Tư Liệu Thánh Kinh: Lịch sử Do Thái

18/04/2018
3368
Lịch Sử Ít-ra-en

Vùng Cận Đông, trước năm 3,000 trước CN, có hai trung tâm văn minh rất tách biệt nhau. Mỗi nền văn minh đều có văn hóa, tay nghề và hệ thống chữ viết riêng. Một ở vùng Lưỡng Hà, tức vùng đất nằm giữa hai con sông Tích-ra và Êu-phơ-rát, một vùng ‘trăng lưỡi liềm phì nhiêu’. Nền văn minh kia chính là Ai Cập. Câu truyện về loài người bắt đầu với Vườn Ê-đen, tọa lạc đâu đó ở Lưỡng Hà Địa. Áp-ra-ham xuất phát từ thành Ua, phía nam Lưỡng Hà. Một số con cháu của ông lập nghiệp tại Kha-ran về phía bắc trong khi ông tiến vào Ca-na-an.

Như thế, ta thấy tổ tiên khởi thủy của dân tộc Do Thái chính là một trong các vương quốc giầu có và hùng mạnh tại các thung lũng sông ngòi của Ai Cập và Lưỡng Hà. Trong các lãnh thổ nằm giữa, ta thấy nhiều thành phố có vây tường và các vương quốc tí hon. Những thành trì này bảo vệ các người định cư giúp họ an ổn trồng cấy các mảnh đất bên trong. Nhưng cũng có các bộ lạc du mục, luôn luôn chuyển dịch, để tìm ra đồng cỏ tốt tươi cho đoàn vật của họ. Áp-ra-ham và gia đình ông chính là một trong những nhóm du cư khắp vùng ấy.

Đó là mẫu mực sống tại Ca-na-an khi Áp-ra-ham tới căng lều ngụ cư ở Si-khem. Đồng bằng duyên hải và Thung Lũng Gio-đan, những nơi có đất đai canh tác tốt, đã có người định cư từ lâu. Điều ấy lôi cuốn người cháu của Áp-ra-ham là Lót. Ông ta từ vùng đồi núi di chuyển tới đóng lều gần Xơ-đôm. Nhưng cuộc sống ở đấy có cái nguy hiểm riêng của nó. Lót chỉ là một trong số nhiều người chịu tai vạ khi các vua nổi loạn rấy lên lật đổ quyền kiểm soát của các lãnh chúa xa xôi (St 14).

Hạn hán và đói kém thường xẩy ra tại Ca-na-an. Nên người du mục đương nhiên phải di chuyển xuống vùng đất phì nhiêu của Ai Cập. Áp-ra-ham có lần cũng đã tham gia vào đoàn người này (St 12). Trận đói kém sau đó đã khiến anh em của đứa cháu gọi ông bằng cụ là Giu-se phải tới Ai Cập để mua lúa thóc. Chẳng bao lâu sau, cả nhà Ít-ra-en (12 con trai của Gia-cóp) đều đã định cư tại Gô-sen, phía đông Đồng Bằng Sông Nin.

Xuất Hành: Dân Ít-ra-en cư ngụ tại Ai Cập trong gần 400 năm. Trong thời gian đó, họ đã phát triển thành cả một dân tộc, dân tộc Ít-ra-en. Người Ai Cập, lúc này, do những triều vua ít có thiện cảm cai trị, nên coi người Do Thái như một đe doạ. Họ xiết chặt quyền kiểm soát, cưỡng bức người Do Thái phải làm việc như các nô lệ chuyên sản xuất gạch xây nhà. Để giảm thiểu số người Do Thái, Vua Ai Cập ra lệnh bỏ trôi sông các trẻ trai của Do Thái cho chết đuối hết. Dân kêu van Chúa nên Ngài gửi nhà lãnh đạo đến với họ, đó chính là Mô-sê.

Phải kinh qua nhiều tai ương, Vua Ai Cập mới chịu để dân Do Thái ra khỏi xứ sở ông. Nhưng vào phút chót, ông lại thay đổi lòng dạ, nên đã cho quân sĩ đuổi theo, nhưng dân Do Thái chạy thoát qua ‘biển sậy’ tới Núi Xi-nai yên ổn. Cuộc ‘xuất hành’ bắt đầu. Xem Exodus. Xh 1-14.

Chiếm Ca-na-an: Giô-suê đảm nhiệm quyền lãnh đạo toàn dân khi họ tiến vào lãnh thổ bên kia Sông Gio-đan. Trước mặt họ, là thành Giê-ri-khô với tường vây quanh kiên cố. Trọn miền đất được Thiên Chúa hứa ban đang chờ họ chiếm lãnh. Ca-na-an lúc đó bị chia thành nhiều tiểu quốc độc lập, mỗi tiểu quốc đặt thủ phủ tại một thị trấn kiên cố có nhà cai trị riêng. Giô-suê chiếm Giê-ri-khô là một đòn khiếp đảm đánh thẳng vào tâm trí người Ca-na-an. Trận thứ hai khiến Ai thất thủ. Dân Ghíp-ôn vội vã cầu hòa. Họ lừa dân Ít-ra-en ký hoà ước và điều đó dẫn đến giai đoạn thứ hai của cuộc chiến. Giô-suê liên tiếp thắng nhiều trận ở phía nam rồi hướng lên phía bắc đánh bại liên minh của vua Kha-xo. Quân Phi-li-tinh vẫn cố thủ trong các thành vùng duyên hải. Và người Ca-na-an vẫn còn kiểm soát được nhiều thành nội địa. Nhưng người Do Thái đã có cơ hội định cư lập nghiệp được. Người ta bốc thăm để chia đất đai giữa các chi tộc. Hai chi tộc rưỡi định cư tại phía đông Sông Gio-đan. Các chi tộc còn lại chia nhau lãnh thổ Ca-na-an. Chi tộc Lê-vi không có đất đai cho chi tộc, nhưng vẫn được cấp một số thị trấn để sinh sống. Sáu thị trấn được để riêng ra làm nơi lánh cư cho những kẻ phạm tội ngộ sát sống thoát khỏi bị trả thù. Xem Sách Giô-suê.

Thủ Lãnh: Các chi tộc định cư tại các vùng được phân chia cho họ. Nhưng giờ đây lại sống rải rác khắp nơi, bị bao vây bởi các lân bang thù nghịch. Giô-suê đã qua đời từ lâu. Nên kiểm soát được cả lãnh thổ xem ra là việc khó làm. Dần dà, dân Do Thái mất hết ý niệm chính Thiên Chúa đã chiến đấu cho họ. Họ bắt đầu thỏa hiệp với các nước lân bang, và cả với các thần minh của họ, mong sao được sống yên ổn. Kẻ thù của họ rõ ràng lợi dụng được điểm yếu của họ. Sách Thủ Lãnh thuật lại câu truyện đáng buồn ấy. Các nước lân bang vì thế quay đầu tấn công lại họ: Vua Lưỡng Hà từ hướng bắc; người Mô-áp và Am-mon từ bên kia Sông Gio-đan; người Ma-đi-an từ hướng đông. Người Ca-na-an tại Kha-xo lớn mạnh đủ để thực hiện cuộc tấn công thứ hai vào những người mới định cư. Và từ hướng duyên hải, người Phi-li-tinh đẩy dân Do Thái ngày một lùi dần về phía núi đồi. Cũng như bao nhiêu lần khác trong lịch sử của họ, người Ít-ra-en đều kêu cầu Chúa đến giúp đỡ họ qua cơn bĩ cực. Mỗi vị ‘phán quan’ hay thủ lãnh đều ít nhất cũng đem lại một thời kỳ bớt căng thẳng. Những vị nổi tiếng nhất trong hàng ngũ những người chiến đấu dành tự do này chính là Đơ-vô-ra và Ba-rắc, Ghít-ôn, Gíp-tác và Sam-sôn.

Những Vị Vua Đầu Tiên: Vị sau cùng và vĩ đại nhất trong hàng thủ lãnh này chính là Sa-mu-en. Ngài vừa là tiên tri vừa là người tạo nên các vị vua. Khi Sa-mu-en về già, dân chúng yêu cầu có một vị vua để cai trị họ, giống như các quốc gia khác. Sa-mu-en cảnh cáo để họ thấy rằng có vua có nghĩa là có quân dịch, có cưỡng bức lao động và có áp chế. Nhưng dân Ít-ra-en bất kể những thứ ấy, họ vẫn cần có một vị vua. Nên cuối cùng Sa-mu-en đã làm theo lời họ yêu cầu. Vị vua đầu tiên là một thanh niên thuộc chi tộc Ben-gia-min, cao ráo và đẹp trai, tên là Sa-un. Buổi đầu, mọi sự đều xuông xẻ. Nhưng rồi quyền lực lọt vào đầu óc Sa-un và ông bắt đầu làm ngơ các huấn lệnh rõ rệt của Thiên Chúa. Vì sự bất tuân của Sa-un, nên con trai ông là Giô-na-than không thừa kế được ngai vàng. Thay vào đó, ngay lúc sinh tiền của Sa-un, Thiên Chúa đã sai Sa-mu-en đi xức dầu cho Đa-vít làm vua kế tiếp. Khi còn là một cậu bé chăn chiên, Đa-vít đã giết được tên quán quân người Phi-li-tinh là Go-li-át. Sự nổi tiếng của cậu khiến Vua Sa-un ghen tức. Nên trong nhiều năm, Đa-vít phải sống như một người bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, lúc nào cũng phập phồng cho số phận mình. Nhưng rồi cả Sa-un lẫn Giô-na-than đều bị chết trong lúc chiến đấu với quân Phi-li-tinh. Đa-vít lên làm vua. Ông thống nhất vương quốc, chiếm cứ Giê-ru-sa-lem, một thành trì của người Giơ-vút, làm thủ đô. Ông là một quân vương kiêm chiến sĩ. Ông đã mở mang vương quốc, xua đuổi các kẻ thù xưa. Gia bảo ông để lại cho Sa-lô-môn, con trai ông, là hòa bình và an ninh. Đa-vít muốn xây một đền thờ cho Chúa tại Giê-ru-sa-lem, nhưng ông chỉ đủ thì giờ thu thập vật dụng. Sa-lô-môn mới là người xây dựng đền thờ ấy và nhiều dinh thự lộng lẫy khác. Một vương quốc hùng mạnh, vững ổn đã giúp Sa-lô-môn thịnh trị qua nhiều liên minh buôn bán. Đức khôn ngoan của ông đã thành huyền thoại. Tại vương triều của Sa-lô-môn, có rất nhiều vui chơi văn hóa và mỹ thuật. Thời ông là hoàng kim thời đại của Ít-ra-en. 1Sm 8 – 1V 11.

Hai Vương Quốc: Dưới thời Sa-lô-môn, Ít-ra-en trở thành một vương quốc giầu có và hùng mạnh, nhưng dân chúng thì bị áp chế bằng sưu cao thuế nặng cũng như lao công khổ dịch. Khi con trai của Sa-lô-môn là Rơ-kháp-am lên trị vì, họ thỉnh cầu ông nhẹ gánh cho họ. Nhưng ông cự tuyệt. Nên mười chi tộc miền Bắc đã nổi dậy chống lại. Họ lập ra một vương quốc mới, tức vương quốc Ít-ra-en, với Gia-róp-am I làm vua và thủ đô đặt tại Si-khem. Ở miền Nam, Rơ-kháp-am cai trị vương quốc Giu-đa (gồm hai chi tộc Giu-đa và Ben-gia-min) với thủ đô tại Giê-ru-sa-lem. Gia-róp-am cũng lập ra một trung tâm thờ phượng mới cho vương quốc phía Bắc, hoàn toàn cắt đứt với Giê-ru-sa-lem. Ông ta chọn Đan, ở phía bắc, và Bết-ên, một trung tâm quan trọng lúc Sa-mu-en còn sống. Nhưng rồi các tập tục ngoại giáo mau chóng du nhập vào việc thờ phượng. Các sử gia soạn giả hai sách Các Vua và Sử Biên xếp loại các vua là ‘tốt’ hay ‘xấu’ là tùy họ có chịu canh cải tôn giáo hay để cho các tập tục ngoại giáo tiếp tục hoành hành. Út-di-gia-hu và Khít-ki-gia là hai trong các vua chịu canh cải của Giu-đa. Vua A-kháp của Ít-ra-en có thành tích tệ hại hơn cả. Ông và bà vợ ngoại giáo là I-de-ven chống lại tiên tri Ê-li-a và bách hại bất cứ ai thờ phượng Thiên Chúa. Ngày nay, người ta vẫn còn nhìn thấy di tích ‘tháp ngà’ của ông vua này tại Sa-ma-ri. Các biên niên sử của Át-sua ghi lại rằng ông vua này đem 10,000 binh lính và 2,000 chiến xa dự trận đánh Qarqar, nơi ông liên minh với Ai Cập chống lại Vua San-ma-ne-xe của Át-sua (853 trước CN).

Sự lớn mạnh của thế lực Phương Bắc: Trong vị thế chiến lược giữa hai đại cường Ai Cập và Lưỡng Hà của mình, cả Ít-ra-en lẫn Giu-đa đều là mồi ngon cho xâm lược. Đa-vít và Sa-lô-môn thành công một phần vì không đại cường nào mạnh đủ để tấn công lúc các ông còn trị vì. Nhưng sau khi phân rẽ vương quốc, các quốc gia gần kề như Xi-ri, Am-mon và Mô-áp lập tức đem lại cho các vua Ít-ra-en và Giu-đa đủ thứ rắc rối. Tuy nhiên, chính sự lớn mạnh của các đại cường chính xa hơn về phía đông bắc mới có tính quyết định. Đế quốc Át-sua trước đó từng có thời gian đầy sức mạnh dưới thời Tích-lát Pi-le-xe I. Nhưng cuộc gây hấn tàn bạo khiến ai cũng phải kinh hoàng đối với họ lên đến cực điểm vào các năm 880 và 612 trước CN. Đế quốc này đặt căn cứ tại ba thành phố lớn: Át-sua, Ca-lác và Ni-ni-vê. Từ giữa thế kỷ thứ 9 trước CN, thời A-kháp trị vì Ít-ra-en, các vua Át-sua đã liên tiếp tấn công Ít-ra-en và Giu-đa rồi. Chẳng bao lâu sau, Vua Giê-hu của Ít-ra-en phải triều cống Vua San-ma-ne-xe III của Át-sua. Một trăm năm sau, Vua A-khát của Giu-đa yêu cầu Vua Tích-lát Pi-le-xe III của Át-sua giúp mình chống lại Xi-ri và Ít-ra-en (Is 7; 2V 16). Ông ta đã chiến thắng cả hai nước trên, nhưng cũng vì thế, Giu-đa đã trở thành nước chư hầu của Át-sua. Khi Ít-ra-en từ khước không chịu triều cống hàng năm, vị vua kế tiếp của Át-sua đã chiếm lấy Sa-ma-ri, lưu đầy mọi người và hủy diệt vương quốc phía bắc (7221 trước CN; 2V 17). Không bao lâu sau, Ai Cập bị người Át-sua đánh bại. Năm 701 trước CN, ông vua hùng mạnh là Xan-khê-ríp vây hãm Giê-ru-sa-lem, nhưng nhờ Vua Khít-ki-gia biết tín thác nơi Thiên Chúa, nên thành thánh đã được cứu (2V 19). Người Át-sua phải chiến đấu rất nhiều mới giữ được đế quốc của họ. Trong thế kỷ kế tiếp, nhiều tỉnh nổi lên giành lại độc lập. Đế quốc ấy tồn tại tới lúc Át-sua lọt vào tay người Mê-đi năm 614 trước CN và Ni-ni-vê bị người Mê-đi và Ba-by-lon tiêu hủy năm 612.

Xâm lăng và lưu đày: Trong Thánh Kinh, nếu Át-sua có nghĩa là áp bức, thì Ba-by-lon có nghĩa là quyền lực. Nobopolassar, thống đốc khu vực quanh Vịnh Ba Tư, giải phóng Ba-by-lon khỏi Át-sua và năm 626 trước CN lên ngôi vua. Ông tiếp tục chiến thắng người Át-sua và năm 612 trước CN, người Ba-by-lon và Mê-đi chiếm được thủ đô của Át-sua là Ni-ni-vê. Họ không chỉ bằng lòng với việc chiếm cứ Át-sua mà còn tìm cách thu tóm toàn bộ Đế Quốc Át-sua nữa. Người Át-sua rút về Kha-ran, nhưng chẳng bao lâu cũng bị bứng khỏi đấy. Người Ai Cập, vì biết đất nước mình lâm nguy, nên đã tự động tiến quân lên phía bắc để hỗ trợ người Át-sua. Vua Giô-si-gia của Giu-đa đụng độ với đoàn quân Ai Cập tại Mơ-gít-đô. Trong trận chiến này, ông bị giết và do đó, Giu-đa trở thành chư hầu của Ai Cập (2V 23:29). Bốn năm sau, tức năm 605 trước CN, quân đội Ba-by-lon do Na-bu-cô-đô-nô-xo cầm đầu đã đánh bại quân Ai Cập tại Cá-cơ-mít (Gr 46:1-2). Đế quốc Ba-by-lon mỗi ngày một bành trướng. Giơ-hô-gia-kim của Giu-đa là một trong nhiều vị vua nay phải triều cống cho Na-bu-cô-đô-nô-xo. Sau một trận đánh khốc liệt với quân Ba-by-lon năm 601 trước CN, người Ai Cập khích lệ Giu-đa nổi dậy. Na-bu-cô-đô-nô-xo phái quân đội tới dẹp loạn và năm 597 trước CN, chỉ sau khi Giơ-hô-gia-kim lên ngôi không lâu, Giu-đa đầu hàng. Vua và nhiều nhà lãnh đạo bị đầy qua Ba-by-lon. Chính sách của kẻ xâm lăng không những là cướp bóc và phá phách, mà còn làm suy yếu các nước chư hầu và ngăn chặn những vụ nổi loạn trong tương lai bằng cách tống xuất các công dân hàng đầu của họ (2V 24:10-17). Dù thế, 10 năm sau, Xít-ki-gia-hu, một ông vua bù nhìn được Na-bu-cô-đô-nô-xo đặt lên ngai vàng Giu-đa, đã cầu viện Ai Cập để nổi dậy. Quân Ba-by-lon bèn xâm lăng Giu-đa và vây hãm Giê-ru-sa-lem. Cuộc vây hãm này kéo dài 18 tháng. Cuối cùng, tường thành bị chọc thủng. Năm 586 trước CN, thành bị chiếm. Vua Xít-ki-gia-hu bị bắt và bị làm cho mù. Các báu vật, kể cả châu báu của đền thờ, đều bị đem qua Ba-by-lon. Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị phá hủy, còn công dân thì bị tống xuất. Chỉ những người thật nghèo mới được phép ở lại canh tác đất đai (2V 25:1-21). Xem thêm Lưu đày

Trở Về Giê-ru-sa-lem: Giữa thế kỷ thứ sáu trước CN, Ba-by-lon hết sức hùng mạnh. Nhưng các tiên tri lên tiếng nói về một Thiên Chúa mà đối với Ngài mọi ông vua chỉ là bù nhìn, và Ngài có thể dùng chính thế lực ngoại giáo để hoàn tất các ý định của mình. Ky-rô, người Ba Tư, thống nhất được hai vương quốc Mê-đi và Ba-tư ở phía đông của Ba-by-lon. Ông chiếm được nhiều lãnh thổ xa xôi tận phía đông như Ấn Độ. Rồi ông tấn công chính Ba-by-lon. Thành này thất thủ năm 539 trước CN và ông thống lãnh toàn bộ đế quốc. Các vua Ba-Tư mở rộng bờ cõi xa hơn cả các đế quốc trước đó. Họ chiếm được cả Ai Cập và trọn vùng nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Ba-by-lon thất thủ, Ky-rô bắt đầu tái tổ chức đế quốc. Ông phân chia nó thành các tỉnh, mỗi tỉnh đều có nhà cai trị riêng, gọi là ‘satrap’. Những vị này thường là người Ba Tư, nhưng dưới họ là các nhà cai trị địa phương với một số quyền nhất định. Dân các nước chư hầu được khích lệ duy trì phong tục và tôn giáo riêng của mình.Như một phần của chính sách trên, Ky-rô phái một số người Do Thái trở lại Giê-ru-sa-lem để tái thiết thành phố và đền thờ, như đã được thuật lại trong sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a. Người Do Thái cũng lập nghiệp ở nhiều vùng khác nhau trong đế quốc. Ở Su-san, một trong các thủ phủ của Ba Tư, một vị vua sau này tên là Xéc-xét I, còn tôn một phụ nữ Do Thái làm hoàng hậu, như đã được sách Ét-te thuật lại. ‘Sự tán dân’ (diaspora), một danh từ chỉ chung những người Do Thái sống trên xứ người, sau này trở thành rất quan trọng vào thời Tân Ước.

Vì họ sống xa đền thờ, nên những người Do Thái này đã phát triển ra hệ thống hội đường làm trung tâm giáo huấn và thờ phượng. Việc đó đã xây nền cho việc phát triển mau lẹ của các giáo hội Ki-tô giáo sau này, là các giáo hội cũng được xây dựng theo khuôn mẫu ấy. Vua Đa-ri-ô I (522-486 trước CN), người xây dựng nên thủ đô mới hết sức vĩ đại là Persepolis, và là người đã chiếm được miền Tây Ấn Độ, cũng đã đẩy đế quốc xa hơn về phía tây. Năm 513, ông chiếm Ma-kê-đô-ni-a, phía bắc Hy Lạp. Năm 490, người Ba Tư bị người Hy Lạp đánh bại tại Marathon, và vũ đài được chuẩn bị sẵn cho những chiến công hiển hách sau này của Hy Lạp cổ điển xưa.

Xéc-xét I (486-465) xâm lăng Hy Lạp, còn chiếm được cả A-thê-na, nhưng đã bị đánh bại trong trận hải chiến ở Sa-la-mi. Át-tắc-xát-ta, Đa-ri-ô II và các vua kế tiếp đã đánh trả. Vận mệnh của Ba Tư và Hy Lạp, Mê-đi và Ai Cập lúc thịnh lúc suy nhưng cuối cùng, vào năm 333 trước CN, người chiến binh Hy Lạp tên A-lê-xan-đê quê ở Ma-kê-đô-ni-a đã vượt Hellespont để bắt đầu sự nghiệp phi thường của mình. Ông chỉ mới 22 tuổi khi khởi đầu tiến quân trên khắp mặt thế giới cổ thời. Ông ‘giải phóng’ Ai Cập khỏi tay người Ba Tư (lập ra hải cảng Alexandria), rồi tiến quân qua phía đông, đến tận trái tim Đế Quốc Ba Tư. Ông tiến chiếm mọi nơi đến tận Ấn Độ và đánh bại bất cứ ai cản đường tiến quân của mình, đến đâu cũng thiết lập ra các thành thị Hy Lạp. Tước hiệu ‘A-lê-xan-đê Đại Đế’ của ông thật hết sức xứng đáng. Ông qua đời lúc mới 33 tuổi, vào năm 323 trước CN.

Sau khi Ông qua đời, Đế Quốc Hy Lạp bị bốn vị tướng của Ông phân chia. Các nhà cai trị Xê-lêu-kít, đặt bản doanh ở An-ti-ô-ki-a bên Xi-ri, kiểm soát vùng Pa-lét-tin. Người Pơ-tô-lê-mai, đặt bảnn doanh tại A-lê-xan-ri-a cai trị Ai Cập. Tuy nhiên, về văn hóa, thế giới Hy Lạp vẫn là một thể thống nhất với tiếng Hy Lạp làm ngôn ngữ chung và khuôn mẫu văn minh Hy Lạp làm chuẩn. Bối cảnh này đóng một vai trò rất sinh tử trong các biến cố sau này: chúng tôi muốn nói tới các biến cố của Tân Ước. 

Ít-ra-en trong Tân Ước: Đến thời Tân Ước, dân Do Thái đã phải sống hết 500 năm dưới ách thống trị ngoại bang kể từ ngày từ lưu đầy trở về. Dưới thời Đế Quốc Hy Lạp, họ nộp sưu thuế cho Pơ-tô-lê-mai của Ai Cập và chấp nhận tiếng Hy Lạp làm ngôn ngữ Đế Quốc. Năm 198 trước CN, nhà cai trị gốc Xê-lêu-kít tại Xi-ri là An-ti-ô-khô Đại Đế, đánh bại nhà Pơ-tô-lê-mai và chiếm đóng Pa-lét-tin. Nhưng sau đó ông bị người La Mã đánh bại tại Magnesia vào năm 190 trước CN. 

Người La Mã đánh thuế Đế Quốc Xê-lêu-kít rất nặng và tìm mọi cơ hội để cướp bóc các thành thị và đền thờ. An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê dùng sự chống đối của những người Do Thái đạo hạnh gọi là Khi-si-đim như cái cớ để cướp phá đền thờ Giê-ru-sa-lem. Sau đó, ông cho xây một trung tâm ngoại giáo của Hy Lạp ngay trung tâm thành phố và một bàn thờ trong đền thờ dâng kính thần Zeus trên đó, họ cho dâng heo làm hy lễ (luật thực phẩm Do Thái cấm không được dùng thịt này). 

Sự xỉ nhục cuối cùng trên đã khiến xẩy ra cuộc nổi loạn của anh em nhà Ma-ca-bê. Người Do Thái thành công trong việc tự giải phóng mình trong một thời gian để có thể thanh tẩy cũng như tái thánh hiến đền thờ vào năm 165 trước CN. Thượng tế A-rít-tô-bô-lô, một thành viên của gia đình Hát-mô-nê-ân, là gia đình lãnh đạo cuộc nổi loạn, vào năm 104 đã tự phong vương cho mình. Nhưng chẳng bao lâu, các tranh chấp giữa người Do Thái với nhau đã giúp người La Mã cơ may can thiệp. Vị quân vương kiêm thượng tế cuối cùng bị xử tử năm 37 trước CN. 

Giu-đê trở thành chư hầu La Mã dưới quyền tổng trấn Xi-ri. Nhưng người Do Thái được tự do thực hành tôn giáo và có nhà cai trị riêng: đó là Hê-rô-đê người Do Thái miền I-đu-mê cai trị từ năm 37 đến năm 4 trước CN. Bất kể các dự án xây dựng dinh thự nguy nga của ông, trong đó có đền thờ Giê-ru-sa-lem, dân Do Thái vẫn rất ghét Hê-rô-đê Đại Vương, và phần lớn người ta chỉ nhớ đến những tàn bạo và dã man của ông mà thôi. Đó là bối cảnh của việc Chúa Giê-su sinh ra. Thánh Lu-ca ghi lại sự kiện là Chúa Giê-su sinh ra dưới thời đệ nhất Hoàng Đế La Mã, tức Au-gút-tô. Ông này được Ti-bê-ri-ô nối ngôi năm 14 CN. Hành vi Hê-rô-đê sát hại các hài nhi tại Bê-lem hoàn toàn phù hợp với cá tính ông ta. Khi ông ta chết, vương quốc bị ba người con của ông chia nhau. Một tên vì cai trị quá tệ đã bị người La Mã truất phế và thay thế bằng một tổng trấn cho vùng Giu-đê. Phông-xi-ô Phi-la-tô, người đã lên án tử cho Chúa Giê-su, làm tổng trấn từ năm 26 đến năm 36 CN. 

Hội đồng Do Thái, gọi là Sanhedrin, cố gắng sống hòa hoãn với người La Mã để duy trì thế đứng của chính mình. Những người khác, như các viên thu thuế chẳng hạn, cũng lợi dụng sự chiếm đóng của người La Mã để làm đầy túi tham. Nhiều người trông chờ ngày họ được giải thoát khi họ được tự do. Như Si-mê-ôn, người đã có mặt ở đền thờ khi cha mẹ Chúa Giê-su đem dâng con trẻ cho Thiên Chúa, họ ‘chờ đợi ngày Ít-ra-en được cứu vớt’. Bởi thế, Chúa Giê-su rất thận trọng đối với tước hiệu Đấng Được Xức Dầu, đấng giải thoát từng được hứa hẹn xưa nay, vì sợ nâng cao niềm hy vọng của dân muốn Ngài lãnh đạo cuộc nổi dậy chống người La Mã. Tinh thần kháng chiến mạnh nhất nơi nhóm Nhiệt Thành (một nhóm du kích): và chính tinh thần này cuối cùng đã dẫn đến cuộc Chiến Tranh Do Thái đầy biến cố thảm hoạ, khiến đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 70 CN. 

Nhưng lúc đền thờ Do Thái bị phá hủy và quốc gia Do Thái bị tứ tán cũng là thời điểm của một khởi đầu mới. Sau cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su, các môn đệ của Người hiểu rõ vương quốc mới không phải chỉ dành cho người Do Thái mà là cho tất cả những ai tin tưởng nơi Người. Vương quốc ấy đem lại một khởi đầu hoàn toàn mới, không phải cho riêng dân Do Thái mà cho mọi người sẵn sàng bước vào lời hứa ban cho Áp-ra-ham, một lời hứa đặt căn bản trên đức tin. Nó phải được hiểu là việc giải thoát khỏi tội lỗi và chủ nghĩa vụ luật lệ của Do Thái giáo. Do Thái hay dân ngoại đều có thể bắt đầu cuộc sống mới, đầy ắp Thần Trí Thiên Chúa. Cái năng động tính của sứ điệp này là lật ngược lại Đế Quốc và thay đổi bộ mặt thế giới.

Vũ Văn An

(Nguồn: Vietcatholic.net)