa Giêsu, hơn những kinh sư, luật sĩ thời đó. Bởi vì Ngài là người đầu tiên thật sự mời gọi họ.

Đáng buồn thay lại có một sự đối lập với tinh thần này và điều này lại thường xuyên xảy ra, là khi chúng ta không mời gọi một số người mà lại năng nổ tìm cách đóng sầm cánh cửa với họ. Chúng ta đã thấy điều này nhiều lần trong Tin mừng, khi các môn đệ ngăn chặn người ta đến với Chúa Giêsu, khi người ta cố đưa người bị liệt đến với Chúa, nhưng không thể vào được vì bị đám đông chắn lối, nên họ phải trổ một cái lỗ trên mái nhà để thả người đó xuống cho Chúa Giêsu.

Chúng ta đã chắn lối người khác tìm đến Chúa Giêsu, một cách thường xuyên, vô thức, thật tâm nhưng mù quáng. Đây là một nguy cơ, nhất là với những ai đang lo việc mục vụ. Chúng ta quá dễ dàng, thật tâm, nhân danh Chúa Giêsu, nhân danh thần học chính thống và nhân danh việc mục vụ, mà tự cho mình làm người gác cổng, làm người bảo vệ Giáo hội, và buộc người ta phải đi qua mình để đến với Chúa. Chúng ta cần nhớ rõ hơn nữa, rằng chỉ có Chúa Giêsu là cửa cho chiên vào, và chúng ta cần thanh luyện con người mình bằng cách thấy ra vì sao mà Chúa Giêsu đã đuổi những người đổi tiền trong đền thờ. Những người đổi tiền đó đã tự xem mình là trung gian mà người ta phải gặp trước khi dâng lễ vật lên Chúa. Và Chúa Giêsu không chấp nhận điều đó.

Sứ mạng môn đệ Chúa Giêsu không phải là làm người giữ cửa. Mà là tìm cách để nối kết khoảng cách và mời gọi người lạ vào.

Ron Rolheiser