Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các Tu sĩ trẻ Dòng Tên: Các con đừng sợ những khủng hoảng!

06/12/2018
1002

Sáng ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê, 03.12.2018, các thành viên trong Học Viện chúng tôi tiến về Tòa Thánh Vatican để gặp gỡ vị Cha Chung, Người Anh Cả, Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau phần chào thăm Đức Thánh Cha và các Đức Hồng Y hiện diện, Cha Viện Trưởng Orlando giới thiệu với Đức Thánh Cha về mọi người trong Học Viện: 10 cha trong ban huấn luyện và 50 thầy học viên thần học, đến từ 28 quốc gia trên khắp thế giới (có 4 thầy đến từ Việt Nam). Cha Viện Trưởng còn kể cho Đức Thánh Cha nhiều chuyện khác nữa.
 

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Học Viện Quốc Tế Dòng Tên tại Roma,  do Cha Bề Trên Cả Pedro Arrupe thành lập năm 1968
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Học Viện Quốc Tế Dòng Tên tại Roma, 
do Cha Bề Trên Cả Pedro Arrupe thành lập năm 1968

Sau đó Đức Thánh Cha ngỏ lời với chúng tôi. Cách đặc biệt, khi nhìn và nghe Ngài nói, tôi không hề cảm thấy có gì xa cách, và Ngài không hề nói với tư cách một vị Giáo Hoàng, không hề với tư cách một vị mang quyền bính lớn lao, nhưng thân thiện gần gũi như một mục tử ở giữa đoàn chiên, một người cha ở giữa đoàn con, thậm chí như một người anh em trong Dòng. Sau đây là lời chia sẻ của Đức Thánh Cha:

“Sẽ không lớn lên, nếu không có những khủng hoảng. Các con đừng sợ những khủng hoảng, các con đừng sợ! Cũng như sẽ không có hoa trái nếu không chịu cắt tỉa, sẽ không có chiến thắng nếu thiếu chiến đấu. Hãy lớn lên, hãy bám rễ sâu, có nghĩa là không ngừng chiến đấu chống lại mọi thứ tinh thần thế gian.”

Các con thân mến!

Cám ơn các con vì đã đến thăm Cha, Cha rất là vui. Các con hôm nay mừng kỷ niệm 50 năm Học Viện Quốc Tế mang tên Chúa Giêsu (Collegio Internazionale del Gesù), được Cha Arrupe thành lập năm 1968. Trong dịp kỷ niệm 50 năm, như Kinh Thánh có nói “mỗi người đều trở về quê hương và trở về gia đình mình” (Lv 25:10). Do đó tất cả các con được mời gọi để trở về “quê”, về “khát khao nền tảng và cội nguồn” (Thánh Pietro Favre, Memoriale, 63), trở về với gia đình mà nơi đó Thiên Chúa đã tái sinh các con, là nơi mà các con đã tuyên xưng thuộc về Ngài. Thiên Chúa đã kêu gọi và đặt để các con trở thành các tu sĩ Dòng Tên. Năm kỷ niệm này là dịp để tạ ơn, để khắc ghi ký ức, để có cùng cảm nghĩ với Hội Thánh, trong một thân thể Dòng với tên gọi: Chúa Giêsu. Khắc ghi ký ức, có nghĩa là muốn nói đến việc đặt nền tảng trên Chúa Giêsu, trên cuộc sống của Người. Có nghĩa là dứt khoát nói “không” với việc chỉ sống cho bản thân, và tái khẳng định rằng: giống như Thầy Giêsu, chúng ta chỉ sống vì Chúa Cha mà thôi (Ga 6:57); và chúng ta phải sống giống như Chúa Giêsu, tức là phải sống để phục vụ, chứ không phải được phục vụ (Mc 10:45). Khắc ghi ký ức là nhẩm đi nhắc lại với tất cả trí khôn và tâm nguyện rằng, cuộc sống của người Dòng Tên, là sống Cuộc Vượt Qua của Chúa. Thế là đủ, chẳng cần gì khác nữa. Đi với Chúa trong Tuần Hai của Linh Thao, là để đặt đời mình trên cuộc đời Chúa Giêsu, và để hướng về Cuộc Vượt Qua. Bởi lẽ để huấn luyện bản thân, điều đầu tiên quan trọng nhất là biết đặt nền tảng đời mình nơi đâu. Do đó, cho phép Cha được khuyên các con thế này: hãy trở lại Cuộc tâm sự với Chúa, để biết phục vụ, để biết trở nên giống Chúa, để noi gương Chúa, Đấng đã tự mình trở nên như không, đã tự khiêm tự hạ và vâng phục đến độ chết trên thập giá. Cuộc tâm sự ấy sẽ đưa các con đến với những giây phút phải chịu đựng vu khống, ngược đãi, sỉ nhục. Các con thân mến, anh em thân mến, đây chính là tiêu chuẩn! (Đức Thánh Cha dừng lại điểm này để lặp đi lặp lại nhiều lần và giải thích cho rõ hơn, Ngài nói thêm ngoài cả những gì được viết trước). Nếu ai không thể chịu đựng, không thể đón nhận những điều ấy, hãy đi gặp cha linh hướng. Hãy noi gương Chúa Giêsu. Hãy nên giống Chúa, trên con đường mà thánh Phaolô nói với chúng ta trong thư gửi giáo đoàn Philipphê 2:7. Các con đừng sợ xin ơn ấy, bởi vì đã có lời chúc phúc: “Phúc cho anh em khi người ta vu khống, ngược đãi, bách hại anh em…”. Đây là con đường của chúng ta: Nếu các con không thể làm Cuộc tâm sự ấy với hết cõi lòng để hiến dâng tất cả cuộc sống, nếu các con chưa dám xin cho được ơn ấy, thì các con vẫn chưa bám rễ cho sâu cho chắc.

1. Đặt nền tảng đời mình nơi Thiên Chúa

Đây là điều đầu tiên mà Cha muốn nói với các con. Thánh Phanxicô Xaviê đã viết điều ấy như sau: “Tôi nài xin anh em, trên hết, hãy biết hoàn toàn đặt để đời mình nơi Thiên Chúa” (Thư 90 từ Kagoshima). Thánh nhân nói thêm: với cách thức này, không có nghịch cảnh nào mà chúng ta lại không thể được chuẩn bị. Các con đang sống trong nhà mà Thánh Inhaxiô đã sống, nhà mà Ngài đã viết Hiến Pháp Dòng, nhà mà từ nơi đây Ngài sai các bạn đầu tiên đi thực thi sứ mạng khắp nơi trên thế giới. Các con được thiết lập trên nguồn cội. Đây là ơn phúc của những năm tháng ở Roma: ơn của những gì là nền tảng là căn cội. Các con là vườn ươm để mang thế giới đến Roma và đưa Roma vào lòng thế giới, đưa Dòng vào lòng Giáo Hội và mang lấy Giáo Hội trong con tim của Dòng.

2. Lớn lên

Động từ thứ hai là lớn lên. Trong những năm này, các con được mời gọi để lớn lên, để bám rễ sâu. Cây lớn lên từ rễ, rễ chúng ta không thấy, nhưng chính rễ đỡ nâng tất cả. Cây ngừng cho trái không phải vì ít cành, nhưng vì rễ bị khô héo. Rễ tốt nghĩa là có một trái tim tốt, đó là tâm hồn mà Thiên Chúa có thể rộng mở. Đối với Thiên Chúa, luôn luôn là hơn nữa semper maior, magis, đó là lòng nhiệt thành, là ngọn lửa luôn cháy bên trong, luôn lớn thêm, và đó là nói “không” với mọi sự thoải mái dễ dãi. Thánh Phaolô Tông Đồ có nói: “Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9:16), và thánh Phanxicô Xaviê thì nói: “Tôi không thể dừng lại dù chỉ là một lúc” (Thư 20 gửi Thánh Inhaxiô), và điều này đã thôi thúc Thánh Alberto Hurtado trở nên khí cụ sắc bén trong lòng Giáo Hội. Trái tim nếu không co giãn, sẽ bị teo đi. Các con đừng quên điều này. Nếu không lớn lên, có nghĩa là úa tàn.

Sẽ không lớn lên, nếu không có những khủng hoảng. Các con đừng sợ những khủng hoảng, các con đừng sợ. Cũng như sẽ không có hoa trái nếu không chịu cắt tỉa, sẽ không có chiến thắng nếu thiếu chiến đấu. Hãy lớn lên, hãy bám rễ sâu, có nghĩa là không ngừng chiến đấu chống lại mọi thứ tinh thần thế gian. Tinh thần thế gian là thứ tệ hại nhất mà các con có thể bị sa ngã vào, đó là điều mà Cha Lubac đã nói. Nếu tinh thần thế gian tác động lên rễ, thì cây sẽ ngừng sinh hoa trái. Đối với bản thân Cha, đây là điều tệ hại nhất trong thời đại này: tinh thần thế gian, nó mở cửa cho thứ giáo sĩ trị và cứ thế tàn phá. Thay vào đó, lớn lên thực sự là tiến trình “làm ngược lại”, agere contra, là làm ngược lại cái tôi của bản thân, khi làm như thế sẽ nảy sinh nhiều hoa trái. Trong khi thần dữ là kẻ thù thúc đẩy các con rơi vào cám dỗ đi tìm những loại “an ủi” của bản thân, bằng cách nhấn mạnh rằng, sẽ sống tốt hơn nếu các con có thể có điều các con muốn, nhưng Thần Khí là bạn hiền lại nhẹ nhàng khích lệ các con trong những gì là thiện hảo, bằng cách giúp các con lớn lên trong sự khiêm tốn hiền lành, tiến bước, không bị rơi vào con đường tìm thỏa mãn, và có được ơn bình an chỉ đến từ một mình Thiên Chúa mà thôi. Hãy nhìn lên Chúa Kitô trên thập giá, hãy làm Cuộc tâm sự với Ngài, bởi vì chỉ với ơn Chúa mà ta mới có thể đi trên con đường này.

Hai dấu chỉ: tự do và vâng phục

Cha muốn nói với các con hai dấu chỉ tích cực cho biết rằng các con đang lớn lên, đó là tự do và vâng phục: hai nhân đức này song hành cùng nhau. Tự do là điều rất căn bản, bởi vì “ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đó có tự do” (2 Cr 3:17). Thần Khí của Chúa tự do nói với mỗi người chúng ta qua các tư tưởng và cảm xúc, chúng ta không thể nghe thấy Ngài qua các lịch trình đóng kín, nhưng là lắng nghe với con tim rộng mở, trên một hành trình, từ những người con tự do, chứ không phải từ những đầy tớ. Cha cầu chúc các con trở nên những người con tự do, hiệp nhất trong đa dạng, biết chiến đấu hàng ngày để có được tự do ngày càng lớn hơn: chiến thắng chính mình. Lời cầu nguyện sẽ là sự trợ giúp lớn lao cho các con, lời cầu nguyện sẽ không bao giờ bị quên lãng: đó là di sản cuối cùng mà chính Cha Arrupe để lại cho chúng ta. Sau những lời ấy trong cuộc họp với các anh em Dòng Tên về người tị nạn tại Thái Lan, Cha Arrupe đi máy bay về Roma, và đó là lúc Ngài bị đột quỵ. Tự do và vâng phục: giống như Chúa Giêsu, chúng ta cũng thế, lương thực chính của ta là làm theo ý muốn của Chúa Cha (Ga 4:34). Tự do và vâng phục, theo gương Thánh Inhaxiô, với tất cả tự do, thánh nhân đã trình lên Đức Thánh Cha sự hoàn toàn vâng phục của Dòng Tên, trong một Giáo Hội thời ấy chưa cho thấy dung mạo của Tin Mừng. Và ta thấy được dung mạo của một Giêsu hữu trưởng thành, đó là khi thấy người đó đang lớn lên. Tự do và vâng phục, cùng với vị bề trên, sẽ làm cho cuộc sống nảy sinh sức sáng tạo. Có lần Cha đã nói với một nhóm anh em Dòng Tên rằng, để trở thành bề trên trong Dòng Tên, thì người ấy phải trở thành mục tử của “một đàn cóc” (mỗi con nhảy mỗi nơi mỗi kiểu khác nhau), bởi vì đó là kiểu tự do của các Giêsu hữu, từ sáng kiến này dẫn tới nhiều sáng kiến khác, và thật là tội nghiệp cho vị bề trên, ngài cứ phải đi từ nơi này đến nơi khác… để làm nên sự hiệp nhất giữa các con chiên hiền lành, nhưng cũng là những con cóc chạy nhảy khắp nơi! (Mọi người vui vẻ cười to!!!). Thực sự là thế, và điều này rất quan trọng. Nhưng cùng với vị bề trên, đâu là điều đảm bảo cho sự hiệp nhất này? Đó là việc cởi mở lương tâm. Xin làm ơn, đừng bao giờ bỏ quên điều này, bởi vì đây là điều đảm bảo cho việc bề trên có thể “canh giữ đàn cóc”, để giúp cho tất cả đạt được sự hài hòa trong khác biệt, bởi vì hôm nay con làm việc cởi mở lương tâm với bề trên, rồi sau đó cũng sẽ đến lượt vị ấy sẽ làm việc cởi mở lương tâm với con, bởi vì chúng ta là anh em của nhau, chúng ta cần biết rất rõ về nhau. Tự do, vâng phục, thực hiện việc cởi mở lương tâm, và đó như con đường để tiến bước.

3. Trưởng thành

Thiết lập nền tảng đời mình, lớn lên, và cuối cùng là động từ thứ ba: trưởng thành. Không chỉ là rễ, rồi thân, nhưng còn trổ sinh hoa trái nữa, và rồi hạt giống lại tiếp tục rơi xuống đất. Ở đây là đi vào sứ mạng, là đi vào mọi cảnh huống của thời đại này, để mang lấy một thế giới Thiên Chúa yêu thương. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Tại bất cứ nơi nào trong Giáo Hội, ngay cả ở những nơi khó khăn nhất, ngay cả tại những giao điểm ngã tư của các ý thức hệ, nơi các chiến hào của xã hội, nơi gặp gỡ giữa một bên là nhu cầu cháy bỏng của con người và bên kia là sứ điệp vĩnh cửu của Tin Mừng, thì tại những nơi ấy có mặt các con, các Giêsu hữu thân mến!” (Diễn văn nhân dịp Tổng Hội 32 Dòng Tên, ngày 3 tháng 12 năm 1974). Cha nghĩ rằng, có lẽ đây là những lời sâu xa nhất mà một vị Giáo Hoàng đã nói với Dòng Tên. Những nơi giao thoa phức tạp nhất, những vùng biên cương, những vùng sa mạc của nhân loại: những nơi đó là nơi mà người Dòng Tên được mời gọi hiện diện. Có thể tìm thấy chiên giữa bầy sói, nhưng đừng đánh nhau với sói, phải đảm bảo cho được chiên. Đó là cách mà người mục tử làm ở nơi có chiên của ngài. (Thánh Gioan Crisostomo, bài giảng 33 về Tin Mừng theo thánh Matthêu).

Sự hăng say và tinh thần kỷ luật trong học tập, đóng góp quan trọng cho sứ mạng này. Các con sẽ tiếp cận ngày càng tốt hơn tới tác vụ Lời Chúa và sứ vụ an ủi. Ở nơi đó, các con sẽ chạm đến thân mình đau khổ của Chúa Kitô. Những đau khổ mà các con thấy, có thể làm cho các con khiếp sợ. Hãy mang tất cả những điều ấy đến với Thánh Giá. Hãy mang lấy tất cả những điều ấy đến với Thánh Thể, với Thánh Lễ, nơi có một tình yêu kiên trung, để có thể biết ôm lấy mọi thập giá của mọi thời. Sự trưởng thành, sự kiên nhẫn, cùng với niềm hy vọng, tất cả là đều là men: tất cả cùng nhau phát triển. Các con đừng sợ khóc khi đứng trước những hoàn cảnh khó khăn nặng nề: những giọt nước mắt ấy sẽ làm cho cuộc sống trở nên dịu nhẹ, trở nên dịu ngọt. Những giọt nước mắt đồng cảm giúp tinh luyện tâm hồn và tình cảm.

Khi nhìn các con, Cha thấy một cộng đoàn quốc tế, được mời gọi cùng nhau lớn lên và cùng nhau trưởng thành. Học Viện Chúa Giêsu sẽ là nơi thực hành sống động một thứ nghệ thuật sống cùng nhau và vì nhau. Không chỉ là hiểu nhau, nghĩ tốt về nhau, nhưng còn nâng đỡ nhau, biết mang gánh nặng cho nhau (Gl 6:2). Không chỉ là những gánh nặng về sự yếu đuối mỏng manh, nhưng còn là gánh nặng trong sự khác biệt lịch sử, văn hóa, gánh nặng trong những dịp lễ tết khác nhau của các dân tộc. Những điều ấy sẽ giúp các con biết chia sẻ và khám phá niềm vui và các vấn đề của thế giới, qua sự hiện diện của các anh em xung quanh. Các con đón nhận nhau, không chỉ trong những lợi ích và sở thích, nhưng còn trong những khổ đau và hy vọng nơi Giáo Hội và nơi Dân Chúa: để mở rộng các biên cương, để thay đổi các chân trời, để ngày càng hơn một chút. Cha chúc lành cho các con cũng như đất nước của các con. Cầu chúc các con biết đặt nền tảng đời mình, biết lớn lên, và trưởng thành, để Vinh quang Chúa ngày càng lớn hơn. Cha cám ơn các con và Cha xin các con đừng quên cầu nguyện cho Cha.  

– – –

Sau khi chia sẻ như trên (với diễn văn trên tay), Đức Thánh Cha nói với các phóng viên quay phim chụp hình là ngừng các tác vụ nghề nghiệp, để Ngài có thể tự do kể truyện cười với các anh em trong Dòng. Ngài kể về một Giêsu hữu nọ cầu nguyện tới bài Hai Cờ Hiệu thì đâm ra hoang mang lo lắng và tự đặt ra rất nhiều câu hỏi, nhưng khi đến phần tâm sự với Đức Mẹ, thì cha ấy thấy rằng, Mẹ đón nhận Chúa mà đâu có đặt câu hỏi nhiều như mình. Sau đó lại đến phần tâm sự với Chúa Con, cha ấy tiếp tục thấy Chúa Con cũng không đặt nhiều câu hỏi cho Chúa Cha… Tâm sự với Đức Mẹ là rất quan trọng! Mọi người lắng nghe đều rất thích thú cười vui. Trước khi ra về, Đức Thánh Cha bắt tay chúc lành và hỏi thăm từng người. Ngài còn tặng cho mỗi người một Chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cùng Mẹ Maria. Thật là kinh nghiệm vừa quý giá vừa thân thương và gần gũi vô cùng!!!

Vatican – Roma, ngày 03 tháng 12 năm 2018
Tứ Quyết SJ

Các bạn có thể đọc bài Diễn văn của Đức Thánh Cha trong các ngôn ngữ khác:
Bản gốc tiếng Ý
Bản dịch tiếng Anh

Nguồn: Dongten.net