Đại kết gặp gỡ tại Genève

20/06/2018
723
Ký giả Christopher White của Tạp Chí Crux cho rằng nếu Wittenberg, Đức, là nơi Phong Trào Thệ Phản khởi đầu năm 1517, thì Genève, Thụy Sĩ, là nơi Phong Trào này đâm rễ. Vì gần 20 năm sau khi Martin Luther đóng đinh chín mươi lăm luận đề của ông trên các cửa nhà thờ, liệt kê các phản bác thần học của ông đối với Công Giáo Rôma, nhà cải cách Pháp John Calvin đã được chào đón tại Genève như là nhà lãnh đạo tinh thần của thị quốc lúc ấy.
 
Bây giờ - gần 500 năm sau - vào thứ Năm tuần này, người đứng đầu một thị quốc tôn giáo khác, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ đến Genève để cử hành viễn ảnh hiệp nhất Kitô giáo.

Trong dịp đánh dấu chuyến tông du lần thứ 23 của ngài ở bên ngoài nước Ý kể từ khi trở thành giáo hoàng, Đức Phanxicô sẽ thực hiện một chuyến đi một ngày đến nơi chốn được coi là thủ đô ngoại giao thế giới để tham gia một thứ ngoại giao tâm linh, khi ngài đánh dấu lễ kỷ niệm lần thứ 70 của Hội đồng các Giáo hội Thế giới.

Được mệnh danh là “cuộc hành hương đại kết”, Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm nước này - mặc dù các chuyến đi trước đó đã diễn ra trong vài ngày. Tuy nhiên, đối với Đức Phanxicô, ý định duy nhất xem ra là để thúc đẩy các nỗ lực đại kết đang diễn ra giữa các cộng đồng Kitô hữu khác nhau. Nếu năm năm qua trong triều giáo hoàng của ngài đã được dành cho chủ đề xây dựng một "văn hóa gặp gỡ", thì xem ra là chuyện công bằng khi tóm lược chuyến thăm đặc biệt đến Genève này như là một "cuộc gặp gỡ giữa các giáo hội".

Một cuộc gặp gỡ của các giáo hội

Đức Phanxicô sẽ rời Rôma lúc 8 giờ 30 sáng thứ Năm, trong chuyến bay quốc tế ngắn nhất của ngài xưa nay, hạ cánh xuống Genève lúc 10:10 sáng giờ địa phương.

Sau một cuộc họp riêng với tổng thống liên bang Thụy Sĩ, Alain Berset, điểm dừng chân đầu tiên của ngài sẽ là Hội đồng Thế giới các Giáo hội (WCC), nơi ngài sẽ giảng một bài giảng tại một buổi cầu nguyện đại kết.

Được thành lập năm 1948, Hội đồng Thế giới các Giáo hội bắt đầu như một nỗ lực tập hợp các giáo hội Kitô giáo khác nhau trong việc tìm kiếm sự hợp nhất Kitô giáo lớn hơn để "tìm kiếm sự hợp nhất hữu hình trong một đức tin và một hiệp thông Thánh Thể".

Trong khi cuộc tập hợp đầu tiên diễn ra tại Amsterdam vào tháng 8 năm 1948 để củng cố một số nỗ lực đại kết đang diễn ra sau Thế chiến I và bị gián đoạn bởi sự hỗn loạn của Thế chiến II, Hội đồng Thế giới các Giáo hội đã tìm trụ sở cố định của mình tại Genève, cũng là trụ sở của văn phòng lớn thứ hai của Liên hiệp quốc.

Lúc thành lập, Hội đồng Thế giới các Giáo hội bao gồm thành viên của 147 giáo hội chủ yếu từ châu Âu và Bắc Mỹ. Ngày nay, thành viên của nó đã tăng gần gấp đôi bao gồm 348 Giáo hội thành viên từ hơn 110 quốc gia trên sáu châu lục, đại diện cho 560 triệu Kitô hữu.

Dù Giáo Hội Công Giáo Rôma về mặt lý thuyết có thể tham gia, nhưng nó chưa bao giờ tham gia trong tư cách thành viên chính thức – phần lớn là vì về một số khía cạnh, nó sẽ trở thành một thứ “con voi trong phòng”, với con số đáng nể 1.4 tỷ Kitô hữu trên toàn thế giới.

Mặc dù vậy, Giáo Hội Công Giáo đã tham gia một số sáng kiến với Hội đồng Thế giới các Giáo hội, bao gồm việc có đại diện thường trực trong Ủy ban Đức tin và Kỷ luật của nó. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Crux, Cha Andrzej Choromanski, một viên chức của Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo và là một thành viên của Hội Đồng này, nói rằng “thông điệp căn bản [của chuyến đi này] là để nói rằng Giáo Hội Công Giáo thừa nhận sự đóng góp to lớn của Hội đồng Thế giới các Giáo hội vào sự phát triển của phong trào đại kết hiện đại”.

Cha Choromanski cho rằng sự hợp tác không chỉ đơn thuần có tính thần học và giáo lý, mà còn thực tế nữa.

Trong các nỗ lực nối vòng tay lớn đại kết gần đây, Đức Phanxicô đã sử dụng những dịp như vậy để công bố những tuyên bố hoặc sáng kiến chung, chẳng hạn như tuyên bố chung tháng 9 năm 2017 với Thượng Phụ Bartholomew về Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Sáng Thế và tuyên bố chung tháng 10 năm 2016 của ngài với người Luthêrô để đánh dấu lễ kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách.

Marcelo Figueroa, nhà thần học Thệ Phản người Argentina được Đức Phanxicô, năm 2016, chọn để trở thành chủ bút ấn bản Argentina của L’Osservatore Romano, tờ báo của Vatican, nói rằng trong khi vẫn còn chờ để thấy các sáng kiến cụ thể nào sẽ phát xuất từ cuộc gặp gỡ hôm thứ Năm, đã có một số lĩnh vực mà chúng tôi mong được sự chú ý chuyên biệt của Đức Giáo Hoàng, như di dân, người nghèo và sinh thái toàn diện.

Figueroa nói với Crux: "Chúng ta có thể mong đợi những đường hướng này không chỉ là các văn kiện viết sẵn, mà còn mở ra những con đường mới, không chỉ thần học, mà đối với tôi, những con đường và cách thế cởi mở để chúng ta có thể cùng nhau làm việc cho các giải pháp hữu hiệu khắp trên thế giới".

Các cuộc gặp gỡ bản thân nhằm hành động định chế

Sau buổi cầu nguyện buổi sáng, Đức Phanxicô sẽ ăn trưa tại Viện Đại Kết ở Bossey với giới lãnh đạo của Hội đồng Thế giới các Giáo hội. Nằm ngay bên ngoài Genève trong một lâu đài thế kỷ 18, Viện được thành lập để trở thành nơi hòa giải nhằm giúp tạo điều kiện hòa bình sau sự tàn phá của Thế chiến II.

Trong khi Đức Phanxicô thường lợi dụng việc chia sẻ bữa ăn với các thành phần xã hội bị cho ra rìa, người ốm, nạn nhân buôn người, hoặc tù nhân, sẽ không có dịp như vậy trong chuyến viếng thăm này, có thể là dấu hiệu cho thấy ngài trân qúi dịp này xiết bao để thực sự bẻ bánh và chia sẻ bữa ăn với các đối tác đại kết của mình.

Sau bữa ăn trưa, Đức Phanxicô sẽ một lần nữa ngỏ lời với Hội đồng Thế giới các Giáo hội trong một bài diễn văn chính thức hơn - một dịp để ngài phác họa viễn kiến rộng lớn của ngài về sự hợp nhất Kitô giáo.

Tương tự như chuyến tông du của ngài tới Lund, Thụy Điển, năm 2016, các nhận xét của Đức Giáo Hoàng sẽ tập trung vào tương lai hơn là quá khứ và sẽ phản ảnh một ý niệm về phong trào đại kết được thúc đẩy đầu tiên và quan trọng nhất bởi các mối tương quan hơn là các định chế.

Theo Odair Mateus, giám đốc của Ủy ban Đức tin và Kỷ luật của Hội đồng Thế giới các Giáo hội, ngày Đức Phanxicô hiện diện tại Genève sẽ là dấu chỉ một điển hình cho thấy "một phong trào đại kết sống".

Mateus nói với Crux: “Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đại kết sống là một cuộc gặp gỡ trong sự hợp tác lẫn nhau, nhấn mạnh đến tầm quan trọng được hiện diện bên nhau”.

Theo Figueroa, một sự nhấn mạnh như vậy về tính bản vị, phần lớn là do bối cảnh Argentina của Đức Phanxicô.

Figueroa nói với Crux: “Chúng ta phải hiểu Đức Giáo Hoàng Phanxicô theo cách ngài xuất thân từ Buenos Aires, Argentina, châu Mỹ Latinh. Đây là một thành phố trong một quốc gia ở một lục địa vốn sống phong trào đại kết với mọi anh chị em của các truyền thống khác”.

“Ngài đã sống điều đó. Ngài đã tiếp nhận được ở Buenos Aires nền đại kết văn hóa và tôn giáo này như một phần của đời sống ngài. Nó rất tự nhiên. Tôi cảm thấy điều ấy khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần đầu tiên nói về việc ngài được bầu làm giáo hoàng từ tận cùng trái đất. Ngài luôn nhìn thế giới từ viễn ảnh bản thân của ngài”.

Đạo Công Giáo theo Vatican II chiếm tâm điểm

Trước khi kết thúc mười giờ trên mặt đất, Đức Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ cho người Công Giáo Thụy Sĩ - Thánh lễ giáo hoàng đầu tiên được tổ chức tại nước này kể từ chuyến viếng thăm vào năm 2004 của Đức Gioan Phaolô II.

Genève là thành phố đông dân thứ hai ở Thụy Sĩ, nơi có khoảng 3 triệu người Công Giáo tất cả, chiếm gần 40% dân số. Gần 70,000 người tham dự thánh lễ giáo hoàng năm 2004, và các nhà tổ chức đã nói rằng địa điểm của Thánh lễ tại trung tâm hội nghị Palexpo lần này sẽ có thể tiếp thu nhiều người hơn nữa.

Trong Thánh lễ cử hành cho người Công Giáo Thụy Sĩ, Đức Phanxicô sẽ có sự tham gia của Đức Giám Mục Charles Morerod của giáo phận Lausanne, Genève và Fribourg - người tạo lịch sử riêng, rất tích cực trong lĩnh vực đối thoại.

Trước khi được bổ nhiệm làm giám mục, Đức Cha Morerod, một tu sĩ Đa Minh, làm viện trưởng tại Đại Học Angelicum và, đáng chú ý là kể từ năm 2009, ngài đã là một thành viên của một nhóm Vatican nhằm hòa giải với Hội Thánh Piô X, là huynh đoàn duy truyền thống Công Giáo ly khai, thành lập năm 1970, sau khi bác bỏ các đề xuất Công đồng Vatican thứ hai.

Các thực tại của Vatican II sẽ sống động và sống tốt vào ngày thứ Năm, được dùng như bước ngoặt lớn trong đó Giáo Hội Công Giáo tự định hướng lại từ việc đứng ngoài các hình thức khác của hiệp thông Kitô giáo chuyển qua việc tìm kiếm một sự tôn trọng lẫn nhau và đối thoại.

Mateus nói với Crux: “Ngày ngài sống tại Genève sẽ tập trung rất nhiều vào việc duy trì sự hợp tác liên tục này”.

"Nó sẽ có tính rất giáo hội vì nó sẽ là một cuộc gặp gỡ với các giáo hội khác không hiệp thông với Rôma, nhưng trong đó, Rôma là người đối thoại, do đó, bầu không khí sẽ là bầu khí tạ ơn, cử hành, và khát vọng ngày càng tăng một sự hợp tác liên tục giữa Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội khác”.

Một "Mùa xuân mới" cho việc hợp nhất Kitô Giáo

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí dòng Tên La Civiltà Cattolica, tổng thư ký của Hội đồng Thế giới các Giáo hội, Tiến sĩ Olav Fykse Tveit, mô tả tình trạng hiện tại của các mối liên hệ đại kết như một "mùa xuân mới" dưới thời Đức Phanxicô.

Tuy nhiên, mặc dù hy vọng mọi thứ sẽ đến, Tveit thừa nhận những căng thẳng nội bộ trong Hội đồng Thế giới các Giáo hội; ông lưu ý rằng trong khi có sự thống nhất trong Hội đồng Thế giới các Giáo hội cùng nhau chống lại các vấn đề như nghèo đói, và biến đổi khí hậu, vẫn còn căng thẳng nghiêm trọng giữa các giáo hội thành viên về các vấn đề đau đầu khác, như vấn đề tính dục con người chẳng hạn.

Ông cho rằng: mặc dù vậy, có nhiều điều hợp nhất các cộng đồng Kitô hữu hơn là nguyên nhân đổ vỡ.

Đức Hồng Y Donald Wuerl của Washington, người phục vụ với tư cách thành viên của Hội đồng Giáo hoàng cổ vũ Hợp nhất Kitô Giáo, cũng lặp lại những cảm quan tương tự trước cuộc hành hương đại kết tuần này của Đức Phanxicô tới Genève.

Ngài nói với Crux: “Tôi đã nói đi nói lại, và Đức Thánh Cha của chúng ta cũng nói điều này theo hướng chịu trách nhiệm về nó; ngài nói rằng Kitô hữu chúng ta có nhiều điều kết hợp chúng ta, khi chúng ta nhìn thế giới thế tục, hơn là chia rẽ chúng ta, và chúng ta phải luôn ý thức được điều đó”.

Đức Hồng Y Wuerl nói "Tôi nghĩ chuyến đi của Đức Thánh Cha tới Genève chỉ đơn giản nhấn mạnh điều đó. Ngài là vị Giáo hoàng của Công đồng Vatican II và ở đây, sau nhiều năm tháng đó, kỷ niệm Hội đồng Thế giới các Giáo hội tại trụ sở của họ với câu nói ‘chúng tôi rất vui khi được chào đón anh em như một dấu chỉ các nỗ lực chung của chúng ta".

Đức Phanxicô sẽ lên đường trở lại Rôma từ Genève lúc 8 giờ tối thứ Năm, và sẽ tổ chức cuộc họp báo thường thấy trên máy bay của ngài, trong đó, ngài có khả năng xử lý một số câu hỏi gai góc về phong trào đại kết - như chịu lễ liên phái dành cho người Thệ Phản hoặc vai trò của phụ nữ trong Giáo hội – thế nhưng, như Cha Choromanski đã nói với Crux, các câu hỏi này không nên làm lu mờ chủ đề chính của chuyến đi, đó là "cùng bước và cầu nguyện với nhau".

Theo Cha Choromanski, thay vì bị coi như rào cản đối với “nền đại kết năng động, chúng ta phải cùng nhau tiếp nhận các thách thức này”.

Tuy nhiên, cùng với việc cam kết làm việc cùng nhau ấy, Đức Hồng Y Wuerl cũng nhân dịp này lưu ý rằng giữa lúc cử hành việc kỷ niệm này, nhiệm vụ của việc hợp nhất Kitô giáo là một cuộc hành trình và Genève chỉ nên được xem như một cột mốc đáng khích lệ cho thấy những điều hứa hẹn ở phía trước chứ không phải là mức kết thúc.

Đức Hồng Y Wuerl cho rằng "Tình trạng đại kết trong các mối liên hệ của các giáo hội rất tốt. Nhưng tôi sợ chúng ta có thể coi điều đó như đương nhiên, chúng ta đã ở đó lâu rồi, và chúng ta đã đạt được một tiến bộ như vậy, chúng ta dám coi đây là chuyện đương nhiên nên nghĩ rằng 'chúng ta có thể lưu ý đến những vấn đề khác'”.

Ngài nhấn mạnh "Nhưng không, không được làm thế. Chuyến đi Genève nhắc nhở chúng ta rằng điều này vẫn còn phải là một vấn đề ưu tiên hàng đầu".

Vũ Văn An

(Nguồn: Vietcatholic.net)