Năm Thánh Các Thánh Tử Đạo VN : Chút cảm nhận từ con số 30.

31/07/2018
3152
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã xin Tòa Thánh cho mở Năm Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19-6-2018 nhân kỷ niệm 30 năm ngày 117 vị tử đạo tại Việt Nam được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nâng lên hàng hiển thánh ngày 19-6-1988. Các dịp mốc kỷ niệm lớn thường là 25 năm, 50 năm hay 100 năm. Vậy con số 30 năm, một con số hơi khác thường của một dịp kỷ niệm rất quan trọng của một Giáo Hội địa phương và được nâng lên hàng Năm Thánh thì chắc hẳn có nguyên do chính đáng và cấp thiết nào đó. Chắc hẳn HĐGMVN nhận thức rằng thời điểm này, giai đoạn này và trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, đoàn cháu con Công Giáo Việt Nam phải nỗ lực sống tinh thần chứng nhân đức tin cách triệt đễ hơn (nguyên nghĩa của hạn từ “tử đạo” là “làm chứng nhân”). Dù không thể tránh khỏi nhiều bất cập và sai sót nhưng cũng xin mạo muội chia sẻ một vài cảm nhận cá nhân khởi đi từ con số 30 năm không mấy bình thường này qua những câu hỏi từ dễ đến khó như sau:

1. Ai là những người có khả năng trực tiếp gây ra sự tử đạo cho 117 vị được tuyên hiển thánh ở trên? Và còn rất nhiều vị chưa được tuyên phong trong số gần 130 ngàn vị bị bách hại cho đến chết. Dễ dàng trả lời đó là các vua quan Việt Nam chúng ta. Theo sử sách thì 117 vị Thánh Tử Đạo tại Việt Nam đã bị giết trong những đời vua chúa sau đây: 2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767). 2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782). 2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802). 58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841). 3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847). 50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847-1883).

Vậy ai là những người có khả năng “bắt” Kitô hữu Công Giáo Việt Nam hôm nay phải sống chứng nhân đức tin cách triệt đễ nghĩa là “tử đạo”? Cũng dễ dàng trả lời đó là những người có quyền hành ngoài xã hội, có súng ống, đạn dược cách hợp pháp trong tay, có tòa án, có nhà tù…

2. Thử hỏi đâu là nguyên cớ gây ra sự bách hại và dẫn đến sự tử đạo của các chứng nhân đức tin? Có thể do một vài ngộ nhận về kiểu cách thảo hiếu và tôn kính tổ tiên ông bà của người Công Giáo mà vua quan và nhiều anh em lương dân cho rằng theo đạo Tây là “bỏ ông bỏ bà”. Cũng có thể do tâm lý bài ngoại cách quá khích của một số vua quan cộng thêm sự gièm pha nghi ngờ người Công Giáo tiếp tay cho giặc ngoại xâm, cách riêng từ thời “Văn Thân” trở về sau. Những lý do này tuy có ảnh hưởng nhưng chúng không phải là chủ yếu và chỉ trong một vài trường hợp đặc thù. Từ thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767) đến hết triều đại vua Thiệu Tri (1841-1847) thì nước Pháp chưa xâm lăng nước Việt chúng ta. Năm 1858 quân Pháp mới đổ bộ vào Đà Nẵng và số thánh Tử Đạo Việt Nam sau cái mốc thời gian ấy là 37 vị, còn trước đó là 80 vị. Thánh Phanxicô Trần Văn Trung đã từng khẳng khái rằng: “Tâu Bệ hạ, đi dánh giặc Tây thì hạ thần đánh hết mình, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ”. Cha thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu cũng đã rõ ràng về đạo thảo hiếu: Tâu Bệ hạ, hạ thần tôn kính cha hạ thần như “hạ phụ”. Hạ thần tôn kính đức vua như “trung phụ”, nhưng hạ thần phải thờ kính Thiên Chúa như “thượng phụ”. Như thế còn có một lý do sâu xa khiến sự bách hại xảy ra mà nhiều thức giả hiện nay đã nhìn nhận, đó là vì người Công Giáo tin nhận chân lý nền tảng là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mà thôi, là Đấng dựng nên vũ trụ đất trời và Chúa Giêsu Kitô là Con Một của Người đã xuống thế làm người loan báo Tin Mừng cứu độ. Họ quyết sống theo lời dạy của Chúa Giêsu và lối sống của họ, đặc biệt quy chế một vợ một chồng, không thể ly dị đã gây ra sự gai chướng cho những người giàu có, quyền cao chức lớn vốn chưa hẳn dừng lại mức “năm thê, bảy thiếp”.

Thiết tưởng rằng những lý cớ của một thời xa xưa đã gây ra cảnh bách hại người Công Giáo nay như đã không còn. Xã hội Việt Nam hôm nay đã chính thức thừa nhận chế độ nhất phu nhất phụ và nó đã được luật hóa cách minh nhiên. Bà con lương dân, anh chị em khác đạo cũng không còn ngộ nhận là người Công Giáo thì “bỏ cha bỏ mẹ”. Nhiều nhà trí thức và cả giới chức cầm quyền hầu chắc hiểu rõ đạo thảo hiếu của Công Giáo có tính triệt đễ như thế nào. Chuyện tôn thờ một Thiên Chúa trên hết mọi sự thì không ai cấm cản, trái lại đã được luật pháp bảo hộ cách công khai. Việc xây dựng cơ sở tôn giáo ư? Hiện nay xem ra khá dễ dàng. Muốn tổ chức lễ lạc hoành tráng ư? Không khó. Mà nhiều khi còn được tạo điều kiện thuận lợi để thiên hạ trên thế giới ngưỡng mộ “sự tự do tôn giáo” của nước Việt. Duy chỉ một điều mà nhiều vị lãnh đạo xã hội không hề muốn đó là đừng xen vào chuyện chính trị và xã hội mà thôi dẫu cho có đó nhiều khuất tất, sai trái thậm chí bất công đang tồn tại mặt này hay lãnh vực kia. Thế mà Kitô hữu chúng ta không chỉ được mời gọi mà còn bị đòi hỏi phải làm chứng cho chân lý, phải bảo vệ công lý nếu muốn sống xứng là môn đệ của Chúa Kitô.

Sự thật thì dễ mất lòng và hầu chắc dễ mất nhiều quyền lợi chính đáng và có thể mất cả mạng sống khi mà sự thật ấy lại đụng chạm đến người quyền cao chức trọng. Bảo vệ công lý thì sự thường phải chấp nhận nhiều thương đau. Vì Danh Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự sống, chúng ta sẽ bị nhiều người ghen ghét và bị bách hại. Khi xin Tòa Thánh mở Năm Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhân cái dịp không mấy bình thường là 30 năm thì tôi thiển nghĩ HĐGMVN xác tín rằng thời điểm này và trong hoàn cảnh xã hội hiện nay Kitô hữu Công Giáo Việt Nam chúng ta cần hiên ngang sống chứng nhân cho Tin Mừng cứu độ, cách riêng bằng việc loan truyền chân lý và bảo vệ công lý.

Chúa Giêsu đã từng căn dặn rằng trong hoàn cảnh bị bách hại thì phải biết sống khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu (x.Mt 10,16). Ân sủng của Chúa không loại trừ những nỗ lực tự nhiên của loài người. Xin đừng quên thứ tự trong lời dạy của Chúa Giêsu. Trước hết là hãy nỗ lực hành xứ cách khôn ngoan rồi sau đó hãy phó thác cho quyên năng và ân sủng của Thiên Chúa chứ không phải ngược lại. Vì chưng đã từng có đó nhiều người khi gặp cảnh khó thì chỉ biết khoanh tay phó thác cho Thiên Chúa cách thụ động.

Để có thể can đảm và hiên ngang loan truyền chân lý và bảo vệ công lý thì phần phía cách khôn ngoan của chúng ta đó là hãy giữ đức công bình và sống tình liên đới thiết thân với anh chị em đang bị đàn áp cách bất công. Hiện thực cho thấy khi chính chúng ta hay người thân ruột thịt chúng ta đang kinh doanh cách thiếu công minh thì chúng ta khó mà mở miệng nói lời sự thật vì há miệng sẽ mắc quai. Qua thông tin thì chúng ta phải chân nhận một thực tiển trong xã hội hiện nay đó là để sản xuất kinh doanh có lãi và bước vào hàng có máu mặt thì chuyện móc ngoặc, lót tay hay chuyện luồn lách luật lệ là chuyện bình thường như cơm bữa. Và nếu chúng ta không thật sự xem người nghèo hèn, kẻ bị áp bức là anh chị em ruột thịt của mình cách nào đó thì hầu chắc cũng sẽ không có chuyện can đảm bảo vệ công lý.

Mong sao Năm Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã mở ra và đừng khép lại với một vài lễ hội long trọng bên ngoài hay những cuộc hành hương để tín hữu tìm kiếm ơn toàn xá cách vụ lợi, mặc dù vẫn có đó nhiều tâm tình đạo đức. Đức tin không hệ tại ở những tâm tình đạo đức chóng qua mà phải được dệt xây trên một sự trưởng thành của ý thức và tinh thần trách nhiệm. 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột