Sơ Mary Kenneth Keller, nhà nghiên cứu tin học và máy tính nổi tiếng

11/09/2018
810
Ngày nay, ngành tin học và máy vi tính dường như là thứ không thể thiếu trong thế giới chúng ta và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khoa học và sinh hoạt của cuộc sống con người. Có một nữ tu đã đóng góp vai trò không nhỏ vào sự phát triển của ngành tin học và máy tính trong những ngày đầu của ngành công nghệ này. Đó là sơ Mary Kenneth Keller.

Keller sinh tại Cleveland, tiểu bang Ohio năm 1913. Sau khi hoàn thành trung học ở trường các nữ tu Bác ái, năm 1932, Keller gia nhập dòng các nữ tu Bác ái Đức Trinh nữ Maria tại Dubuque, tiểu bang Iowa. Đây là một hội dòng được thành lập vào những năm 1800 tại Ai len, nhưng hoạt động chính tại Hoa kỳ. Nhìn thấy sự say mê học hành của Keller trong các môn cả nhân văn lẫn khoa học, nhà dòng đã bổ nhiệm sơ vào công việc dạy học. 8 năm sau đó, sau khi được tuyên khấn trọn đời, sơ Keller được phép học cao học về toán tại đại học De Paul ở Chicago. Chính nơi đây, cuộc gặp gỡ với máy tính đã thay đổi cuộc sống của sơ; sơ Keller say mê với ngành công nghệ thông tin còn mới mẻ lúc bấy giờ.

Trong thời gian theo học, sơ Keller cũng học một số học kỳ tại các trường khác như đại học Dartmouth ở New Hampshire. Đại học này đã dành cho sơ một số đặc biệt, nhờ thế sơ là phụ nữ đầu tiên được nhận vào làm việc tại trung tâm tin học và đóng góp vào việc phát triển ngôn ngữ lập trình BASIC, là ngôn ngữ căn bản cho các thế hệ đầu tiên của các lập trình viên và giúp cho sự phát triển máy tính cá nhân vài năm sau đó. Vì là thời trước công đồng chung Vatican, sơ Keller vào phòng thí nghiệm với tu phục có chiếc khăn lúp như thấy trong phim Sister Act và được các đồng nghiệp, những người thường trao đổi bằng ngôn ngữ kỹ thuật, kính trọng.

Năm 1964, sơ Mary Kenneth Keller trở thành người đầu tiên tại Hoa kỳ đạt học vị tiến sĩ ngành tin học ở đại học Wisconsin-Madison. Sau đó sơ được mời làm giáo sư tại đại học Clarke, một đại học Công giáo ở Dubuque, tiểu bang Iowa; sơ đã lập ngành tin học tại đây và làm trưởng khoa trong 20 năm trời. Sơ Keller được mệnh danh là “computer của đại học Clark”. Các học sinh cũ của sơ nhớ về sơ như một người ít nói, nghiêm khắc, nhưng lại nhiệt tình hết mình khi dạy dỗ. Sơ trở thành người có uy tín và là điểm tham chiếu cho những người quan tâm về tin học. Trong cuộc đời hoạt động khoa học, sơ Keller đã giám sát việc xây dựng một số chương trình máy tính, một trong những chương trình này cho phép các sinh viên khoa Hóa của đại học Clarke thử nghiệm cách mô phỏng.

Sơ Keller đã là một trong những người đầu tiên ủng hộ các phụ nữ tham gia nhiều hơn vào việc học hỏi nghiên cứu máy vi tính. Sơ cũng dạy các học sinh lớn tuổi, như các bà mẹ, những ngừoi có thể mang các con còn nhỏ của mình đến lớp. Sơ là người đã dự báo về thế kỷ của internet khi nói: “Chúng tôi đang thử nghiệm, trong nhiều điều, sự bùng nổ của thông tin và hiển nhiên là tin tức sẽ không hữu dụng nếu không có sẵn.” Sơ cũng nói trước về tầm quan trrọng của việc cần có các máy tính trong việc tìm tòi nghiên cứu và khẳng định rằng khả năng hồi phục nhanh chóng các thông tin của máy tính sẽ biến chúng trong “các thư viện trong tương lai.” Sơ Keller qua đời ngày 10 tháng 1 năm 1985, thọ 72 tuổi. Trường đại học nơi sơ đã từng dạy, ngày nay trở thành trung tâm tin học Keller và cung cấp học bổng với tên của sơ cho các học sinh ngành tin học năm thứ nhất.

Không chỉ là một nhà khoa học nổi tiếng, sơ Keller còn là một nữ tu gương mẫu, chiêm niệm về mầu nhiệm Chúa Ba ngôi. Trong cuộc đời sơ luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, điều đã được thể hiện trong các ghi chép của sơ. Sơ đã viết rằng computer giúp cho sơ thực hành hai nhân đức: thứ nhất là khiêm nhường, vì các sai lỗi không phải là của máy tính nhưng là của người lập trình, và thứ hai là sự kiên nhẫn. Ơn gọi phục vụ của sơ được trung thành cho đến cùng. Năm 1983, ngay cả khi bị ung thư và nghỉ dưỡng ở Pensylvania, sơ mang theo một máy tính cá nhân và tổ chức lớp học cho các bệnh nhân. Với chiếc máy tính, sơ còn giúp nhà hưu dưỡng sắp xếp các bữa ăn, theo dõi nhu cầu ăn kiêng của bệnh nhân và các loại thuốc họ phải dùng. Sơ chỉ ngừng hoạt động khi cơn đau không cho phép sơ làm việc thêm. (Aleteia 10/08/2017)

Hồng Thủy