Từ Bỏ Những Dấu Chỉ Căn Tính Quen Thuộc

06/01/2019
1007
Bài của Cha nguyên Tổng Quyền Timothy Raclife, OP., tại Hội nghị Bề trên Thượng cấp các dòng nam, Arlington, VA, ngày 8 tháng 8 năm 1996.

Tôi còn nhớ nhiều năm trước đây, lần đầu tiên tôi đi dự cuộc họp các Bề trên Thượng cấp Anh quốc và xứ Wales. Tôi hồi hộp khoác áo dòng vào và đi xuống dưới để gặp đám đông. Tại cầu thang, một nữ tu khó chịu mà tôi chưa gặp bao giờ, chận tôi lại. Chị khinh khỉnh bảo tôi: "Mặc cái thứ đó vô là không an toàn đâu!"

ƠN GỌI ĐÂU CẢ RỒI?

Đã từ lâu, người tu sĩ chúng ta lo lắng về căn tính của mình. Chúng ta là ai? Chúng ta hòa nhập vào cơ cấu của Hội thánh như thế nào? Chúng ta là giáo sĩ, giáo dân, hay một thứ lai căng nào đó? Tôi nghĩ là sẽ chẳng có câu trả lời nào hữu ích nếu chúng ta không bắt đầu từ sự kiện là cũng như hầu hết mọi người cùng thời, chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng về căn tính. Cái gì làm cho chúng ta trở thành đặc biệt? Chắc chắn không phải là vì chúng ta đang bị khủng hoảng về căn tính. Đó chỉ là một phần trong định mệnh chung mà chúng ta chia sẻ với những người khác. Vấn đề đó chỉ đáng suy tư nếu nó giúp chúng ta sống Tin mừng cho tất cả những linh hồn sầu khổ khác cũng đang bị ám ảnh bởi cùng một câu hỏi: Tôi Là Ai?

Xin thứ lỗi cho tôi nếu tôi chia sẻ với các bạn một vài nhận xét quá đơn giản về lý do tại sao vấn đề căn tính lại là một nỗi ám ảnh của thời hiện đại. Trong thế kỷ này, chúng ta đã từng chứng kiến sự biến đổi sâu xa về mặt xã hội, nhất là từ năm 1945. Tại Âu châu, và tôi nghĩ rằng ở Hoa Kỳ cũng thế, chúng ta thấy sự sa sút trong tất cả các loại cơ chế đem lại cho người ta một căn tính, xác định một nghề nghiệp, một vai trò, một ơn gọi. Các đại học, những nghề nghiệp liên quan đến ngành y và luật pháp, các nghiệp đoàn, các giáo hội, báo chí, các ngành nghề thủ công khác - tất cả những cơ chế này không chỉ cung cấp cho người ta những cách kiếm sống, một nghề nghiệp, nhưng còn giúp họ trở nên một con người, để ý thức về một ơn gọi. Làm một nhạc sĩ, một luật sư, một thày giáo, một y tá, một người thợ mộc, một người thợ ống nước, một nông dân, một linh mục, v.v… không phải chỉ là có một việc để làm; nhưng còn phải là một người nào đó, một người thuộc về một nhóm với những cơ chế xác định một tư cách thích hợp, những cơ chế đó chia sẻ một nền minh triết, một lịch sử và một sự liên đới.

Những gì chúng ta thấy trong những năm qua là hậu quả tác hại của một khuôn mẫu xã hội mới và đơn giản hơn, vì tất cả chúng ta đều thấy mình là thành viên của thị trường toàn cầu, một thị trường trong đó người ta mua và bán, được mua và được bán. Những cơ chế nền tảng của xã hội dân sự vốn nâng đỡ các ngành nghề đã mất đi nhiều uy tín và tính độc lập của mình. Giống như các ngành nghề khác, những cơ chế ấy cũng chịu áp lực của thị trường. Tại Anh quốc, ngay cả một đội bóng hiện giờ cũng chơi bóng thì ít, kiếm lợi nhuận thì nhiều.

Càng ngày người ta càng khó có thể chọn lựa những gì thích hợp với cuộc sống của mình. Người ta phải thỏa mãn những đòi hỏi của cung và cầu. Không phải chỉ có tu sĩ chúng ta mới mất ý thức về ơn gọi; toàn bộ ý niệm về nghề nghiệp đã trở thành một vấn đề khó khăn. Nicholas Boyle, một triết gia người Anh đã viết, "Chẳng còn có nghề nghiệp; xã hội không còn gồm những con người cống hiến đời sống bằng cách đặc biệt này hay cách đặc biệt khác, nhưng chỉ còn những chức năng phải hoạt động bao lâu còn có một nhu cầu phải được thỏa mãn." Tất cả những nghề nghiệp này, những ngành nghề và tài khéo này giống như những hệ sinh thái nhỏ bé cống hiến cho ngưòi ta những cách khác nhau để là một con người. Suy yếu và vụn vỡ. Giống như môi trường sống mỏng manh của loài cóc hay loài ốc sên quý hiếm, xã hội đang trở nên một môi trường đồng nhất. Tất cả cái còn lại là cá nhân và nhà nước, hoặc người tiêu thụ và thị trường. Đơn giản hơn, nhưng cô độc hơn và dễ bị tổn thương hơn.

Trong Hội thánh, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng đã từng phải chịu đựng cùng môt cơn gió lạnh này, cơn gió lạnh đã để lại một cộng đoàn đơn giản hơn và ít tự tin hơn. Vì Hội thánh cũng chỉ là một thành phần của xã hội dân sự. Chúng ta đã từng là một xã hội phức tạp, với tất cả các loại cơ chế, những cơ chế đem lại cho chúng ta một căn tính. Chúng ta cũng có các đại học, bệnh viện, trường học, nghề nghiệp, và trên tất cả là các dòng tu, những dòng tu đem lại cho con người những ơn gọi, những căn tính được nâng đỡ, được kính trọng và tôn vinh.

Hội thánh có tất cả những phẩm trật và cơ cấu làm đối trọng với nhau. Làm một mẹ bề trên hay một bà hiệu trưởng phải là một người được nể vì! Ông linh mục làm cho người ta hoảng hồn khi ông bấm chuông gọi cửa. Nhưng ở một mức độ nào đó, Hội thánh đã trải qua một thứ biến đổi tương tự như những thành phần khác của xã hội. Và cái chúng ta còn lại không chỉ là một cá nhân người tiêu dùng, một nhà nước hay một thị trường, mà là một cá nhân tín hữu và một phẩm trật. Chúng ta đã mất sự tin tưởng vào những căn tính khác. Và có lẽ đó là một lý do khiến cho chức linh mục, và những ai được phép trở thành linh mục, là một vấn đề nóng bỏng đối với chúng ta. Vì nếu bạn không đặt chân lên chiếc thang đó, bạn sẽ không thể là người có tầm quan trọng thực sự.

Tu sĩ chúng ta là ai? Chúng ta hòa hợp với cơ cấu của Hội thánh như thế nào? Chúng ta thường cố gắng trả lời bằng cách đặt mình vào thành phần phẩm trật. Chúng ta là giáo dân hay là giáo sĩ, hay là nửa này nửa nọ? Hoặc chúng ta có thể trả lời bằng cách đặt mình ở trên phẩm trật và chống lại phẩm trật, coi mình như những ngôn sứ vung tay vung chân phê phán "Hội thánh cơ chế". Nhưng đó là một thứ bản đồ sai lạc. Tôi nghĩ nó cũng giống như người ta đi tìm dãy núi Rockies trên bản đồ ranh giới các tiểu bang của nước Mỹ. Dãy Rockies ở bang Colorado hay Wyoming? Tại sao chúng ta không thể nhìn thấy những dãy núi ấy?

Bản đồ của Hội thánh, tức là phẩm trật, là một tấm bản đồ đúng và có giá trị. Tất cả chúng ta đều ở một chỗ nào đó trên tấm bản đồ. Có một số tu sĩ là giáo dân, một số là linh mục và thậm chí cả giám mục! Nhưng chúng ta không thể dùng tấm bản đồ ấy để định vị đời sống tu trì. Nó không chỉ cho chúng ta thấy chúng ta là ai, cũng như dãy Rockies không ở trên tấm bản đồ ghi đường ranh giới của các tiểu bang. Thậm chí các bạn cũng không thể kiếm ra manh mối để xem nó ở đâu. Nơi nào không có thành thị, nơi ấy có thể có núi non. Nhưng bạn cần phải có một thứ bản đồ khác để thấy rõ ràng hơn.

Người ta thường phàn nàn về tình trạng giáo sĩ hóa của Hội thánh. Điều có vẻ nghịch lý khi tại công đồng Vatican II, chúng ta công bố một nền thần học mới về Hội thánh; chúng ta khám phá ra nền thần học về giáo dân; chúng ta là những thành phần Dân Chúa đang trên đường hành hương tiến về Nước Trời. Nhưng trong thực tế, Hội thánh dường như ngày càng có tính cách giáo sĩ hơn. Thay vì cho đây là một ý đồ không trong sáng, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn vấn đề trong bối cảnh sự biến đổi sâu xa của nền văn hóa Tây phương. Trong một thế giới thị trường toàn cầu, không có chỗ thực sự cho ơn gọi, dù là giảng dạy, chăm sóc bệnh nhân, hay trở thành một tu sĩ. Công ăn việc làm là để đáp ứng một nhu cầu. Và như vậy, khi Hội thánh Công giáo bước vào thế giới hiện đại với một chấn động lớn, khi đức Gioan XXIII mở toang cửa sổ, tất nhiên một làn gió lạnh cũng thổi vào tất cả các thứ căn tính mong manh của ơn gọi trong Hội thánh.

Đứng trước tình trạng giáo sĩ hóa trong Hội thánh, dĩ nhiên có thể có những bước mở rộng ảnh hưởng của giáo dân và phụ nữ, nới lỏng sự thống trị của tầng lớp giáo sĩ. Nhưng đó là đề tài của một bài khác. Điều tôi muốn nói ở đây là, thật sai lầm khi cho rằng cách giải quyết sự khủng hoảng căn tính của chúng ta là bãi bỏ mọi phẩm trật và tiến tới một Hội thánh gần giống như xã hội tự do, cá nhân chủ nghĩa. Đó không phải là điều chúng ta mong muốn. Chúng ta có thể thấy chủ nghĩa cá nhân tàn bạo trong xã hội, trên đường phố ở những đô thị lớn. Nó làm cho thành thị trở nên hoang địa, mà hoang địa thì không thể phát triển được.

Bà Mary Douglas, một nhà nhân chủng học, cho rằng phụ nữ có thể sẽ phải khốn đốn hơn trong một xã hội nặng tính chất cá nhân chủ nghĩa hơn. Bà viết, "Những tiến trình của chủ nghĩa cá nhân hạ thấp những người không thành công về mặt kinh tế, và không tạo ra được cái gì khác ngoài những kẻ vô thừa nhận và bọn hành khất. Các phần tử trong nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa không ý thức lối sống khép kín loại trừ người khác. Hoàn cảnh của những người không muốn bị loại trừ, chẳng hạn những người ăn xin ngủ trên hè phố, làm cho du khách nước ngoài bị sốc."

Theo bà Mary Douglas, một xã hội lành mạnh là một xã hội có đầy đủ tất cả các loại cơ cấu và thể chế đối trọng, những cơ cấu và thể chế này đem lại tiếng nói và uy tín cho những nhóm ngưòi khác nhau, nhờ đó không một lối sống nào của con người có thể thống trị và không một bản đồ duy nhất nào là tiêu chuẩn cho tất cả. Có lẽ điều chúng ta muốn không phải là tái tạo hoang mạc đồng nhất của thế giới tiêu thụ, nhưng trở nên giống như một cánh rừng ẩm ướt, nơi đó có tất cả các loại môi trường sinh thái cho những lối sống khác nhau của con người. Trong ý nghĩa đó, chúng ta không muốn giảm bớt, nhưng là tăng thêm nhiều phẩm trật. Chúng ta cần nhiều thể chế và cơ cấu biết nhìn nhận và đem tiếng nói cũng như uy tín cho những thành phần Dân Chúa khác nhau, như phụ nữ, những cặp vợ chồng, học giả, thầy thuốc và các dòng tu. Thời Trung cổ là như thế. Hoàng đế và lớp quý tộc, những đan viện nam nữ lừng danh, các đại học và các dòng tu, tất cả đều là những nơi tập trung bổ túc nhau về quyền lực và căn tính. Chúng ta đã có nhiều bản đồ hơn để người ta có thể tìm thấy chính mình.

Có lần tôi đọc trong cuốn sách về đức hồng y Newman, mà tôi không nhớ là ở chỗ nào, rằng Hội thánh phát triển khi chúng ta nhìn nhận những thể thức quyền bính khác nhau. Đức hồng y đặc biệt nêu lên những quyền bính như truyền thống, lý trí và kinh nghiệm. Mỗi thứ đòi hỏi được tôn trọng và cần có những thể chế và cơ cấu nâng đỡ. Truyền thống được nâng đỡ bởi các giám mục, lý trí nhờ các đại học và các trung tâm học vấn, còn kinh nghiệm thì nhờ tất cả các thứ cơ chế từ các dòng tu cho tới đời sống hôn nhân, nơi đó người ta nghe Lời Chúa và thực hành trong đời sống.

Như vậy điều chúng ta muốn không phải là chủ nghĩa cá nhân của hoang mạc thành thị hiện đại, nhưng là một cái gì rất giống với khu rừng nhiệt đới, với tất cả các loại môi trường sinh thái cho các thú vật lạ để chúng sinh sôi nẩy nở và ca tụng Thiên Chúa bằng hàng ngàn tiếng nói khác nhau.
Tu sĩ chúng ta là ai và ơn gọi của chúng ta trong Hội thánh là gì? Câu trả lời có ý nghĩa quan trọng, không chỉ vì nó làm cho chúng ta tin tưởng để tiếp tục và thậm chí để lôi kéo những ơn gọi mới. Nó quan trọng vì để đề cập tới nó, chúng ta phải suy tư về sự khủng hoảng căn tính từng làm bao người hôm nay đau khổ; Thiên Chúa không tạo dựng nên người nào để chỉ là một người tiêu thụ hay là một công nhân, để được mua được bán trên thị trường như một người nô lệ. Nếu khám phá được sự tin tưởng trong ơn gọi, chúng ta có thể trình bày ít nhiều về ơn gọi của con người. Vấn đề chúng ta phải đề cập đụng chạm tới vấn đề ý nghĩa bản chất con người.

CĂN TÍNH NHƯ MỘT ƠN GỌI

Bữa nọ, tôi đọc báo thấy một cậu bé người Mỹ 13 tuổi tên là Jimmy gặp rắc rối vì cậu và gia đình khăng khăng đòi cho cậu được quyền đeo hoa tai đi học. Họ đã làm như thế với lý do "mỗi người có quyền chọn lựa trở thành người nào mình muốn." Tất nhiên, ở một phương diện, người ta có thể ủng hộ Jimmy. Theo một nghĩa nào đó, cậu bé đã đúng. Đó là chuyện trở nên một ai đó, có một căn tính để có thể có những chọn lựa ý nghĩa và tuyên bố, "Đây là tôi. Tôi sẽ đeo bông tai." Nhưng người ta không thể chọn lựa để trở thành bất cứ ai đó một cách tuyệt đối. Nếu tôi quyết định đeo bông tai, thắt dây da và cỡi mô tô lượn vòng khắp Roma, tôi nghĩ là các anh em tôi sẽ phản đối và bảo, "Này Timothy, anh đâu có cái kiểu đó." Ít nhất tôi cũng hy vọng là họ sẽ làm thế! Dù tôi quyết định trở thành một tay hippy hay là trở thành một Thomas Aquinas khác thì cũng thế thôi!

Trở thành một người nào đó tức là có thể đưa ra những quyết định có ý nghĩa về cuộc đời của người ấy, nhưng những quyết định này, bằng cách này hay cách khác, phải gắn kết với nhau để làm thành một kịch bản. Có một căn tính tức là để cho sự chọn lựa trong cuộc đời có một hướng đi, một sự đồng bộ có trước có sau. Những gì tôi làm ngày hôm nay phải có ý nghĩa khi so sánh với những gì tôi đã làm trước đó. Cuộc sống của tôi có một khuôn mẫu. Tương tự như một câu truyện hay. Một trong những lý do khiến cho nghề nghiệp quan trọng như vậy đối với căn tính con người, đó là vì chúng đem lại cấu trúc cho phần lớn cuộc đời của một người. Làm một nhạc sĩ hay một luật gia, hoặc một người thợ mộc không chỉ là làm một việc gì đó, mà là một đời sống, từ lúc còn trẻ trung đến khi về già, lúc nghỉ ngơi và khi làm việc, lúc ốm đau và khi mạnh khỏe.

Nhưng ơn gọi của chúng ta như một tu sĩ làm sáng tỏ cấu trúc đồng bộ có trước có sau sâu xa nhất của mỗi cuộc đời con người. Trong giờ học đầu tiên ở năm tập, cha giám sư vẽ một vòng tròn lớn ở trên bảng rồi bảo chúng tôi: "Nào các chàng trai, đó là tất cả thần học mà các anh phải biết. Tất cả mọi sự đến từ Thiên Chúa và trở lại với Thiên Chúa." Môn thần học dĩ nhiên phực tạp hơn nhiều! Nhưng yêu sách của đức tin là mỗi một đời sống con người phải là lời đáp trả tiếng gọi từ Thiên Chúa để chia sẻ sự sống của Ba Ngôi. Đây là câu truyện sâu xa nơi đời sống mỗi con người. tôi khám phá ra tôi là ai khi tôi đáp trả tiếng gọi ấy. Những gì Người đã nói với Isaia, Người cũng nói với tôi: "Chúa đã gọi tôi trước khi tôi sinh ra. Người gọi tên tôi từ khi tôi còn trọng dạ mẹ." Tên gọi không phải là một nhãn hiệu có ích, nhưng là một lời mời gọi. Trở thành ai đó không phải là chọn lựa một căn tính ở kệ siêu thị (băng đua xe mô tô 'Thiên thần của Hỏa ngục', ngôi sao nhạc pop, tu sĩ Phan sinh); đó là đáp trả đấng đã gọi tôi tới sự sống: "Samuel, Samuel", tiếng gọi trong đêm vắng. Và Samuel trả lời, "Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe."

Cậu bé Jimmy - tôi hy vọng hiện giờ cậu đang đeo bông tai - có phần đúng. Căn tính là việc chọn lựa. Nhưng không chỉ là vấn đề chọn lựa trở thành người nào, giống như việc chọn màu cho đôi vớ; ở đây, chọn lựa là đáp trả tiếng gọi kêu mời người ta tới sự sống. Căn tính là một quà tặng, và câu truyện đời tôi được làm thành bởi tất cả những sự chọn lựa để đón nhận hoặc từ khước quà tặng đó.

Thánh Phaolô viết cho tín hữu Corinth, "Chính Thiên Chúa là Đấng đã kêu gọi anh em chia sẻ sự sống với Con của Người, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; và Thiên Chúa giữ gìn đức tin của chúng ta" (1 Cr 1:9). Điều tôi muốn nói với các bạn là, đời sống tu trì là một cách đặc biệt và triệt để để thưa vâng với lời mời gọi đó. Một cách thẳng thắn và rõ ràng, lời kêu gọi đó làm sáng tỏ dự tính của mỗi người, là lời đáp trả tiếng gọi. Trong cách sống có lẽ hơi thất thường của mình, chúng ta làm rõ tấn bi kịch tìm kiếm căn tính, khi mỗi người tìm cách nắm bắt âm vang tiếng Thiên Chúa kêu gọi tên mình. Những ơn gọi Kitô hữu khác, chẳng hạn như hôn nhân, cũng thế, nhưng một cách khác, như tôi sẽ nói sau.

TỪ BỎ MỌI SỰ

Khi thảo luận về căn tính tu sĩ, trước sau rồi chúng ta cũng nói đến từ ngữ "ngôn sứ". Và điều này có thể hiểu được. Các lời khấn của chúng ta trái ngược hẳn với những giá trị của xã hội nên nói đến các lời khấn như là lời ngôn sứ về Nước Trời cũng là hợp lý. Tông huấn Đời sống thánh hiến đã dùng hạn từ ấy. Tôi hài lòng khi thấy người khác sử dụng từ ngữ của chúng ta, nhưng thực ra tôi không muốn các tu sĩ sử dụng từ ngữ ấy cho chính mình. Nó có thể chứa đựng một ngụ ý cao ngạo: "Chúng tôi là các ngôn sứ đây." Thường thì chúng ta không phải là các ngôn sứ. Và tôi nghĩ rằng các ngôn sứ thực sẽ ngần ngại khi dùng danh hiệu ấy. Giống như ông Amos, họ muốn từ khước danh hiệu ấy và nói, "Tôi không phải là ngôn sứ cũng chẳng phải là con cái của ngôn sứ." Tôi thích nghĩ rằng chúng ta là những người từ bỏ những dấu chỉ quen thuộc của căn tính.

Anh thanh niên giàu có hỏi Đức Giêsu, "Tôi còn thiếu gì nữa chăng?" 'Đức Giêsu nói với anh, "Nếu anh muốn nên trọn hảo, hãy đi bán hết tài sản của anh, phân phát cho người nghèo, và anh sẽ có một kho tàng trên trời; rồi đến đây theo tôi." Anh thanh niên nghe vậy thì buồn rầu bỏ đi: vì anh ta có nhiều của cải' (Mt 19:20-22).

Trước hết, ơn gọi của chúng ta diễn tả phần nào ơn gọi con người do những gì mà chúng ta từ bỏ. Chúng ta từ bỏ nhiều thứ, những thứ này khẳng định căn tính của con người trong thế giới: tiền bạc, địa vị, người phối ngẫu, nghề nghiệp. Trong một xã hội mà căn tính đã quá mong manh, quá bất an, chúng ta từ bỏ những thứ mà người ta cần để tìm kiếm an ninh, tìm kiếm chỗ dựa cho ý nghĩa bất trắc của cuộc nhân sinh. Chúng ta luôn luôn đặt câu hỏi, "Chúng ta là ai?" Nhưng chúng ta là những người từ bỏ những dấu chỉ quen thuộc của căn tính. Chúng ta là như vậy đó! Cho nên chúng ta gặp khó khăn thì không lạ gì! Chúng ta làm chuyện này là để soi sáng cho căn tính và ơn gọi chân thực của mỗi người. Trước tiên, chúng ta cho thấy mỗi căn tính con người là một quà tặng. Không có một căn tính tự tạo nào là tương xứng với bản chất của chúng ta. Mỗi một căn tính nhỏ bé chúng ta bộc lộ trong xã hội này đều không đáng là gì. Thứ đến, chúng ta thấy hiện giờ căn tính con người chưa phải là đã được tỏ lộ dứt khoát. Chính toàn bộ câu truyện về cuộc đời chúng ta, từ khởi đầu cho tới kết thúc và sau cái chết cho thấy chúng ta là ai.

Thánh Gioan viết, "Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con cái Thiên Chúa; chúng ta sẽ ra sao thì chưa được tỏ lộ, nhưng chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người vì chúng ta sẽ thấy Người như Người là" (1 Ga 3:2). Bỏ các chỗ dựa đi, đó là một dấu chỉ cho thấy tất cả căn tính con người đều là một sự ngạc nhiên, một quà tặng, một cuộc mạo hiểm.

Xin để cho tôi khai triển thêm điều này qua một vài ví dụ đơn giản. Tất nhiên, tôi không nhắm trình bày một thần học về các lời khấn, nhưng chỉ là vài gợi ý để thấy các lời khấn liên hệ với vấn đề căn tính con người như thế nào.

ĐỨC TUÂN PHỤC

Trong dòng Đa Minh, khi tuyên khấn, bạn đặt tay bạn vào tay bề trên và tuyên khấn tuân phục. Tôi nghĩ rằng ở trong hội dòng của chúng ta, cách này hay cách khác, giây phút quyết định là khi bạn đặt mình vào tay người anh em hay chị em của bạn và nói, "Này tôi đây; xin hãy sai tôi đi bất cứ nơi nào anh/chị muốn."

Erik Erikson định nghĩa cảm quan căn tính là 'một cảm nhận về sự gần gũi nơi thân thể mình, một ý thức biết mình sẽ đi đâu, và một sự thừa nhận nội tâm mà mình biết trước những người quan tâm sẽ dành cho mình.' Phải, đức tuân phục xóa bỏ ý thức biết bạn sẽ đi đến đâu. Người ta được tự do một cách vẻ vang khi không biết mình được dẫn tới đâu. Tu sĩ là người được giải thoát khỏi gánh nặng của nghề nghiệp.

Nghề nghiệp là một trong những cách thế để con người kể câu truyện dài hơn về đời sống của mình, và như vậy có một khái niệm mình là ai. Đối với những người may mắn, nghề nghiệp đem lại cho đời người sự liên tục và một cấu trúc khi họ leo lên các nấc thang, cho dù đó là trường đại học, quân đội hay nhà băng. Chúng ta không có những thứ đó. Tuy nhiên, nhiều lần chúng ta được bổ nhiệm vào một nhiệm vụ, chúng ta chẳng leo lên bậc thang nào cả. Khi tôi tuyên khấn vào ngày 29 tháng 9 năm 1966, nghề nghiệp của tôi chấm dứt. Tôi là và chỉ có thể mãi mãi là một tu sĩ. Tôi nghĩ rằng ở Pháp có một tài liệu chính thức trong đó có danh sách những người "không nghề nghiệp", là các linh mục và các cô gái điếm. Tôi nhớ khi còn là tuyên úy đại học, vai trò của tôi là người không có vai trò gì cả - một người 'đi lang thang có ý đồ,' như cảnh sát Anh nói khi họ bắt những người khả nghi.

Và chúng ta không chỉ sẵn sàng để anh chị em sai phái chúng ta đi bất cứ nơi đâu. Chúng ta tuân phục tiếng nói của những người kêu gọi chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Tôi nhớ lại một anh em Đa Minh người Pháp đến Oxford để học tiếng Bengal. Anh đã từng là một linh mục thợ suốt 16 năm, tại xưởng chế tạo xe hơi Citroen, rất thường lãnh đạo các cuộc đình công, không cho công nhân sản xuất! Nhưng nay thì anh Nicholas và bề trên giám tỉnh của anh xác tín rằng cuộc đời anh đã bước vào một giai đoạn mới, và anh sẽ đi Calcutta để sống với những người cực kỳ nghèo khổ. Tôi còn nhớ đã hỏi anh rằng anh sẽ làm gì ở đó. Anh trả lời rằng anh không phải nói điều đó. Người ta sẽ nói cho anh biết phải làm gì.

Lời kêu gọi có thể đến từ những con người gây ngạc nhiên nhất. Các anh em của chúng ta ở Việt Nam đã nhiều năm chịu đựng bách hại, tù tội và thường phải ẩn mình giữa dân chúng. Một người trong số đó, một người anh em đáng mến, tên là Phanxicô, sau một thời gian ẩn trốn, cuối cùng bị bắt và bị tống giam. Anh nói với những người bắt giữ anh rằng: 'Chúng tôi phải cám ơn các anh. Vì tu sĩ Đa Minh chúng tôi vẫn sống chung với nhau, nhưng khi các anh đến bắt chúng tôi, các anh đã đưa chúng tôi đến sống ở giữa dân chúng.'

Lời khấn tuân phục kêu gọi chúng ta vượt lên trên tất cả những căn tính mà một nghề nghiệp có thể đem lại, và do đó vượt lên trên tất cả những căn tính mà chúng ta có thể xây dựng. Lời khấn ấy hướng về một căn tính mở ra cho tất cả những người mà cuộc sống của họ không đi đến đâu, những người không bao giờ có một nghề nghiệp, những người không bao giờ có một công việc, vượt qua một kỳ thi, hoặc đạt một thành công. Việc chúng ta từ khước một nghề nghiệp là dấu chỉ cho thấy tất cả cuộc sống con người rốt cuộc đều đi đến một nơi nào đó, dù có lúc cuộc sống ấy hình như đã đi đến ngõ cụt, bởi lẽ có một Vì Thiên Chúa luôn trung thành kêu gọi mỗi người chúng ta đến sự sống.

Hàng năm, khi Ủy ban Công lý - Hòa bình của Hội nghị các Bề trên Thượng cấp Ái Nhĩ Lan đưa ra một bản nhận định về ngân sách của chính phủ, các vị bộ trưởng đều run rẩy chờ đợi. Nhưng ngày nọ, sau khi nghe một bản tường trình đặc biệt nghiêm khắc, Thủ tướng Charles J. Haughey bác bỏ bản tường trình ấy, ông nói thật khó mà nghiêm túc chấp nhận một bản tường trình do những người tự nhận vừa là bề trên lại vừa cao cấp soạn thảo ra. Các vị ghi nhận ý kiến ấy và đổi tên thành Hội nghị các tu sĩ. Tôi không nói bóng gió gì đâu!

ĐỨC KHIẾT TỊNH

Lời khấn khiết tịnh có thể là khó sống nhất, vì đụng chạm đến nhiều khía cạnh trong căn tính của chúng ta. Các diễn giả khác sẽ nói dài về đề tài này, nên tôi chỉ nói vắn tắt thôi.

Đối với hầu hết mọi người, dấu chỉ nền tảng nhất của căn tính đó là họ là trung tâm đối với một con người khác: tức là người chồng hay người vợ. Chúng ta thì không như thế. Tuy nhiên tôi có thể yêu nhiều người và nhiều người có thể yêu tôi, nhưng tôi không và không thể xác định chính mình qua mối tương quan như thế được. Đó là một sự mất mát, một sự tước đoạt mà tôi không tin người ta có thể sống một cách thành công trừ khi đời sống của họ được nuôi dưỡng sâu xa nhờ việc cầu nguyện.

Một trong những điều đau đớn nhất, ít là đối với tôi, đó là việc từ bỏ khả năng có con cái. Nơi một vài xã hội, điều đó có nghĩa là tôi không bao giờ được công nhận như một người đàn ông. Tôi nhớ đến nỗi đau đớn của một tân linh mục đến dâng lễ tại tu viện Edinburgh. Khi cửa trước mở ra, chị nữ tu nhìn cha ấy và nói, 'Ồ, là cha đấy à: tôi lại đang chờ một người đàn ông cơ.'

Tôi cũng nhớ đến một anh em người Hoa Kỳ, có một cái tên là Maria, theo tập quán đạo đức của người Ái Nhĩ Lan. Anh ta đang ầm ĩ về chuyện tại sao thế giới ngày nay đầy những kẻ lập dị và những kẻ hư hỏng. Một anh em khác buông tờ báo đang đọc xuống và nói: 'Này, tại sao anh lại cho là anh bình thường. Tên anh là Maria, và anh đang mặc váy đó.'

Chúng ta bỏ cha mẹ, anh chị em, bỏ tất cả hệ thống xác định những mối tương quan giữa con người, hệ thống ấy đem lại cho người ta một cái tên và một chỗ đứng trong thế giới.

Tôi đã đến thăm Angola trong lúc đang xảy ra cuộc nội chiến. Tôi không bao giờ quên được cuộc gặp gỡ với các thỉnh sinh, nam và nữ, ở thủ đô Luanda. Do cuộc chiến xảy ra ở ngoại vi thành phố, họ bị cắt đứt liên lạc vơi gia đình, và họ phải đối đầu với một tình thế khó xử về luân lý. Nên vượt qua lằn ranh chiến sự để tìm kiếm gia đình của mình và nâng đỡ những người thân trong hoàn cảnh khó khăn, hay là cứ ở lại với Dòng? Đối với người Phi châu, do ý thức sâu sắc về gia đình và bộ tộc, đây là một hoàn cảnh khủng khiếp. Và tôi sẽ không bao giờ quên một nữ tu trẻ đứng lên nói, 'Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; chúng ta phải ở lại để rao giảng Tin mừng.'

Như vậy đó, cuộc sống của chúng ta có một sự thiếu vắng quan trọng, một sự trống rỗng. Nhưng sự trống rỗng đó sẽ không có ý nghĩa gì nếu nó không được sống một cách vui tươi như là một phần của câu truyện tình yêu, là mầu nhiệm sâu thẳm của mỗi cuộc đời con người. Hoặc là phải sống một cách say mê như là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa đã kêu gọi mỗi người tới sự sống viên mãn, hoặc là để cho cuộc đời cằn cỗi và son sẻ.

Mỗi người đều được tình yêu ấy kêu gọi, kể cả những người mà cuộc đời của họ có vẻ khô cằn tình cảm, những người không có bạn tình, không có gia đình, con cái, bộ tộc, thị tộc, hoàn toàn độc thân.

ĐỨC THANH BẦN

Tất nhiên, lời khấn thanh bần là trọng tâm của những gì đem lại căn tính cho con người trong thế giới thị trường toàn cầu. Đó là từ khước tình trạng đem lại lợi tức, từ khước khả năng trở thành người mua bán. Lời khấn ấy kêu gọi chúng ta trở thành dấu chỉ chống lại nền văn hóa kim tiền này. Dĩ nhiên chúng ta thường không như thế. Khi viết những dòng này ngay tại ngọn đồi phía trên sông Tiber bên tu viện rộng lớn Santa Sabina, tôi có thể nhìn thấy một túp lều nhỏ trên bờ sông, nơi đó có một gia đình đang sinh sống, phơi đồ lung tung. Nếu trời mưa và nước sông dâng cao, túp lều ấy sẽ bị cuốn trôi. Tôi nhìn họ, và đỏ mặt khi nghĩ không biết họ nhìn chúng ta như thế nào.

Nhưng khắp nơi trong các chuyến du hành, tôi đều gặp những cộng đoàn nam nữ tu sĩ, thuộc tất cả các hội dòng, đang chia sẻ cuộc sống của người nghèo, họ là những dấu chỉ sống động cho thấy không một con người nào được tiền định để kết thúc cuộc đời trên đống rác, mỗi con người đều có phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Giáng sinh năm nay, tôi cử hành lễ nửa đêm với linh mục Pedro, một người anh em của tôi. Anh đang sống trên vỉa hè thành phố Paris. Anh mừng lễ với cả ngàn kẻ lang thang dưới tấm bạt lớn, bàn thờ làm bằng những tấm carton để biểu thị việc Chúa Kitô giáng sinh cho mỗi người sống trong những túp lều làm bằng carton dưới gầm những cây cầu ở Paris. Khi anh khui nút chai rượu nho để dâng bánh rượu, tiếng hoan hô vang lên khắp cộng đoàn.

Trong mỗi lời khấn này, chúng ta thấy những cột trụ của căn tính con người bị bỏ lại đàng sau như thế nào. Chúng ta từ bỏ những thứ quen thuộc, những thứ này nói cho chúng ta biết chúng ta là ai, chúng ta quan trọng ra sao, và cuộc sống chúng ta sẽ đi đến một nơi nào đó. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta không chắc chắn về những căn tính của mình. Nhưng có lẽ chúng ta không cần phải quan tâm xem chúng ta là ai. Điều đáng quan tâm hơn là xem Thiên Chúa là đấng nào. Giám mục Thomas Merton từng viết:

Chúa đã gọi con đến đây không phải là để mặc lấy một nhãn hiệu nhờ đó con biết con thuộc loại hạng hóa nào. Chúa không muốn con nghĩ xem con là ai, nhưng nghĩ xem Chúa là ai. Hoặc đúng hơn, Chúa chẳng muốn con nghĩ về bất cứ cái gì, vì Chúa sẽ nâng con lên trên tầm mức của tư tưởng. Và nếu con cứ cố gắng tưởng tượng xem con là ai, con đang ở đâu và tại sao con lại ở đó, thì công việc đó làm sao thực hiện được?

Trong tập tự truyện Con Đường Dài Đến Tự Do, ông Nelson Mandela mô tả niềm tự hào và vui mừng lớn lao khi ông mua được căn nhà đầu tiên ở Johannesburg. Căn nhà chẳng đáng là bao nhiêu, nhưng ông đã trở thành một người đàn ông. Một người đàn ông thì phải có mảnh đất riêng và có con cái. Nhưng vì cuộc đấu tranh cho dân tộc, ông khó có thể sống ở căn nhà đó để trông nom gia đình. Ông đã chọn lựa tương tự như lời khấn của chúng ta. Ông viết:

Chính nỗi khát khao tự do cho dân tộc tôi được sống một đời sống có phẩm giá và tự trọng đã cổ vũ đời tôi, đã biến đổi một chàng thanh niên nhát sợ thành một người can đảm, đã khiến cho một luật sư tuân thủ luật pháp trở thành một tên tội phạm, đã làm cho một người chồng yêu thương gia đình trở thành một kẻ vô gia cư, đã bó buộc một người đàn ông đầy sinh lực phải sống như một tu sĩ. Tôi không đạo đức hay có tinh thần hy sinh hơn bất cứ ai, nhưng tôi thấy tôi không thể thụ hưởng thứ tự do nghèo nàn và hạn hẹp mà tôi được phép khi tôi thấy dân tộc tôi không được tự do. Tự do thì không thể phân chia - xiềng xích trói buộc một người dân cũng là xiềng xích trói buộc tất cả dân tộc, xiềng xích trói buộc cả dân tộc cũng là xiềng xích trói buộc tôi.

Mandela đã mất vợ con, mất gia đình, mất tự do, mất nghề nghiệp, sức khỏe và địa vị vì lòng khao khát mãnh liệt muốn giải phóng dân tộc. Tình trạng tù tội của ông là dấu chỉ phẩm giá thầm kín của dân tộc ông, phẩm giá này một ngày kia sẽ được bộc lộ ra. Ít có cộng đoàn tu trì nào khắc khổ như Robben Island, nhưng chúng ta cũng phải từ bỏ nhiều thứ đem lại căn tính cho chúng ta như là dấu chỉ của một phẩm giá được giấu kín, phẩm giá của những người đã chết trong Đức Kitô. Vì như thánh Phaolô viết trong thứ gửi tín hữu Colosse: 'Anh em đã chết: và giờ đây sự sống anh em được giấu ẩn với Đức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, sự sống của chúng ta, được tỏ lộ, bấy giờ anh em cũng sẽ được tỏ lộ cùng với Người trong vinh quang' (3:3).

Buổi sáng ngày Phục sinh, tông đồ Phêrô cùng với người môn đệ được Đức Giêsu yêu thương chạy đến ngôi mộ trống. Ông Phêrô chỉ thấy sự mất mát, không thấy thi hài Chúa. Người môn đệ kia thì nhìn với cặp mắt của người đang yêu, và ông thấy một khoảng trống tràn đầy sự hiện diện của đấng Phục sinh. Đời sống chúng ta cũng có vẻ như có nhiều mất mát và trống vắng, nhưng những ai nhìn với đôi mắt của tình yêu sẽ thấy đời sống tràn ngập sự hiện diện của Chúa Phục sinh.

Tôi không muốn quyết đoán về ơn gọi của chúng ta là tu sĩ nam nữ. Tất cả mọi ơn gọi của con người - như bác sĩ, thày giáo, nhân viên xã hội, v.v… đều nói lên một điều gì đó về ơn gọi của con người, là lời đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa, đấng mời gọi chúng ta tới Nước Trời. Điểm đặc biệt đối với ơn gọi của chúng ta là nó diễn tả định mệnh phổ quát này qua việc từ bỏ những căn tính khác. Tông huấn Đời sống Thánh hiến nói đến chúng ta như là "những biểu tượng cánh chung." Và điều đó chắc chắn là đúng. Ngoài ra, điều đó còn làm cho tôi cảm thấy thích thú. Nếu có thể ghi hàng chữ "biểu tượng cánh chung" bên dưới ô "nghề nghiệp" ở tờ đơn xin hộ chiếu của bạn, không khéo lại hay. Nhưng người ta có thể lý luận rằng, hôn nhân cũng là một dấu chỉ cánh chung còn hơn chúng ta nữa. Đó là tuyệt đích của tình yêu, là ngày nghỉ lễ của tinh thần con người khi hai người nghỉ ngơi trong tình yêu hỗ tương, tình yêu đem lại cho chúng ta dấu chỉ của Nước Trời mà chúng ta ao ước. Có lẽ chúng ta là dấu chỉ của cuộc hành trình và đôi vợ chồng là dấu chỉ của đích đến.

MỘT MÔI TRƯỜNG SINH THÁI ĐỂ PHÁT TRIỂN

Tôi đã cố gắng đưa ra một định nghĩa về căn tính của đời sống tu trì. Đó là một định nghĩa nghịch lý, vì nó xác định chúng ta như những người đã từ bỏ căn tính mà xã hội vẫn hiểu. Nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đây, cho dù các bạn muốn thế! Trong xã hội chúng ta, một xã hội thù địch với ý tưởng chung về ơn gọi và đang phá hoại ý nghĩa căn tính cùng ơn gọi của mỗi người, thì một định nghĩa ngắn gọn sẽ không đủ. Nó giống như việc cố gắng an ủi những con cọp bị đe dọa tiệt chủng bằng một định nghĩa đẹp đẽ về loài cọp dũng mãnh.

Trong sa mạc nhân loại là thị trường toàn cầu này, chúng ta cần xây dựng một bối cảnh để người tu sĩ có thể thực sự triển nở, và trở thành những lời mời gọi sinh động để bước đi trên con đường của Thiên Chúa. Công việc đặc thù mà một dòng tu làm là cống hiến một bối cảnh như thế. Trong thế giới hôm nay, chúng ta có thể bị cám dỗ coi các dòng tu như là những công ty đa quốc gia đang ráo riết cạnh tranh nhau: bạn muốn mua gas của dòng Tên có chứa khí octan độ cao, hay gas màu xanh, không có chất chì, của dòng Phan sinh? Nhưng hình ảnh dễ mường tựng hơn là hình ảnh mỗi hội dòng như một hệ sinh thái nhỏ nâng đỡ một dạng đời sống kỳ lạ. Để triển nở như một con bướm, bạn không chỉ cần một định nghĩa đẹp đẽ; bạn cần một bối cảnh sinh thái làm cho bạn từ trứng trở thành con sâu, và từ tổ kén trở thành con bướm. Có những loại bướm cần đến cây tầm ma, ao hồ và những thứ cây lạ khác, nếu không, chúng không làm tổ được. Đối với một loại bướm khác thì những đống phân cừu là cần thiết. Các hội dòng đều có những cách cống hiến môi trường sinh thái khác nhau để hiện hữu như là con người. Tôi không muốn bị cám dỗ xem dòng tu nào thuộc loại bướm nào, ít nhất là vào lúc này!

Một dòng tu cũng giống như một môi trường. Xây dựng đời sống tu trì cũng giống như xây dựng một khu bảo tồn thiên nhiên ở một khu đất cũ. Bạn phải dự trù một ít cây tầm ma ở chỗ này, đào một cái ao ở chỗ kia và v.v... Các anh chị em của chúng ta cần đến cái gì để triển nở trong hành trình đó khi họ từ bỏ nghề nghiệp, của cải, địa vị và sự bảo đảm của một người phối ngẫu? Họ cần gì khi họ thực hiện chuyến hành hương vất vả từ tập viện đến nấm mồ? Mỗi hội dòng có những đòi hỏi riêng, có những nhu cầu riêng, có căn tính riêng.

Điều này dẫn tôi đến một nghịch lý rõ ràng: tôi đã xác định căn tính của đời sống tu trì là từ bỏ căn tính, từ bỏ những chỗ dựa và những dấu chỉ cho biết chúng ta là ai. Thế nhưng hội dòng lại cho chúng ta những căn tính khác. Mỗi hội dòng có một căn tính riêng. Chính vì thế mà các bạn mới được nghe những chuyện khôi hài về sự khác biệt giữa các tu sĩ dòng Tên, dòng Phan sinh và dòng Đa Minh ở chỗ mỗi dòng thay một loại bóng đèn!

Khi tôi nói với ông cậu là tu sĩ Biển Đức rằng tôi sẽ vào dòng Đa Minh, ông nhìn tôi do dự rồi nói: "Cháu có chắc đó là một ý tưởng tốt đẹp không? Người ta chẳng bảo là họ khá thông minh đó sao?" Rồi ông ngưng lại và nói, "Không, cứ suy nghĩ cho kỹ đi, cậu biết có nhiều ông Đa Minh ngớ ngẩn lắm."

Nhưng điều nghịch lý ấy chỉ là vẻ bên ngoài. Mỗi hội dòng có một căn tính, đó là một con đường đặc biệt để đi theo Chúa, một cách thế đặc biệt để quên mình. Một tu sĩ dòng Carmel phải thấy mình hạnh phúc là tu sĩ Carmel, không phải vì danh hiệu ấy đem lại cho họ một địa vị, nhưng vì là một cách thế đăc biệt để từ bỏ địa vị đó. Tôi phải cảm thấy vui sướng được ở trong dòng của tôi, với tất cả lịch sử, những vị thánh, những truyền thống của dòng, nhờ đó tôi có thể lớn lên trong sự can đảm để từ bỏ tất cả những gì mà xã hội cho là quan trọng. Tôi thích câu truyện về chân phước Reginal Orleans, một trong những anh em thời sơ khởi, khi sắp qua đời, chân phước nói rằng là một tu sĩ Đa Minh không đem lại cho người công phúc gì, vì người đã hưởng quá nhiều trong cuộc đời của một tu sĩ Đa Minh. Tôi cần có những câu truyện giống như thế để khích lệ tôi triển nở như một tu sĩ thanh bần, khiết tịnh và tuân phục, để vui mừng ở trong Dòng như một chốn tự do chứ không phải ngục tù. Tôi cần có những câu truyện như thế để giải phóng tôi khỏi những bận tâm về chính mình.

Vì thế tôi rất thông cảm với người tu sĩ trẻ ngày nay thường đòi hỏi những dấu chỉ rõ ràng về căn tính của họ như là những phần tử của một dòng tu. Cuộc mạo hiểm đối với thế hệ của tôi, những người đã lớn lên với ý thức mạnh mẽ về căn tính Công giáo, và cả căn tính Đa Minh, là phải vứt bỏ những biểu tượng làm chúng ta xa cách người khác, như bộ áo dòng, và dìm mình vào trong thời hiện đại, để được trắc nghiệm qua những mối nghi ngờ của thời đại và chia sẻ những vấn đề của thế giới hôm nay.

Điều này đúng và có ích. Nhưng những người trẻ đến với chúng ta hôm nay thường là con đẻ của cái hiện đại ấy, và họ từng bị ám ảnh bởi những vấn đề của thời đại từ khi còn nhỏ. Đôi khi họ có những nhu cầu khác, những dấu chỉ rõ ràng chứng tỏ họ là phần tử của một cộng đoàn tu trì, giúp họ sống một cuộc sống khác người để trở nên một con người đích thực.

Nhận xét cuối cùng: chúng ta cần một môi trường nơi đó chúng ta được nâng đỡ để cá nhân trưởng thành. Sự kiện chúng ta được kêu gọi từ bỏ những thứ mà xã hội cho là biểu tượng của địa vị và căn tính không có nghĩa là chúng ta không có những khó khăn trong việc trở thành một con người trưởng thành và có trách nhiệm. Tất cả chúng ta đều biết có những anh em luôn luôn muốn mua máy vi tính đắt tiền hơn trong khi vẫn tuyên bố rằng lời khấn thanh bần miễn cho họ khỏi phải lo lắng về tiền bạc.

Điều chúng ta có thể nhìn thấy bằng đôi mắt của mình, đó là việc từ bỏ gia đình, quyền lực, của cải và sự tự quyết không làm cho chúng ta trở thành những người nhút nhát. Không ai có thể nói được ông Nelson Mandela có một nhân cách yếu đuối! Nhưng việc trở nên người trưởng thành đòi hỏi chúng ta bước qua những giai đoạn khủng hoảng. Lúc đó cộng đoàn có nâng đỡ chúng ta không? Cộng đoàn có giúp chúng ta sống những giai đoạn chết chóc cũng là thời gian tái sinh này không? Khi được hỏi là người ta làm gì trong đan viện, một đan sĩ cao niên trả lời, "Ồ, chúng tôi ngã xuống rồi trỗi dậy, ngã xuống rồi trỗi dậy, ngã xuống rồi trỗi dậy." Chúng ta cần có một môi trường trong đó chúng ta có thể ngã xuống và trỗi dậy khi chúng ta lảo đảo bước về Nước Trời.

KẾT LUẬN

Xin cho tôi kết thúc bằng cách tóm tắt trong một phút cuộc hành trình của chúng ta qua bài nói chuyện này.

Câu hỏi được đặt ra cho tôi là như thế này: đâu là căn tính của đời sống tu trì hôm nay? Tôi trả lời rằng chúng ta phải đặt câu hỏi trong bối cảnh một xã hội mà hầu hết mọi người đều phải chịu đau khổ vì cuộc khủng hoảng căn tính. Thị trường toàn cầu xóa bỏ mọi ý nghĩa về ơn gọi, dù bạn là bác sĩ, linh mục hay tài xế xe buýt.

Giá trị của việc trở thành một tu sĩ là ở chỗ nó đem lại một biểu hiệu sống động cho định mệnh của mỗi người. Vì mỗi người khám phá ra căn tính của mình khi đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa là chia sẻ sự sống của Người. Chúng ta được kêu mời diễn tả một cách đặc biệt và triệt để ơn gọi ấy, bằng cách từ bỏ bất kỳ một căn tính nào khác có thể quyến rũ trái tim chúng ta. Những ơn gọi khác, như hôn nhân chẳng hạn, là một biểu hiệu khác về định mệnh con người.

Nhưng tôi kết luận rằng dừng lại với một định nghĩa đẹp đẽ thì không đủ. Chúng ta cần tiếp tục cuộc hành trình nhiều hơn nữa. Mỗi dòng tu phải đem lại một môi trường cần thiết để nâng đỡ chúng ta trên đường đi. Và nếu chúng ta không muốn bị quyến rũ bởi xã hội tiêu thụ, nếu chúng ta phải trình bày một lối sống khác với lối sống hiện hành của xã hội, thì chúng ta phải làm việc cật lực để xây dựng một môi trường trong đó anh chị em chúng ta vừa triển nở vừa tiến về nhà Cha.
 
Fr. Timothy Raclife, OP.