Sứ Điệp Giáng Sinh

29/12/2018
904
Trong tác phẩm Tin Mừng thời thơ ấu của Chúa Giêsu[1], Cha Innocenzo Gargano[2] đã diễn giảng một cách ý nghĩa và sâu sắc sứ điệp Giáng Sinh, dựa trên bản văn Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc 2,1-21). Sau đây là một phần của bài diễn giảng. Phần này chứa đựng một số vấn đề và thuật ngữ khó hiểu, nhưng lại tô điểm và làm nổi bật sứ điệp Giáng Sinh.
 
Cảnh Chúa Giêsu Giáng Sinh
 
  1. Kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ
Thánh Luca nói rằng: “Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” (Lc 2,1). Ngoài chứng từ của Thánh Luca, chúng ta không thể tìm thấy một tài liệu lịch sử nào khác nói về chiếu chỉ của Xêdarê Augúttô, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Các học giả đã dày công nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn sử liệu khả dĩ, có liên quan đến biến cố kiểm tra dân số mà Thánh Luca đã nói, nhưng không có một chỗ nào đề cập đến việc Xêdarê Augúttô đã đưa ra một chiếu chỉ kiểm tra dân số. Đây là điểm khó hiểu thứ nhất.

Trong Kinh Thánh, có nhiều trường hợp tương tự, khó hiểu và đôi khi tối nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta không nên đọc Kinh Thánh như đọc một bản tin thời sự. Trái lại, cần phải đọc Kinh Thánh với nhãn quan thần học. Thật vậy, các thánh sử không có ý định cung cấp cho chúng ta một bản tin thời sự chi tiết, với trình tự thời gian tỉ mỉ, chính xác. Qua bản văn Kinh Thánh, các thánh sử chỉ mong muốn rằng mỗi người hãy khám phá sứ điệp cứu độ mà Thiên Chúa muốn gửi đến cho mình. Tương tự như vậy, thay vì tìm kiếm những chi tiết lịch sử để thỏa mãn trí tò mò, chúng ta cần phải dùng nhãn quan của nhà thần học để đọc biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu.

Nói rằng Xêdarê Augúttô truyền kiểm tra dân số trong khắp toàn cõi đất cũng đồng nghĩa với việc nói lên quyền lực tuyệt đối của vương triều “Augúttô”. Ốttavianô Augúttô là con nuôi của Xêdarê Augúttô (Giuliô Xêdarê không có con trai để nối dõi nên đã nhận Ốttavianô, vốn là con trai của ông Gaiô Ốttaviô và bà Azia, làm con nuôi vào năm 45 trước Công nguyên). Ốttavianô đã đi chinh phạt và làm bá chủ vùng Gallia rộng lớn thời bấy giờ. Quyền lực của Ốttavianô Augúttô mỗi ngày một lớn mạnh và đạt đến mức tuyệt đối. Augúttô (Augustus) đã trở thành chúa tể (Pantocrator) trong “khắp cả thiên hạ”, một vị chúa tể thâu tóm và định đoạt vận mạng của toàn dân trên toàn cõi đất.

Phải chăng Thánh Luca muốn gửi đến một sứ điệp rằng Hài Nhi sẽ sinh ra ở Bêlem sẽ thay đổi tất cả mọi thước đo và mọi nấc thang giá trị mà Ốttavianô Augúttô đang nắm quyền tuyệt đối và định đoạt? Phải chăng chính Con Thiên Chúa, Đấng đã hủy mình ra không (x. Pl 2,6-8), Đấng đã đi theo một con đường hoàn toàn đối lập với Augúttô mới thật là Chúa Tể, mới thật sự là Pantocrator? Thật vậy, Augúttô dùng sức mạnh và quân đội hùng hậu để xây dựng quyền lực tuyệt đối, để thống trị toàn cõi đất, sẽ phải bị lật đổ bởi một Hài Nhi nhỏ bé và yếu đuối. Chính Đấng hủy mình ra không, chính Đấng Toàn Năng đã làm Người, đã vâng lời cho đến chết và chết trên cây thập tự sẽ thay thế chúa tể Augúttô. Đây chính là sứ điệp, là Tin Mừng mà Thánh Luca muốn nhắn gửi đến cho muôn người, cho toàn cõi địa cầu. Một khi nắm chắc được sứ điệp chính yếu này, những chi tiết khác liên quan tới biến cố Thiên Chúa Giáng Sinh sẽ chỉ còn đóng vai trò phụ họa và tô điểm cho sứ điệp trọng tâm.

Thánh Sử Luca nói cụ thể rằng: “Đây là cuộc kiểm tra dân số đầu tiên, dưới thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri” (Lc 2,2). Trên thực tế, đã có một cuộc kiểm tra dân số. Tuy nhiên, Thánh Luca đã có sự nhầm lẫn ở đây[3]. Một đàng, Thánh Luca nói đến việc Augúttô truyền kiểm tra dân số, nhưng thật ra Augúttô đã không thực hiện một cuộc kiểm tra dân số nào cả. Đàng khác, ông Quiriniô trên thực tế đã cho thực hiện một cuộc kiểm tra dân số vào khoảng năm thứ 6 trước Công nguyên, nhưng có lẽ cuộc kiểm tra dân số ấy chỉ nhắm đến vùng Giuđêa, chứ không có liên quan gì đến vùng Galilêa. Thánh Luca viết sách Tin Mừng khoảng chừng 60 năm sau biến cố Chúa Giáng Sinh, nên đã có một chút nhầm lẫn ở đây. Thánh Sử viết rằng: “Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nazarét, miền Galilê lên thành Vua Đavít tức là Bêlem” (Lc 2,3-4). Dường như Thánh Luca đã khéo léo sử dụng “kỹ năng nhà nghề” để xác minh một truyền thống đã có từ lâu đời, ấn định việc Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem.
 
  1. Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem
Chính Thánh Luca đã “đạo diễn” toàn bộ biến cố Truyền Tin và việc Chúa Giêsu được thụ thai bởi Đức Maria, diễn ra tại Nazarét. Giờ đây, Thánh Sử sáng tạo ra hành trình từ Galilêa về Bêlem vì lý do kiểm tra dân số. Với cách trình bày như vậy, Thánh Sử nói lên việc Chúa Giêsu thuộc dòng dõi Đavít. Nói đến Vua Đavít, nghĩa là nói đến thành của Vua ở Bêlem. Thánh Sử Mátthêu thì trình bày Tin Mừng thời thơ ấu theo một cách khác, bằng việc không đề cập đến địa danh Nazarét, cho tới biến cố Thánh Gia trở về từ Aicập. Trong mọi trường hợp, có một sự thật chắc chắn rằng: Chúa Giêsu đã lớn lên và hoạt động sứ vụ công khai như một công dân của thành Nazarét. Chính vì truyền thống đức tin đã xác tín rằng Đức Giêsu là Con Vua Đavít mà cả hai thánh sử Luca và Mátthêu, bằng những con đường và cách trình bày khác nhau, đã cùng đi đến một kết luận: Chúa Giêsu đã sinh ra ở Bêlem. Việc khẳng định rằng Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem chỉ nhằm đạt một mục đích là diễn đạt đức tin của Hội Thánh: Đức Giêsu là Con Vua Đavít.

Ngoài ra, cần phải đề cập đến ý nghĩa thần học ẩn sâu trong cách diễn đạt của Thánh Luca, khi đề cập đến địa danh Bêlem. Theo từ nguyên học, Bêlem có nghĩa là “Nhà bánh” (theo sách bà Rut). Thánh Luca muốn quảng diễn rằng ở Bêlem, ở “Nhà bánh”, Chúa Giêsu đã sinh ra như một Tấm Bánh thơm ngon, sẵn sàng được bẻ ra và trao ban sự sống cho nhân loại.
 
  1. Chúa Giêsu Giáng Sinh vào thời điểm nào?
Thánh Luca miêu tả biến cố trọng đại của sự việc Con Thiên Chúa Giáng Sinh như sau: “Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2, 6-7).

Chúng ta đã nghe quá quen những lời văn trên đây của Thánh Luca và chúng ta coi là đương nhiên. Đó là những lời văn dường như rất đơn giản, rất đẹp, rất tự nhiên. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề cần phải được diễn giải thêm ở đây.

Trước hết, nói về thời gian Chúa Giêsu sinh ra. Chúa Giêsu sinh ra vào lúc mấy giờ? Thật sự chúng ta không biết được chính xác Chúa Giêsu đã sinh ra vào lúc mấy giờ, vào ngày nào, hay vào năm nào?

Những chứng từ đầu tiên về ngày Chúa Giêsu sinh ra được tìm thấy trong sử liệu của Clêmentê Alếcsanđrinô (khoảng năm 150-215). Một số học giả cho rằng Chúa Giêsu sinh ra vào tháng Tư, tức là vào khoảng Mùa Xuân. Một số khác thì cho rằng Chúa Giêsu sinh ra vào tháng Tám. Không có một tài liệu nào nói rằng Chúa Giêsu sinh ra vào ngày 25 tháng 12. Đây là ngày mà mãi về sau Giáo Hội mới chọn để nối kết ngày Chúa Giêsu Giáng Sinh với ngày Đông Chí. Trong khi đó, Giáo hội Chính Thống kỷ niệm Chúa Giáng Sinh vào ngày mùng 7 tháng Giêng.

Nói rằng Chúa Giêsu sinh ra vào ban đêm là vì Thánh Luca đã viết: “Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật” (Lc 2,8). Như vậy, biến cố Chúa Giêsu Giáng Sinh rơi vào thời điểm ban đêm. Tuy nhiên, ban đêm hiểu theo nghĩa thông thường chính là khoảng thời gian từ 6 giờ chiều cho tới 6 giờ sáng hôm sau. Do vậy, để xác định một giờ cụ thể, chính xác vào ban đêm quả là điều không dễ dàng. Từ rất sớm, Giáo Hội đã xác tín rằng Chúa Giêsu sinh ra vào lúc nửa đêm, bởi vì Sách Khôn ngoan nói rằng: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt, mang theo bản án không thể hủy của Ngài như lưỡi gươm sắc bén” (Kn 18,14-15). Hơn nữa, niềm tin của Giáo Hội không đặt nền tảng trên một bản tin thời sự, nhưng dựa trên ý nghĩa thần học của sự kiện lịch sử ấy. Các sử gia thời xưa không chú trọng đến việc miêu tả cách chính xác diễn tiến của sự kiện, nhưng quan tâm nhiều đến ý nghĩa mà sự kiện mang lại. Đối với họ, đòi hỏi một tường trình lịch sử tỉ mỉ và chính xác là điều không cần thiết. Chính vì vậy mà chúng ta không thể biết được chính xác năm, tháng, ngày, giờ mà Chúa Giêsu sinh ra: tất cả là một huyền nhiệm. Nhưng sự kiện Chúa Giáng Sinh chắc chắn đã diễn ra.
 
  1. Chúa Giêsu sinh ra “trên đường đi”?
Thánh Luca nói rằng: “Khi hai người đang ở đó…” (Lc 2,6). “Ở đó” là ở đâu? Thánh Luca nói rằng ông Giuse cùng với bà Maria lên đường đến Bêlem. Bêlem chắc chắn là điểm đến để hai ông bà khai báo lý lịch. Nhưng hai ông bà đã tới đích chưa, hay còn đang trên đường đi, hoặc mới gần tới Bêlem? Có thể đây chính là ngụ ý của Thánh Luca. Đối với Thánh Sử, tất cả mọi biến cố liên quan đến cuộc đời Chúa Giêsu đều diễn ra trên đường đi. Chúa Giêsu rao giảng trong khi đang đi đường. Ngay cả sách Công vụ Tông đồ cũng là một tác phẩm miêu tả hành trình của Lời, Lời cứ tiếp tục đi, đi cho tới tận cùng thế giới. Chúa Giêsu gặp các Tông đồ, các môn đệ trong khi Chúa đi đường và chính trên hành trình ấy, họ đã hoán cải và đi theo Chúa Giêsu. Những khi Chúa Giêsu dừng chân là những khoảnh khắc rất ngắn gọn và nhanh chóng. Chúa Giêsu luôn trên một hành trình, luôn trên đường đi.

Có thể hiểu cách nói “khi hai người đang ở đó” tương ứng với cách nói “khi hai người đang gần tới nơi đó”, hoặc “khi hai người đang trên đường để tới nơi đó”.

“Nơi đó” là một khái niệm đã khơi gợi lên rất nhiều tưởng tượng phong phú đối với những thế hệ môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Tác phẩm Tiền tin mừng của Giacôbê, được viết vào khoảng thế kỷ thứ II (150-200), đã đề cập đến “nơi đó” như là một cái hang (una grotta). Kể từ đó, “nơi đó” trở thành một cái hang núi, hang đá. Nhưng tác phẩm này được viết hơn 100 năm sau biến cố Chúa Giêsu sinh ra! Sau này, Thánh Girônimô cũng đề cập đến một cái hang đá mà hoàng đế Ađrianô đã biến nó thành nơi gặp gỡ của hai vị thần Vênêrê và Adonê trong Thần thoại Hy Lạp. Mục đích của Ađrianô là muốn tục hóa nơi mà truyền thống tin rằng Chúa Giêsu đã sinh ra. Tuy nhiên, đây chỉ là một truyền thuyết mà Thánh Girônimô đã thu thập được và không có căn cứ lịch sử. Thánh Girônimô đã muốn chứng minh tính xác thực của truyền thống này bởi vì chính Thánh nhân đã muốn rời bỏ Rôma để đến Bêlem, sống trong một cái hang bên cạnh hang đá, nơi được cho rằng Chúa Giêsu đã sinh ra.

Hang đá này đã gợi hứng cho biết bao suy tưởng và vào những thế kỷ đầu đã nở rộ rất nhiều truyền thuyết liên quan đến hang đá mà Chúa Giêsu đã sinh ra. Truyền thuyết về ngôi sao đã dừng ngay trước hang đá, nơi Chúa sinh ra, cũng ra đời trong một bối cảnh tương tự như vậy. Chúng ta cũng đã quá quen thuộc với hình ảnh hang đá mà Thánh Phanxicô đã lưu truyền. Tuy nhiên, Thánh nhân sống cách biến cố Chúa Giêsu Giáng Sinh khoảng 1200 năm!
 
  1. Bà Maria sinh con trai đầu lòng
Chúng ta không biết chính xác nơi Chúa Giêsu sinh ra, nhưng chúng ta biết rằng “Bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa” (Lc 2,6). Đã chín tháng trôi qua, kể từ lúc Thiên thần truyền tin cho Đức Maria và chúng ta được biết rằng “Bà sinh con trai đầu lòng” (Lc 2,7).

Thuật ngữ “con trai đầu lòng” đã gây ra rất nhiều tranh luận, đã trở thành vấn đề nan giải. Tại sao Thánh Luca lại nói đến con trai đầu lòng? Phải chăng Thánh Sử biết được rằng Bà Maria còn có những người con khác nữa? Đây là những câu hỏi mà nhiều nhà chú giải Kinh Thánh đã từng đặt ra. Vấn đề thật không đơn giản và không dễ trả lời. Ngôn ngữ mà Thánh Luca sử dụng và trong bối cảnh đương thời rất dễ gây ra sự hiểu lầm giữa hai thuật ngữ “con trai đầu lòng” và “con trai độc nhất, con một”. Thật vô lý nếu có ai khẳng định chắc nịch rằng: “bởi vì đó là con trai đầu lòng, nên chắc chắn sẽ còn những người con khác”. Thật vậy, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tấm bảng, được xác định có niên đại vào năm thứ 6 trước Công nguyên, nghĩa là trùng với năm Chúa Giêsu sinh ra. Trên tấm bảng ấy, người ta đề cập đến cái chết của một người phụ nữ trong khi bà ta “sinh con trai đầu lòng”. Bà ta đã chết cho nên ngoài người con trai đầu lòng sẽ không thể có người con nào khác nữa. Do vậy, cách nói của Thánh Luca không thể được suy diễn rằng Đức Maria còn có những người con khác nữa.

Đức tin của chúng ta nhận biết một cách chắc chắn và không thể sai lầm rằng Đức Giêsu là Con duy nhất của Đức Maria. Đức Mẹ không có một người con nào khác, dù là trước hay sau khi sinh Chúa Giêsu, bởi vì Đức Mẹ là Đấng “Trọn đời Đồng Trinh”. Đặc ân Trọn đời Đồng Trinh của Đức Maria là một trong những tín điều căn bản của đức tin Kitô giáo. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề gây ra rất nhiều tranh cãi và phản bác bởi những người không tin.
 
  1. Chúa Giêsu Giáng Sinh và vấn đề Thánh Mẫu học
Tác phẩm Tiền tin mừng của Giacôbê thậm chí còn tưởng tượng ra một bà đỡ. Bà này đã đến gặp Đức Maria để thẩm tra xem Đức Maria có còn trinh sau khi sinh Chúa Giêsu hay không? Theo tác giả, việc xác minh như vậy là cần thiết để có thể đáp trả lại nhiều ý kiến phản bác thô tục của những người không tin. Truyền thống đức tin từ rất sớm của Hội Thánh đã xác tín về sự đồng trinh của Đức Maria trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi sinh Chúa Giêsu (virginitas ante partum, in partu, post partum). Trong các bức họa của truyền thống Đông Phương, trên khăn và áo Đức Maria có ba ngôi sao, tượng trưng cho việc Đức Mẹ Đồng Trinh trước khi, trong khi, và sau khi sinh. Đây là một khẳng định mang ý nghĩa thần học rằng Đức Maria thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu mà vẫn Đồng Trinh. Về đặc ân Trọn đời Đồng Trinh của Đức Maria, các bản văn Kinh Thánh và Truyền Thống đức tin của Hội Thánh đều xác nhận và minh chứng một cách hoàn hảo.

Dù vậy, cách thức cụ thể mà Chúa Giêsu được sinh ra thì vẫn luôn là vấn đề gây tranh luận. Lòng đạo đức bình dân của Hội Thánh muốn rằng Chúa Giêsu sinh ra mà không phải trải qua bất cứ sự đau đớn nào, không phải chịu những gì mà các trẻ sơ sinh khác phải trải qua trong những ca sinh nở thông thường. Tuy nhiên, Giáo Hội không ngừng nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu được sinh ra giống như tất cả các con trẻ khác, đến độ sau khi Chúa Giêsu ra đời, Hài Nhi cũng cần phải được làm vệ sinh. Ngược lại, ngay cả một số học giả Kitô giáo cũng phản đối luận điểm của Giáo Hội. Họ không chấp nhận rằng Chúa Giêsu cũng sinh ra với cách thức bình thường như những trẻ em khác (sporco di sangue: máu me và dơ bẩn, cần được làm vệ sinh cho sạch sẽ). Tuy nhiên, Giáo Hội không thay đổi quan điểm của mình về điểm này.

Việc Đức Maria Đồng Trinh trước và sau khi sinh (virginitas ante et post partum) nói lên sự toàn vẹn của đặc ân Trọn đời Đồng Trinh của Mẹ. Một bằng chứng Kinh Thánh giúp củng cố tín điều này được tìm thấy trong chương 40, sách Xuất Hành: Đức Maria được hoàn toàn bao phủ bởi đám mây của Đức Chúa, giống như đám mây bao phủ Lều Hội Ngộ (x. Xh 40,34-35). Cũng như ông Môsê không thể vào Lều Hội Ngộ vì đám mây bao phủ và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm, thì Thánh Giuse không thể nào đi quá giới hạn để làm phương hại đến Đức Đồng Trinh của Mẹ Maria. Về việc đồng trinh trong khi sinh (virginitas in partu), thì Giáo Hội không thay đổi quan điểm và luôn khẳng định rằng Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu mà vẫn Đồng Trinh và Chúa Giêsu được sinh ra giống như mọi trẻ em khác. Đặc ân Trọn đời Đồng Trinh của Đức Maria là một mầu nhiệm quá cao vời, không thể chỉ rút gọn trong việc xem xét và nghiên cứu như một vấn đề về sinh lý học hay chỉ là vấn đề của khoa sản!
 
  1. Máng Cỏ Mầu Nhiệm
Thánh Luca viết: Bà “lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ”. Thuật ngữ máng cỏ (mangiatoia) gây nên những khó khăn nhất định khi giải thích bản văn Kinh Thánh. Nếu không nghĩ rằng Chúa Giêsu sinh ra trong hang đá, thì người ta nghĩ ngay đến một chuồng bò, lừa. Thông thường, người ta hay làm cả hai: Chúa Giêsu nằm trong hang bò, lừa, trong khung cảnh của một hang đá. Tuy nhiên, chẳng có một tài liệu lịch sử nào ghi chép rằng Chúa Giêsu đã sinh ra trong khung cảnh như vậy!

Chúng ta cần biết rằng, vào thời Chúa Giêsu Giáng Sinh, người ta dùng một số con vật để phục vụ cho các chuyến đi. Con vật phổ biến nhất cho các chuyến đi xa là con lừa. Người ta chất lên lưng lừa tất cả những đồ dùng cần thiết cho chuyến đi. Có một cái yên thồ. Bên phải và bên trái con lừa, người ta treo một số túi đựng. Một bên thì đựng những gì cần thiết cho gia đình, như đồ ăn, thức uống. Bên kia thì đựng một số đồ vật và công cụ lao động. Một vật quan trọng khác nữa là cái túi dết, một loại túi đặt trên cổ con vật và được vắt sang hai bên. Trong túi có thể đựng đồ ăn cho con lừa, để tiếp sức cho nó mỗi khi dừng chân và lấy sức để tiếp tục hành trình. Vậy thuật ngữ “máng cỏ” ở đây là gì? Có hai khả năng khác nhau: hoặc máng cỏ ở đây là một loại túi đựng đồ ăn của con lừa, vì con lừa rất quý giá và phải được chăm sóc và cho ăn cẩn thận, hoặc máng cỏ ở đây đơn giản là túi, là bao bị đựng bánh ăn của người.

Thánh Luca viết: “hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. Cách diễn đạt này hàm chứa một thông điệp thần học: Chúa Giêsu phải sinh ra trong lúc đi đường, để buộc bà Maria phải đặt con mình trong một máng cỏ di động, một loại túi đựng bánh ăn. Sự kiện này kết nối với địa điểm Bêlem, Nhà bánh, cho phép chúng ta đọc ra một sứ điệp quan trọng: Hài Nhi được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria cũng giống như Tấm Bánh thơm ngon, còn tươi mới, tỏa hương thơm, sẵn sàng để được bẻ ra và được trao ban cho mọi người trong nhà.

Như vậy, Đức Giêsu chính là “Bánh hằng sống từ trời xuống” (x. Ga 6,51). Đức Giêsu, Bánh từ trời, được đặt nằm trong máng cỏ, giúp nối kết hai biến cố Giáng Sinh và Phục Sinh: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19), và “ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (x. Ga 6,51). Đây chính là tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Hiểu được sứ điệp trọng tâm này, mọi thắc mắc về các truyền thuyết, các chủ trương duy lịch sử sẽ trở nên vô nghĩa. Chúng ta sẽ không còn quan tâm đến con bò, con lừa, hang đá to hay nhỏ, chuồng bò hay chuồng lừa… Tất cả trở nên thừa thãi, chỉ còn lại điều quan trọng nhất, điều cốt yếu: Bánh hằng sống, từ trời xuống.

Tuy vậy, không nhất thiết phải bỏ đi tất cả, bỏ đi hang đá, bỏ đi những trang trí đẹp mắt cho Mùa Giáng Sinh. Hãy giữ lấy tất cả, nhưng trên hết, hãy giữ lấy đôi mắt đơn sơ, tinh tuyền. Nhưng điều quan trọng nhất là hãy có một cái nhìn đức tin, hãy nhờ những sự vật tầm thường mà vươn cao, để đạt tới Thiên Chúa.
 
Lm. Phêrô Nguyễn Quang Vinh chuyển ngữ
 
[1] Dịch từ nguyên bản Tiếng Ý: Innocenzo Gargano, I Vangeli dell’infanzia (Tin Mừng thời thơ ấu của Chúa Giêsu), Edizioni Dehoniane Bologna 2004, trang 103-114.
[2] Cha Innocenzo Gargano là Tu sĩ Dòng Camaldonese tại Rôma, hiện tại là Giáo sư khoa Thần học tín lý tại Đại Học Giáo Hoàng Urbania, Rôma, đồng thời là Giáo sư Khoa lịch sử chú giải Kinh Thánh của các Giáo phụ tại Học viện Giáo Hoàng về Kinh Thánh, Rôma (Pontificio Istituto Biblico). Ngoài ra, cha Gargano còn là Giám đốc Tạp chí Đời sống Đan tu (Vita monastica) và là Cố vấn của Ủy ban Quốc tế về các bản dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ hiện đại.
[3] Xem Lời Chúa cho mọi người, Bản dịch của Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2006, trang 1725: “[…] với tư cách là chứng nhân của mầu nhiệm Cứu Độ, tác giả không thể sai lầm, nhưng với tư cách là sử gia thì vẫn có khi sai lầm như mọi sử gia khác”.