Người Ki-tô Hữu Đích Thực Sẽ Tự Quy Lỗi Cho Mình Thay Vì Đổ Lỗi Cho Người Khác

07/09/2018
655
Ơn cứu độ đến từ Chúa Ki-tô chứ không phải là „nghệ thuật trang điểm“. Ơn cứu độ ấy biến đổi chúng ta thực sự. Nhưng chỉ những ai thú nhận tội lỗi mình, thay vỉ chỉ ngón tay vào người khác, người ấy mới có thể tạo ra không gian cho Chúa Giê-su. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm, 06/09/2018 vừa qua, tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Bài giảng của Đức Thánh Cha được khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày (Lc 5,1-11). Bài Tin Mừng này tường thuật cho chúng ta biết rằng, sau khi lên thuyền của ông Si-mon để giảng dậy dân chúng, Chúa Giê-su đã yêu cầu ông chèo thuyền ra xa bờ để thả lưới xuống biển. Sau đó, các ngư phủ đã thu lại được một mẻ lưới đầy cá. Cá nhiều đến độ làm cho thuyền suýt bị đắm. Đây là một sự kiện – Đức Thánh Cha giải thích – nhắc chúng ta nhớ tới „mẻ cá lạ lùng“ khác: Lúc ấy Chúa Giê-su vừa mới phục sinh, Ngài đã hiện ra với các môn đệ bên bờ hồ và đã hỏi các ông rằng, anh em có gì ăn không? Trong cả hai trường hợp, „Phê-rô đều được xức dầu“: thứ nhất là để trở thành viên ngư phủ lưới người, và sau đó trở thành mục tử. Với sứ mạng mới, Si-mon cũng được Chúa Giê-su trao cho một tên gọi mới: Phê-rô.

Chỉ những ai nhận ra mình là một tội nhân thì người ấy mới có thể bước theo Chúa Giê-su:

Khi ông Si-mon thấy được mẻ cá lạ lùng, ông đã sấp mình xuống dưới chân Chúa Giê-su và xin Ngài: „Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ có tội.“

„Đó là bước đi có tính quyết định đầu tiên của Thánh Phê-rô trên con đường trở thành môn đệ, trên con đường làm môn đệ Chúa Giê-su: Ngài đã tự quy lỗi cho mình: ´Tôi là một tội nhân`“ – Đức Thánh Cha chia sẻ. „Đó là bước đi đầu tiên của Thánh Phê-rô, và đó cũng là bước đi đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện khi chúng ta muốn bước vào con đường đời sống thiêng liêng; khi chúng ta muốn bước vào cuộc sống của Chúa Giê-su, muốn bước vào trong sự phục vụ Ngài, muốn bước đi theo Ngài. Chúng ta phải tự quy trách nhiệm cho mình: Ai không chịu nhìn nhận tội lỗi của mình, người ấy không thể bước đi trên con đường đời sống Ki-tô giáo được!“

Ơn Cứu độ của Chúa Giê-su không phài là „nghệ thuật trang điểm“:

Nhưng ở đây cũng ẩn chứa một nguy cơ. Dù tất cả chúng ta đều biết rằng mình là những tội nhân, nhưng khi nói về điều đó, thường thì chúng ta sẽ chỉ nói một cách thuộc lòng mà không hề suy nghĩ, tức không có sự nhận thức thực sự về bản thân – Đức Thánh Cha giải thích. Chỉ những ai xấu hổ một cách chân thành về những việc xấu mà mình đã làm, thì người ấy mới có thể tự quy lỗi cho mình mà thôi. Nhưng chính sự xấu hổ xuất phát từ cõi lòng ấy lại là kinh nghiệm của Thánh Phê-rô, người đã nói với Chúa Giê-su rằng, xin Ngài tránh xa con vì con là kẻ có tội.

„Ông cảm thấy mình thực sự là một tội nhân, và rồi ông cũng cảm thấy mình đã được cứu thoát“ – Đức Thánh Cha giải thích tiếp. Ơn cứu độ mà Chúa Giê-su mang đến, cần tới sự nhận thức rõ như thế về chính mình, vì nó có khả năng biến đổi thực sự, chứ không phải chỉ biến đổi khuôn mặt chúng ta một chút, không phải chỉ đơn giản là với „hai đường bút lông“. Chỉ với sự thú nhận tội lỗi của mình cách chân thành thì chúng ta mới có thể tạo không gian cho việc sống phép lạ của Thánh Phê-rô – Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Chống lại cơn cám dỗ muốn nói xấu người khác:

Bước đi đầu tiên của sự hoán cải chính là việc cảm thấy xấu hổ và tự quy lỗi cho mình – và sau đó cảm thấy sửng sốt về việc mình được cứu độ. Và điều đó có nghĩa là người ta phải chống lại cơn cám dỗ xúi người ta nói xấu người khác – Đức Thánh Cha cảnh báo.

„Có nhiều người chẳng biết làm điều gì tốt hơn ngoài việc nói xấu người khác; họ luôn luôn chỉ ngón tay về người khác thay vì xem lại bản thân mình – và nếu sau đó họ đi vào Tòa Giải Tội, thì họ sẽ hót lên chẳng khác gì một con vẹt: ´Két, két, két…. Con đã làm cái này và cái kia…` Nhưng điều mà bạn đã thực hiện có đụng chạm gì tới con tim của bạn không? Không. Bạn vào Tòa Giải Tội để ´thực hiện một chút thẩm mỹ`, trang điểm lại một chút, để khi đi ra đường, trông bạn có vẻ đẹp hơn. Nhưng con tim của bạn thì không ở đây, vì bạn không có khả năng thú nhận những lỗi lầm của mình.“

Ơn cảm thấy mình là một tội nhân:

Để kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha đã mời gọi các thính giả của Ngài hãy thực hiện một cuộc kiểm thảo lương tâm trong mối liên hệ đến những điều mà Ngài vừa trình bày trên kia: „Vậy nhờ đâu người ta biết được rằng, một người, hay một Ki-tô hữu không biết được cách thức người ta nên tự quy lỗi cho mình thế nào? Thưa, khi người ấy làm quen với việc chỉ ngón tay về người khác để nói xấu họ, và chĩa mũi vào cuộc sống người khác. Điều đó luôn luôn là một dấu chỉ xấu. Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ơn biết bước ra trước mặt Ngài với sự ngỡ ngàng mà sự hiện diện của Ngài tạo ra. Chúng ta hãy xin Ngài ban cho ơn cảm thấy mình là những tội nhân, và có thể cùng với Thánh Phê-rô nói lên rằng: ´Xin tránh xa con vì con là kẻ có tội!´“.

(theo vaticannews.va – 06.09.2018, 09:29)

Đa-minh Thiệu