Bài Giảng Của ĐC An-tôn Trong Thánh Lễ Tạ Ơn Của Đức Tân Giám Mục Thánh Hóa Tại Gx. Thanh Xá, Bảo Lộc.

26/07/2018
2458

LỄ THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ
Đức Tân Giám mục Thanh Hóa dâng Thánh lễ Tạ Ơn tại giáo xứ Thanh Xá - 25/07/2018.
 

Đức Cha Giuse, tân giám mục giáo phận Thanh Hóa, được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm ngày 25/04/2018, lễ Thánh Marcô tác giả Sách Tin Mừng. Ngài được truyền chức giám mục tại quê hương Thanh Hóa ngày 27/06/2018, áp lễ Thánh Irênê giám mục tử đạo. Hôm nay, lễ Thánh Giacôbê Tông đồ, chúng ta được mời hiệp ý với ngài và gia tộc dâng Thánh Lễ Tạ Ơn tại nơi ngài đã lớn lên trong bàn tay yêu thương của Ông Bà Cố và các anh chị em trong gia tộc, cũng như của bà con giáo xứ Thanh Xá.

Ba thời điểm đáng ghi nhớ vào đầu đời giám mục của Đức Cha Giuse liên hệ đến ba vị thánh mang ba danh nghĩa tiêu biểu của sứ vụ giám mục: Tin Mừng, Tử Đạo, Tông Đồ. Đức Cha Giuse được chọn làm người kế vị các Tông đồ, trong đó có thánh Giacôbê, để rao giảng Tin Mừng như thánh Marcô, và phải hy sinh đến sẵn sàng chết vì sứ vụ như thánh giám mục Irênê.

1. Chúng ta biết Thánh Giacôbê và thánh Gioan Tông đồ là hai anh em con ông Giêbêdê và bà Salômê, khi thì hai anh em (theo Mt 20,20), khi thì bố mẹ (theo Mc 10,35) đã đến xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên tả và bên hữu trong Nước Chúa, nghĩa là các ông tham vọng theo Chúa để được có chức có quyền. Nghe vậy, Chúa Giêsu hỏi hai ông: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”, nghĩa là có sẵn sàng chết vì sứ vụ không? Hai ông “thưa có”. Chúa Giêsu bảo: “Còn việc ngồi bên tả bên hữu thì tùy Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai người ấy mới được”.

Hai anh em Giacôbê và Gioan được Chúa Giêsu đặt cho một biệt hiệu là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi (Mc 3,17), chắc cũng vì tính tìnhnóng nảy, cụ thể như khi cùng với Chúa Giêsu đi vào làng Samari mà dân làng không đón tiếp, Giacôbê và Gioan đã đề nghị với Chúa rằng: Thưa thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9, 54). Nóng tính như thế mà Chúa vẫn chọn làm Tông đồ!

Giacôbê cũng đã có những phút giây yếu đuối như các tông đồ khác, đã ngủ mê khi Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu, đã trốn chạy trước cuộc khổ nạn của Thầy. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh, nhất là khi được đầy ơn Chúa Thánh Thần, Giacôbê đã thực hiện lời hứa với Chúa Giêsu là “uống chén Thầy uống”, đã trở thành vị tông đồ đầu tiên lấy máu đào làm chứng đức tin vào khoảng năm 44.

Một chi tiết lý thú là khi hai anh em Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên tả bên hữu Thầy, các tông đồ khác đã tỏ ra tức tối, ganh tị, nên Chúa Giêsu đã dạy tất cả các ông một bài học: Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.Đó chính là tinh thần khiêm tốn phục vụ mà các mục tử luôn tự nhắc nhớ mình.

2. Được bổ nhiệm làm người kế vị các Tông đồ, Đức Cha Giuse được trao sứ vụ quan trọng nhất là rao giảng Phúc Âm như thánh Marcô. Trong nghi thức truyền chức giám mục, Sách Phúc Âm được đội trên đầu vị tiến chức khi Đức Giám mục Chủ phong đọc lời nguyện truyền chức, rồi được trao cho tân chức trong nghi thức diễn nghĩa.

Thánh Marcô là người đầu tiên viết Sách Phúc Âm tại Rôma. Lúc còn trẻ, Marcô được theo thánh Phaolô và Barnaba đi rao giảng Tin Mừng nơi những miền đất lạ, có thể nói là “ra chỗ nước sâu mà thả lưới”.  Nhưng khi đến đảo Cyprus, Marcô không muốn tiếp tục đi nữa nên đã trở về Jerusalem. Thánh Phaolô dường như rất thất vọng về tính hay thay đổi của Marcô. Về sau, khi bố trí nhân sự cho hành trình truyền giáo lần thứ hai, thánh Barnabas muốn đem theo Marcô, nhưng thánh Phaolô nhất định không chịu. Cuộc tranh luận giữa thánh Phaolô và thánh Barnabas căng thẳng đến nỗi sau cùng hai vị đã chia tay nhau, mỗi người tiến hành chương trình của riêng mình. Sau này Phaolô và Marcô đã giải quyết với nhau về những mối bất hòa. Khi bị giam tù ở Rôma, Phaolô đã viết thư xin Marcô đến an ủi và giúp đỡ ngài. Marcô đã đến giúp đỡ thánh Phêrô và thánh Phaolô nhiều năm tại Roma. Con người mà thánh Phaolô thấy không thể sử dụng trong hành trình truyền giáo lần thứ hai thì nay lại là một niềm an ủi và một người bạn trung thành, đồng sự của nhau trong công cuộc quan trọng là mở rộng vương quốc Chúa Kitô.

Thánh Marcô cũng là người môn đệ rất yêu dấu của Thánh Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi. Ông Phêrô gọi Marcô là “con.” Một số người cho rằng Thánh Phêrô có ý nói là ngài đã rửa tội cho Marcô. Marcô được truyền chức giám mục và được sai đến Alêxanđria, nước Ai Cập. Ở đó, Marcô đã làm cho nhiều người trở lại đạo Công giáo. Ngài đã hoạt động tích cực nhằm rao giảng cho người ta nhận biết tình yêu của Chúa Giêsu và của Giáo hội. Vì thế, hơn ai hết, các giám mục phải gắn bó mật thiết với người kế vị thánh Phêrô là Đức Giáo hoàng và với các mục tử khác.

3. Đức Cha Giuse được truyền chức giám mục vào ngày áp lễ thánh Irênê, giám mục tử đạo. Thánh Irênê sinh tại Tiểu Á vào giữa thế kỷ II. Hấp thụ nền giáo dục gần với các tông đồ, nhất là với thánh Gioan, nên thánh Irênê luôn noi gương tình yêu đằm thắm giữa thánh Gioan với Chúa Kitô.

Làm giám mục Lyon, tuy bận rộn với công việc rao giảng, thánh Irênê vẫn viết sách để phổ biến giáo lý tinh tuyền, chống lại các lạc thuyết nhưng vẫn yêu thương những kẻ lầm lạc; ngài cầu nguyện cho họ và mời gọi họ trở về với Giáo hội.

Dưới thời cấm đạo, Lyon là thành phố diễn ra cuộc giết hại tập thể các Kitô hữu thật khủng khiếp. Thánh Irênê cũng bị hạ sát với đàn chiên mình. Một tài liệu cho thấy có đến 19 ngàn Kitô hữu cùng chịu khổ và chịu chết vì đạo với Ngài. Càng làm lớn càng nhiều thánh giá.

Hôm nay chúng ta chia vui với gia đình Ông Bà Cố vì đã có một người con làm giám mục. Giáo xứ Thanh Xá, giáo hạt Bảo Lộc, giáo phận Đà Lạt cũng thấy vui vì đã có một người trong đại gia đình Giáo hội địa phương làm giám mục. Chúng ta quy tụ nhau nơi đây để dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, “thật là chính đáng và phải đạo”.

Khi nhìn lại những nét chính yếu của thánh Giacôbê Tông đồ, thánh Marcô tác giả Sách Tin Mừng và thánh Irênê giám mục tử đạo, chúng ta nhận ra phần nào sứ vụ giám mục mà Đức Cha Giuse mới lãnh nhận: giám mục là người kế vị các Tông đồ, tuy là người có chức có quyền, nhưng quyền bính là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”; phục vụ đến độ hy sinh bản thân mình để hoàn thành trách nhiệm, nhất là nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng; đôi khi cần can đảm và cương trực thực hiện sứ vụ theo lương tâm trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội.

Chính vì thế, chúng ta cần cầu nguyện cho nhau và nâng đỡ nhau để mỗi người có thể chu toàn bổn phận theo ơn gọi mà Thiên Chúa đã an bài cho mỗi người. Amen.

ĐC. Antôn Vũ Huy Chương
Giám mục Giáo phận Đà Lạt