Lời chứng của bà Emma, người Italia đón tiếp người tị nạn

06/09/2019
1422
"Nếu bạn mở con tim và cánh cửa ngôi nhà của bạn cho mọi người thì điều tốt lành sẽ đến. Trước đây đối với tôi, tôi không thể tin điều này, nhưng bây giờ đó là một thực tế trước mắt tôi». Đây là một thông điệp được tóm gọn đơn giản nhưng sâu sắc kinh nghiệm của bà Emma Benedetti, 52 tuổi hiện đang sống ở Pescantina, Italia. Hơn 2 năm qua gia đình bà đã đón một gia đình Syria ở cùng với gia đình.
 

Bà Emma kể lại: Người đến đầu tiên là người mẹ, tên Fatima với hai con nhỏ, một hơn 4 tháng tuổi và một 7 tuổi. Vài tháng sau Akram, người cha đến, dấu ấn cuộc chiến còn hiện rõ trên khuôn mặt. Gia đình người tị nạn sống ở Damasco trong một khu vực đón tiếp khoảng 250.000 người tị nạn Palestina. Akram người Palestina, Fatima người Syria. Một quả bom đã phá hủy hoàn toàn ngôi nhà của họ. Trong vụ nổ, Akram bị mất một chân, bây giờ anh đi bằng chân giả.

Chia sẻ không gian chung

Vào năm 2013 họ buộc phải chạy trốn đến Lebanon, tại đây họ sống 5 năm trong một nhà để xe ẩm ướt. Bây giờ gia đình đang ở trong một ngôi nhà rộng 150 mét vuông có vườn của bà Emma. Tất cả đều chia sẻ không gian chung.

Ngày 27/4/2017 họ đến nhà của Emma. Emma kể lại: “Vào lúc đó cha xứ hỏi tôi nếu tôi có thể đón tiếp một gia đình xin tị nạn; tôi đáp: vâng, con có thể. Tôi chỉ viết tên của họ 10 ngày trước đó. Một gia đình Hồi giáo, chỉ nói tiếng Ả Rập. Lúc đầu họ có vẻ lo lắng nhưng rồi mọi sự diễn ra tốt đẹp. Ba tháng đầu chúng tôi nói chuyện bằng cử chỉ, và nhờ Google dịch. Chúng tôi đã có những trận cười vui thích vì những lần không hiểu nhau».

Bà tiếp tục: “Với Fatima, 27 tuổi, chúng tôi có một mối quan hệ khắn khít ngay lập tức, một sự thấu hiểu của hai phụ nữ. Mẹ tôi đã cho Fatima lời khuyên về việc cho con bú. Nhưng với tôi, tôi phải suy nghĩ đến việc học của cô gái lớn, và ngay lập tức bé được đưa vào lớp một. Tôi xem Fatima như em gái mà tôi chưa bao giờ có. Chúng tôi rất thân mật, bất chấp sự khác biệt văn hóa, tôn giáo».

Hạnh phúc khi được chia sẻ

Điều gì thúc đẩy một phụ nữ Italia, một nhà tư vấn cho một công ty máy tính độc lập, đưa một gia đình tị nạn về nhà? Bà Emma giải thích: "Khi tôi thừa kế ngôi nhà này, tôi đã quyết định chia sẻ nó, để không rơi vào những ảo tưởng nhỏ nhoi của những người sống một mình. Trong một năm tôi đã có một người thuê nhà. Và rồi tôi thích ý tưởng đón tiếp những người có hoàn cảnh khó khăn. Không phải ai cũng có chung một ý tưởng. Mọi người xung quanh tôi đều không hiểu điều tôi làm, mẹ tôi chống lại điều đó. Chỉ có chị dâu chia sẻ sự lựa chọn này. Mặt khác, tôi không nghi ngờ gì về thành công của việc sống chung». Đối với bà Emma gia đình này như với một món quà bất ngờ. Trước khi họ đến, bà đã sống độc thân trong nhiều năm. Bây giờ bà cho biết không còn cảm thấy đơn độc nữa.

Bà Emma cho biết hiện bà có một cuộc sống chung thanh thản, an bình. Buổi sáng tất cả cùng nhau thức dậy, nhưng cũng có những ngày được sống tự do hoàn toàn. Emma làm việc, Fatima và Akfram tham gia vào các khóa học và hoạt động, các bé gái ở trường. Họ đi mua sắm hàng tuần và ăn trưa cùng nhau vào thứ bảy.

Sau hơn hai năm Fatima và các bé nói tiếng Ý tốt. Chỉ trong 8 tháng, họ đã được công nhận tình trạng tị nạn. Họ nhận được điều này không phải trả bất kỳ chi phí nào cho Nhà nước.

Tình gia đình

Fatima luôn mang mạng che mặt, trung thành với tôn giáo của mình. Việc chung sống đức tin và những hình thức hoạt động không có vấn đề nào. Như Fatima nói: "Chúa yêu mọi người, nâng đỡ tất cả". Mẹ của Emma, 81 tuổi, xem các bé gái như cháu. Và các bé gọi bà là bà. Mỗi lần bà đi tham dự thánh lễ và đi thăm mộ chồng hai bé gái đi cùng với bà.

Quá trình hòa nhập của gia đình, bị trì hoãn một năm rưỡi do chân giả của Akram. Vào tháng 9, Fatima và Akram bắt đầu đi làm. Akram làm việc trong một cơ sở sản xuất quần áo. Fatima tham gia nấu ăn cho một hiệp hội nấu các bữa ăn dân tộc tại nhà. Bà Emma cho biết: Mục tiêu của tự chủ kinh tế và nhà ở của gia đình này là rất gần. Sẽ có một ngôi nhà mới cho họ, một cuộc sống mới. Nhưng những con đường của trái tim sẽ không bao giờ mất.

Ngọc Yến - Vatican