Roma Thành Phố Vĩnh Cửu - Những di tích lịch sử quan trọng

16/06/2017
3784


Đến Roma hành hương, không thể không đến viếng bốn Đại Vương Cung Thánh Đường dưới đây. Nguồn gốc, ý nghĩa tôn giáo và lịch sử, cũng như chính phụng vụ về mỗi Đền thờ này mang lại cho các tín hữu những hiểu biết nhất định, cũng như mời gọi họ cảm tạ Chúa vì sự Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài.


Đền thờ thánh Gioan tại Laterano


Người ta gọi Đền thờ này là mẹ của tất cả các nhà thờ vì là nhà thờ Chánh tòa của giáo phận Roma, nhắc nhớ cho các tín hữu “Hồng ân bí tích Rửa tội” với tất cả ý nghĩa của ơn này, đồng thời mời gọi các tín hữu cảm tạ bằng chính cuộc sống như con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.


Đền thờ thánh Phêrô tại Vatican


Là nơi hành hương chính của các tín hữu Kitô: tại đây thánh Phêrô Tông Đồ đã lấy máu đào làm chứng cho đức tin nơi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu độ chúng ta. Đền thờ là bằng chứng sinh động về việc làm chứng tá Kitô giáo, giá trị và hồng ân vô giá của đức tin được sống thực, được rao giảng và được làm chứng.
 


Đền thờ Đức Bà Cả trên đồi Esquilino


Dâng kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Thánh đường này nhắc nhớ các tín hữu “sự hiện diện của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ” thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của tất cả chúng ta. Tình mẫu tử của Mẹ Maria, đối với chúng ta, không phải chỉ giới hạn nơi sự bảo bọc và chuyển cầu, nhưng đồng thời cũng là lời liên tục mời gọi chúng ta hãy làm tất cả những gì Chúa Con chỉ dạy; liên tục nhắc nhớ chúng ta về những sự cao cả Chúa đã làm cho chúng ta.
 


Đền thờ thánh Phaolô ngoài thành


Nơi tử đạo của thánh Tông Đồ dân ngoại, và ngày nay nổi bật về các cuộc gặp gỡ đại kết Kitô. Người hành hương về đây sẽ nhận ra bổn phận phải dấn thân truyền giáo, sống hiệp nhất với tất cả những người cùng tin nơi Chúa Kitô của mình.
 


Ngoài bốn đại Vương Cung Thánh Đường vừa giới thiệu, khách hành hương cũng nên đi thăm viếng ba tiểu Vương Cung Thánh Đường quan trọng là Đền thờ Thánh Giá Giêrusalem, Đền thờ thánh Lorenzo ngoài thành, đền thờ thánh Sebastiano.


Đền thờ Thánh Giá Giêrusalem


Vào thế kỷ thứ 4, hoàng thái hậu Helena lúc đó đã 80 tuổi muốn đi hành hương ở Giêrusalem cũng như những nơi khác trong Đất Thánh. Khi trở về Roma năm 329, bà mang theo một mảnh gỗ Thánh Giá thật mà Chúa đã chịu đóng đanh và đặt trong dinh thự của bà. Bà còn mang theo đất thánh ở đồi Canvê, những đinh và gai nhọn. Bà qua đời cùng năm 329. Tương truyền kể rằng khi khai quật, họ tìm được tấm bảng mà quan Philatô ra lệnh viết và gắn vào Thập Giá Chúa Giêsu: Giêsu Nazareth, Vua Người Do Thái. Hoàng đế Costantine theo lời yêu cầu của mình cho xây nhà nguyện bảo tồn các Thánh Tích của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu mang về từ Giêrusalem. Đền thờ này nhắc nhở các tín hữu về cuộc khổ nạn nhục nhã của Chúa Giêsu. Ngài chịu nhục hình vì tội lỗi con người và đã đổ máu mình ra để chuộc tội con người. Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá. Thánh giá nhắc nhớ tín hữu về biến cố khổ nạn, chịu chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh giá trở nên biểu tượng cho mọi tín hữu Kitô nên họ mang thánh giá với họ như những người thuộc về Chúa Kitô, họ chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.
 


Đền thờ thánh Lorenzo ngoài thành


Đền thờ gồm hai nhà thờ sửa lại thành một. Nhà thờ thứ nhất tôn kính thánh Lorenzo do Hoàng Đế Costantino xây năm 330 và ĐGH xây lại năm 578. Nhà thờ thứ hai tôn kính Đức Mẹ do ĐGH Sisto 3 xây vào thế kỷ 5 sát liền với nhà thờ thánh Lorenzo. Năm 1216, ĐGH Honorio 3 lấy cung thánh nhà thờ thánh Lorenzo và bỏ cung thánh nhà thờ kính Đức Mẹ để nối liền hai nhà thờ lại thành một. Ngài cũng cho xây tháp chuông kiểu Roma. Nhà thờ được tu sửa vào thế kỷ 15 và 16. Nhà thờ sửa mặt tiền với bức hình đá mầu và cũng như bên trong nhà thờ từ 1864-1870. Hành lang nhà thờ có 6 hàng cột kiểu Ionien chạm trổ rất đẹp và bên trong có 22 cột nham thạch kiểu Ionien chia thành ba gian dọc với những bức khảm đá màu rực rỡ.
 

Trong đó bức khảm màu về Chúa Giêsu và các thánh làm theo nghệ thuật Byzantine thuộc thế kỷ thứ 5 rất độc đáo. Đây là những phần còn lại của nhà thờ do Hoàng Đế Costantine xây và được ĐGH Pelagio 3 tu sửa lại gồm 12 cột kiểu Corinto rất đẹp chia thành 3 gian. Trong gian bên cạnh có giữ hài cốt của thánh Lorenzo, Sebastiano và Giustino. Trên cung thánh có bàn thờ của Augusto và Sansone thuộc thế kỷ 12. Ngoài ra, còn có một chân nến Phục Sinh và hai giá sách do gia đình Cosma tạc. Nền đá hoa kiểu Cosma thuộc thế kỷ 12. Nhà thờ bị hư hại hồi thế chiến 2 với những mảnh bom nhưng được tu sửa lại. Du khách có thể thăm viếng hang toại đạo thánh Lorenzo, nơi chôn cất thánh nhân sau khi ngài tử đạo.
 

Đền thờ thánh Sebastiano


Đền thờ này được xây lên trước thế kỷ thứ 5 để tôn kính hai thánh Phêrô và Phaolô vì xác của các ngài được an táng tại đây. Sebastiano là sĩ quan Roma tử đạo dưới thời hoàng đế Diocleziano và được an táng ở nghĩa trang gần đó. Đền thờ được dành để tôn kính thánh Sebastiano vào thế kỷ thứ 9. Năm 1614, ĐHY Scipione Borghese sửa sang lại với mặt tiền 6 cây cột nham thạch.
 

Du khách có thể nhìn thấy hòn đá ghi dấu chân Chúa Giêsu ở nhà nguyện 1 bên phải và tượng thánh Sebastiano bằng nham thạch rất đẹp ở nhà nguyện 2 bên trái. Từ mặt tiền đền thờ, du khách có thể thăm viếng viện bảo tàng trưng bày các di tích khảo cổ như bia mộ, các bình gốm cổ hoặc quan tài. Dưới  hầm, du khách có thể thăm viếng một phòng dùng để dọn các bữa ăn nhân dịp an táng người chết. Xác hai thánh Phêrô và Phaolô đã tạm thời an táng tại chính nơi đây.
 

Lm Inhaxiô Hồ Văn Xuân

(nguồn: theo cgvdt.vn)