Gia đình Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu : Một gia đình Thánh

16/06/2017
1531


Ngày 13.07.1858, có một đám cưới bí mật. Lúc nửa đêm, trong bầu khí thân mật, tại nhà thờ Đức bà Alencon, cha sở Hurel đã chứng hôn và chúc lành cho cuộc hôn nhân của anh Louis Martin và chị Azélie Guéri (Zélie). Khi kết hôn, Louis đã 35 tuổi, còn Zélie 27 tuổi. Hai anh chị gặp gỡ nhau lần đầu trên một cây cầu mang tên Saint - Léonard ở Alencon. Lúc đó Zélie nghe một tiếng vang lên trong tâm hồn mình : “Đây là người ta đã chọn cho con”. Chính bà mẹ của Louis đã chọn Zélie cho con trai mình vì bà nhận thấy cô là một thiếu nữ đạo đức, dễ thương, vốn là thợ làm đăng-ten, trong khi Louis là người chế tạo đồng hồ. Louis Martin và Azélie Guérin sau này có một trong những người con là thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
 


Ông Louis Martin sinh ngày 22.8.1823, là cháu nội và là con trai của hai sĩ quan quân đội Pháp, nên từ nhỏ được giáo dục trong các doanh trại quân đội, nơi cha của ông đóng quân. Sau khi dự tính đi tu không thành, Louis Martin chọn nghề chế tạo và sửa đồng hồ rất phù hợp với sở thích của ông là yêu thích công việc chính xác trong bầu không khí yên tĩnh. Thời trai trẻ, ông chỉ giải trí bằng cách đi câu cá, đi săn và gặp gỡ, trò chuyện với các bạn đồng trang lứa tại những câu lạc bộ Công giáo. Bà mẹ của Louis Martin rất lo âu khi thấy con trai mình vẫn còn độc thân lúc đã 34 tuổi. Chính bà khi dạy các cô gái làm đăng-ten ở Alencon, đã chú ý đặc biệt đến Zélie Guérin, một cô gái hiền lành, xinh đẹp, dễ thương, nhất là rất đạo đức… Sở dĩ Louis và Zélie kết hôn lúc nửa đêm là theo một truyền thống rất phổ biến lúc bấy giờ ở vùng Normandie, khi hai bên gia đình muốn cử hành bí tích hôn phối trong thân mật.


Bà Zélie Guérin sinh năm 1831. Đó là một phụ nữ thông minh và là người thợ lao động miệt mài, làm nghề dệt đăng-ten, năm 20 tuổi đã mở được một xí nghiệp nhỏ ở Alencon. Sau này, năm 1871, ông Louis bán xưởng chế tạo đồng hồ, nữ trang của mình và đi lại như con thoi giữa Paris và Alencon, nhằm giới thiệu với các cửa hàng lớn ở Paris những sản phẩm đăng-ten do xí nghiệp của vợ mình sản xuất. Bà Zélie Guérin sử dụng ngòi bút cũng thành thạo như cây kim. Qua văn phong rất sống động, bà kể cho người chị của mình - một nữ tu ở Mans - những việc lớn nhỏ trong đời sống thường ngày. Nhờ những lá thư đó, ngày nay chúng ta mới biết khá nhiều chi tiết thú vị về cô bé Têrêxa.


1. Đứa con gái út


Vào những ngày cuối năm 1872, bà Zélie Guérin chờ đứa con thứ chín của mình ra đời trong lo âu. Dễ hiểu vì hiện tại bà chỉ còn 4 cô con gái, do 2 con trai và 2 con gái đã chết lúc còn rất nhỏ. Và, ngày 2 tháng giêng năm 1873, nỗi lo lắng đã trở thành niềm vui vỡ òa, khi con trẻ ra đời mạnh khỏe và xinh xắn, gương mặt thánh thiện. Cả nhà gồm hai vợ chồng và bốn người con gái gồm Marie, Pauline, Léonie, Céline đứng chung quanh chiếc nôi của em bé vừa mới chào đời, hân hoan vỗ tay. Họ nhứt trí sẽ đặt tên cho bé là Têrêxa. Hai ngày sau, em bé được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy tại nhà thờ Đức Bà. Marie, người chị cả làm vú đỡ đầu.
 


Trong tổ ấm yêu thương này, mọi người đều lo sợ khi em bé ngã bệnh. Mẹ em không thể cho em bú được vì kiệt sức, do đó gia đình phải gởi em cho bà vú nuôi. Từ 3 cho đến 15 tháng tuổi, Têrêxa sống giữa vùng đồng quê Normandie, trong một trang trại rất nhỏ có tên là Semallé. Các con của bà vú nuôi Rose cưng em bé lắm. Thứ năm hằng tuần, cả nhà đưa em đi chợ Alencon, nơi bà Rose bán trứng, bơ, sữa. Mỗi lần như vậy, họ đều nhớ ghé thăm gia đình ông Louis Martin.


Rồi thì cũng đến ngày cả gia đình phấn khởi đón Têrêxa trở về trong khỏe mạnh, nước da rám nắng. Cha của em làm cho em một chiếc xích đu trong vườn. Em muốn được đẩy lên thật cao, và để em khỏi ngã, phải có người vịn. Hai chị em Têrêxa và Céline như hình với bóng. Marie và Pauline đang đi học và sống trong ký túc xá ở Mans. Tất cả chỉ gặp nhau vào dịp hè, lễ Giáng Sinh hoặc Phục Sinh. Những cuộc dạo chơi của gia đình lúc ấy thật thú vị biết bao, đi bộ trên các cánh đồng đầy hoa hoặc đi thuyền trên sông.
 


Cô bé Têrêxa với mái tóc vàng nâu xinh đẹp lúc nào cũng cười, nhưng có cá tính mạnh mẽ. Cô thường cãi nhau với chị Céline, khi thì nổi giận, lúc lại khóc nức nở vì không ai chịu đưa cô đến Lisieux để thăm người chú Isidore Guérin, dược sĩ ở đó. Nhưng cô cũng nhanh chóng xin lỗi khi làm điều gì không phải, và cố gắng không bao giờ nói dối. Trong gia đình, mọi người đều yêu mến Chúa Giêsu, Têrêxa cũng vậy, luôn muốn làm vui lòng Người. Cô thích đi đến nhà thờ Đức Bà ở cuối đường Saint - Blaise. Một ngày kia, cô đã lén chạy đến đó một mình, nhưng may là bà Louise, người giúp việc, đã bắt lại được.


2. Giáo dục Kitô giáo trong gia đình


Để dạy cho các con của mình biết sống đời sống đạo tốt lành và đạo đức, ông Louis Martin và bà Azélie Guérin luôn làm gương sáng và có những cách thể hiện rất cụ thể :


2.1. Lòng tin và sự tín thác vào Thiên Chúa trong suốt cuộc đời, đặc biệt trong những khi gặp thử thách gian truân, cách riêng khi các con của ông bà chết liên tiếp lúc còn rất nhỏ. Bà Zélie kể lại : “Chồng tôi thường cầu xin : Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con”.


2.2. Tham dự bí tích Thánh Thể : Hai ông bà cùng đi tới nhà thờ để dự lễ sớm nhất buổi sáng, lễ dành cho thợ thuyền và người nghèo, cho đến khi không còn có thể đi lại được nữa. Ba tuần lễ trước khi mất, ngày thứ Sáu đầu tháng, bà Zélie yêu cầu ông Louis dìu bà đến nhà thờ để cả hai cùng rước Chúa vào lòng.
 


2.3. Thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể ban đêm : ông Louis thường xuyên làm việc này. Bà Zélie viết : “Đêm, cha các con đã đi đến nhà thờ để chầu Chúa, dù lúc đó người đang rất mệt. Người rời nhà lúc 9 giờ tối”. Con gái Céline của họ cũng cho biết : “Vì ở Lisieux không có thói quen này, nên cha tôi hợp tác với chú tôi để thành lập hội chầu Thánh Thể Chúa ban đêm. Khi cha tôi rước lễ, người luôn giữ thinh lặng trên đường trở về nhà. Người nói với chúng tôi : Cha tiếp tục trò chuyện với Chúa”.


2.4. Thiên Chúa phải được tôn vinh trước hết: Có lần khi Têrêxa la khóc liên tục, bà vú nuôi phải đi ra khỏi nhà thờ trước lúc kết thúc thánh lễ, bà Zélie đã nổi giận : “Vì sao bà lại bỏ lễ nửa chừng và chạy ào ra, Têrêxa không chết vì la khóc đâu !”.


2.5. Cầu nguyện : Mọi thành viên trong gia đình đều sốt sắng cầu nguyện, khi vui cũng như lúc buồn. Céline nhớ lại : “Một ngày, chúng tôi không có giờ cầu nguyện trước khi ra đi, bà giúp việc vội bảo : “Này các cháu hãy cầu nguyện trước khi đi”. Rồi bà bỏ chúng tôi một mình trong một phòng lớn mà ra đi, khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Như thế không giống mẹ tôi bởi vì mẹ tôi luôn dạy chúng tôi cầu nguyện”. Gia đình này cũng thường làm tuần cửu nhật với nhiều ý nguyện khác nhau.
 


2.6. Biết Chúa Giêsu: Bà Zélie luôn xác định, tất cả mọi phương tiện đều tốt khi giúp ta hiểu biết Chúa Giêsu nhiều hơn, bà hay tặng các con những món quà nho nhỏ như chuỗi tràng hạt, sách kinh, cuộc đời các thánh, nhất là Thánh Kinh… Bà nói : “Đối với tôi, những chuyến du lịch không hấp dẫn chút nào, chỉ một nơi có thể thu hút tôi, đó là Thánh Địa. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, tôi chỉ có thể thăm viếng nơi đó trong ngày phán xét chung, trong thung lũng Giosaphát. Tôi sẽ cố gắng xem tất cả khi ở đó !”.


2.7. Đức Trinh Nữ Maria:  Trong gia đình ông bà Louis và Zélie Martin, Đức Mẹ Maria có một vị trí đặc biệt quan trọng. Họ có một bức tượng Đức Trinh Nữ mỉm cười. Đây là phiên bản của tượng Bouchardon de Saint Sulpice, cao 90cm, bị thất lạc trong cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Bức tượng này được cô Félicité Beaudouin tặng cho Louis Martin. Chính cô này đã quảng đại giúp đỡ Louis mở xưởng đồng hồ; cô là hội trưởng hội tôn thờ Thánh Thể tại giáo xứ Saint - Léonard ở Alencon.


Khi Louis mua căn nhà riêng biệt ở đường Lavoirs để làm nơi tĩnh tâm trong yên tĩnh, ông đặt bức tượng ở đó. Rồi lúc dọn đi, ông đã mang bức tượng đến đường Saint - Blaise. Con gái lớn của ông - Marie - cũng rất yêu mến bức tượng : “Khi nào con còn sống, không ai được đem bức tượng ra khỏi đây”, Marie từng nói với mẹ của mình.


Céline thì kể : “Vào mỗi tháng năm, tháng Đức Mẹ, tất cả mọi người trong gia đình đều đi nhà thờ hằng ngày, tuy nhiên mẹ tôi còn muốn tổ chức tháng Đức Mẹ tại gia đình nữa, và chị tôi đã khéo léo làm vui lòng mẹ, chị nói với mẹ rằng con sẽ cạnh tranh với nhà thờ Đức Bà. Quả thật, chị đã trang trí thật đẹp bởi vì ngoài những đăng-ten màu xanh nước biển, mẹ còn mua những bó hoa đào gai trắng muốt từ miền quê. Khi được cắm vào bình, những bông hoa này vươn tới trần nhà, việc đó khiến Têrêxa vỗ tay mừng rỡ”.


Trong nhà có một cái tháp sáu cạnh trang trí đơn giản. Ở đó ông Louis ghi chép lại những lời cầu nguyện hoặc những đoạn sách mà ông tâm đắc. Trên các bức tường, ông cho dán các câu lời Chúa : “Phúc cho ai luôn giữ luật Chúa truyền”. “Thiên Chúa thấu suốt tâm can tôi”…Vợ và các con ông thường đến đây để đọc và suy niệm những câu ghi trên tường.


2.8. Cầu cứu trời cao: Thánh Giuse cũng là một nơi cậy trông của gia đình này. Ngài đã ban cho bà Zélie thoát khỏi tuyệt vọng vì nhìn thấy Têrêxa suy yếu, như bà tâm sự : “...Tôi vội vã leo lên phòng và quỳ gối trước tượng thánh Giuse, xin ngài chữa lành đứa con bé bỏng của tôi, nhưng hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa, nếu người muốn con tôi ở với Người. Tôi không thường xuyên khóc nữa, nhưng khóc khi cầu nguyện. Tôi không biết mình có nên xuống dưới nhà không… Sau cùng, tôi quyết định đi xuống, và tôi đã thấy gì ? Em bé đang bú”.


Mọi người trong nhà cũng phó thác cho các thiên thần hộ thủ và cho các linh hồn nơi luyện ngục. Bà Zélie từng vô cùng hạnh phúc khi một lần thấy Têrêxa bình yên vô sự khi bị rơi từ nôi xuống đất, và tin chắc rằng đó là nhờ sự bảo vệ của các linh hồn trong luyện ngục, mà Zélie phó thác Têrêxa mỗi ngày. Bà viết trong nhật ký : “Tôi chỉ còn tin rằng chỉ có một phép lạ nào đó mới làm cho em khỏe mạnh được. Tôi không xứng đáng để được Chúa làm phép lạ, tuy nhiên, tôi vẫn tràn ngập hy vọng. Càng thấy bé khó nuôi, tôi càng xác tín rằng Chúa sẽ không để cho bé như vậy mãi. Tôi cầu nguyện không ngừng và đến 18 tháng tuổi thì bé được khỏi một cơn bệnh làm cho bé suýt chết; tại sao Chúa lại cứu bé khỏi chết, nếu Chúa không nhìn bé bằng đôi mắt xót thương. Tôi rất muốn đưa bé đi hành hương ở Paray-le-Monial vào ngày 25.6, vì chính nhờ lời chuyển cầu của chân phước Margarita Maria mà em đã được lành bệnh, nhưng rất tiếc là tôi không thể. Để bù lại, hằng năm tôi đều đưa bé đến nhà thờ Đức Bà Sées, vào ngày lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”.


2.9. Sống niềm tin trong đau khổ: Những đau khổ tột cùng mà ông bà louis phải chịu đựng chắc hẳn là cái chết của 4 đứa con nhỏ, 2 trai và 2 gái. Thư từ của bà Zélie để lại cập nhật nhiều đến nỗi đau này. Thời đó chuyện con cái chết lúc còn nhỏ không phải là hiếm hoi, vì thuốc men còn thiếu thốn. Tuy nhiên, hai ông bà Martin sống siêu thoát thật sự, vì chính nơi Thiên Chúa mà hai ông bà đặt trọn niềm tin và phó thác của mình (Joseph : 1 tuổi, đứa con thứ năm, chết ngày 15.2.1867; Jean Baptiste : 1 tuổi, đứa con thứ sáu, chết ngày 24.8.1868; Hélène : 5 tuổi rưỡi, con thứ bảy, chết ngày 23.2.1870; Mélanie Thérèse : đứa con thứ 8, chết ngày 10.10.1870). Bà có một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, dù trải qua những biến cố khổ đau, như những lúc mất con: “Tôi thường nghĩ đến các bà mẹ rất hạnh phúc khi chính họ được nuôi dưỡng con cái của họ; còn tôi, tôi phải chứng kiến các con tôi lần lượt lìa đời ! Bạn thấy gì trên thế gian này ? Phải vác thập giá cách này hay cách khác. Người ta có thể nói với Thiên Chúa : Tôi không muốn điều đó ! Tốt hơn là kiên nhẫn đón nhận những gì xảy đến trong cuộc đời ta, luôn luôn có niềm vui bên cạnh nỗi khổ đau. Bạn đừng lẩm bẩm, vì Thiên Chúa là chủ, Người có thể để cho ta gặp vô vàn đau khổ vì ích lợi của chúng ta, nhưng Chúa luôn ban ơn nâng đỡ ta. Thiên Chúa luôn ban đúng lúc cho ta những gì ta cần, hãy can đảm lên, đừng nản lòng”.


2.10. Sống bác ái với mọi người: Các thành viên trong nhà ông Louis không những yêu thương và hy sinh cho nhau, mà còn thương yêu và giúp đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh. Cha mẹ của Louis sống chung nhà với ông tại đường Pont Neuf. Cha của bà Zélie, sau khi góa vợ, cũng được đón về ở trong gia đình và được chăm sóc chu đáo cho đến chết.


Những người giúp việc được đối xử như mọi thành viên khác của gia đình. Zélie viết : “Tôi bị sốt ba hay bốn ngày gì đó, tôi đau họng lắm, vẫn cố gắng đứng nhiều giờ ban đêm để chăm sóc bà vú”. Còn khi bệnh đã trở nặng và phải nằm ở bệnh viện Bon sauveur, bà Zélie đau yếu nhưng không muốn được ưu tiên hơn các bệnh nhân khác. Bà luôn chia sẻ những gì mình có cho các người bệnh cùng phòng. Nhưng cái mà bà muốn chia sẻ nhiều nhất chính là đức tin của bà.


Nói về tình thương của cha mẹ mình đối với những người khổ hơn, Céline nhớ lại : “Một hôm đi dạo ven thành phố, tôi thấy cha tôi bước vào một ngôi nhà hoàn toàn xa lạ với chúng tôi, nhưng có vẻ rất quen thuộc với ông; tôi thấy ông cho một người phụ nữ, một bà mẹ khốn khổ, một nắm tiền. Người nói với tôi : “Bà này thật bất hạnh vì chồng bỏ, và bà phải nuôi dưỡng đàn con nheo nhóc và cha thường hay giúp đỡ bà”. Khi Léonie rước lễ lần đầu, mẹ chúng tôi đã tặng em bé nghèo cùng rước lễ một lượt với Léonie chiếc áo trắng đẹp và mời em cùng ăn tối với gia đình”. Louise Marais, người giúp việc trong nhà này về sau tiết lộ : “Nhiều lần bà Zélie đã sai tôi mang đến các gia đình nghèo khổ thức ăn, rượu vang và nhiều đồng tiền loại 40 xu và không ai biết người đã giúp đỡ họ”.

Một gia đình sống đạo đức, ơn nghĩa và biết kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng mọi người như vậy, nên thế giới đã không ngạc nhiên khi sau Têrêxa Hài Đồng Giêsu, tháng 10 năm 2015 vừa rồi, cha mẹ cô cũng được Giáo hội tôn phong hiển thánh.

Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
(theo cgvdt.vn)