Tư Liệu Thánh Kinh: Việc Giải Thích Thánh Kinh

08/05/2018
2497
Một số câu truyện trong Phúc Âm rõ nghĩa đến độ ai cũng có thể hiểu được. Nhưng đối với các phần khác trong Thánh Kinh, hiểu được nghĩa không phải là việc dễ dàng. Thánh Kinh là một sách cổ xưa gồm nhiều phần khác nhau, do nhiều người khác nhau viết, và nói với nhiều thứ cử tọa khác nhau, dưới nhiều văn phong và ngôn ngữ khác nhau. Khi đọc một đoạn Thánh Kinh, ta nên đặt ba câu hỏi sau đây: Đoạn này thực sự nói gì ? Đoạn này lúc ấy có nghĩa gì? Đoạn này ngày nay có nghĩa gì? 

1. Đoạn này thực sự nói gì? Để hiểu đoạn văn thực sự nói gì, ta cần đặt thêm những câu hỏi khác, tỉ mỉ hơn một chút, như sách này, hay đoạn này được viết khi nào và tại đâu: trước hay sau Chúa Giê-su? trước hay sau Xuất Hành? khi Ít-ra-en do các vua cai trị hay dưới quyền thống trị của Rô-ma? trong lưu đầy tại Ba-by-lon hay trong nhà tù Rô-ma? được viết trong triều như một tài liệu chính thức hay không? Muốn tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi ấy, ta phải khám phá ra khung cảnh lịch sử của đoạn văn. Khung cảnh ấy giúp ta hiểu chủ đích của tác giả.

Một câu hỏi khác nên hỏi là tại sao đoạn văn này đã được viết ra. Khám phá được chủ đích của người viết là bắt đầu hiểu hơn những điều ông nói. Thí dụ một số thư của Thánh Phao-lô đã được viết ra để sửa lại các sai lầm nơi các nhóm Ki-tô hữu. Ngài vạch ra các sai lạc, chỉ ra các phương cách cho tương lai. Cũng thế, tác giả sách Khải Huyền muốn khích lệ các độc giả của mình là những người đang chịu bách hại vì đức tin.

Cũng hữu ích khi đặt những câu hỏi đại cương như sách này nói về điều gì ? Câu trả lời sẽ giúp ta đọc sách ấy cách đúng đắn. Nó có phải là một trình thuật về các biến cố trong cuộc sống và cái chết của Chúa Giê-su hay không? Nó có phải là bảng liệt kê các bổn phận tôn giáo của dân Do Thái hay không? Hay nó là hợp tuyển các vần thơ tôn giáo? Đôi khi cần phải hỏi xem một từ ngữ đặc thù nào đó có nghĩa là gì. Có những nghĩa hết sức đặc trưng trong Thánh Kinh. Chữ ‘đoái công đền tội’ [atonement] là một thí dụ, chữ ‘tội’ là một thí dụ khác. Cần phải hiểu nghĩa đặc biệt của chúng nếu ta muốn hiểu sứ điệp của tác giả. Đặc biệt hơn nữa, ta cần đặt câu hỏi: đoạn văn này được viết dưới hình thức nào? lịch sử? thi ca? hay thư tín? Rồi hỏi thêm các câu hỏi khác thích ứng với loại văn này. 

Nếu đọc sách lịch sử, ta có thể hỏi: chuyện gì thực sự đã xẩy ra? Biến cố gì quan trọng khác cũng đã xẩy ra cùng trong giai đoạn này? Tại sao tác giả chọn biến cố này để kể lại? Và tại sao ông lại kể lại các biến cố ấy theo cung cách này mà không theo cung cách khác? Còn nếu đọc sách thi ca, ta nên nhìn đến lối tác giả sử dụng ngôn ngữ ảnh tượng. Tại sao lại sử dụng hình ảnh này? Các vần thơ hay ca khúc đã được sử dụng trong phụng vụ ra sao? Nhìn một cách chi tiết hơn vào một số lối viết của Thánh Kinh cũng rất hữu ích. 

Lịch Sử và Địa Lý: Cựu Ước có nhiều sách lịch sử, như Sa-mu-en và các Vua. Lịch sử Tân Ước cũng thế, có thể tìm thấy trong các Phúc Âm và Tông Đồ Công Vụ. Khi đọc những sách như thế, ta nên tìm hiểu bối cảnh đàng sau các biến cố. Chuyện gì xẩy ra trên thế giới vào lúc đó? Những sự việc quan yếu nào đang diễn ra? Rồi phải đọc lại các đoạn văn một cách cẩn thận xem chuyện gì đang xẩy ra, đâu là những nhân vật chính và những chuyện này xẩy ra tại đâu? 

Đôi khi sách lịch sử được viết ra để chứng minh hay để nêu ra một quan điểm nào đó. Nên cần phải hỏi xem tác giả muốn chứng tỏ cái gì?

Luật: Sách luật chính trong Cựu Ước là Xuất Hành, Lê Vi, Đệ Nhị Luật và Dân Số. Những sách này chứa nhiều đoạn rất dài liệt kê các luật lệ điều hành nhiều phương diện trong cuộc sống con người. Do đó khi đọc chúng, ta nên hỏi xem luật đặc thù này áp dụng cho phương diện nào trong cuộc sống. Luật này đề cập đến vấn đề tác phong hay luân lý? Chúng là luật quốc gia hay quy định xã hội? Luật vệ sinh hay luật sống gia đình? Hay luật tôn giáo - về thờ phượng, nghi thức, hy lễ? Hay chỉ là những công thức chúc lành hay chúc dữ long trọng liên quan đến tôn giáo Do Thái mà thôi? 

Khi đọc những đoạn về luật như thế, ta cần liên hệ chúng với những thời kỳ đặc thù trong lịch sử Do Thái mà các luật đó áp dụng. Đối với Tân Ước, ta cần biết giáo huấn của Chúa Giê-su vượt trên luật cũ đến đâu. Hai thư Ga-lát và Do Thái chẳng hạn cho thấy các tín hữu đầu tiên tin các luật cũ đã được thay đổi ra sao.

Thi Ca: Một số sách Cựu Ước phần lớn gồm những bài thơ. Gióp, Thánh Vịnh và Diễm Ca là những thí dụ rõ rệt. Ta cũng gặp một số bài thơ trong các sách Tiên Tri và những bài ngắn hơn trong Tân Ước, như bài Ca Tụng của Đức Ma-ri-a, kinh Magnificat. Ta cần đọc những đoạn ấy như là các bài thơ, chứ không phải văn xuôi. Phải chăng đúng ra sách phải được coi như một vở kịch với các nhân vật? [Sách Gióp có thể thuộc loại này]. Hay đó là những cảm nghiệm bản thân của soạn giả mà đôi khi ta có thể chia sẻ? Thí dụ một số Thánh Vịnh. Hay bài thơ này chỉ là những ngôn ngữ ảnh tượng?

Một số bài thơ trong Cựu Ước được soạn cho việc thờ phượng chính thức nơi đền thờ. Thánh vịnh chẳng hạn có thể kể lại những biến cố lớn trong lịch sử Ít-ra-en. Đôi khi cần phải biết lịch sử đàng sau một bài thơ đặc thù nào đó. Thí dụ bài than khóc của Đa-vít trước cái chết của bạn mình là Giô-na-than. Trong thi ca Do Thái, ta thấy có nhiều cách tạo hiệu quả đặc biệt. Những cách ta năng gặp nhất là kiểu soạn giả muốn nhấn mạnh cùng một điểm nào đó nhưng theo hai cách hơi khác nhau một chút trong hai hàng liên tiếp nhau. 

Những câu nói khôn ngoan: Một số sách Cựu Ước như Châm Ngôn và Giảng Viên chứa những câu dạy khôn ngoan. Một số câu tự đứng một mình. Một số câu khác được gom lại thành những câu có chủ đề chung. Có những câu chỉ là những nhận định theo lương tri về cuộc sống hàng ngày, với đôi chút hài hước. Lại có những câu nhằm rút ra những nguyên tắc tổng quát về đời người. Có những câu nói về lối sống không có Thiên Chúa; và có những câu nói về nguồn gốc chân thực tạo ra hạnh phúc.

Tiên Tri: Phần khá lớn của Cựu Ước là những ‘sách tiên tri’. Điều ấy không hẳn có nghĩa là chúng đoán định những chuyện tương lai. Các tiên tri viết các sách này thường quan tâm đến việc lên tiếng chống lại sự ác, hay việc không đếm xỉa tới Thiên Chúa và luật lệ của Ngài mà họ thấy trong xã hội quanh họ. Tuy nhiên, đôi khi họ cũng hướng tới những điều Thiên Chúa dự phóng cho tương lai. 

Khi đọc các tiên tri, ta cần tìm ra bối cảnh lịch sử bằng cách đặt những câu hỏi như: Soạn giả có sử dụng ngôn ngữ ảnh tượng hay không? Ông có viết dưới dạng thi ca không? Những từ ngữ ảnh tượng của ông có nghĩa gì? Đâu là mục tiêu của soạn giả khi nói như thế? Liệu lời tiên tri có được đặc biệt hiểu nơi các soạn giả Tân Ước không?

Dụ Ngôn: Trong Phúc Âm, ta thấy nhiều dụ ngôn của Chúa Giê-su. Ta cũng thấy nhiều dụ ngôn trong các sách lịch sử và tiên tri của Cựu Ước. Trước nhất ta cần tìm ra điểm chính của dụ ngôn. Liệu những chi tiết của dụ ngôn có nghĩa gì đặc biệt hay không, hay chúng chỉ lên khuôn cho câu chuyện. Nhiều dụ ngôn của Chúa Giê-su được kể ra để giúp những người tầm thường hiểu Nước Thiên Chúa là gì và cách Ngài xử trí với người ta.

Thư Tín: Nhiều sách sau này của Tân Ước là các thư các Tông Đồ và các Ki-tô hữu khác thuộc nhiều giáo đoàn viết ra. Khi đọc các thư này, ta cần hỏi xem ai viết các thư ấy, viết cho ai, mục đích gì, chủ đề chính của thư.

2. Đoạn này có nghĩa gì đối với các Ki-tô hữu tiên khởi? Nếu đã trả lời được các câu hỏi trên đây và biết được điều đoạn văn muốn nói, thì việc hiểu đoạn văn ấy đã được các Ki-tô hữu tiên khởi hiểu ra sao chẳng có chi khó khăn. Ta có thể ráng hiểu xem điểm cốt chính của sứ điệp là đâu, nó dạy điều gì. Nếu sứ điệp được viết ra để đáp ứng một nhu cầu hay một hoàn cảnh đặc thù, ta có thể hỏi xem liệu có một nguyên tắc tổng quát nào phía sau các biến cố này chăng?

Khi ta thấy mình đã biết đọan văn thực sự có nghĩa gì và nó muốn nhắn nhe gì với các tín hữu tiên khởi, ta có thể an tâm hỏi câu hỏi sau cùng.

3. Đoạn văn này ngày nay có nghĩa gì? Liệu có hay không một hoàn cảnh hiện đại tương tự như hoàn cảnh độc giả đầu tiên? Liệu soạn giả có muốn nói gì với hoàn cảnh ấy hay không? Nếu không, liệu có một nguyên tắc gì vẫn có thể áp dụng được chăng? Có giáo huấn đặc thù nào trong đoạn văn này không? [Đôi khi rất hữu ích nếu ta so sánh đoạn văn này với đoạn văn khác cùng thể tài trong Thánh Kinh. Rất có thể đoạn văn này đoạn văn kia trình bầy vấn đề rõ ràng hơn hoặc thêm nghĩa cho đoạn văn ta đang đọc]. Có điều gì ta có thể học hỏi được chăng? Về Chúa? Về con người? Về thế giới? Về Giáo Hội và về một thể tài đặc biệt nào đó?

Liệu ta có tìm được mẫu gương nào để theo không? Có lời cảnh giới nào chăng? Nó có chứa lời hứa nào áp dụng cho chúng ta không? Liệu ta có phải đưa ra hành động nào dưới ánh sáng đoạn văn này không? Nó có khiến ta muốn cầu nguyện, ca ngợi không? Ta có thể dùng ngôn từ của soạn giả để nói lên các cảm nghĩ của ta về Chúa không? Đoạn này và ý nghĩa của nó có nhất trí với những đoạn văn khác mà ta biết có cùng chủ đề không.

Vũ Văn An 

(Nguồn: Vietcatholic.net)