Thờ ngẫu tượng

04/01/2018
3271
Chuyện con người cúi đầu “xì xụp” trước các sản phẩm do tay mình làm ra không phải là chuyện ngày xửa ngày xưa hay là chuyện của số đông những người kém may mắn không được học hành hay không được tiếp cận với nền văn minh nhân loại mà vẫn như là chuyện của nhiều người hôm nay, kể cả nhiều người có vai vế, học vị cao ngoài xã hội và cả trong các tập thể tôn giáo.

Dẫu cho không ít người chủ quan nhận định cái “tầm” tức là khả năng của Thủ Tướng nước Việt Nam hiện nay “không cao lắm”, thế nhưng ngày 26-12- 2016 tại Hội nghị Tổng kết năm 2016 của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, người đứng đầu Chính Phủ đã có lời phát biểu đáng ngẫm suy: “Thể chế do chúng ta đặt ra, nghĩ ra, nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý…”. Trước đó ít ngày, vào ngày 22-12- 2016, Đức Phanxicô đã mạnh mẽ nói với các đấng bậc trong Giáo triều Rôma rằng Giáo Hội “vẫn sống động và vì lý do này luôn cần phải cải cách vì Giáo Hội vẫn còn sống”. Trong một nhận xét gây kinh ngạc cho các nhà lãnh đạo Giáo Triều Rôma, Đức Thánh Cha nói rằng “phản ứng kháng cự lại cải cách là điều bình thường, nhưng một số hình thức chống đối có thể đã được “Satan truyền cảm hứng”.

Dễ dàng nhận ra rằng khi cúi đầu thần phục ảnh tượng các vua chúa làm ra là thờ ngẫu tượng. Dễ dàng nhận biết việc thờ “thần sông, thần núi hay rắn rết, chim cá…” là thờ ngẫu tượng. Cũng không khó để thấy rằng sống quá lệ thuộc vào vật chất, của tiền, đặt tiền của lên đầu lên cổ là thờ ngẫu tượng. Xem ra có phần khó chút xíu để nhận ra việc thờ ngẫu tượng khi thần tượng hóa “siêu sao này, siêu sao kia”. Dĩ nhiên càng khó biết là thờ ngẫu tượng hơn khi quá lệ thuộc vào một vĩ nhân hay một thánh nhân nào đó.

Và theo thiển ý thì thật quả là rất khó để nhận rõ việc thờ ngẫu tượng khi bị lệ thuộc vào một số cơ chế, lề luật, truyền thống do con người làm nên. Việc biện phân đâu là luật của loài người, đâu là luật của Thiên Chúa xem ra không mấy dễ, nhất là khi những người nắm quyền cao thường có khuynh hướng thượng tôn hóa lề luật do mình làm ra như thể là luật lệ của Thượng Đế vậy.

Theo niềm tin Kitô giáo thì luật của Thiên Chúa trong Cựu Ước được tóm lại trong hai điều này: Thờ phượng một Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết cả trí khôn và yêu thương tha nhân như chính mình vậy. Trong Tân Ước thì Chúa Kitô đã minh nhiên truyền dạy giới răn mới là hãy yêu thương nhau như chính Người đã yêu thương chúng ta và đó là dấu chỉ minh chứng những ai là môn đệ của Người (x.Ga 13,34-35).

Cách đây trên dưới 100 năm mấy ai nghĩ là sẽ có Công Đồng Vaticanô II, thế mà đã có. Hoa trái của Công Đồng Vaticanô II là bốn Văn Kiện Hiến Chế cùng với nhiều Sắc Lệnh và Tuyên Ngôn. Từ đó Bộ Giáo Luật mới được ra đời năm 1983 với nhiều canh tân và chỉnh sửa thay cho Bộ Giáo Luật cũ năm 1917. Bên cạnh đó Sách Giáo Lý Công Giáo toàn cầu mới cũng được biên soạn và ban hành năm 1992.

Thử hỏi rằng sẽ có Công Đồng Vaticanô III hay với một cái tên nào đó trong tương lai không? Bản thân xác tín là chắc chắn có. Và nếu có thì cũng chắc chắn sẽ có những Hiến Chế, Sắc Lệnh và Tuyên Ngôn mới. Không biết khi ấy Sách Giáo Lý có phải biên soạn lại hay không nhưng chắc chắn sẽ có nhiều Luật sẽ phải được viết lại. ( Có thể nói rằng các “Thượng Hội Đồng Giám Mục” trong Giáo Hội Công Giáo như hiện nay là một hình thức Công Đồng thu nhỏ ).

Thế thì cớ sao vẫn còn đó nhiều người cũng như không ít đấng bậc hoặc vô tình hoặc vì lý do nào đó mà vẫn còn “THỜ NGẪU TƯỢNG” !

Giữ mình xa tránh vòng xoáy của chủ nghĩa tương đối và gỡ mình ra khỏi hình thức thờ ngẫu tượng cách bảo thủ là điều thật không dễ dàng chút nào.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa