Thánh vịnh 122 – Chúa nhật XIV thường niên – Giải nghĩa và hát mẫu

03/07/2021
1161

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Tv 123,1-4
 

Bối cảnh

Thánh vịnh 123 (122) là Ca khúc lên đền thứ 4 trong số 15 Ca khúc lên đền (Tv 120-134) được trình bày trong tập V (Tv 107-150) của sách Thánh vịnh. Những Ca khúc lên đền được tấu lên từ những trái tim nhộn nhịp phấn khởi đang tiến lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Nơi đây, họ tụ hội để tham dự vào những nghi lễ phụng tự như ngày lễ Vượt Qua, lễ Lều, và những ngày lễ hằng tuần.

Đặt những Ca khúc lên đền vào tiến trình của một cuộc hành hương tiến về Giê-ru-sa-lem, trước tiên, chúng ta thấy Thánh vịnh 120 là Ca khúc lên đền đầu tiên như bài ai ca của một lữ khách đang ở rất xa Thành thánh, đang lâm cảnh ngặt nghèo gây nên bởi những kẻ môi miệng điêu ngoa, tấc lưỡi phỉnh phờ, những kẻ ghét hoà bình, yêu thích chiến tranh. Thứ đến, Thánh vịnh 121 là Ca khúc lên đền thứ hai, và là một bài ca tạ ơn của người lữ khách đang tiến gần vào Thành thánh Giê-ru-sa-lem. Niềm vui được dâng lên khi người lữ khách bắt đầu nhìn thấy những rặng núi của Giê-ru-sa-lem dần dần lộ diện. Tiếp đến, Thánh vịnh 122 là Ca khúc lên đền thứ ba. Thánh vịnh này diễn tả niềm vui của người lữ khách đã tiến vào nội thành. Người lữ khách dừng chân nội thành, rất đỗi sửng sốt trước vẻ đẹp hùng vĩ của Thành thánh và ca lên rằng: Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: “Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa! Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi, cửa nội thành, ta đã dùng chân” (Tv 122,1-2).

Cuối cùng, Thánh vịnh 123 mà chúng ta cùng nhau hoà tấu trong ngày Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm B hôm nay được xem như một bài hợp xướng của cộng đoàn những người lữ khách. Khi tiến vào Thành thánh, những người lữ khách quay mặt đi với thế gian đang bị bao phủ bởi những điêu ngoa, những tấc lưỡi phỉnh phờ. Cùng lúc đó, họ hướng về Thiên Chúa, thân thưa với Chúa và xin Người thương xót.
 


 

Bố cục và Ý nghĩa

Thánh vịnh 123 (122) gồm 4 câu và được chia thành 2 phần:

  • Phần I: Câu 1-2 diễn tả niềm tin tưởng cửa người lữ khách vào Chúa.
  • Phần II: Câu 3-4 là lời kêu xin cùng với lời than van của những người lữ khách.

Thánh vịnh này khởi đi với những lời diễn tả niềm tin tưởng của một lữ khách với đôi mắt “hướng nhìn lên Chúa”. Rồi sau đó, cả cộng đoàn những khách hành hương cùng chung lời tuyên xưng niềm tin và hy vọng vào Chúa: “Mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận”. Bởi vì, “Từ trời cao Chúa nhìn xuống loài người, xem ai là kẻ có lương tri, biết kiếm tìm Thiên Chúa” (Tv 14,2).

Điều đặc biệt nơi Thánh vịnh 123 là những khách hành hương ví niềm tin và hy vọng của họ vào Thiên Chúa như những gia nhân và nữ tỳ đặt niềm tin của họ nơi những ông chủ, bà chủ. Đối với nhưng gia nhân và nữ tỳ, họ tin tưởng rằng ông chủ, bà chủ của họ sẽ dang tay ban phát ân huệ với lòng nhân từ, quảng đại. Còn những người lữ khách, họ ngước trông lên Chúa để được xót thương:“Mắt tôi nhìn Chúa không biết mỏi vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới (Tv 25,15). Trong niềm tin trọn vẹn, họ tha thiết khấn xin Chúa rủ lòng thương bởi họ bị khinh miệt ê chề từ những lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng.

Giống như những người lữ khách tín trung, trên cuộc lữ hành tiến về Thành thánh Giê-ru-sa-lem Thiên quốc, chúng ta cũng ngước nhìn lên Chúa với niềm khát mong tình yêu và lòng thương xót của Người. Tuy nhiên, ngay bây giờ, tình yêu và lòng thương xót ấy đụng chạm tới chúng ta qua Đức Giê-su, Đấng cứu độ chúng ta. Người là mọi sự cho chúng ta: nếu chúng ta muốn chữa lành vết thương, Người là thần lương; nếu chúng ta chịu bất công, Người là công lý; nếu chúng ta cần sức lực, Người là sức mạnh; nếu chúng ta sợ cái chết, Người là sự sống; nếu chúng ta khao khát Thiên đàng, Người là đường; nếu chúng ta muốn thoát khỏi bóng tối, Người là ánh sáng; nếu chúng ta cần lương thực, Người chính là thực phẩm dưỡng nuôi; nếu chúng ta bất an, Người là sự bình an.

Ước gì lời chúc bình an đồng hành với mỗi người chúng ta trên lộ trình tiến về Giê-ru-sa-lem Thiên quốc: “Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và rủ lòng thương anh em. Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,25-26).

Lm. Antôn Trần Văn Phú
https://www.tonggiaophanhanoi.org/thanh-vinh-122-chua-nhat-xiv-thuong-nien-giai-nghia-va-hat-mau/