Luật ly dị tức thời của Hồi giáo Ấn độ - tripple talaq - là trái hiến pháp

22/08/2017
817
Hôm 22 tháng 8, Tòa án tối cao của Ấn độ đã phán quyết rằng việc ly dị “tức thời” của Hồi giáo, thường được gọi là tripple talaq, là trái với hiến pháp. Theo thói tục này, người chồng chỉ cần nói 3 lần từ “talaq” – tôi bỏ cô, là có thể bỏ vợ của mình, ngay cả khi không có sự hiện diện của người vợ.
Phụ nữ Hồi giáo Ấn độ - AFP
Phụ nữ Hồi giáo Ấn độ - AFP

Hôm 22 tháng 8, Tòa án tối cao của Ấn độ đã phán quyết rằng việc ly dị “tức thời” của Hồi giáo, thường được gọi là tripple talaq, là trái với hiến pháp. Theo thói tục này, người chồng chỉ cần nói 3 lần từ “talaq” – tôi bỏ cô, là có thể bỏ vợ của mình, ngay cả khi không có sự hiện diện của người vợ.

Hiện giờ, Quốc hội Ấn Độ có sáu tháng để đưa ra một đạo luật thích hợp về các vấn đề hôn nhân, ly hôn và thừa kế, của tín hữu Hồi giáo. Trong phiên tòa, 3 thẩm phán đã đối lại 2 thẩm phán, chấp nhận một thỉnh nguyện thư được 50 ngàn phụ nữ Hồi giáo ký tên. Những phụ nữ này từ lâu đã than phiền về sự đối xử phân biệt họ phải chịu. Họ coi việc ly dị bằng lời nói như thế là ngược đãi, điều thường được các ông chồng thực hiện “từ xa” bằng cách gửi các tin nhắn hay email. Các thẩm phán đã kết thúc một vấn đề đã từng chia rẽ cộng đoàn Hồi giáo ở Ấn độ.

Các phụ nữ Hồi giáo đã đánh giá cao phán quyết của tòa án tối cao. Theo ủy ban luật cá nhân của phụ nữ Hồi giáo, phán quyết này là một thời khắc thắng lợi to lớn, mang lại niềm tin tuyệt vời. Ủy ban cũng cho biết các phụ nữ sẽ không dừng lại ở đây, vì họ mới đạt được chiến thắng một nửa. Bà Farah Faiz, một thành viên của Ủy ban nói: “Chúng tôi sẽ thật sự chiến thắng chỉ khi luật pháp được ban hành để những việc li dị tức thời có thể bị trừng phạt. Không có biện pháp khắc phục nào để phụ nữ chống lại thói tục  này cho đến khi luật pháp được ban hành.”

Ủy ban này cũng nhận định phán quyết này đưa tới một bước ngoặt và tòa án đã bảo vệ mọi phụ nữ Hồi giáo. Với phán quyết của tòa án, các phụ nữ Hồi giáo ở Ấn độ sẽ có thể hưởng các quyền lợi nền tảng của họ và có luật bảo vệ họ. Họ muốn rằng, như luật của Ấn giáo có nền tảng pháp lý, thì luật cho người Hồi giáo cũng nên như thế.

Ấn độ là một trong số ít các nước trên thế giới mà luật hôn nhân còn bị điều khiển bởi luật Hồi giáo. Ngay cả Pakistan và Bangladesh là hai quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo cũng đã bỏ việc áp dụng này. (Asia News 23/08/2017)

Hồng Thủy

(Nguồn: vi.radiovaticana.va)