Giải nghĩa và hát mẫu thánh vịnh 145 – Chúa nhật XXIII thường niên B

04/09/2021
1081


THÁNH VỊNH 145

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM B

I. Bối Cảnh

Khi tìm hiểu Thánh vịnh 145, trước tiên chúng ta nhìn qua bối cảnh của Thánh vịnh trong cuốn sách Thánh vịnh. Trước Thánh vịnh 145 là Thánh vịnh 144 với những lời kết sau đây: “Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi Chúa, chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh.” (Tv 144,21). Câu kết này là một lời mời gọi tán tụng, và cũng là lời dẫn nhập cho 5 thánh vịnh cuối cùng trong bộ Thánh vịnh. Năm thánh vịnh cuối cùng gộp thành ‘Bài ca Tán tụng cuối cùng’. Thánh vịnh 145 khởi đi với những lời thôi thúc từ trong sâu thẳm: “Ca tụng Chúa đi hồn tôi hỡi!” Thánh vịnh 150 khép lại bộ Thánh vịnh với lời kêu mời: “Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào.” (Tv 150,6).

II. Bố Cục và Ý Nghĩa

Tiếp đến, khi phân tích bố cục của Thánh vịnh 145 chúng ta thấy Thánh vịnh gồm 10 câu và có thể được chia thành 3 phần:

  • Phần nhập đề là lời thúc giục chính mình hãy tán dương ca tụng Chúa (cc. 1-2).
  • Phần diễn đề bao gồm lời khuyên khôn ngoan có tính giáo huấn (cc. 3-4) và kể lại công trình tạo dựng và cứu chuộc mà Thiên Chúa đã thực hiện (cc. 5-9).
  • Phần kết là đỉnh cao của toàn bộ Thánh vịnh với lời tán dương vương quyền phổ quát và vĩnh cửu của Chúa (c. 10).

Thánh vịnh 145 khởi đi với tiếng thôi thúc từ trong sâu thăm tâm hồn của người khấn cầu: “Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” Thêm vào đó, người khấn cầu còn thốt lên lời thề hứa: “Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng Chúa, sống bao lâu nguyện đàn ca kính Chúa Trời.” (Tv 145,1). Những lời này diễn tả cuộc đời của con người như một bài ca tán dương Thiên Chúa. Bài ca này không chấm dứt khi cuộc sống của con người trở về với cát bụi. Lời tán tụng của chúng ta dành cho Chúa càng mãnh liệt hơn khi con người bước vào cõi vô hạn, khi con người tiến vào cuộc sống Thiên Quốc, nơi ấy chẳng còn gì để mà bận tâm lo lắng ngoại trừ một việc, đó là ca tụng tán dương Chúa đến muôn thủa muôn đời, như lời Thánh vịnh 84 khẳng định: “Phúc thay người ở trong thánh điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài.” (Tv 84,5).

Sau lời mời gọi ca ngợi là những lời khuyên khôn ngoan. Vịnh gia khuyên chúng ta: “Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế, nơi người phàm chẳng cứu nổi ai. Họ tắt hơi là trở về cát bụi, dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan” (Tv 145,3-4). Trái lại, hãy đặt niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, “Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó, Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn; Đấng giải phóng những ai tù tội, mở mắt cho kẻ mù lòa, Đấng cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.” (Tv 145,5-9). Cao trào của toàn bộ Thánh vịnh là lời tán dương vương quyền phổ quát của Thiên Chúa: “Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở, Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời” (Tv 145,10).
 

III. Truyền Thống
 

Sau cùng, chúng ta đến với truyền thống sử dụng Thánh vịnh. Người Do-thái sử dụng Thánh vịnh 145 như một lời ca ngợi Chúa vào buổi sớm. Trong truyền thống mạc khải Tân ước các thánh sử nhận thấy Thánh vịnh 145 viết về Đức Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến ở giữa thế gian để nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, được đổi mới. Người là Đấng trở nên người Tôi tớ trung tín, là Đấng xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, giải phóng những ai tù tội, mở mắt cho kẻ mù lòa, cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, yêu chuộng những người công chính, phù trợ những khách ngoại kiều, nâng đỡ cô nhi quả phụ.” (Tv 145,5-9).

Hôm nay trong ngày Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm B, toàn thể Giáo Hội hoà tấu bài bài ca tán tụng này với tâm tình tin tưởng phó thác vào Chúa, Đấng tiếp tục giữ gìn thế giới, Đấng hằng yêu thương những người phận nhỏ, những người công chính, Đấng trao ban chính mình để trở nên của nuôi cho những ai đói khát Thiên Chúa.

Lm. Antôn Trần Văn Phú
https://www.tonggiaophanhanoi.org/giai-nghia-va-hat-mau-thanh-vinh-145-chua-nhat-xxiii-thuong-nien-b/