Bài Giảng Trong Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

24/11/2018
1285




THÁNH LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
 
KẾT THÚC NĂM THÁNH TÔN VINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, 24-11-2018.

 



Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh, quý ông bà và anh chị em,



Chúng ta đang sống trong ngày cuối cùng của Năm Thánh Tôn Vinh các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 30 năm, ngày tuyên phong 117 vị Tử Đạo lên hàng Hiển Thánh. Theo tài liệu lịch sử về Giáo hội Việt Nam, thì trong suốt 261 năm bị bách hại, người Công Giáo Việt Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu gian nan thử thách: bắt bớ, giam cầm, tra tấn, thảm sát và phân sáp.Với 6 triều vua cùng 53 sắc dụ cấm đạo đã cướp đi mạng sống của trên 130 ngàn người Công Giáo. Họ đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ niềm tin của mình (x. Lm Trần Anh Dũng, GHCGVN, 117 Hiển Thánh Tử Đạo, trang 30).

 Nếu cứ theo cách nghĩ của người đời, đây là thời kỳ tang thương nhất của Giáo Hội Việt Nam. Nhưng thật là lạ lùng, các bài đọc trong Thánh lễ mừng các Thánh Tử Đạo hôm nay lại chỉ toàn nói đến niềm vui. Đặc biệt là lời đáp trong Thánh Vịnh hôm nay: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan”.

Vậy tại sao Giáo hội cử hành Thánh Lễ này cách vui mừng như thế?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải tìm hiểu lý do các ngài phải chịu án tử hình:

- Phải chăng vì Đạo Công Giáo theo thực dân Pháp? Không, Đạo Công Giáo được rao giảng ở Việt Nam trước khi thực dân Pháp đến Việt Nam, khoảng 324 năm (1533-1857).

- Phải chăng vì các vị Tử Đạo đã chống lại Vua quan và quê hương? Không, các ngài nói riêng và các tín hữu Việt Nam nói chung, đã coi nhà cầm quyền như một người cha, mọi người là con trong đại gia đình dân tộc. Chẳng hạn, Cha Thánh Phêrô Nguyễn văn Tự (tử đạo ngày 05-9-1838) đã đối đáp với quan tòa như sau: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được” (x. HĐGMVN - Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - 2018, trang 14).

- Phải chăng vì các Thánh Tử Đạo Việt Nam sống mất lòng, gây hận thù với lương dân sống chung quanh? Hoàn toàn không phải vậy! Tương quan giữa người lương dân và người công giáo thời đó là tương quan yêu thương. Xin đan cử một vài ví dụ:

 + Vụ án Cha Thánh Gioan Đạt: Viên cai ngục nói với Cha Thánh: “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử hình rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quý cụ” (sđd trang 12).

 + Trường hợp Cha Thánh Luca Vũ Bá Loan: Trước khi chặt đầu Cha Thánh, viên lý hình đã nói như sau: “Vì vua truyền cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho. Cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời cụ nhớ đến cháu nhé” (sđd tr.12).

--- Vậy tại sao các ngài đã phải chịu chết? Thưa, chỉ vì các ngài tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, là Đấng Cứu Độ nhân loại, Đấng đã tự hiến mình qua việc vâng lời Chúa Cha và yêu thương con người, Đấng đã tự nguyện làm người, chia sẻ kiếp người mong manh, đầy giới hạn, chia sẻ cả cái chết của con người để sống lại và làm cho mọi người được sống lại với Ngài.

Như thế, đến đây chúng ta đã có thể trả lời câu hỏi tại sao Giáo hội cử hành Lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam cách vui mừng. Sau đây là những lý do chính:

- Lý do 1: Chính các Thánh Tử Đạo cảm thấy vui mừng vì được chịu khổ, chịu chết vì Chúa. Giáo Hội cử hành Thánh Lễ này với niềm vui là để chia sẻ niềm vui của các ngài: Nếu như trong thời Giáo Hội sơ khai, Sách Công vụ Tông Đồ thuật lại rằng, mặc dù bị đánh đập, hành hạ, nhưng khi các Tông đồ ra khỏi hội đường của người Do thái thì “lòng đầy hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu Kitô”, thì các thánh TĐVN cũng đã cảm thấy hãnh diện vì được chịu khổ nhục vì đạo Chúa. Không những thế, các ngài còn đón nhận những hình khổ cũng như cái chết một cách vui mừng, mà không một chút nao núng, như trường hợp của Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc: “Đông qua tiết lại thời xuân tới. Khổ tạm mai sau hưởng phúc an. Làm kẻ anh hùng chi quản khó. Nguyện xin cùng gặp chốn thanh nhàn”, hoặc như Thánh Gioan Baotixita Trần Ngọc Cỏn (tử đạo ngày 08-11-1835), khi thấy người anh em sụt sùi nước mắt lúc ngài ra pháp trường, ngài nói: “Sao anh lại khóc, lẽ ra phải mừng cho tôi chứ” (HĐGMVN, Hạnh các Thánh Tử Đạo VN - 2018, trang 38).

 - Lý do 2: Giáo hội vui mừng vì có nhiều thành viên của Giáo hội đã đạt được cùng đích của đời người là được sống hạnh muôn đời bên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Ai liều mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” hay “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ta sẽ không chết muôn đời” Thánh Phaolô cũng đã nói: “Nếu ta cùng chết với Chúa Kitô sẽ được cùng sống lại với Ngài”. Các Thánh Tử đạo VN đã hi sinh mạng sống mình để tuyên xưng niềm tin vào Chúa thì chắc chắn các ngài cũng đã được sống muôn đời.

- Lý do 3: Người Công Giáo Việt Nam vui mừng vì mình đã lựa chọn đúng khi tin vào Chúa Giêsu và sống theo Lời Chúa dạy. Sống theo lựa chọn này chắc chắn sẽ không uổng công. Các Thánh Tử Đạo đã dùng chính mạng sống mình để minh chứng tin vào Chúa Giêsu là đúng nhất.

- Lý do 4: Giáo hội vui mừng vì các thánh Tử Đạo đã thắp sáng niềm hi vọng được sống lại và sống mãi mãi. Chúng ta hãy cùng nghe lại lời phát biểu của các Thánh Tử Đạo trước khi chịu chết:

 + Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm (tử đạo ngày 13-01-1859): “Cha con chúng tôi hôm nay vào Nước Thiên Đàng đây!” (sđd, trang 38).

 + Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, cùng quê Thanh Hóa với chúng ta, chúng ta đang ở tại nơi ngài sinh ra đây, ngài đã nói: “Thân xác tôi đây, các ông muốn làm gì thì làm, tôi sẵn sàng không oán thán, nó chết đi nhưng mai ngày sẽ sống lại vinh quang” (Sđd, trang 29).

Với niềm vui này, Giáo hội dâng lời tạ ơn Chúa và khuyến khích con cái mình là chúng ta, tiếp tục tiếp nối bước chân của cha ông mình, sống đức tin và làm chứng đức tin qua đời sống thường ngày để chính mình được hạnh phúc và dẫn nhiều người đến hạnh phúc đích thật.

Vậy, chúng ta phải sống đức tin của mình như thế nào trong thế giới hôm nay? Có hai định hướng sau đây:

1. HĐGMVN, qua Thư Chung công bố Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2018, đã đưa ra định hướng như sau:

- Các gia đình Công giáo hãy “từ bỏ những ham muốn bất chính và tính toán ích kỷ, để làm chứng rằng Tin Mừng về hôn nhân Công giáo là nẻo đường hạnh phúc”. “Trong một gia đình mà người chồng biết quên mình đi để nghĩ đến vợ và các con, người mẹ quên mình đi để nghĩ đến chồng và các con, các con quên mình đi để nghĩ đến cha mẹ và anh chị em, gia đình đó là Thiên đàng” (ĐGH Piô XII).

- Các tu sĩ nam nữ hãy: “từ bỏ những ham muốn tự nhiên để sống trọn vẹn theo các lời khuyên Phúc Âm, làm chứng cho Nước Trời là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá”;

- Các linh mục hãy “trung thành với lời thề hứa khi chịu chức linh mục, tận tụy thi hành bổn phận đã được trao phó trong khiêm tốn và cậy trông, làm chứng cho Chúa Kitô là mục tử nhân lành hiến mạng sống cho đoàn chiên”.

2. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Bài Giảng Lễ Phong Hiển Thánh cho 117 vị Tử Đạo VN năm 1988, đã định hướng như sau:

“Với anh chị em, các Kitô hữu Việt Nam, máu các Tử Đạo là suối nguồn ân sủng để thăng tiến trong Đức Tin. Nơi anh chị em, Đức Tin của cha ông chúng ta vẫn tiếp tục thông truyền đến các thế hệ mới. Đức Tin này vẫn là nền tảng của sự kiên trì nơi tất cả những ai coi mình thực sự là người Việt Nam, trung thành với quê hương, đồng thời mong muốn tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô. Tất cả các Kitô hữu đều biết rằng Tin Mừng kêu gọi phải tuân phục các thể chế loài người vì tình yêu đối với Thiên Chúa, làm điều thiện, cư xử như những tự do, tôn trọng mọi người, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng nhà cầm quyền và các tổ chức công cộng (x. 1Pr 2,13-17). Do đó, việc tìm kiếm công ích của đất nước là một bổn phận chân thành đối với người công dân là Kitô hữu, trong sự tự do loan báo chân lý của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với các mục tử và anh em trong đức tin, trong ước mong được sống hòa bình với mọi người khác để thành tâm xây dựng phúc lợi cho mọi người” (HĐGMVN – Hạnh các Thánh Tử Đạo VN, 2018 - trang 326)

Chúng ta hãy tiếp tục hướng về các Thánh Tử Đạo để xin các ngài cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta như trong suốt Năm Thánh qua. Chúng ta hãy cố gắng sống theo định hướng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và của Thánh Giáo Hoàng Phaolô II, để sau này, đến lượt con cháu chúng ta nhìn vào đời sống của chúng ta, chúng có thể hãnh diện và xác tín rằng tin vào Đức Kitô là đúng.

            + ĐC. Giuse Nguyễn Đức Cường
             Giám mục Giáo phận Thanh Hóa