Bài giảng Thánh Lễ Kính Trọng Thể Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại La Vang 2018

16/08/2018
938


Anh chị em thân mến,

Trong bài hát mang tên “lòng mẹ”, nhạc Y Vân đã diễn tả nỗi lòng nhung nhớ của những người con xa mẹ như sau:

“Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.

Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu.

Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.

Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu
”.

Anh chị em thân mến, lời hát đó thật phù hợp với chúng ta trong cuộc hành hương này. Thật vậy, xa xôi đến hàng nửa vòng đất như Việt Kiều hải ngoại, rải rác khắp nơi từ mọi nẻo đường như bà con trong nước, gần gũi sát cánh bên nhau như đồng bào Thừa Thiên Quảng Trị, tất cả chúng ta hôm nay lại về đây bên cạnh Mẹ La Vang yêu dấu.

Mỗi người một cuộc đời vui buồn sướng khổ khác nhau, nhưng không nhiều thì ít, không khi này thì khi khác, ai trong chúng ta cũng đều đã nếm mùi ê chề, phiền muộn và bế tắc. Đó cũng chính là lý do Ban tổ chức đã chọn chủ đề “Mẹ La Vang, mẹ của những ai gặp thử thách” cho cuộc hành hương này.

Ai trong chúng ta về đây cũng muốn trút hết gánh sầu tâm tư cho Mẹ. Mẹ ơi, đời con sao lắm nông lắm nỗi thế này? Mẹ ơi, sao gia đình con chẵng bao giờ yên ấm được lâu? Sao đất nước và dân tộc con cứ lầm than mãi ? Sao thế giới chẳng bao giờ thôi chiến tranh chém giết ? 

Mẹ ơi, con nhớ rồi: 220 năm về trước, ngay tại đây, chính Mẹ đã hiện ra để cứu chữa phù hộ giáo hữu bị bách hại thời vua Cảnh Thịnh. Từ đó, La Vang đã trở thành linh địa của Mẹ, linh địa của che chở nương náu. Bao nhiêu khách hành hương từ La Vang trở về đã mang theo đặc ân của Mẹ, bao nhiêu khách hành hương từ La Vang về đã nhận được ơn hoán cải, bao nhiêu người dù ngờ vực, hay thậm chí thù nghịch với đạo thánh Chúa, vẫn thấy nơi Mẹ hình bóng của người hiền mẫu dịu dàng, gần gũi và bao dung.

Người Mẹ ấy nay đã về trời.

Chúng ta thường nghĩ rằng lên trời là di chuyển trong khg gian từ đất thấp lên trời cao. Nhưng thật ra trời hay thiên đàng chỉ là một tình trạng chứ không phải là một nơi chốn. Khi ta ở trong tình trạng hạnh phúc là ta đang ở thiên đàng. Có nghĩa là, dù đang ở trên trần gian, chúng ta vẫn có thể có cuộc sống thiên đàng. 

Đó chính là điều Đức Maria đã cảm nhận tràn trào khi hát lên lời kinh Magnificat mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng. Mấy ai trong chúng ta có cuộc đời trần ai khổ hạnh như Đức Mẹ? Nhưng mấy ai trong chúng ta hạnh phúc đến độ có thể kêu lên “thần trí tôi hoan hỉ vui mừng” như Đức Mẹ? Mấy ai trong chúng ta có thể mạnh dạn phát biểu rằng “từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi có phúc”?

Rõ ràng là ngay trong cuộc đời bảy sự thương khó của Mẹ, Mẹ đã ở trong hạnh phúc nước trời. 

Mẹ chỉ có một người con duy nhất là Đức Giêsu. Người con ấy đã bị hãm hại cho đến chết nhục nhã đau thương trên Thập giá. Trong tình huống như thế, người mẹ nhân loại bình thường ắt sẽ căm phẫn bất kỳ ai đã giết con mình. 

Nhưng Mẹ Maria thì không. Dưới chân Thập giá, Mẹ đứng lặng nhìn chấp nhận. Mẹ thì thầm cùng với Chúa Giêsu con Mẹ, xin Chúa Cha tha tội cho những ai đã gieo tai rắc vạ vào cuộc sống Ngài. 

Giữa hận thù sôi sục, dã man, lòng Mẹ vẫn bình an thơ thới. Mẹ là một bằng chứng rằng Tình yêu đã chiến thắng hận thù. Con rồng đỏ khổng lồ bảy đầu mười sừng đã không khống chế được người nữ dịu dàng mặc áo mặt trời chân đạp mặt trăng, đầu đội 12 ngôi sao. 

Đó cũng là điều đã xảy ra trong cuộc đời các Thánh Tử Đạo. Vua chúa quan quyền trần gian mưu mô xảo quyệt và độc ác vẫn không khuất phục được tình yêu mạnh hơn sự chết. Đó là điều Thánh Phaolô đã khẳng định trong thư Rôma hôm nay: “Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người”. 

Không ai có thể mạnh hơn người không sợ chết. Người ta thường lầm tưởng rằng tử đạo là hạng người bướng bỉnh, cố chấp, mù quáng hay cuồng tín. Nhưng thật ra, tử đạo chỉ là người dám chết cho tình yêu đích thực. Người đời tưởng đã tiêu diệt được các ngài, nhưng thực ra cái chết của các ngài đã biến cuộc đời của các ngài thành thiên đàng. “Phúc thay ai bị bách hại vì lữ công chính, vì nước trời là của họ”.

Anh chị em thân mến.

Chỉ không đầy một tiếng đồng hồ nữa, cuộc hành hương này sẽ khép lại. Hai ngày La Vang sẽ kết thúc. Một đêm không ngủ bên cạnh Mẹ sẽ nhường chỗ cho con đường đời có khi sẽ rất dài và rất đa đoan. Nhưng lần này trở về, chúng ta sẽ đem theo món hành trang quý giá là bí quyết hạnh phúc của Mẹ. Lấy tình thương báo đáp hận thù, Mẹ đã biến cuộc đời Mẹ thành thiên đàng. Trên đỉnh đồi Can vê, Mẹ mãn nguyện vì suốt đời đã chọn Chúa là tất cả. 

Tôi cầu chúc anh chị em lần này trở về đem thiên đàng của Mẹ về cho gia đình, đem thiên đàng của Mẹ về cho cộng đoàn, đem thiên đàng của Mẹ về cho muôn người và muôn nơi. Amen.

   Đức TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh
Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế