Thế giới trong ngày 08-7-2021: Ngày cầu nguyện cho những người di cư qua đời ở Địa Trung Hải

09/07/2021
416

Ngày cầu nguyện cho những người di cư qua đời ở biển Địa Trung Hải; Giáo hội Hàn Quốc cứu trợ khẩn cấp cho Ấn Độ và Myanamar trong đại dịch Covid-19; Các Đức Giám mục cảm ơn những người vận động Nghị viện Anh rút dự luật phá thai; và Phản ứng của Giáo hội Haiti trước vụ ám sát tổng thống là những thông tin đáng chú ý.



 

Ngày cầu nguyện cho những người di cư qua đời ở Địa Trung Hải

Hoạt động cứu trợ ở Địa Trung Hải. Ảnh: Vatican News

Hội đồng Giám mục (HĐGM) Ý sẽ tổ chức ngày cầu nguyện cho người di cư nhằm kêu gọi các Ki-tô hữu trở thành sứ giả của hòa bình và là người rao giảng nền văn minh.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, hơn 630 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã chết đuối ở vùng biển trung tâm Địa Trung Hải khi họ tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Châu Âu. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), 632 trường hợp tử vong được ghi nhận, tăng 200% so với năm ngoái.

HĐGM Ý (CEI) mời tất cả mọi người có thiện chí tham gia cầu nguyện vào ngày 11/7 sắp tới để tưởng nhớ tất cả những người đã qua đời ở Địa Trung Hải và dọc theo các tuyến đường đất liền, khi họ chạy trốn khỏi nghèo đói, xung đột, bắt bớ và biến đổi khí hậu.

Theo Vatican News, ngày cầu nguyện được chọn vào đúng lễ kính Thánh Biển Đức, Đấng Bảo trợ Châu Âu. Nhân dịp này, tất cả các giáo xứ được mời gọi đọc một lời nguyện giáo dân cho tất cả những người di cư và đặc biệt cho những người đã mất mạng trên biển, những người tìm kiếm hy vọng cho tương lai.

Nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi Kinh Truyền Tin ngày 13/6, các Đức Giám mục Ý nhấn mạnh rằng “Địa Trung Hải đã trở thành nghĩa trang lớn nhất Châu Âu”. Các ngài khuyến khích các tín hữu “mở lòng với người tị nạn” và mời gọi các cộng đoàn “đừng quên những người đã qua đời trên đường cố gắng đến các bờ biển Ý và Châu Âu”.

Giáo hội Hàn Quốc cứu trợ khẩn cấp cho Ấn Độ và Myanamar

Các tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ cá nhân mang thi thể nạn nhân Covid-19 đi chôn cất tại nghĩa trang Myoma ở Yangon, Myanmar hôm 6/7 trong bối cảnh số ca bệnh tăng cao. Ảnh: AFP/UCAnews

UCAnews đưa tin, Caritas Hàn Quốc đã hỗ trợ 113.000 USD cho các quốc gia láng giềng đang lao đao vì đại dịch. Số tiền này được quyên góp qua một chương trình do Đức cha Giám mục Phụ tá của Tổng Giáo phận Seoul Benedictus Son Hee-song tổ chức.

Theo Catholic Times of Korea, số tiền gây quỹ trên được chia thành 80 triệu won (gần 70.000 USD) cho Ấn Độ và 50 triệu won (43.000 USD) cho Myanmar thông qua ban Caritas của hai quốc gia này.

Số tiền hỗ trợ này sẽ được dùng cho các dự án điều trị, hỗ trợ y tế và nâng cao nhận thức. Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với tình hình thảm khốc do biến thể Delta gây ra. Hơn 520 linh mục và nữ tu qua đời vì Covid-19 tại Ấn Độ tính từ tháng 4 đến giữa tháng 6.

Còn tại Myanmar, người dân đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo sau khi giao tranh nổ ra. Tại bang Kayah, một thành trì Công giáo ở miền đông Myanmar, quỹ của Hàn Quốc sẽ cung cấp thuốc và thiết bị cần thiết cho các đội ngũ y tế, trợ lý điều dưỡng và tình nguyện viên từ phòng khám Karuna và phòng khám Thánh Raphael ở Loikaw, thủ phủ của bang.

Các Đức Giám mục cảm ơn những người vận động Nghị viện Anh rút dự luật phá thai

Ảnh: AFP/ UCAnews

Các Đức Giám mục Anh và xứ Wales bày tỏ sự nhẹ nhõm sau khi các thành viên của Hạ viện rút lại đề xuất hợp pháp hóa việc phá thai theo yêu cầu trước khi sinh và coi việc phản đối bên ngoài phòng khám phá thai là một tội ác.

Theo UCAnews, Đức Giám mục Phụ tá John Sherrington của Giáo phận Westminster, phụ trách các vấn đề đời sống của Hội đồng Giám mục (HĐGM) Anh và xứ Wales đã bày tỏ lòng biết ơn đến “hàng nghìn người đã vận động các nghị sĩ (thành viên của Nghị viện), giúp ngăn chặn các sửa đổi nguy hiểm của dự luật được tiến tới thành luật”.

Dự luật, một cải cách của hệ thống tư pháp hình sự nhằm mục đích đặc biệt là chống tội phạm bạo lực, đang được đưa ra trong phiên họp thông qua chi tiết tại Hạ viện, sau đó nó sẽ được chuyển đến Thượng viện, trước khi được ban hành thành luật.

Theo Đạo luật Phá thai năm 1967, Anh cho phép phá thai trong vòng 24 tuần đầu tiên của thai kỳ khi hai bác sĩ chấp thuận rằng một số tiêu chí nhất định được đáp ứng.

Vào ngày 4/7, Đức Giám mục Sherrington kêu gọi người Công giáo liên hệ với các đại diện dân cử của họ để phản đối các sửa đổi. Trong cuộc tranh luận, các nhà lập pháp nói về số lượng lớn những người đã thúc giục họ bỏ phiếu chống lại các biện pháp này.

Đức cha tuyên bố ngày 6/7 rằng: “Chúng ta phải cảnh giác với những nỗ lực mở rộng quyền tiếp cận phá thai bằng cách kiểm soát các dự luật khác”.

Giáo hội Haiti “sửng sốt” trước vụ ám sát tổng thống

Hình ảnh Tổng thống Haiti Jovenel Moïse chụp ngày 11/1/2020.
Ảnh: RT/CNS

Đức Giám mục Alphonse Quesnel của Giáo phận Fort Liberté ở Haiti cho biết, Giáo hội Haiti “sửng sốt” trước vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moïse.

Các Đức Giám mục của chúng ta không chỉ phải kêu gọi sự bình tĩnh mà còn để tất cả người dân Haiti ngồi lại với nhau, thay đổi cách nhìn về nhau và cùng nhau tìm kiếm con đường tương lai”, Đức Giám mục nói với Vatican News vài giờ sau khi tổng thống Haiti bị ám sát bởi những kẻ tấn công không rõ danh tính tại chính phòng ngủ của ông vào rạng sáng ngày 7/7.

Đức Giám mục Quesnel cho biết, căng thẳng đã gia tăng ở quốc gia vùng Caribe trong vài tháng qua, với sự gia tăng của các hoạt động bạo lực từ các băng nhóm vũ trang. Các nguồn tin của Liên Hợp Quốc cho biết các cuộc xung đột đã khiến gần 15.000 người phải di tản khỏi các khu dân cư nghèo ở Port-au-Prince.

Theo CNS, vụ ám sát đã gây ra một làn sóng chấn động khắp đất nước Haiti. Giao thông đã bị tạm ngưng, các biên giới đóng cửa và không ai rời khỏi nhà.

Đức Giám mục Quesnel nói thêm rằng vụ ám sát chính là thời điểm thích hợp cho “sự thay đổi tâm thức” và “sự hoán cải thực sự”.


Khánh Ly
https://www.tonggiaophanhanoi.org/the-gioi-trong-ngay-08-7-2021-ngay-cau-nguyen-cho-nhung-nguoi-di-cu-qua-doi-o-dia-trung-hai/