Lịch Sử Năm Thánh

15/04/2017
1361

Thế Hùng tổng hợp

 

Theo truyền thống Công Giáo bắt nguồn từ thời Cựu Ước, Năm Thánh (Holy Year) là một biến cố hay nói đúng hơn là một thời kỳ hồng ân mà qua đó Thiên Chúa ban ơn đặc biệt hơn khi con người mở lòng để canh tân và thống hối. Theo nguyên gốc Latinh Annum Jubilaei mà nhiều nhà chú giải Kinh Thánh giải thích là bắt nguồn từ tiếng Do thái Jôbel ("thổi kèn tù và báo hiệu năm đại xá"), Năm Thánh hiểu được là Năm Hồng Ân hay Đại Xá, mà theo Luật Môisen, cứ mỗi năm thứ 7, đất đai phải được nghỉ ngơi và nô lệ được trả tự do, nợ nần được tha, đồng thời dân chúng phải sống trong đoàn kết, yêu thương, hoà giải với anh chị em và kẻ thù (Xh 23:10-11; Lv 25:1-28; Đnl 15:1-6). Tất cả những việc làm này là nhằm để tôn vinh Thiên Chúa. Cứ sau 49 năm thì toàn dân Do Thái phải mừng năm thứ 50 một cách trọng thể. Rõ ràng, truyền thống Năm Hồng Ân này là sự mở rộng luật Sabbát của người Do thái là trong một tuần 7 ngày, sau 6 ngày làm việc phải có 1 ngày nghỉ ngơi để thờ phượng Thiên Chúa.

Mặc dầu đi theo truyền thống của Cựu Ước, Kitô hữu đón mừng Năm Thánh với một chiều kích trọn vẹn hơn bởi vì Thiên Chúa đã thi ân cho nhân loại trong Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể. Chính việc Đức Giêsu đến trong thế gian đã thực sự đem lại thời hồng phúc, thời cứu rỗi (Lk 4:16-30). Do đó, Năm Thánh là thời gian mà kẻ có tội hối cải được ban ơn tha thứ các hình phạt do tội gây ra, con người phải thống hối và canh tân cũng như hoà giải với Thiên Chúa và anh chị em. Để được hưởng những ơn lành Thiên Chúa ban cho trong Năm Thánh này, Kitô hữu phải nhận thức trước hết là Năm Thánh là nhằm thánh hoá cuộc sống, củng cố đức tin, tạo cơ hội thuận tiện để đem lại sự đoàn kết và hiệp thông huynh đệ trong lòng Giáo Hội và thế giới, và cổ võ tín hữu tuyên xưng Đức Tin một cách chân thành và sống động hơn nơi Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Cách riêng trong Năm Thánh 2000, kỷ niệm việc sinh hạ của Đức Kitô cách đây 2000 năm (không đề cập vấn đề chính xác trong cách tính toán năm Chúa Giêsu sinh ra), đây là dịp Đại Hồng Ân không chỉ cho Kitô hữu mà còn cho cả nhân loại với vai trò của Kitô giáo trong lịch sử 2000 năm qua của nhân loại (Tông huấn Tertio Milllennio Adveniente, s.15).

Năm Thánh có 2 loại: thông thường và ngoại thường. Năm Thánh thông thường được tổ chức lần đầu tiên năm 1300 và được qui định cứ 100 năm cử hành một lần, sau đó rút dần xuống còn 50 năm, 33 năm và 25 năm như hiện nay để mỗi người có thể được hưởng nhờ ân xá của Năm Thánh ít là một lần trong đời. Nếu tính luôn Đại Năm Thánh 2000 được khai mạc vào đêm 24.12.1999 và bế mạc ngày 06.01.2001, có tất cả 26 Năm Thánh thông thường. Ngoài ra, còn có 2 Năm Thánh ngoại thường trong thế kỷ 20 là vào năm 1933 khi Đức Thánh Cha Piô XI công bố kỷ niệm 1900 năm Ơn Cứu Độ được ban cho nhân loại qua sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Một Năm Thánh ngoại thường khác là vào năm 1983 khi Đức Gioan Phaolô II mừng kỷ niệm 1950 năm Đức Kitô tử nạn và phục sinh hầu đem ơn Cứu Rỗi.

Sau đây là danh sách các Năm Thánh được ghi lại trong lịch sử:
 

Năm Thánh thứ 1: Năm 1300

Năm Thánh đầu tiên trong Hội Thánh được Đức Thánh Cha Boniface VIII (1294-1303) thiết lập năm 1300. Đầu thế kỷ mới đã thôi thúc nhiều giáo hữu đến hành hương Rôma để kính viếng Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh tích khăn bà Vêrônica lau mặt Chúa Giêsu chịu thương khó. Làn sóng người hành hương đến Rôma rất đông và theo lời yêu cầu của họ, Đức Boniface VIII quyết định ban hành ơn toàn xá trong Năm Thánh đầu tiên này và qui định cử hành Năm Thánh cứ mỗi 100 năm. Đông đảo giáo hữu đến hành hương Rôma, viếng mộ các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ở Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô.

 

Năm Thánh thứ 2: Năm 1350

Năm 1343, một đoàn đại biểu từ Rôma đi Avignon (Pháp) gặp Đức Thánh Cha Clêmentê VI (1342-1352) đang cư ngụ tại đây, để xin có một Năm Thánh đặc biệt vào năm 1350. Lời yêu cầu này dựa theo truyền thống của đạo Do thái được ghi lại trong sách Lêvi là cứ sau 49 năm thì năm thứ 50 là Năm Hồng Ân. Một lý do khác của việc phái đoàn Rôma xin mở Năm Thánh, đó là thành phố Rôma đang gặp khó khăn chồng chất do việc vắng mặt Giáo hoàng quá lâu và họ hy vọng rằng biến cố Năm Thánh sẽ tạo một cơ hội thuận tiện cho Đức Thánh Cha trở lại Rôma. Đức Clêmentê VI đồng ý mở Năm Thánh 1350 và ban hành ơn toàn xá cho những tín hữu nào đến viếng mo Thánh Phêrô và Phaolô cũng như viếng Đền thờ Gioan Latêranô. Tuy nhiên, vì lý do chính trị, Đức Thánh Cha không thể trở về Rôma. Do đó, có thể nói rằng Năm Thánh 1350 là Năm Thánh không có Đức Thánh Cha.
 

Năm Thánh thứ 3: Năm 1390

Được tổ chức dưới triều Đức Boniface IX (1389-1404). Thật ra, Năm Thánh này đã được vị tiền nhiệm là Đức Urbanô VI (1378-1389) công bố với ý định là, Năm Thánh mới sẽ cử hành cứ mỗi 33 năm, đánh dấu thời gian Chúa Giêsu sống trên thế gian. Vào dịp Năm Thánh 1390, Đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma được ghi thêm vào danh sách các Đền thờ ( Đền thờ Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, Gioan Latêranô) khách hành hương phải kính viếng để được ơn toàn xá.
 

Năm Thánh thứ 4: Năm 1400

Cử hành dưới triều Đức Boniface IX (1389-1404) để cho các giáo hữu đổ xô về Rôma dịp thế kỷ mới. Vào năm 1400, Giáo Hội vẫn còn trong thời kỳ phân ly khi có cùng một lúc có các giáo hoang khác nhau cư ngụ ở Rôma và Avignon (Pháp). Giáo hữu Pháp, Tây Ban Nha và Ý ở một số nơi đã không dự hành hương Năm Thánh đến Rôma dịp này vì bị các vua chúa đang xung đột với Đức Thánh Cha ngăn cấm. Đức Boniface IX đã thêm Nhà thờ Thánh Lôrensô ngoại thành, Thánh Maria ở Trastevere và Thánh Maria Rotonda vào danh sách 4 Đền thờ truyền thống (Phêrô, Phaolô, Gioan Latêranô, và Đức Bà Cả) khách hành hương phải viếng để được ơn toàn xá. Năm Thánh 1400 cũng còn khởi đầu cho ý nghĩa hành hương tạ tội.
 

Năm Thánh thứ 5: Năm 1425

Đức Martinô V (1417-1431) đã khai mạc Năm Thánh 1425 và bắt đầu truyền thống mở Cửa Thánh ở Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, Nhà thờ Chánh toà của Giáo phận Rôma, mà sau này được Đức Alexanđrô VI (1492-1503) đổi thành truyền thống khai mạc Năm Thánh bằng việc mở Cửa Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô.
 

Năm Thánh thứ 6: Năm 1450

Nếu theo qui định của Đức Urbanô VI, Năm Thánh mới phải được tổ chức vào năm 1433 (cứ mỗi 33 năm để tưởng nhớ việc Chúa Giêsu sống trên trần gian trong 33 năm), nhưng điều này đã không thực hiện. Được mở ra dưới triều Đức Nicôla V (1447-1455), Năm Thánh 1450 được ghi nhận là một trong những Năm Thánh có nhiều người tham dự nhất trong lịch sử. Do số khách hành hương quá đông, đã xảy ra những vụ rối loạn trật tự công cộng và thiếu thốn vấn đề vệ sinh. Năm Thánh này con được gọi là "Năm Thánh của những vị thánh" bởi vì trong số khách hành hương đến Rôma có những vị thánh tương lai như Thánh nữ Rita Cascia và Thánh Antôn thành Florence. Thánh Antôn thành Florence mô tả Năm Thánh 1450 như là "năm hoàng kim", ý chỉ sự hiệp nhất mới được tái lập sau cuộc phân ly trong Giáo Hội Lamã (1378-1417).
 

Năm Thánh thứ 7: Năm 1475

Theo qui định của Đức Thánh Cha Phaolô II (1461-1471) trong một Tông sắc ban hành vào năm 1470, từ này về sau, Năm Thánh sẽ được tổ chức cứ mỗi 25 năm và qui định này vẫn còn duy trì cho đến ngày nay đối với các Năm Thánh lệ thường. Năm Thánh thứ 6 vào năm 1475 như thế được tổ chức dưới triều Đức Sixtô IV (1471-1484). Để mọi giáo hữu khắp nơi có thể qui tụ về Rôma dự Năm Thánh 1475, Đức Sixtô IV đã đình chỉ ban hành ơn toàn xá ở những nơi khác trên thế giới trong suốt thời kỳ này. Sử dụng kỹ thuật in vừa được Johann Guttenberg phát minh, Đức Thánh Cha đã cho in Sắc chỉ Năm Thánh, tập chỉ dẫn khách hành hương và kinh nguyện ở những nhà thờ. Cũng kể từ năm 1475, Năm Thánh được tổ chức cứ mỗi 25 năm. Ngoài ra, từ năm này trở đi, từ ngữ Năm Thánh (Holy Year) cũng được chính thức sử dụng cho đến ngày nay; trước đây những năm như thế gọi là Năm Hồng Ân hay Toàn Xá (Jubilee).
 

Năm Thánh thứ 8: Năm 1500

Vào ngày 24.12.1499, Đức Alexanđrô VI (1492-1503) đã long trọng khai mạc Năm Thánh bằng nghi thức mở Cửa Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô bằng cách dùng một chiếc búa đập vào bức tường được xây lên che Cửa Thánh. Như thế truyền thống mở Cửa Thánh ở Đền Thánh Gioan Latêranô biến thành mở Cưa Thánh Đền Phêrô. Ngài cũng muốn mở Cửa Thánh 4 Đền thờ chính ở Rôma (Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, Gioan Latêranô, Đức Bà Cả). Kể từ lúc đó trở đi, việc đi qua Cửa Thánh các Đền thờ này trở thành một trong những biến cố quan trọng nhất của Năm Thánh. Việc mở Cửa Thánh nói lên chính Đức Kitô là Cửa thật và duy nhất qua đó con người mới có sự sống sung mãn.
 

Năm Thánh thứ 9: Năm 1525

Được cử hành dưới triều Đức Clêmentê VII (1523-1534) và trong hoàn cảnh xung đột về vấn đề tôn giáo với Martinô Lutêrô ở Đức vào năm 1517 khi vị lãnh đạo tương lai của Tin Lành này đặt lại vấn đề ân xá mà đã bị phần nào bị các chức sắc trong Giáo Hội lạm dụng. Điều đó cũng dẫn đến việc duyệt xét việc ân xá vốn là một trong những yếu tố căn bản của Năm Thánh.
 

Năm Thánh thứ 10: Năm 1550

Được Đức Julius III (1550-1555) khai mạc vào ngày 08.02.1550, khi được đắc cử Giáo hoàng. Thật ra vị tiền nhiệm là Đức Phaolô III (1534-1549) đã chuẩn bị Năm Thánh 1550 nhưng lại qua đời vào ngày 10.11.1549. Vì Năm Thánh bị khai mạc trễ do cuộc bầu cử người kế vị Đức Phaolô III kéo dài nên Năm Thánh 1550 được bế mạc vào Lễ Hiển linh ngày 05.01.1551. Năm Thánh lần này mang ý nghĩa đặc biệt bởi vì đây là một cơ hội cụ thể để canh tân đời sống được Công đồng Triđentinô (1543-1563) đang đề ra. Do đó, những khách hành hương, đặc biệt người nghèo, được giáo hữu ở Rôma tiếp đón niềm nở.
 

Năm Thánh thứ 11: Năm 1575

Được cử hành dưới triều Đức Grêgôry XIII (1572-1585). Đây là Năm Thánh đầu tiên được tổ chức sau Công đồng Trent (1543-1563) nhằm thực hiện các cải cách trong Giáo Hội. Kể từ 1573, Toà Thánh có lệnh cho các chủ quán trọ không được tăng giá. Một số con đường mới được làm để tạo điều kiện dễ dàng cho khách hành hương. Có trên 300.000 người từ khắp Châu Âu về Rôma trong Năm Thánh 1575.
 

Năm Thánh thứ 12: Năm 1600

Dưới triều Giáo hoàng Clêmentê VIII (1592-1605), Năm Thánh 1600 được xem là một trong những Năm Thánh thành công nhất về số người tham dự và về lòng đạo đức của giáo hữu vơi hơn 300.000 khách hành hương từ khắp Châu Âu qui tụ về Rôma. Những chỗ trọ do các hiệp hội xây tại Rôma giúp giải quyết vấn đề ăn ở của khách hành hương mà đại đa số là người nghèo không có đủ tiền trả khách sạn.
 

Năm Thánh thứ 13: Năm 1625

Được tổ chức dưới triều Đức Thánh Cha Urbanô VIII (1623-1644). Trong tình trạng biến loạn lúc bấy giờ tại Châu Âu do Cuộc Chiến Ba Mươi Năm giữa Công Giáo và Tin Lành. Đức Urbanô VIII đã ra lệnh cấm mang vũ khí và bạo động tại Rôma. Đồng thời để ngăn ngừa một trận dịch ở miền Nam nước Ý có thể lan tràn đến Rôma, Đức Urbanô VIII cũng đã thay thế việc viếng Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành bằng việc viếng Nha thờ Thánh Maria ở Trastevere. Như thế, đây là lần đầu tiên, những ai vì bệnh hoạn hay tù đày vẫn có thể hưởng hiệu quả thiêng liêng của Năm Thánh mà không phải đến Rôma. Biến cố này cũng thay đổi sâu xa ý niệm về ân xá mà ban đầu liên kết với việc hành hương Rôma.
 

Năm Thánh thứ 14: Năm 1650

Dưới triều Giáo hoàng Innôcentê X (1644-1655) và sau khi Cuộc Chiến Ba Mươi Năm tàn phá Châu Âu đã kết thúc.
 

Năm Thánh thứ 15: Năm 1675

Dưới triều Giáo hoàng Clêmentê X (1670-1676) với việc tín hữu hành hương lần đầu tiên được vào trong Công trường Thánh Phêrô. Trước khi cử hành Năm Thánh 1675, Đức Clêmentê X đã phong thánh cho vị thánh nữ đầu tiên của Nam Mỹ la Thánh Rose Lima, đồng thời cũng thiết lập Giáo phận đầu tiên của Bắc Mỹ là Giáo phận Québec. Vào thứ Năm Tuần Thánh của Năm Thánh 1675, Đức Clêmentê X rửa chân cho 12 nông dân và mở tiệc cho 10.000 người ăn.
 

Năm Thánh thứ 16: Năm 1700

Được khai mạc dưới triều Đức Innôcentê XII (1691-1700) nhưng vì qua đời nên được Đức Clêmentê XI (1700-1721) kế vị bế mạc. Lần đầu tiên trong lịch sử Năm Thánh có vị Giáo hoàng qua đời. Nhiều người tiếng tam đến hành hương Rôma, như Hoàng hậu Maria Cristina của Balan, đi chân không vào Đền thờ Thánh Phêrô và mặc áo nhặm viếng tất cả các Nhà thờ Công Giáo ở Rôma. Theo lời mô tả của một khách du lịch người Anh lúc bấy giơ về lòng đạo đức của người hành hương thì "Người ta tiếp tục qua Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô bằng cách quì gối lết và họ không đến nỗi tôi không thể nào đi vào trong được".
 

Năm Thánh thứ 17: Năm 1725

Được cử hành dưới triều Giáo hoàng Bênêđictô XIII (1724-1758). Ngài thường để nhiều ngày cầu nguyện tại Nhà thờ Thánh Maria Minerva, cũng như triệu tập nhiều vị giảng thuyết nổi tiếng đến các nhà thờ tại Rôma.
 

Năm Thánh thứ 18: Năm 1750

Dưới triều Đức Bênêđictô XIV (1740-1758), Năm Thánh 1750 được ngài nhấn mạnh đến ý nghĩa ăn năn thống hối và đền tội, và giá trị hành hương nằm ở chỗ chiến thắng tội lỗi. Thánh Lêônađô da Porto Maurizio đã cho dựng len ở giữa hí trường Coliseum ở Rôma một cây thánh giá thật lớn ở giữa với 14 nhà nguyện để làm 14 Chặng đường Thánh giá.
 

Năm Thánh thứ 19: Năm 1775

Được Đức Clêmentê XIV (1769-1774) chuẩn bị với Tông sắc "L’Autore della nostra vita" (Tác Giả Sự Sống Của Chúng Ta) lần đầu tiên được viết bằng tiếng Ý (các Tông sắc Năm Thánh trước đây bằng tiếng Latinh). Đang khi chuẩn bị mở Năm Thánh 1775 bằng những loạt bài giảng, rước kiệu, và giảng đại phúc ở một số công viên tại Rôma, Đức Clêmentê XIV qua đời qua đời vào ngày 22.09.1774. Vì thế Năm Thánh lần thứ 19 được Đức Piô VI (1775-1779) khai mạc. Năm Thánh 1775 cũng là Năm Thánh ngắn nhất trong lịch sử.
 

Năm Thánh thứ 20: Năm 1825

Đúng ra Năm Thánh thứ 20 phải được tổ chức vào năm 1800. Tuy nhiên, do tình hình Châu Âu lúc bấy giờ rối ren sau cuộc Cách mạng Pháp 1789 nên không tổ chức được. Nhất là vào năm 1797, quân đội Pháp chiếm đóng Rôma và Đức Giáo hoàng Piô VI (1775-1799) phải chết trong cảnh lưu đày ở Pháp, rồi Đức Piô VII (1800-1823) cũng bị Hoàng đế Napoléon bắt cầm tù ở Pháp từ 1809-1814.

Năm 1825, Năm Thánh lần thứ 20 được Đức Thánh Cha Lêô XII (1823-1829) khai mạc mặc dầu có rất nhiều khó khăn như biên giới giữa các nước bị đóng vì những phong trào cách mạng có thể nổi lên. Năm Thánh 1825 là Năm Thánh duy nhất được mở cho mọi giáo hữu trong thế kỷ 19 và có trên 500.000 người hành hương Rôma dịp này.
 

Năm Thánh thứ 21: Năm 1875

Năm Thánh thứ 21 được cử hành vào năm 1850 dưới triều Đức Piô IX (1846-1878) nhưng vì những biến cố chính trị tại Ý đã không cho phép thực hiện ram rộ. Kể từ năm 1870, chính quyền nước Ý sáp nhập lãnh thổ Toà Thánh và Đức Thánh Cha tuyên bố bị cầm tù trong Điện Vatican. Do đó, vào năm 1850, Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô vẫn không được mở, mặc dầu Đức Piô IX có tổ chức một cách đơn sơ Năm Thánh với giáo sĩ tại Rôma mà thôi.
 

Năm Thánh thứ 22: Năm 1900

Năm Thánh lần thứ 22 được Đức Lêô XIII (1878-1903) khai mạc vào ngày 24.12.1900, sau 75 năm Cửa Thánh bị đóng. Năm Thánh 1900 ngoai việc đem lại ơn ích thiêng liêng cho giáo hữu, còn giúp nêu lên tình trạng bất công của xã hội lúc bấy giờ, cũng như phục hồi vai trò cần thiết của Giáo Hội và Đức Thánh Cha trong thế giới. Việc chuẩn bị và tổ chức lần đầu tiên được sự hỗ trợ của chính quyền Ý. Để đánh dấu Năm Thánh đầu thế kỷ 20, Đức Thánh Cha đã tôn phong 6 vị chân phước và 2 thánh (Thánh Gioan Baptiste de La Salle và Thánhh Rita de Cascia).
 

Năm Thánh thứ 23: Năm 1925

Năm Thánh 1925 dưới thời Đức Thánh Cha Piô XI (1922-1939) có thể gọi là "Năm Thánh Hoà Bình" để nói đến bầu khí an lành giữa Giáo Hội và Quốc gia Ý. Do triều đại Đức Piô XI mang đặc điểm truyền giáo được biểu hiện qua việc ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên tấn phong các Đức Giám mục Trung Hoa, Năm Thánh 1925 cũng có tính cách truyền giáo. Năm Thánh này còn chứng kiến việc tôn phong hiển thánh của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Thánh Gioan Vianney, và Thánh Gioan Ơđê. Có khoảng 500.000 người đến Roma năm này.
 

Năm Thánh thứ 24: Năm 1933

Đây là một Năm Thánh ngoại lệ. Vào ngày 24.12.1932, Đức Piô XI làm mọi người ngạc nhiên khi ngài công bố mở Năm Thánh ngoại lệ vào năm 1933 gọi là Năm Thánh Cứu Độ để kỷ niệm Chúa Giêsu chịu chết cho nhân loại hầu đem ơn cứu rỗi cách 1900 năm về trước. Có vài thay đổi trong Nghi thức phụng vụ của Năm Thánh này, như việc mở Cửa Thánh được ấn định vào Chúa Nhật Lễ Lá chứ không phải vào Đêm Vọng Giáng Sinh, và việc đóng Cửa Thánh vào thứ Hai Tuần Thánh năm sau.
 

Năm Thánh thứ 25: Năm 1950

Do Đức Thánh Cha Piô XII (1939-1958) khai mở sau những đau thương tàn khốc của Thế chiến II (1939-1945). Hoà bình là sứ điệp của Năm Thánh 1950. Châu Âu bị phân làm 2 khối Tự do và Cộng sản nên những người Công Giáo tại Đông Âu Cộng sản không thể đến Rôma dự Năm Thánh. Cũng trong Năm Thánh này (01.11.1950), Đức Thánh Cha công bố Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời ở Công trường Thánh Phêrô với sự hiện diện đông đảo của khoảng 500.000 tín hữu và 622 giám mục.
 

Năm Thánh thứ 26: Năm 1975

Được mở ra dưới triều Đức Phaolô VI (1963-1978), Năm Thánh này mang ý nghĩa Canh tân và Hoà giải, như được trình bày trong Tông Huấn Gaudete in Domino ("Hãy Vui Mừng Trong Chúa") của ngài. Năm Thánh 1975 là Năm Thánh cuối cùng trong lịch sử Giáo Hội mà một vị Giáo hoàng khai mở bằng cách đập búa vào tường che Cửa Thánh ở Đền Phêrô. Khi kết thúc Năm Thánh 1975, Đức Phaolô VI đã không còn tiếp tục truyền thống xây tường gạch che phủ Cửa Thánh nữa.
 

Năm Thánh thứ 27: Năm 1983

Đức Thánh Cha đương kim Gioan Phaolô II công bố Tông sắc Apertite portas Redemptori ("Hãy Mở Các Cửa Cho Đấng Cứu Thế") vào ngày Lễ Hiển Linh 6.1.1983 để mừng Năm Thánh 1983 đánh dấu biến cố Đức Giêsu đã chết cho nhân loại cách 1500 năm trước đó. Đây là Năm Thánh ngoại lệ như Năm Thánh ngoại lệ 1933. Năm Thánh 1983 cũng được mừng nhằm chuẩn bị Năm Thánh 2000 sắp đến.
 

Năm Thánh thứ 28: Năm 2000

Hướng đến thiên niên kỷ thứ 3 sắp đến và đánh dấu 2000 năm biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành Tông thư Tertio Millennio Adveniente ("Ngàn Năm Thứ Ba Đang Tới") từ năm 1994 để kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ân sủng cao quý Thiên Chúa ban cho trong Năm Thánh 2000. Ngoài ra, trong ba năm chuẩn bị gần (1997,1998,1999), tín hữu cũng được mời gọi học hỏi các chủ đề Chúa Con, Chúa Thánh Thần và Chúa Cha. Vào ngày 29.11.1998 tức Chúa Nhật I Mùa Vọng, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành Tông sắc Incarnationis Mysterium ("Mầu Nhiệm Nhập Thể") chính thức công bố sẽ mở Năm Thánh 2000 bắt đầu vào Đêm Vọng Giáng Sinh 24.12.1999 và sẽ kết thúc vào ngày Lễ Hiển Linh 06.01.2001. Chủ đề của Năm Thánh 2000 là Thiên Chúa Ba Ngôi, Bí Tích Thánh Thể và Sự Hiệp Nhất. Đồng thời Năm Thánh 2000 là Năm Thánh đầu tiên có một vị Giáo hoàng mở cả các Cửa Thánh của bốn Đền thờ lớn tại Rôma: Đền Thánh Phêrô (Lễ Nửa Đêm 24.12.99), Đền Thánh Gioan Latêranô (Lễ Giáng Sinh 25.12.99), Đền Đức Bà Cả (Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, 01.01.2000), Đền Phaolô Ngoại Thành (Bắt đầu Tuần Cầu nguyện Hiệp nhất Kitô hữu ngày 18.01.2000).

​(Nguồn: Nguyệt San "Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp").