Quan Niệm Kinh Thánh Về Con Người

14/04/2017
5585

QUAN NIM KINH THÁNH V CON NGƯỜI

(Thần học – Số 11 – Tháng 3.1998, tr. 11-20) 

 

Tấn Anh 

Kinh thánh đã dành một chỗ rất quan trọng cho con người, xét vì lời Chúa mặc khải không những là hướng tới con người mà còn dành cho con người. Thực vậy, khi mặc khải, Thiên Chúa không nhắm biểu thị sự oai phong lẫm liệt của mình nhưng là muốn bày tỏ cho con người biết kế hoạch mà Ngài đã dành cho con người. Nói khác đi, Kinh thánh muốn ghi lại cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người, về kế hoạch cứu rỗi dành cho con người.

Hiểu như vậy, ta đừng mong tìm trong Kinh thánh những thiên bàn về con người dưới khía cạnh tâm lý, sinh học, vật lý hoặc lịch sử cổ đại, vì lẽ đó không phải là nhãn giới của Kinh thánh. Nhãn giới chính của Kinh thánh là con người xét trong lịch sử cứu rỗi của Thiên Chúa; chỉ một cách gián tiếp, chúng ta có thể khám phá ra những quan niệm về sự cấu tạo của con người. Có nhiều cách thức để khảo sát quan điểm của Kinh thánh về con người (thí dụ rảo qua các sách từ Cựu ước sang Tân ước); phần này, xin tóm lại trong ba điểm sau: 

  1. Con người được Thiên Chúa tạo dựng; 
  2. Con người sa ngã và được cứu rỗi; 
  3. Sự cấu tạo con người, và những tương quan với tha nhân và vũ trụ. 

I. Con người được Thiên Chúa tạo dựng. 

Những trang đầu tiên của Kinh thánh đã thuật lại cho ta sự tạo dựng vũ trụ và con người. Trong quá khứ, đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận giữa thần học với khoa học thực nghiệm bởi vì những trình thuật về sự tạo dựng của Kinh thánh không phù hợp với những dữ kiện của khoa học thực nghiệm. Thực ra, lý do gây ra những cuộc tranh luận ấy phần nào tại vì người ta cho rằng Kinh thánh là một quyển từ điển bách khoa, trong đó nhà vật lý, thiên văn và cổ sử đều có thể tìm chìa khóa cho sự khảo cứu của mình; nhưng với sự tiến triển của khoa chú giải Kinh thánh, chúng ta biết rằng văn thể và chủ đích của Sách Sáng thế không giống như một tác phẩm khoa học thực nghiệm. Hơn thế nữa, đa số các nhà chú giải Kinh thánh ghi nhận rằng, khác với các triết gia Hy lạp, người Do thái không băn khoăn lắm về nguồn gốc của vũ trụ. Thực vậy, niềm tin về Thiên Chúa tạo dựng được chín mùi sau niềm tin về Thiên Chúa cứu rỗi. Tiên vàn người Do thái có cảm nghiệm về Thiên Chúa như là Đấng đã giải phóng khỏi cảnh nô lệ Ai cập, Đấng đã thiết lập giao ước với họ, cam kết sẽ che chở bảo vệ họ. Nhưng lòng tin ấy bị thử thách và bị lung lay khi dân Do thái bị mất nước, phải lưu đày sang Babilon. Một số các tín hữu bị khủng hoảng đức tin, và tự hỏi: phải chăng Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Các ngôn sứ trả lời: Chúa không có bỏ rơi Israel đâu; Ngài sẽ can thiệp để cứu dân lần nữa! Và để củng cố lòng tin của Israel, ngôn sứ đã viện dẫn quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa: nếu Ngài đã dùng lời quyền năng để tạo dựng vạn vật từ hư vô, thì cái chuyện giải phóng dân tộc có khó gì? Nói khác đi, những trình thuật về sự tạo dựng được viết lên không phải để thỏa mãn sự tò mò của lý trí muốn biết về nguồn gốc của vạn vật, nhưng nhằm chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa không những chỉ bày tỏ tình yêu vào lúc giải phóng Israel khỏi cảnh nô lệ hay khi kết ước với dân trên núi Sinai; Ngài đã bày tỏ tình yêu của Ngài ngay từ buổi đầu khi tạo dựng vạn vật, ban đổ xuống cho chúng bao nhiêu hồng ân. Sự tạo dựng là nền tảng và khởi điểm của giao ước tình yêu dành cho vạn vật và nhân loại. Hiểu như vậy, những trình thuật của Kinh thánh nói về sự tạo dựng cần được được đọc dưới nhãn giới của giao ước, chứ không phải dưới nhãn giới của khoa cổ-đại-học. Khi nói rằng con người được Thiên Chúa tạo dựng, Kinh thánh muốn nói lên tất cả sự cao cả lẫn giới hạn của con người. Một đàng là sự cao cả của con người: bởi vì nó được Chúa yêu thương, nhào nặn ra theo hình ảnh của chính Ngài. Đàng khác, Kinh thánh cũng cho thấy giới hạn của con người: ngày nào mà nó muốn tự trị, gạt Thiên Chúa ra thì nó sẽ tự hủy diệt, bởi vì nó cắt đi nguồn sống và rồi sẽ quay ra tàn sát chém giết lẫn nhau. Chân lý được diễn tả qua những hình ảnh khác nhau, do những ngòi bút khác nhau, từ những chương đầu của sách Sáng thế cho tới những trang của Tân ước. 

 

1. Ba chương đầu của Sách Sáng thế. 

 

Các nhà chú giải Kinh thánh đã phân biệt hai ngòi bút khác nhau trong ba chương đầu của sách Sáng thế: một tác giả (quen gọi là nguồn Giavista bởi vì dùng danh Giavê để gọi Thiên Chúa, sống vào thời của vua Đavit) đã viết ra chương 2 và 3, chú trọng tới con người; một tác giả khác (quen gọi là nguồn tư tế) chịu trách nhiệm về chương 1. 

 

- Tác giả của chương 2 và chương 3 không chú trọng tới vấn đề tạo dựng con người cho bằng sự đối chiếu giữa hai tình trạng khác biệt nhau: một bên là tình trạng rạng rỡ khi con người vừa mới đựơc Đấng Tạo hóa nhào nặn, sánh với tình trạng khốn nạn ngày nay. Căn cớ gây ra thảm cảnh hiện tại là tội lỗi, tức là sự phản loạn chống lại Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn cho con người được hạnh phúc, đã muốn nâng cao con người vượt lên trên các loài sinh vật hư nát khác (Ngài đã thổi thần khí, sức sống vào con người), nhưng con người đã muốn tự lập, cắt đứt khỏi mạch sống ấy, vì vậy mà phải chuốc lấy những đau khổ lam lũ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi con người, nhưng đã hứa sẽ ban ơn cứu rỗi cho nó. 

 

- Tác giả của chương 1 thì mô tả công trình tạo dựng với sắc thái hùng vĩ hơn. Trình thuật tạo dựng trong chương 1 với văn thể của bài ca phụng vụ, đưa cặp mắt rảo qua các cảnh vật bao quanh con người (tinh tú, núi non sông hồ, động vật) để rồi dừng lại nơi công trình tuyệt tác nhất, đó là con người, được gọi là "hình ảnh của Thiên Chúa". Con người được dựng nên có đôi lứa nam nữ, trổi vượt lên trên hết các loài động vật và thảo mộc. Tất cả phẩm giá của con người được gói ghém trong từ ngữ "hình ảnh của Thiên Chúa". Nó nói lên khả năng hướng thượng, đối thoại với Đấng Tạo hóa; nó cũng nói lên sự thông hiệp giữa loài người với nhau, cách riêng trong sự thông hiệp giữa nam nữ. Trong khi mà các xã hội cổ truyền trọng nam khinh nữ, thì chương 1 của sách sáng thế cho thấy rằng không có phái nào vượt lên trên phái nào, mà là cả hai cần bổ túc cho nhau để họp thành hình ảnh của Thiên Chúa. Một điểm khác cũng được gói ghém trong chương này là sự liên đới của con người với vũ trụ, bởi vì con người được ủy thác việc trông nom chăm sóc nó. Dĩ nhiên một ý tưởng khác không kém phần quan trọng là tự do và trách nhiệm của con người. Từ ngữ "hình ảnh Thiên Chúa" sẽ còn được lặp lại trong các tác phẩm khác của Kinh thánh để nhấn mạnh tới phẩm giá cao quý của con người (thí dụ: sách Sáng thế 5,3; 9,6; Khôn ngoan 2,23-24; Huấn giáo 17,1-4). 

 

- Dù sao thì khi tổng hợp lại ba chương đầu của sách Sáng thế, ta thấy rằng con người được lồng trong ba mối liên hệ: với Thiên Chúa, với tha nhân, với vũ trụ. Con người sẽ đựơc hạnh phúc nếu biết duy trì sự hòa hợp với ba mối dây đó. Tiếc rằng, do tội lỗi chống lại Thiên Chúa, mối liên lạc với Thiên Chúa bị cắt đứt, đưa tới sự rối loạn cho cả những mối liên lạc kia. 

 

2. Nguồn gốc và vận mạng của con người.

 

Vấn đề nguồn gốc và định mạng của con người không phải chỉ được đề cập tới trong ba chương đầu của Sách Sáng thế. Trong Cựu ước, bên cạnh các bộ sách Lịch sử, ta còn thấy những bộ sách Khôn ngoan, trong đó các tác giả không những dạy cho ta biết cách cư xử trên đời, nhưng còn suy tư về nguồn gốc thân phận con người: tại sao có đau khổ? tại sao con người phải chết? làm thế nào để được hạnh phúc? Các nhà chú giải càng ngày càng để ý đến những đoạn sách này, không những vì có thể giúp cho việc đối thoại với các nền văn hóa Đông phương, nhưng cũng để đào sâu hơn khái niệm về mặc khải. Thực vậy, Thiên Chúa không những chỉ mặc khải qua những lần can thiệp vào lịch sử, nhưng Ngài còn dùng con đưòng của những suy tư cảm nghiệm của nhân loại. Khi đi vào nội dung tư tưởng của các sách Khôn ngoan, ta thấy có hai khuynh hướng: lạc quan và bi quan. Tiêu biểu của khuynh hướng lạc quan là sách Châm ngôn. Theo tác giả, ta có thể đạt được hạnh phúc ở đời này nếu ta biết lắng nghe và thực hành lời khuyên của thánh hiền: ai mà ăn ở khôn ngoan đức độ thì sẽ được may mắn thành công. Đối lại, khuynh hướng bi quan muốn mở mắt cho ta thấy rằng sự thực không đơn giản như thế: biết bao nhiêu người lành đã gặp hoạn nạn, còn quân ác ôn thì giàu sang phú quý. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là sách Giảng viên, mà ta thấy lắm lúc xem ra chán chường tuyệt vọng, coi cuộc đời hầu như vô nghĩa. Thực ra cả hai tác giả chỉ nhìn tới cuộc sống ở đời này mà thôi. Sách Khôn ngoan đã mời ta hãy mở rộng tầm nhãn giới, nhìn tới sự sống bất diệt: sau khi chết rồi, con người còn có cuộc sống bất tử. Tác giả của Sách Khôn ngoan còn tiêm nhiễm thêm một tư tưởng khác gây niềm hy vọng cho con người, đó là Thiên Chúa đã dựng nên và cai quản vũ trụ này do thượng trí khôn ngoan, và Ngài yêu thương tất cả những tạo vật do mình làm nên (11,24-26). Tân ước sẽ khai triển những đề tài đó. Thánh Phaolo và thánh Gioan đồng hóa đức Kitô với Lời tạo dựng của Sách Sáng thế hay Thượng trí của Sách Khôn ngoan (1 Cr 1,24; Cl 1,15-17; Dt 1,3; Ga 1,1 tt). Chúa Giêsu trong Phúc âm cũng cho ta thăy Thiên Chúa là người cha quan phòng từ sợi tóc của ta. 

 

II. Tội lỗi và ơn cứu độ. 

 

Tác giả của chương 2 và chương 3 của sách Sáng thế không quan tâm tới nguồn gốc của con người cho bằng tới lý do vì sao mà con người phải khổ sở như thế này. Tác giả nói rằng tại vì con người đã phạm tội, khởi loạn với Thiên Chúa. Thực ra, thực trạng tội lỗi không phải chỉ xuất hiện vào hồi khởi nguyên của nhân loại; những chương kế tiếp của Sách Sáng thế cho thấy cả một chuỗi những lần con người phản loạn ch–ng lại Thiên Chúa, khi thù ghét chém giết lẫn nhau (thí dụ như Cain với Abel, chương 4), chung chạ phái tính (chương 6), kiêu căng ngạo mạn (tháp Babel chương 11), với những hậu quả thiệt hại mà chính con người phải hứng chịu. Mặt khác, tác giả Sách thánh cũng cho thấy rằng Thiên Chúa không ngừng giang tay cứu vớt con người: kể cả khi phạt loài người với lụt Hồng thủy, Thiên Chúa vẫn cứu vớt gia đình Noe; sau cơn lụt, Ngài hứa sẽ không bao giờ hủy hoại tạo vật nữa; qua các tổ phụ Noe và Abraham, Thiên Chúa đã chúc phúc hết mọi dân tộc trên mặt đất. 

 

Bởi thế trong Kinh thánh, ta thăy tội lỗi và ơn nghĩa song song với nhau. Một đàng là tội lỗi lan tràn khắp mặt đất, thậm chí đâm rễ vào trong con tim của con người cho đến nỗi thánh vịnh 51 nói rằng con người đã sinh ra trong tội. Nhưng đồng thơi, tiềm năng của ơn sủng cứu độ cũng không kém phần phổ quát. Sứ ngôn Edêkiel (36,26) và Giêrêmia (31,31-34) đã loan báo thời đại mà tim đá của con người sẽ được biến thành tim mới, nhậy cảm với Thiên Chúa. 

 

Dĩ nhiên Tân ước sẽ nói nhiều hơn nữa tới tác dụng phổ quát của ơn cứu rỗi đến nỗi có thể nói tới một tạo dựng mới. Sự tạo dựng mới diễn ra nhơ đức Kitô. Đức Kitô chính là con người lý tưởng bởi vì Ngài là hình ảnh nguyên tuyền của Thiên Chúa, khôi phục lại hình ảnh mà nguyên tổ đã làm méo mó. Đề tài về đức Kitô là "hình ảnh của Thiên Chúa", "Ađam mới", "con người mới" được thánh Phaolo trình bày ở Côlôxê 1,15-20; 1 Côrintô 15,45-49. Con người mới là con người sống theo thần khí của đức Kitô, nghĩa là mở rộng tới tình yêu, trao hiến, thông hiệp, đối lại với con người cũ, của xác thịt, khép mình trong ích kỷ. Việc đối chiếu giữa con người cũ với con người mới đã đưa Phaolo tới việc đối chiếu giữa điều kiện của nhân loại trước và sau đức Kitô, nghĩa là đối chọi giữa Ađam (nguyên tổ của nhân loại sa đọa) với đức Kitô (nguyên thủ của nhân loại được tái tạo). Phaolo đã nhận thấy rằng sau khi Ađam phạm tội, thì tội lỗi và sự chết đã lẻn vào và bành trướng khắp thế giới, chế ngự trên cả nhân loại. Thế nhưng, sự phổ quát của tội lỗi và sự chết đã bị lật ngược do sự chiến thắng phổ quát của đức Kitô trên tội lỗi và sự chết: đâu mà tội lỗi lan tràn thì ở đấy ơn thánh lại càng dào dạt. Tất cả đạo lý về ảnh hưởng phổ quát của tội lỗi và ơn thánh được Phaolô mô tả trong thư gửi Rôma, đặc biệt trong chương 5. Trong quá khứ, nhiều người chỉ chú trọng đến khía cạnh tiêu cực của nó (đạo lý về tội nguyên tổ); nhưng ngày nay các nhà chú giải chú trọng tới khía cạnh tích cực của nó nhiều hơn (ơn công chính được ban nhưng không cho hết mọi người). 

 

III. Sự cấu tạo của con người. 

 

Thánh Phao-lô đã đối chiếu tình trạng của con người cũ với con người mới qua những từ ngữ: sống theo "xác thịt" và sống theo "thần khí" (hay: tinh thần), nghĩa là sống theo ích kỷ tội lỗi hay là sống theo bác ái vị tha. Sự đối chọi này đưa chúng ta sang một đề tài mới về sự cấu tạo của con người. Kinh thánh không trình bày cho ta một bài học về cấu tạo siêu hình hay tâm lý về con người, theo kiểu như các triết gia Hy lạp nói sự cấu tạo con người bởi tinh thần và vật chất (hồn / xác; mô hình / chất thể). Kinh thánh nhìn con người như một toàn bộ duy nhất, nhưng mà cái toàn bộ ấy có nhiều mối tương quan. Nhằm vạch ra các chiều kích và tương quan của con người mà Kinh thánh nói tới: linh hồn, thân xác và tinh thần nơi con người. Trong đoạn sách thánh của giờ kinh tối ngày thứ 5, chúng ta đọc thấy như sau: "Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn ...". Câu này trích từ 1Tx 5,23: thánh Phaolô không có ý nói rằng con người gồm có ba phần, mà là có ba khía cạnh: thần trí ám chỉ mối tương quan với Thiên Chúa, tâm hồn nói lên con người là sinh vật, còn thân xác vừa nói lên tính cách dòn mỏng của con người, vừa nói tới mối tương giao với tha nhân và vũ trụ. Chúng ta hãy điểm qua những yếu tố vừa nói. 

 

a. Linh hồn. 

 

Nguyên gốc Do thái là nefes, được dịch ra tiếng hy lạp là "psyché" và tiếng latinh là "anima". Lúc đầu nó chỉ có nghĩa là sự sống (St 2,7), chung cho cả con người lẫn thú vật. Dần dần nó được dành riêng để chỉ cái sức sống thuần túy của con người. Khác với động vật, sự sống nơi con người bao hàm ý thức về chủ thể và hành động: do đó khi sách Đệ nhị luật 6,5 truyèn con người hãy yêu mến Thiên Chúa "hết linh hồn" thì có nghĩa là hãy yêu mến với tất cả khả năng nội tại của mình. Như vậy "linh hồn" không phải là cái phần thiêng liêng, tách rơi khỏi thân xác, nhưng là tất cả con người xét như là một thực thể sống động có ý thức và tình cảm. Ta thấy cái ý nghĩa này còn được dùng trong Tân ước, thí dụ khi đức Maria xướng lên bài ca: "linh hồn tôi tán dương Thiên Chúa" (hồn hiểu là toàn thể ý thức tâm tư sống động); hoặc khi Chúa Giêsu nói rằng được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích chi (hồn hiểu là mạng sống). Hồn (cũng như hơi thở) là biểu thị cho sức sống; khi mà hềt thở, hết hồn thì con người chết. 

 

Xét về thân phận sau khi chết, thì ta nhận thấy có sự tiến triển rất nhiều trong mạc khải: trong các chặng đầu của Cựu ước, người ta quan niệm rằng sau khi chết con người xuống cõi âm ti; tuy không phải là bị tiêu diệt hẳn, nhưng kiếp sống ở âm ti chỉ có tính cách thoi thóp, không đáng gọi là sống. - Mãi về cuối thời Cựu ước (do ảnh hưởng của tư tưởng Hy lạp) sách Khôn ngoan mới nói tới hồn thiêng bất tử, còn xác thì trở về bụi tro. Đồng thời cũng vào giai đoạn này, với sách Đaniel và Maccabêô, thì mới có mặc khải về sự sống lại cả hồn xác. Tân ước sẽ nói rõ hơn về sự sống lại của con người, nhờ sự phục sinh của đức Kitô. 

 

b. Thân xác. 

 

Nguyên gốc Do thái là "basar", dịch ra hy lạp là "sarx" và latinh là "caro". Nếu muốn dịch cho sát thì phải nói là "thịt" hay "xác thịt". Tiếng này mang hai ý nghĩa: 

 

a/ Một đàng xác thịt nói lên tính cách mỏng dòn yếu ớt của thân phận con người, tựa như gió thoảng qua (Tv 72) hay hoa chóng tàn (Is 40,7). Theo nghĩa này, mà Phúc âm thánh Gioan 1,4 nói tới việc Ngôi Lời đã trở thành thịt (Verbum caro factum est): có nghĩa Thiên Chúa đã trở thành con người mỏng dòn (chứ không có nghĩa là mặc lấy cái xác như là quàng áo khoác). Cũng trong bối cảnh đó, mà Kinh thánh thường hay đối chọi xác thịt với tinh thần (thí dụ Is 31,3; Ga 6,63; Mt 26,41): một đàng là xác thịt, nghĩa là bản chất yếu đuối dòn mỏng của con người; đàng kia là tinh thần, nghĩa là quyền năng sức mạnh của Thiên Chúa. Thánh Phaolo thì coi xác thịt như là biểu tượng cho tội lỗi, ích kỷ, và do đó không mấy thiện cảm; vì thế để nói lên thực thể hữu hạn thì thánh Phaolo dùng tiếng "thân thể" (soma, corpus). Cái thân thể này ngày kia sẽ được sống lại. 

 

b/ Ngoài ý nghĩa mỏng dòn, "xác thịt" (hay thân thể) cũng còn bao hàm ý nghĩa tương quan với tha nhân và với thế giới. Thí dụ khi Ađam nói với Eva: "đây là thịt bởi thịt tôi" (St 2,23), và đàn ông với đàn bà hợp nhau thành một thịt. (Có lẽ cũng tựa như tiếng Việt nói tới họ hàng ruột thịt để chỉ tương quan gần gũi). 

 

c. Tinh thần. 

 

Trong tiếng Do thái là "ruah", tiếng hy lạp là "pneuma", tiếng latinh là "spiritus", có thể dịch là: khí, gió, thần khí, sinh khí, tinh thần... tùy theo mạch văn. Nói chung, con người không phải chỉ là "hồn" (nghĩa là mang sức sống và có ý thức), con người không phải chỉ là "xác thịt" (nghĩa là có tương giao với tha nhân và vũ trụ), nhưng con người còn là "tinh thần" nừa, nghĩa là con người còn có tương giao hướng thượng với Thiên Chúa. Chính qua cái tinh thần (thần khí) mà con người liên lạc với Chúa, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa đã ban thần khí cho con người để cho con người được sống viên mãn, thánh thiện. Như đã thấy trên đây, thánh Phaolo đã mô tả con người mới như là con người tinh thần, con người để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt, ngõ hầu có thể sống tự do để phục vụ Ngài và phục vụ tha nhân (Roma chương 8). Đối lại là con người xác thịt, ích kỷ đi tới chỗ chết. 

 

Tóm lại, Kinh thánh không nói tới sự cấu tạo siêu hình và tâm lý của con người, cho bằng cơ cấu luân lý đạo đức của nó. Kinh thánh giả thiết rằng con người có tự do và trách nhiệm: vận mạng của con người tùy thuộc sự sử dụng tự do đó. Cũng như tiếng Việt nói tới "lương tri" hay "lương tâm" như là cơ quan đầu não nơi mà con người quyết định và hành động, thì Kinh thánh cũng hay dùng hình ảnh "con tim" (karđía: tâm lòng, thâm tâm) để ám chỉ thâm cung kín đáo nhất của con người, nơi mà con người rút về để cân nhắc, tính toán mình-với-mình hay là để gặp gỡ Thiên Chúa (Rm 10,6; Mt 5,28; 12,34; Rm 2,15; Ep 3,17). 

 

Để kết luận, thiết tưởng cũng nên thêm rằng khi trở về với nguồn Kinh thánh để tìm hiểu về con người, thần học hiện đại cũng chú trọng hơn tới vai trò của đức Kitô: đức Kitô không phải chỉ được nhìn dưới nhãn giới của Ngôi lời nhập thể, nhưng đức Kitô là con người tuyệt hảo nhất; nơi đức Kitô hình ảnh Thiên Chúa được phản ánh sáng ngời rực rỡ nhất (2Cr 4; Cl 1,25 tt; 1Cr 8,6). Người là Ađam mới, nghĩa là khuôn mẫu của con người mới (Rm 5,12-21; 1Cr 15,45-49). Những điều suy niệm này đã được công đồng Vaticano II đặt ở cuối mỗi chương của Hiến chế “Vuimừng và Hy vọng”, nhưng có lẽ được chú ý hơn từ khi đức Gioan Phaolo II viết thông điệp “Đấng Cứu chuộc Con người” (Redemptor hominis), chẳng hạn khi nói rằng: đức Kitô đã mặc khải con người cho con người; đức Kitô đã công bố chân lý về con người; ai càng nên giống đức Kitô thì càng trở nên người hơn…