“Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4)

15/05/2018
4328

Linh mục Giuse Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Đại Chủng viện Minh Hòa - Đà Lạt, vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa giáo phận Thanh Hóa ngày 25.04.2018. Trong cuộc trao đổi với báo Công giáo và Dân tộc, vị tân chức 65 tuổi đã chia sẻ những thao thức trong sứ mạng mới của mình "Chèo ra chỗ nước sấu mà thả lưới bắt cá". Chỗ nước sâu thường có nhiều cá, và hình ảnh này gợi liên tưởng đến những vùng nước sâu của giáo phận Thanh Hóa, đó là lòng đạo đức vốn thấm sâu trong tín hữu xứ Thanh, và giới trẻ đang là tiềm năng của giáo phận. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi. 



• CGVDT: Thưa Đức cha, tin vui đến với Đức cha trong ngày giáo phận Đà Lạt cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ, Đức cha đã cảm nhận thế nào ở bối cảnh này?

ĐGM. Giuse Nguyễn Đức Cường: Tôi được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm vào đúng ngày giáo phận Đà Lạt tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho ơn gọi, tôi cảm nhận rằng việc Chúa đã chọn và gọi tôi vào sứ vụ này là hoàn toàn do tình thương của Ngài dành cho tôi, chứ không phải do tài năng hay công lao của tôi. Vì thế, dù cảm thấy mình khả năng giới hạn, cũng như còn nhiều khiếm khuyết, tôi đã mang tâm tình của Mẹ Maria trong Ngày Truyền tin, khiêm tốn thưa: “Xin vâng”, với niềm tin tưởng vững vàng rằng Chúa sẽ giúp tôi chu toàn sứ vụ này.

• Khẩu hiệu Đức cha chọn là gì và khẩu hiệu này có ý nghĩa thế nào đối với Đức cha?

Tôi đã chọn khẩu hiệu cho sứ vụ Giám mục của mình là 'Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lướĩ' (Lc 5,4). Khẩu hiệu này là khẩu hiệu của giáo phận Thanh Hóa đã chọn vào năm 2017, năm kỷ niệm 85 năm thành lập giáo phận (1932-2017). Tôi nghĩ đây là quyết tâm mục vụ của các đấng tiền nhiệm và của giáo phận và tôi là người kế nhiệm có nhiệm vụ tiếp tục quyết tâm này, nên lấy làm phương châm đời Giám mục. Với bản thân và với sứ mạng mới, dựa vào những câu Phúc Âm liên hệ (Lc 5,4-7), khẩu hiệu này có ý nghĩa như sau:

- Nhắc nhở tôi rằng, Chúa chọn tôi không phải vì tài năng, công lao của tôi, nhưng hoàn toàn là do tình yêu nhưng không của Ngài.

- Nhắc nhở tôi rằng, Chúa chọn tôi là để sai đi làm công việc của Ngài là rao giảng Tin Mừng.

- Nhắc nhở tôi rằng, Chúa chọn tôi là cho người khác, chứ không phải cho bản thân mình, như thánh Augustinô đã nói: “Với anh em, tôi là Kitô hữu; vì anh em, tôi là giám mục”.

- Nhắc nhở tôi rằng, Chúa chọn tôi là để sai tôi đến với mọi người, nhất là những người túng thiếu, nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi.

- Nhắc nhở tôi rằng, nếu muốn hoàn thành sứ mạng Chúa trao, tôi hãy biết cộng tác với ân sủng và người khác.

Với những ý nghĩa trên, khẩu hiệu này giúp tôi học hỏi gương thánh Phêrô, khiêm tốn thưa với Chúa: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cá. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5).

• Giáo phận Thanh Hóa gợi lên nơi Đức cha hình ảnh nào?

Giáo phận Thanh Hóa tuy được thành lập chính thức năm 1932, nhưng gợi lên cho tôi một bề dầy lịch sử. Thật vậy, Thanh Hóa được đón nhận Phúc Âm từ thế kỷ XVII, khi cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và cha Pêdrô Marquez đặt chân lên đầu tiên vào lễ thánh Giuse 19.03.1627, cách đây 391 năm tại giáo xứ Ba Làng, gần Cửa Bạng là địa danh nổi tiếng trong lịch sử truyền giáo. Qua 85 năm được thành lập, giáo phận đã có 4 đời giám mục và 4 đời giám quản. Theo tôi biết, hiện nay, giáo phận Thanh Hóa có 144.827 giáo dân, 134 linh mục, 7 giáo hạt, 72 giáo xứ. Các linh mục thì trẻ trung và hăng say, các tu sĩ và giáo dân tích cực cộng tác vào nhiều sinh hoạt của giáo phận, giáo xứ. Cơ sở vật chất được nâng cấp hoặc làm mới, từ Tòa Giám mục, Chủng viện đến các giáo xứ... Dường như mọi sự đã sẵn sàng để giáo phận đẩy mạnh sứ vụ căn bản của mình là “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4).

• Gần đây, giáo phận Thanh Hóa có một hoạt động đáng chú ý là vực dậy việc ngắm “Sự Thương khó ”, đây có phải là một cung cách cho thấy muốn đẩy mạnh việc sống đạo cần hội nhập vào nền văn hóa?

Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh, nguyên là Giám mục Chánh tòa rồi Giám quản Tông tòa giáo phận Thanh Hóa đã phát triển các việc đạo đức bình dân đượm tính văn hóa Việt Nam như dâng hoa, ngắm nguyện ... Tôi nghĩ ngài muốn duy trì và phát huy việc hội nhập văn hóa để giúp sống đạo và rao giảng Tin Mừng. Công đồng Vatican II, quả thật, đã đề cao và coi việc hội nhập văn hóa như một sứ mệnh của Giáo hội, là một phần của việc Loan báo Tin Mừng. Hiệu quả của việc hội nhập văn hóa này, chúng ta có thể nhận ra nơi việc làm của các vị thừa sai ngày xưa khi rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam. Các ngài đã giúp người tín hữu hiểu sâu xa hơn về giáo lý, giúp sống đạo cách sống động qua các hình thức đạo đức như suy tôn thánh giá, rước kiệu, ngắm sự thương khó của Chúa Giêsu...

• Đức cha sẽ phát huy vai trò của người trẻ như thế nào trong đời sống Giáo hội tại Việt Nam ngày nay, nhất là trong bối cảnh Giáo hội hoàn vũ đang hướng về Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ ?

Người trẻ quả đúng là tương lai của xã hội và Giáo hội và nhờ họ mà xã hội và Giáo hội luôn có được sự sinh động và tươi vui. Tuy nhiên, người trẻ lại dễ trở thành mồi ngon cho các khuynh hướng xấu, đặc biệt là khuynh hướng tục hóa và hưởng thụ của thế giới hôm nay. Chính việc chạy theo những khuynh hướng này mà người trẻ dần dần khép lại với chính mình, quên đi mối tương quan với tha nhân, xa dần ý thức về trách nhiệm, về công bằng và nhất là làm mất đi chiều kích thánh thiêng của con người.

Để người trẻ có thế góp phần làm cho xã hội và Giáo hội phát triển, vui tươi và lành mạnh, theo tôi, giới trẻ cần đến một nền giáo lý căn bản. Đế có được điều này, chúng ta cần phải quan tâm đến việc dạy giáo lý cho các em ngay khi còn nhỏ cho tới tuổi trưởng thành, từ trong môi trường gia đình cũng như giáo xứ..., vì dạy giáo lý là giáo dục đức tin, là đào tạo người Kitô hữu.

Và điều cần thiết nữa, đó là cần tìm cách giới thiệu Chúa Kitô cho giới trẻ:

+ Với giới trẻ ở Chile, ngày 17.01.2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với họ: “Nếu không có mối tương quan tốt đẹp với Chúa Giêsu, chúng ta có thể trở nên nản lòng và bực bội, thậm chí bắt đầu tin rằng không có gì thực sự quan trọng hoặc không có gì khiến cho chúng ta tạo ra một sự khác biệt”.

+ Với giới trẻ Cuba, vào ngày thứ bảy, 21.04 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi thông điệp để khích lệ giới trẻ đừng sợ lắng nghe Lời Chúa. Ngài khuyến khích họ “yêu mến Chúa Giêsu”. Đáp lại tiếng Chúa gọi, chúng ta “hãy rộng lượng và mở lòng mình ra cho Chúa”.

Tôi cũng xác tín phải mạnh dạn trao trách nhiệm cho giới trẻ, tạo sân chơi cho giới trẻ qua các hoạt động thể thao và đặc biệt các hoạt động bác ái; đồng thời các mục tử cần gần gũi hơn với giới trẻ, đồng hành với giới trẻ.

Xin cảm ơn Đức cha đã dành cho báo Công giáo và Dân tộc cuộc trao đổi này và cầu chúc Đức cha luôn chu toàn các ước nguyện trong sứ vụ mới.

QUỐC CHUNG thực hiện

“Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.