Các tư liệu Thánh Kinh: Ngành Khảo Cổ Thánh Kinh

08/05/2018
2447
Những bước đáng kể đầu tiên trong việc học hỏi về thế giới cổ thời được thực hiện năm 1798 khi cuộc xâm lăng Ai Cập của Na-pô-lê-ông đòi một cuộc thám hiểm vùng đồi núi tại đó. Dịp đó, Khối Ðá Rosetta đã được khám phá ra. Ðó là một khối đá trên đó cùng một bản văn đã được khắc bằng hai ngôn ngữ Hy Lạp và Ai Cập. Nó giúp người ta lần đầu tiên giải mã được lối viết tượng hình (hieroglyphs) của cổ Ai Cập (1824). Ít năm sau đó, một nhà ngoại giao Anh tại Baghdad, là Claudius James Rich, thực hiện những cuộc khám phá chính xác đầu tiên tại những địa điểm thuộc cổ Ba-by-lon và Ni-ni-vê. Ông cũng thực hiện được bộ sưu tập tiêu biểu đầu tiên những con dấu và bản khắc của Át-sua và Ba-by-lon. 

Các địa điểm thuộc Ít-ra-en được biết đến nhiều hơn, vì khách hành hương từng thăm viếng ‘Ðất Thánh’ hàng thế kỷ trước. Năm 1838, Edward Robinson, một giáo sư Mỹ dạy môn Văn Chương Thánh Kinh, thực hiện cuộc nghiên cứu nghiêm chỉnh đầu tiên về lãnh thổ này. Căn cứ vào địa dư và cung cách sống còn của các địa danh, ông đã có thể nhận dạng rất nhiều thị trấn được nêu tên trong Thánh Kinh. Phần lớn những nhận dạng đó vẫn còn giá trị cho đến nay. 

Ai Cập và Át-sua: Tại Ai Cập, việc khai quang các đụn cát cũng như các tảng đá chặn mồ mả và đền thờ tiếp diễn suốt thế kỷ 19, và trong giai đoạn này, rất nhiều các điêu khắc bằng đá đã bị lấy ra khỏi xứ sở. Còn tại Át-sua, các cuộc khai quật bắt đầu được thực hiện khi viên lãnh sự Pháp, Paul-Emile Botta, cho đào những giao thông hào trong ụ đá vụn là chính Ni-ni-vê xưa. Công việc của ông tại đó không được như ý muốn, nhưng gần đó, ông khám phá ra một cung điện Át-sua với những bức tường đầy những phiến đá có khắc hình (1842-1843). 

Một du khách Anh là Henry Layard cũng lưu ý đến vấn đề và năm 1845, ông khám phá ra nhiều bức khắc tương tự như thế tại Ni-ni-vê, nơi Botta thất bại không tìm thấy. Những chữ viết khắc vào đá cũng như in trên những tấm bảng nhỏ bằng đất sét đã được giải mã khoảng năm 1850. Ðó là văn tự hình nêm (cuneiform) của Ba-by-lon. Những tài liệu viết theo lối chữ này tỏ ra vô cùng giá trị cho việc nghiên cứu về Thánh Kinh. 

Việc đào xới tại Ai Cập, Át-sua và Ba-by-lon được các đoàn thám hiểm Anh, Pháp và Ý thực hiện. Các toán của Mỹ và Ðức cũng tham gia việc đó rất sớm. Phần lớn ngân khoản dùng cho việc khai quật này là do các viện bảo tàng quyên góp. Một số đóng góp chỉ với mục đích dành cho bằng được những món đồ đặc biệt vừa tìm thấy. Những viện khác chỉ cần ghi chú các chi tiết và sưu tập các mẫu ít giá trị hơn như đồ gốm, giao nĩa, v.v… Phần lớn đo đạc các dinh thự và vẽ họa đồ đánh dấu địa điểm những nơi khám phá ra cổ vật. Ngày nay các đoàn thám hiểm quốc tế vẫn thực hiện các công việc trên, nhờ giấy phép của các sở bộ khảo cổ địa phương. Các nhà bác học của Ai Cập và I-rắc cũng có những cuộc khai quật độc lập. Họ đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn gia tài đất nước họ. Sau hơn một thế kỷ rưỡi khai quật tại các lãnh thổ này, người ta nhận thấy vẫn còn rất nhiều việc phải tiếp tục làm. 

Pa-lét-tin và Xy-ri: Những nhà khai quật đầu tiên phần đông quan tâm đến việc tìm ra những đền đài vĩ đại của các thế lực đế quốc để gây ấn tượng mạnh nơi quần chúng Phương Tây, nên đã bỏ qua rất nhiều đô thị tại Pa-lét-tin và Xy-ri. Trừ một số ít giao thông hào lẻ tẻ ở Giê-ri-khô và một số điạ điểm khác (1866-1869), cuộc khai quật đầu tiên chỉ giới hạn ở Giê-ru-sa-lem. Tại đây, Charles Warren đã tìm ra dấu vết móng bức tường đền thờ của Vua Hê-rô-đê và đã khảo sát những di tích cổ khác (1867-70). Ông đục qua khối những phiến đá và rác rưới xụp đổ khác (thọc những trục khoan xuống 211 bộ {65 mét} và đào hầm dọc theo bề mặt đá tự nhiên) để cho thấy hình dáng thành phố đã thay đổi ra sao qua các thế kỷ. 

Qua thế kỷ 20, nền khảo cổ Cận Ðông thực hiện những bước tiến quan trọng vào năm 1890 khi Flinders Petrie bắt đầu khai quật Tell el-Hesi, gần Ga-da thuộc miền Nam Ít-ra-en. Ông nhận thấy rằng bất cứ ở địa điểm nào, sự vật ông tìm thấy ở độ cao trên mực nước biển thẩy đều khác so với sự vật tìm thấy ở các độ cao khác. 

Ðiều trên đúng một cách hiển nhiên nhất đối với những đồ gốm vụn. Cẩn thận tách biệt các mảnh đó tùy theo độ cao của chúng, ông đã có thể nhận dạng một loạt những kiểu đồ gốm khác nhau theo thứ tự thời gian. Rồi ông xác định niên biểu cho từng kiểu, bằng cách so sánh chúng với các cổ vật Ai Cập tìm thấy ở cùng một chỗ. (Tuổi của các cổ vật Ai Cập được biết đến nhờ việc khám phá ra những mảnh tương tự tại Ai Cập, trên đó có những bản khắc cho thấy mối liên hệ của chúng đối với triều một vị vua nhất định). 

Những nhận xét của Petrie đã trở thành căn bản cho mọi cuộc khai quật khảo cổ. Trong nhiều thập niên, các nhà khảo cổ khác mà lúc đó đang làm việc tại Pa-lét-tin đã không nhận ra tầm quan yếu của những nhận xét trên và do đó, đã đưa ra những kết luận không chính xác. Ngày nay, dĩ nhiên ý niệm căn bản trong việc dùng kiểu đồ gốm làm chuẩn đích để xác định niên biểu cho các đồ vật khác đã được mọi người công nhận, và từ đó, một số khai triển quan trọng đã được thực hiện. 

Khi vấn đề ngày càng được nhiều người quan tâm hơn, các viện bảo tàng và đại học bắt đầu chú ý đến những địa điểm ngay trên đất Ít-ra-en. Tiếc thay, tiêu chuẩn các cuộc khai quật ở đấy đôi khi lại khá nghèo nàn. G.A. Reisner và C.S. Fisher, trong khi thực hiện những cuộc khai quật riêng tại Sa-ma-ri trong các năm 1908-1911, đã tìm ra nhiều kỹ thuật tốt hơn để quan sát và ghi chép các dữ kiện tìm thấy. Theo gương Petrie, W.F. Albright, người Mỹ, đã thiết lập ra hệ thống căn bản để xác định niên biểu cho các đồ gốm tại Pa-lét-tin (trong cuộc khai quật từ 1926 đến 1936 tại Tell Beit Mirsim). 

Khoa khảo cổ Anh đã tiến bộ trong việc khai triển ra “địa tầng học” (stratigraphy), tức ngành khảo sát lớp đất bên trong và bên dưới những phế tích xưa. Kathleen Kenyon, nghiên cứu tại Sa-ma-ri, là người đầu tiên đã áp dụng phương thức trên vào một cuộc khai quật tại Pa-lét-tin trong các năm 1931-1935. Từ 1952, bà sử dụng phương thức ấy một cách thành công rực rỡ tại nhiều địa điểm tại Giê-ri-khô và Giê-ru-sa-lem. Cho đến nay, phương pháp khai quật ấy chưa bị vượt qua, dù nó đòi hỏi rất nhiều nơi nhà khai quật trong lúc đào xới, và cả sau đó trong lúc giải thích các điều tìm được. 

Công việc khai quật: Bùn đất là vật liệu xây dựng thông thường nhất, và là một trong những vật liệu xưa nhất của vùng Cận Ðông. Tường làm bằng gạch từ bùn đất để khô dưới nắng mặt trời bền được chừng 30 năm nếu chúng được thường xuyên tô vữa để chống ẩm thấp. Thời xưa, gạch nung trong lò rất đắt đỏ, nên chúng chỉ được dùng cho những dinh thự quan trọng. Nền thường được làm bằng đá nếu có sẵn, và trong những vùng có đá, toàn diện căn nhà đều được làm bằng đá. Mái thường được làm bằng xà gỗ với mè rui và vữa bùn đặt lên trên. 

Những căn nhà này rất dễ xụp đổ vì thiếu bảo trì, lâu năm, hỏa hoạn, động đất hay bị kẻ thù tấn công. Khi chúng bị xụp, người ta dùng lại những thứ nào còn tốt trong đống đổ nát, nhưng phần lớn những đổ nát ấy cứ nằm chình ình mãi ở chỗ ban đầu. Với thời gian, những căn nhà mới được xây trên chính những đống đổ nát ấy. Bởi thế mặt đường cứ thế lên cao mãi, và trong nhiều thế kỷ, mặt bằng của cả một thành phố cứ thế mà cao lên chót vót. Kết quả của những phát triển như thế có thể nhận ra khắp nơi tại Cận Ðông tại những đụn phế tích gọi là tells. 

Những thành phố một thời vốn bao quanh một pháo đài bên trong với những cung điện và đền thờ được phòng thủ kỹ lưỡng có thể để lại một khu vực rộng lớn đầy những đụn (mounds) thấp, còn pháo đài kia thì sừng sững như một ngọn đồi cao. Hay toàn bộ thành phố trở thành một đụn duy nhất. Những tells đôi khi cao đến 90-130 bộ Anh (30-40 mét) và dài tới 540 thước anh (500 mét) hoặc hơn. 

Những di tích gần đây nhất nằm phía trên cùng của một đụn. Rất có thể chúng không phải là những phế tích của những dinh thự cuối cùng xây ở đó, vì gió và mưa mùa Đông xoáy mòn rất nhanh những viên gạch bằng đất bùn phơi khô một khi căn nhà không còn ai cư trú. Ở tầng thấp nhất, trên đất nguyên thủy, chắc chắn sẽ là vết tích của những thị trấn ban sơ. Có rất nhiều lý do tại sao các thị trấn cổ xưa bị bỏ trống. Thị trấn ấy có thể đã được phát triển chung quanh một con suối hay một cái giếng, tại nhánh một con sông, hay ở một ngã ba đường. Khi suối cạn hay đường thay đổi, cả thị trấn hết sống theo. Biến cố xoay vần của chính trị cũng có thể làm cho một thị trấn nào đó mất hết ảnh hưởng và thịnh vượng. Hay cái đụn kia lên quá cao không còn thuận tiện cho cư dân sinh sống mãi ở trên đỉnh nữa. 

Tuy thế, các thành phố như Giê-ru-sa-lem và Ða-mát không bao giờ mất đi tầm quan trọng của chúng, và chúng chỉ được khai quật khi các tòa nhà bị phá bỏ hay một khu vực nào đó bị bỏ qua không khai phá. 

Việc đào xới: Nhà khảo cổ đào các đụn từ trên đỉnh đào xuống hay từ bên hông đào qua. Khi họ đào xong, người ta sẽ thấy các phế tích của một thời kỳ nằm chồng lên phế tích của thời kỳ khác, giống như các lớp của một chiếc bánh ngọt lớn được cắt ở giữa. Khi ông đã đụng đến lớp đất và các cổ vật trong đó rồi, khó lòng có thể đặt lại các cổ vật vào y như vị trí cũ được nữa. Do đó, việc đầu tiên phải làm là ghi chú cẩn thận mỗi cổ vật đã tìm thấy ở đâu và tại lớp đất nào. Một bản vẽ về khu vực sẽ cho ta thấy vị trí nằm ngang của các bức tường và những đồ vật khác. Nhưng các phế tích ít khi nằm đúng ở một mức cân bằng nào. Ðường phố có thể dốc thoải hay một bức tường có thể lên cao hơn hẳn ở một chỗ rồi thấp xuống ở chỗ khác. Rất thường xẩy ra việc người của thời kỳ sau có thể đào một cái hầm để chứa thực phẩm hay rác rưởi, và cái hầm đó có thể sâu quá cái mức của nó mà ăn xuống mức những phế tích thời trước. Vì vậy mà ghi chép đồ vật theo tầng mức tuyệt đối của chúng (số mét trên mực nước biển) có thể lầm vì coi rác rưởi ở cuối hầm kia là phế tích của thời kỳ trước đó. Cho nên, độ sâu của bất cứ cuộc khám phá nào cũng chỉ là độ sâu tương đối so với lớp đất trong đó đồ vật kia được tìm thấy. 

Khi những giao thông hào đã ăn sâu vào lòng đất, ta sẽ thấy các lớp đất một cách rõ ràng theo chiều thẳng của cuộc khai quật. Ðồ gốm nằm ở sàn một căn phòng tất nhiên sẽ thuộc về thời kỳ trót hết có người sống tại đó. Ðồ gốm nào nằm ở bên dưới sàn nhà đương nhiên thuộc thời kỳ trước đó. Nhà khảo cổ học phải ghi chú rõ sàn nhà ấy nối với tường ra sao, vì bức tường của thời kỳ sau có thể ăn thông qua sàn của của thời kỳ trước. Nếu ông không chịu ghi chú điều đó, ông có thể cho ta một họa đồ sai về tòa nhà, với bức tường được định niên biểu bằng niên biểu của đồ vật trên sàn. 

Kiến thức chuyên gia rất cần ở mỗi giai đoạn. Trước khi di chuyển bất cứ nắm đất nào, nhà khảo sát phải đo lường toàn bộ khu đào xới và xác định những điểm từ đó những đo lường kia được thực hiện. Khi công việc đang diễn tiến, ông còn phải vẽ lại các cạnh của giao thông hào cũng như bất cứ điều gì đáng ghi. Một nhiếp ảnh gia cần hiện diện để ghi nhận các giai đoạn của cuộc khai quật, vẽ những đồ vật quan trọng và dễ bể tại vị trí trong đất, và sau đó chụp hình chúng cũng như các đồ vật khác để công bố. 

Nghiên cứu những đồ tìm thấy: Mỗi đồ vật phải được dán nhãn, hay đánh dấu rõ ràng ngay khi vừa khám phá ra, cho thấy nó đã được tìm thấy ở đâu. Những phế tích cá biệt như kim, giao, nữ trang phải được liệt kê và mô tả, ngoại trừ đồ gốm đã bể. Ðồ gốm được xếp tùy theo chỗ, mức (level) hay tầng (layer) được tìm thấy. Một người nào đó biết toàn bộ cuộc khai quật sau đó có thể lựa ra những cổ vật có ý nghĩa để ghi chú một cách chi tiết. 

Một số đồ gốm cần được sửa chữa, và những đồ bằng kim loại có thể phải chỉnh lại vì bị rỉ sét. Những đồ bằng gỗ hay dễ bể cần phải nâng niu để khỏi bị hư hại thêm. Mẫu mọi phế tích thiên nhiên có thể cho ta nhiều tư liệu về môi trường thời cổ, cho nên, vỏ ốc vỏ sò, xương và những mảnh đất có chứa hạt giống, cần phải được gom nhặt cẩn thận. 

Các kết quả: Nhiệm vụ chính của khảo cổ là minh họa cái bối cảnh tổng quát của Thánh Kinh và cho ta thấy thế giới Thánh Kinh là như thế nào. Có khi nó đem lại ánh sáng cho một câu nào đó trong Thánh Kinh; nó cũng có thể hướng dẫn các nhà giải thích Thánh Kinh đi theo một hướng nào đó, hay ngăn họ đừng đi cái hướng đó. Nó có thể được xem như ủng hộ cho một mệnh đề lịch sử nào đó trong Thánh Kinh, hoặc làm cho mệnh đề ấy ít khó chấp nhận hơn. Nhưng ta phải luôn nhớ hai sự kiện quan trọng sau đây. Một là phần lớn kiến thức ta có về thế giới cổ thời do khảo cổ mang đến chỉ có tính dò tìm và phải sẵn sàng chấp nhận thay đổi. ‘Kết quả chắc chắn’ của hôm nay rất có thể chỉ là điều ‘để sưu tập’ cho ngày mai. Hai là, tựu chung, ta không thể nói khảo cổ ‘chứng minh’ hay ‘bác khước’ Thánh Kinh. Bởi sứ điệp Thánh Kinh là sứ điệp về Chúa, khảo cổ không có gì để nói về sứ điệp ấy được.

Vũ Văn An 

(Vietcatholic.net)