Điểm khác biệt giữa nghi thức cử hành Thánh Lễ trước và sau Công Đồng Vatican II

14/04/2017
6202
Điểm khác biệt giữa nghi thức cử hành Thánh Lễ trước và sau Công Đồng Vatican II
 
 
Chúng ta biết rằng sau CĐ Vatican II (1962-1965) và sau chương trình canh tân Phụng Vụ năm 1970, thì hình thức cử hành Thánh Lễ theo nghi thức Tridentino và bằng tiến La-tinh được áp dụng từ bao thế kỷ trước, bị bãi bỏ và được thay thế bằng nghi thức được canh tân với ngôn ngữ bản xứ. Từ đó cho tới nay, trong một vài trường hợp đặc biệt, việc cử hành Thánh Lễ theo nghi thức cũ trước Công Đồng vẫn được phép, nhưng trước hết phải có phép của Đức Giám Mục sở tại. Các nhóm và đoàn thể duy cổ truyền và bảo thủ trong Giáo Hội lại đòi hỏi nghi thức Thánh Lễ cũ bằng tiếng La-tinh phải được cử hành một cách phổ biến trong Giáo Hội.
 
Những người theo dõi sát các biến chuyển ở Vatican phỏng đoán rằng, không lâu nữa, sau khi được chỉ thị chính thức của Đức Thánh Cha, người ta sẽ biết được việc cử hành Thánh Lễ theo nghi thức trước CĐ có được phép hay không, và nếu được phép thì phải cử hành ra sao.
 
Vậy những dòng sau đây, chúng ta thử phân tích và tìm hiểu những ghi nhận chuyên biệt của nghi thức Thánh Lễ Tridentino trước CĐ, những tương đồng và những dị biệt với với nghi thức Thánh Lễ Roma hiện hành, đã được canh tân sau CĐ Vatican II. Bởi vì, qua những nghi thức cử hành Thánh Lễ khác nhau đó, hình ảnh về Giáo Hội cũng được trình bày khác nhau; tức: Thánh Lễ được vị Linh mục cử hành để cầu nguyện cho Cộng Đoàn phụng vụ hay là Thánh Lễ được cả Cộng Đoàn phụng vụ cùng với vị Linh mục cử hành. Sự khác biệt là ở chỗ đó!
 
Sau đây chúng ta thử quan sát 5 giai đoạn trong nghi thức Thánh Lễ Tridentino trước Công Đồng Vatican II:
 
1. Vị chủ Tế đọc kinh cáo mình trước cấp bàn thờ
 
Trước mỗi Thánh Lễ, vị Linh mục Chủ tế và các người giúp lễ đứng dừng lại trước bậc cấp dưới cùng của bàn thờ, hướng nhìn lên bàn thờ và quay lưng về phía Cộng Đoàn, để đọc Kinh Cáo Mình «Confiteor Deo Omnipotenti» và Thánh vịnh 43 (hình 1). Trong khi đó Cộng Doàn giáo dân tham dự lần hạt hay hát các bài Thánh Ca.
 
Còn trong Thánh Lễ được cử hành theo nghi thức Roma đã được canh tân, như đang hiện hành trong Giáo Hội, thì vị Linh mục Chủ tế đứng quay mặt về phía Cộng Đoàn phụng vụ và cùng với Cộng Đoàn bắt đầu làm phép thánh giá : «Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen». Tiếp đến vị Chủ tế chào Cộng Đoàn phụng vụ : «Chúa ở cùng anh chị em» và cả Cộng Đoàn đáp lại : «Và ở cùng cha»; liền sau đó, vị Linh mục Chủ tế cùng với Cộng Đoàn đọc Kinh Cáo Mình, xưng thú tội lỗi cùng Thiên Chúa.
 
2. Các bài đọc Sách Thánh
 
Theo nghi thức cũ thì vị Linh mục Chủ tế đứng quay lưng về phía Cộng Đoàn và đọc bài Thánh Thư bằng tiếng La-tinh ở phía phải bàn thờ (hình 2). Sau đó, vị Chủ tế vào đứng giữa bàn thờ, cúi đầu đọc kinh dọn mình trước Phúc Âm. Trong khi đó, sách Phúc Âm được người giúp lễ hay Thầy Sáu mang từ phía phải bàn thờ sang đặt ở phía trái để vị Chủ tế đọc. Dĩ nhiên, cả bài Thánh Thư lẫn bài Phúc Âm đều được vị Chủ tế đọc thầm một mình.
 
Còn trong nghi thức mới, thì bài Thánh Thư do một người giáo dân trong Cộng Đoàn đọc và bài Phúc Âm do Thầy Sáu hay vị Chủ tế đọc. Cả hai bài đều được đọc ở bục Đọc Sách, được thiết kế quay về phía Cộng Đoàn.
 
Đặc biệt là thứ tự các bài Sách Thánh trong nghi thức cũ, rất ít khi được trích từ phần Kinh Thánh Cựu Ước; còn bài Tin Mừng thì hầu như chỉ được trích từ Phúc Âm theo thánh Mát-thêu mà thôi. Trong khi đó, theo nghi thức mới thì tất cả bốn bản Phúc Âm được lần lượt chia ra đọc hết trong ba năm liên tiếp - tức năm A, B, C – và các bản văn quan trọng trong Cựu Ước cũng được đọc đều đặn trong các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng.
 
3. Phần Dâng Lễ
 
Với phần Dâng Lễ hay Dâng Của Lễ, Thánh Lễ mới thực sự được bắt đầu; còn phần cử hành Lời Chúa từ đầu Lễ cho tới lúc bấy giờ chỉ mới là phần «soạn sửa» mà thôi. Vì thế đã đưa tới hậu quả tiêu cực là trong một số xứ đạo: Các giáo dân, nhất là các giáo dân phái nam, có thói quen chỉ vào nhà thờ khi bắt đầu phần Dâng Lễ và ra về trước phần Rước Lễ. Vì họ cho như thế là đã làm tròn bổn phận Ngày Chúa Nhật rồi. Trong phần Dâng Lễ này, các bản Kinh Thánh Thể được soạn thảo dựa theo Thánh Kinh, chỉ đề cập đến việc vị Linh mục Chủ tế đại diện cho Cộng Đoàn dâng lên Thiên Chúa Của Lễ (hình 3); còn Cộng Đoàn phụng vụ tham dự cùng hiệp thông vào Của Lễ Đức Kitô trên Thánh Giá. Như vậy, trong phần Dâng Lễ, cả hai nghi thức, cũ và mới, hầu như tương tự nhau, chỉ khác nhau ở chỗ vị Chủ tế quay mặt hay quay lưng lại Cộng Đoàn phụng vụ mà thôi.
 
4. Elevation: Chủ tế nâng cao Mình Thánh lên sau khi truyền phép
 
Sau lời Truyền Phép «Hoc est enim corpus meum» (Vì này là Mình Thầy) và «Hoc est enim calix sanguinis mei …» (Vì này là chén Máu Thầy…), vị Linh mục Chủ tế lần lượt nâng cao Mình Thánh và chén Máu Thánh lên quá đầu cho Cộng Đoàn tham dự thờ lạy. Đó cũng chính là lần đầu tiên trong suốt Thánh Lễ, các giáo dân được nhìn thấy Mình Thánh Chúa. Và, bởi vì việc nâng cao Mình Thánh lên như thế kéo dài khác lâu, trong khi đó hai tà áo lễ lại nặng, nên hai chú giúp lễ phải nâng tà áo lễ lên kẻo chúng tì nặng xuống hai cánh tay vị Chủ tế (hình 4).
 
Còn trong Thánh Lễ theo nghi thức đã được canh tân ngày nay, vị chủ tế chỉ nâng Mình và Máu Thánh Chúa lên ngắn hơn, và vì trong suốt Thánh Lễ đứng quay mặt về phía Cộng Đoàn, nên vị Chủ tế cũng không cần phải giơ lên quá cao như trong nghi thức cũ.
 
Một điểm đặc biệt cần phải ghi nhận ở đây là trong Thánh Lễ theo nghi thức cũ, người ta có cảm tưởng là giữa vị Linh mục Chủ tế và Cộng Đoàn phụng vụ tham dự hầu như rất ít có liên hệ trực tiếp với nhau; ai nấy chỉ lo làm nhiệm vụ của mình. Dẫn chứng là vì vị Chủ tế cử hành các nghi thức Thánh Lễ quay mặt lên bàn thờ, Cộng Đoàn phụng vụ không nhìn thấy được ngài làm những gì trên đó. Hơn nữa vị Linh mục vừa đọc các kinh bằng tiếng La-tinh vừa lại đọc thầm một mình, nên Cộng Đoàn phụng vụ không thể hiểu được.
 
Đó là lý do cắt nghĩa hiện tượng tại sao trong Thánh Lễ theo nghi thức cũ: khi vị Linh mục Chủ tế cử hành Thánh Lễ trên bàn thờ thì Cộng Đoàn phụng vụ ở phía dưới cứ lần hạt, đọc đủ thứ kinh cầu hay hát những bài Thánh Ca không có liên quan gì đến Thánh Lễ cả. Cũng vì thế, trong phần quan trọng của Thánh Lễ, như khi Truyền Phép hay Rước Lễ, người giúp lễ phải dùng chuông rung lên để báo cho Cộng Đoàn phụng vụ ở phía dưới ngừng lần hạt hay hát để hướng nhìn lên bàn thờ. Ở đây vai trò Cộng Đoàn phụng vụ hoàn toàn thụ động.
 
5. Hiệp Lễ và Phép Lành cuối Lễ
 
Trong các thế kỷ trước kia, hầu như chỉ vị Linh mục Chủ tế rước lễ mà thôi. Từ thế kỷ XX trở đi, các giáo dân mới được khuyến khích rước lễ đều đặn hơn. Và giáo dân thường chỉ được rước Mình Thánh đã được truyền phép và được cất giữ trong Nhà Tạm. Còn ngày nay, Mình Thánh thường được truyền phép ngay trong chính Thánh Lễ mà giáo dân đang tham dự.
 
Chỉ trong phần ban phép lành cuối Lễ, vị Linh mục Chủ tế mới quay mặt về phía giáo dân để chúc lành cho họ (hình 5) mà thôi. Và theo nghi thức chúc lành cũ bằng tiếng La-tinh : «Ite missa est» (có nghĩa là: Thánh Lễ đã xong rồi, anh chị em được phép ra đi). Còn trong nghi thức mới ngày nay, nghi thức cầu chúc cuối Lễ bằng tiến bản xứ: «Thánh Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bằng an!»
 
Vấn đề gây tranh cãi
 
Nhưng người ta tự hỏi dâu là vấn đề thực sự gây ra tranh cãi? Như đã nói ở trên: Qua hai nghi thức Thánh Lễ khác nhau đã trình bày hai hình ảnh khác nhau về Giáo Hội.
 
Những người bênh vực cho nghi thức Tridentino, như các Linh mục thuộc huynh đoàn St. Petrus - phát xuất từ phong trào thủ cựu của Đức Giám Mục người Pháp, Marcel Lefèbre - chống đối nghi thức cử hành Thánh Lễ theo kiểu mới là làm mất vẻ tôn kính và sự sốt sắng. Họ cho rằng chỉ nghi thức cũ mới trình bày được hy lễ Thánh Giá của Đức Kitô một cách rõ ràng và hiện thực, mới dẫn dắt con người tới gần Thiên Chúa hơn và mới nói lên được lòng tôn sùng đối với sự hiện diện thực tiễn của Đức Kitô. Trong bản tuyên bố của huynh đoàn St. Petrus viết: «Trong nghi thức Tridentino, linh hồn chúng ta bay lên tận rời cao tựa huơng thơm, đến nỗi làm cho chúng ta có khả năng vượt qua được thực tại hữu hình và bước vào cõi vĩnh cửu, và ngay ở đời này chúng ta đã được hợp tiếng với các Thiên Thần để ca ngợi Chúa».
 
Nhưng người ta sẽ khó lòng tránh được sự hiểu lầm trong lãnh vực thần học, lãnh vực tu đức và lãnh vực mục vụ, nếu Thánh Lễ sẽ được cử hành đúng với những sách vở phụng vụ vào năm 1962.
 
Những ý kiến phê bình việc cho áp dụng một cách phổ biến nghi thức cũ, đòi hỏi là người ta phải phân biệt rõ ràng nội dung một nghi thức muốn nhắm tới và hình thức bên ngoài của nó phải được cử hành như thế nào. Nếu không, người ta sẽ dễ làm cho cả hai nghi thức trở thành tầm thường và bất xứng. Những thiếu sót, nếu có, trong cách thức thực hành nghi thức mới, thì người ta sửa chữa lại, chứ không phải đem áp dụng lại nghi thức phụng vụ cũ.
 
Ngoài ra, các nhà chuyên môn về Phụng Vụ cho rằng nghi thức Thánh Lễ do ĐGH Piô V canh tân, không hợp thời nữa, vì đã làm mất chiều kích Cộng Đoàn. Theo giáo sư Phụng Vụ Albert Gerhards, trong các bản văn của nghi thức Piô V, ý niệm về hy lễ của Đức Kitô «xét về phương diện Kinh Thánh cũng như về phương diện truyền thống phụng vụ Roma được dựa theo quy luật của các Giáo Phụ, khó lòng có khả năng tồn tại».
 
Người ta gắt gao phê bình đặc biệt các sách Bài Đọc ngày Chúa Nhật vào năm 1962, mà ngày nay khi cử hành nghi thức Tridentino người ta vẫn còn tiếp tục sử dụng. Vì trong các sách đó, ngoài bài Phúc Âm, chỉ có một bài đọc và thường được trích từ trong các bản văn Tân Ước, chứ không đọc hai bài như trong nghi thức mới ngày nay, gồm một bài trích trong Cựu Ước và một bài trong Tân Ước. Vì phần cử hành Lời Chúa trong nghi thức Thánh Lễ cũ hoàn toàn bỏ qua các bản văn Cựu Ước, nên nhóm đối thoại «Do-thái và Kitô giáo» thuộc Tổ chức «Người tín hữu Công Giáo» (Zentralkomitee der Deutschen Katholicken) đã phản đối mạnh mẽ và kết án là một loại «chủ thuyết Markionismus nặc danh». Markion (Marcion) đã khởi xướng một tà giáo vào thời Giáo Hội sơ khai (năm 80-160), chủ trương hoàn toàn loại bỏ phần Kinh Thánh Cựu Ước.
 
Ngoài ta bản văn nghi thức Phụng Vụ cũ của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hoàn toàn không phù hợp với chính sự nhận thức mới của Giáo Hội về Kinh Thánh cũng như với quan hệ của Giáo Hội đối với Do-thái Giáo.
 
Bởi vậy, theo giáo sư về phụng vụ Klemens Richter, nếu cả hai nghi thức cùng được đánh giá ngang nhau, thì sẽ có nguy cơ đưa tới một sự rạn nứt trong Giáo Hội. Vâng, hai nghi thức Phụng Vụ với hai cách thức trình bày các bản văn Kinh Thánh cũng như hai hình ảnh về Giáo Hội khác nhau – tức : hoặc một mình vị Linh mục cầu nguyện trước tòa Thiên Chúa thay cho Cộng Đoàn các tín hữu, hoặc vị Linh mục và Cộng Đoàn các tín hữu cùng chung lời cầu nguyện trước tòa Thiên Chúa – chắc chắn sẽ là một đe dọa không nhỏ cho sự hợp nhất trong Giáo Hội.
 
Còn ngôn ngữ và thánh nhạc dùng trong Phụng Vụ không hẳn là một vấn đề cơ bản. Trong nghi thức mới người ta vẫn có thể cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La-tinh và với thánh nhạc cũ hay mới. Điều đó không quan trọng; tùy hoàn cảnh và tình huống thực tiễn của Cộng Đoàn phụng vụ mà thôi, người ta có thể tổ chức được.
 
Vấn đề canh tân Phụng Vụ là một vấn đề luôn luôn cần thiết
 
Người ta không thể coi chương trình phụng vụ trong Giáo Hội như một tín điều bất di dịch, như phái thủ cựu thường khẳng định. Trong vòng 450 năm, Giáo Hội Công Giáo Roma đã có hai cuộc canh tân Phụng Vụ rộng lớn, đó là vào các năm 1570 và năm 1960/70.
 
Đúng thế, sau khi các giáo phái Tin Lành gây ra những hoang mang lộn xộn trong tầng lớp các tín hữu, Giáo Hội đã một thời bị chao đảo, chẳng những về lãnh vực thần học mà còn về cả lãnh vực phụng vụ nữa. Vì thế Công Đồng Trient (Tridentinum) (1545-1563) đã phải đưa ra những quyết định cần thiết để thống nhất chương trình Phụng vụ trong Giáo Hội. Từ những quyết định của CĐ Triedentinum đó, vào năm 1570, Đức Giáo Hoàng Piô V đã ban lệnh cho tất cả các Giáo Phận và các Dòng Tu trong toàn Giáo Hội không có một nghi thức Phụng Vụ riêng lâu quá 200 năm, thì phải cử hành Thánh Lễ theo sách lễ Roma, đã được soạn thảo một phần dựa theo các bản văn Phụng Vụ cũ và những kinh đã có sẵn trước đó. Có một ít Giáo Phận mãi vào thế kỷ XIX mới cho áp dụng sách lễ Roma của Đức Piô V.
 
Theo giáo sư phụng vụ của đại học Bonn, Albert Gerhards, những thay đổi của Đức Piô V cũng chỉ được áp dụng từng phần như sự canh tân Phụng Vụ năm 1969/70. Tức các sách lễ được nghiên cứu, được thay đi sửa lại; còn trong các nhà thờ thì sự ngăn cách - hàng tư tế tự đóng khung trên cung thánh, còn Cộng Đoàn giáo dân chỉ dừng lại trong lòng nhà thờ phía dưới – hoàn toàn được dẹp bỏ.
 
Một điểm quan trọng là ý định chính của CĐ Vatican II (1962/65) là trong nghi thức Thánh Lễ : Những yếu tố phụ không cần thiết, mà người ta về sau đã lần lượt thêm thắt vào, cần phải được bãi bỏ; trái lại những phần kinh chính lại phải được đưa vào. Chương trình canh tân Phụng Vụ cũng lấy cả những ý tưởng đã được nêu lên từ thế kỷ XVIII.
 
Vào cuối năm 1950, Đức Piô XII đã canh tân nghi thức Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh và Phục Sinh, nhờ vào sự gợi ý của phong trào Phụng Vụ của thế kỷ XX. Cả Đức Gioan XXIII vào năm 1962 cũng cho sửa chữa lại một phần Phụng Vụ. Nhưng vào năm 1969/70 thì cuộc canh tân Phụng Vụ mới to lớn và toàn diện diện.
 
Nói tóm lại, chương trình Phụng Vụ của Giáo Hội luôn cần được canh tân, hầu có thể đáp ứng được những mong đợi của con người trong những thời đại khác nhau và qua đó giúp cho họ tìm ra được con đường giúp họ trở về cùng Thiên Chúa.
 
Trở lại với vấn đề, chúng ta thấy rằng ngày nay hai phần của Thánh Lễ: Cử Hành Lời Chúa và Kinh Nguyện Thánh Thể đều quan trọng như nhau và đều bổ túc lẫn cho nhau. Những canh tân quan trọng và cần thiết khác của chương trình Phụng Vụ của Giáo Hội như chúng ta vẫn thấy trong các Thánh Lễ Chúa Nhật là các bài đọc được trích từ toàn bộ Kinh Thánh – Cựu và Tân Ước -; việc sử dụng tiếng mẹ đẽ trong Thánh Lễ và nhất là vị Linh mục Chủ tế không phải đại diện cho Cộng Đoàn để một mình dâng Thánh Lễ, nhưng là chủ sự Thánh Lễ của Cộng Đoàn và cùng với các tín hữu họp thành một Cộng Đoàn Phụng Vụ, v.v… là những yếu tố đã giúp cho người tín hữu ngày nay sống mầu nhiệm Thánh Thể một cách thực tiễn hơn. 
Lm Nguyễn Hữu Thy 
 
(Nguồn: Vietcatholic.net)