Nghi Lễ Nào Của Giáo Hội Công Giáo

14/04/2017
2493
Hỏi:  Kính thưa cha, con có thắc mắc vấn đề phụng vụ mà báo chí thường gọi là "nghi lễ La tinh và nghi lễ Đông phương". Vậy hai nghi lễ này khác nhau như thế nào? Nghi lễ nào là của Giáo Hội Công Giáo? Hay là cả hai nghi lễ thì dùng nghi lễ nào cũng được?
 
 
Đáp:  Nghi lễ Latinh là nghi lễ Giáo Hội Việt Nam xử dụng.  Chắc chắn anh quen thuộc rồi vì đó là chuyện hằng ngày anh dự lễ.  Nghi lễ Latinh còn gọi là nghi lễ Roma. Nghi lễ Đông Phương là tiếng gọi tắt cho rất nhiều nghi lễ khác nhau mà tám nghi lễ thuộc Giáo Hội Công giáo: Byzantine, Armenia, Chaldea, Coptic, Ethiopia, Malabar, Maronite và Syria.  Cả chín nghi lễ này thuộc Giáo Hội Công giáo.  Bình thường ai rửa tội theo nghi lễ nào thì theo nghi lễ đó suốt đời.  Muốn chuyển từ nghi lễ này sang nghi lễ khác phải có phép tòa thánh.  Nghi lễ Latinh là nghi lễ phổ thông và nhiều người dùng nhất.
 
Nghi lễ phổ thông tiếp theo là Byzantine (chung cả Công Giáo và Chính Thống giáo).  Nghi lễ Byzantine bắt nguồn từ cố đô của đế quốc Roma tức Constantinop mà ngày nay là Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày xưa mang tên Byzantine.  Nghi lễ Byzantine chung truyền thống với các Giáo Hội Antioc, Alexandria và Jerusalem.  Khi vua Constantine nhường Roma cho Giáo Hoàng và rời kinh đô về Byzantine năm 330, Byzantine thành Roma mới.
 
Nghi thức Byzantine có hệ thống giáo luật riêng, chu kỳ phụng vụ các lễ trọng và các thánh và nhiều truyền thống dân tộc riêng.  Năm Phụng vụ bắt đầu từ  ngày 1 tháng 9 với bốn chay kỳ: 1- Trước lễ Giáng sinh (từ 15 tháng 11 tới 24 tháng 12)  2- Mùa Chay (trước Lễ Phục Sinh) 3- Trước lễ thánh Phêrô và Phaolô (từ Chúa Nhật sau lễ Hiện xuống đến ngày 29 tháng 6)  4- Trước lễ Đức Mẹ Lên Trời (từ ngày 1 tháng 8 đến 14 tháng 8).  Rửa tội được dìm dưới nước, tiếp liền theo là Thêm sức và chịu lễ.  Bánh có men được dùng trong Thánh Lễ để chỉ sức sống của Chúa trong Thánh Thể.