Giáo xứ Ba Làng cử hành Tam Nhật Thánh năm 2022

18/04/2022
983
Tam Nhật thánh năm nay tại giáo xứ Ba Làng được cử hành tại 3 nhà thờ: nhà thờ giáo xứ Ba Làng, nhà thờ giáo họ Sung Thượng và nhà thờ giáo họ Như Xuân. Tam Nhật Thánh, bắt đầu từ Thánh Lễ Tiệc ly vào chiều thứ năm tuần thánh, tiếp theo là thứ sáu Tuần thánh, thứ bảy Tuần thánh và Chúa Nhật phục sinh. Đây là tột đỉnh của Mùa Chay Thánh và trung tâm của Năm phụng vụ. Các Giáo phụ gọi Tuần thánh là tuần trọng nhất trong Năm phụng vụ, tuần lễ mẹ các tuần lễ.

Nếu nhìn vào việc thành hình Năm phụng vụ, thì việc cử hành Ngày Chúa nhật hằng tuần và việc cử hành Lễ Phục sinh mỗi năm là khởi điểm của Năm phụng vụ. Các tín hữu thường tập họp mỗi ngày Chúa nhật để tưởng nhớ lại biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại. Rồi mỗi năm có việc cử hành các biến cố này một cách trọng thể hơn và đặc biệt hơn. Sau đó mới dần dần thành hình các việc cử hành các ngày lễ khác, và các mùa khác trong Năm phụng vụ. Ngay trong việc thành hình các Sách phúc âm, thì đơn vị văn chương tường thuật việc Chúa Kitô sống lại, và cuộc thương khó của Chúa cũng được coi là đơn vị đầu tiên được viết ra cho cộng đoàn tín hữu sơ khởi. Các Thánh ký viết phúc âm đã xử dụng các bài tường thuật cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Kitô như là đỉnh chót của việc loan báo tin mừng về Chúa Kitô.

Ý NGHĨA THỨ NĂM TUẦN THÁNH: LỄ TIỆC LY

Với Thánh lễ Tiệc Ly chiều nay, Tam Nhật Vượt Qua được bắt đầu, nhằm tưởng niệm cuộc Thương Khó, Sự Chết và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, là tột đỉnh của công trình cứu độ mà Ngài đã thực hiện. Mầu nhiệm nền tảng được tưởng nhớ trong Thánh Lễ này là việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chức Linh Mục và lệnh truyền của Chúa về tình huynh đệ.

 

Và hôm nay đây, tại nhà thờ giáo xứ Ba Làng, ở nơi dương thế này. Cha xứ Giuse đã tái hiện lại hình ảnh Chúa Giê-su thiết lập bí tích Thánh Thể, thực hiện cử chỉ yêu thương là rửa chân cho những người được gọi và hơn thế nữa chiều tiệc ly được xem như là Thánh lễ đầu tiên của các Linh Mục và là ngày các linh mục được sinh ra, với lòng hiệp dâng của cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Ba Làng.
 

Cũng trong đêm hôm ấy, ngay tại vườn cây Dầu Chúa giê su đã buồn đến tận cùng vì cảm thấy cô đơn, sự cô đơn mà chẳng ai hiểu thấu. Nhìn xung quanh các môn đệ đã ngủ, và Ngài ước rằng: “Ước chi các con có thể thức cùng ta một giờ”.  Để cùng thức với Chúa, Cha xứ và cộng đoàn dân Chúa đã cùng đặt mình thánh chầu tại nơi vườn dầu, các hội đoàn dân Chúa thay phiên nhau để ngồi cùng Chúa, với ước mong được chia sẻ một chút nỗi cô đơn mà Ngài đang phải gánh chịu một mình.
 

Ý NGHĨA THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành cái chết vinh quang của Chúa. Tường thuật của Thánh Gioan diễn tả cuộc thương khó của Chúa Giêsu không là một sự thất bại, nhưng là một chiến thắng. Nghi Thức Tôn Thờ Thánh Giá nhắc nhở chúng ta trong điệp ca khởi đầu rằng: “Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa, chúng con ngợi khen và tôn vinh Chúa đã sống lại vì nhờ cây Thánh Giá, tất cả thế giới đều được vui mừng”.

 

Lạy Chúa,  cây thập tự giá ấy, nếu đứng một mình chúng chỉ là vật vô tri vô giác, không mang lại ý nghĩa gì. Nhưng từ khi, con một Chúa chịu đóng đinh trên cây thập tự ấy thì cây Thập giá mang một ý nghĩa đặc biệt là Tình Yêu: “Thánh giá là chữ T, người nằm giang tay chữ Y là Tình Yêu yêu đến tận cùng”.
 

Ngày hôm nay, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Ba Làng đã cùng tái hiện lại hoạt cảnh Cuộc thương khó của Chúa Giesu để tất cả mọi người được cùng cảm nhận và thông phần vào nỗi đau mà Chúa đã chịu, nỗi đau của sự cô đơn, nỗi đau khi bị Phê-rô từ chối, nỗi đau của sự phản bội là Giu-đa ít-ca-ri-ốt, nỗi đau của những con người lòng chai dạ đá là các Thượng tế và Người pha-ri sêu và rất nhiều những nỗi đau khác nữa.
 

Để về sau này, chúng ta đã phải thốt lên rằng: “Đây là cây Thánh Giá, nơi treo  Đấng cứu độ trần gian – Chúng ta hãy đến thờ lạy và suy tôn”
 

Đó là cực hình mà Đức Giê-su phải chịu, còn Mẹ Maria thì sao? Từ khi nghe tin con mình bị nộp vào tay kẻ dữ. Mẹ đã chẳng yên lòng, đi theo con mẹ từ lúc bị điệu đến quan Philato, âm thầm dõi theo con từng bước chân. Mỗi một roi đòn lên người con trai là như là một lưỡi gươm đâm thâu trái tim người Mẹ. Đau đớn thay, cả con và mẹ cùng nhìn nhau, nhưng sự vâng lời đến tận cùng ấy đã giải thoát thế gian khỏi tội lỗi. Và chiều hoàng hôn ấy, dưới chân thập tự giá ấy mẹ đã đồng công cùng Chúa cứu chuộc nhân loại và ngay lúc ấy Thập giá là đau khổ nhưng thập giá cũng là vinh quang.

Ý NGHĨA THỨ BẢY TUẦN THÁNH VÀ CANH THỨC VƯỢT QUA

 

Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội ở lại bên mồ Chúa mà suy ngắm cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài, cũng như việc Chúa xuống ngục tổ tông, và Giáo Hội chờ đợi sự Phục Sinh của Ngài trong cầu nguyện và chay tịnh.

Đêm Canh Thức được liên kết với Chúa Nhật Phục Sinh. “Trong lễ này, Hội Thánh canh thức để mong đợi Chúa Kitô sống lại và cử hành sự phục sinh của Chúa trong các bí tích” (QLTQNPV, số 21).

Trong đêm cực thánh này, chúng ta cùng suy ngẫm lại hành trình cứu độ của Chúa qua năm bài đọc trích từ sách Sáng Thế về Thiên Chúa Tạo Dựng muôn loại và Lễ tế mà tổ phụ Áp-ra-ham dâng lên Thiên Chúa, rồi đến sách Xuất Hành về cuộc vượt qua Biển đỏ của ông Mô-sê và dân Do Thái để thoát khỏi nô lệ của Pharao, đến bài trích thư thánh Phaolo gửi tín hữu Roma nói về một Đức Kito sống lại từ cõi chết, và Cuối cùng trích là tường thuật của thánh sử Luca về việc Đức Kitô đã trỗi dậy từ cái chết.

Một thánh lễ đầy đủ nhất của một năm phụng vụ, qua việc làm phép lửa để nhắc nhớ cho chúng ta về một Thiên Chúa là ánh sáng của thế gian, làm phép nước để nhắc lại rằng chúng ta đã được sống lại nhờ nguồn nước yêu thương của Thiên Chúa qua Bí tích rửa tội.


Và từ đây chúng ta hãy hân hoan, vui mừng vì cái chết của Đức kito đã trở nên Ý nghĩa nhờ sự phục sinh vinh hiển của Ngài, để chúng ta không còn phải là một Đức tin vô vọng nhưng là Đức tin hy vọng vào sự sống mai sau trên nước Chúa muôn đời. Amen.

 


BTT Gx.Ba Làng