Chân Phước Pierre Claverie, O.P.

26/12/2018
774

Ngày 08 tháng Mười Hai, năm 2018, Đức Hồng y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã cử hành Thánh lễ tuyên phong Chân phước cho Đức cha Pierre Claveria, OP. (Giám mục Oran, Algeria) và 18 tu sĩ nam nữ khác[1]. Tất cả những vị này đều chịu tử đạo tại Algeria, từ năm 1994 đến 1996. Đức cha Pierre Claverie là vị cuối cùng trong số 19 nạn nhân của cuộc bạo loạn ở Algeria vào thập niên 19901 đã bỏ mạng sống để làm chứng cho đức tin. Giai đoạn này đã lấy đi mạng sống của hơn 150,000 người Algeria. Đối với Giáo hội Algeria nói chung, và Tỉnh dòng Đa Minh ở đây nói riêng, cuộc phong Chân phước này có một ý nghĩa rất đặc biệt.

Bài viết này lược dịch từ Jean-Jacques Perennes, O.P., “Bishop Pierre Claverie, OP: a beatification rich in meaning” được đăng trên trang của Dòng Đa Minh ngay khi Dòng nhận được tin Đức Giáo hoàng chấp nhận án phong Chân phước trên vào ngày 26 tháng Một, năm 2018.

* * *

TIỂU SỬ CHÂN PHƯỚC PIERRE CLAVERIE, O.P.

          Đức cha Pierre Claverie sinh ngày 08 tháng Năm, năm 1938, tại Bab el-Oued, thời Algeria còn là thuộc địa của Pháp. Đang khi cuộc nội chiến tại Algeria đang diễn ra căng thẳng, năm 1958, ngài đến Pháp để theo học Đại học. Tại đây, ngài đã xin gia nhập dòng Anh em Giảng thuyết. Sau khi đã theo học Thần học và Triết học, ngài quay trở lại Algeria vào tháng Bảy, năm 1967. Ngài sôi nổi, tha thiết trong việc khám phá quê hương mới được độc lập2 của mình bằng cách học tiếng Ả-rập và làm quen được với nhiều người bạn Algeria.

          Trong suốt 15 năm sau đó, ngài đã cùng với Giám mục Henri Teissier nỗ lực canh tân đời sống Giáo hội tại Algeria. Các ngài hiểu rõ, Giáo hội tại Algeria phải trở nên Giáo hội cho người Algeria. Con đường đi của Giáo hội này không phải là cải đạo những người Islam, nhưng là đồng hành với đất nước, tái xây dựng đất nước, và sống với mọi người dân Algeria trong tinh thần gặp gỡ đậm tình bằng hữu.

Ngày 05 tháng Sáu, năm 1981, ngài được chọn làm Giám mục Oran. Vào Thập kỷ 1990, giữa tình hình bạo lực căng thẳng ở Algeria, cùng với những người bạn của mình, gồm các trí thức, nghệ sĩ, phụ nữ, ngài đã kêu gọi, vận động cho một đất nước Algeria cởi mở với mọi người, không phân biệt sắc tộc hay tôn giáo. Với kinh nghiệm của mình, ngài đã lên tiếng mạnh mẽ để trình bày cho quê hương ngài giá trị không thể thay thế của việc gặp gỡ và đối thoại. Mùa xuân năm 1996, ngài đã cho xuất bản tập Lettres et messages d’Algérie (Những lá thư và thông điệp của Algeria). Lời nói của ngài đã vượt qua hết mọi ranh giới, và do đó, ngài đã bị ám sát vào ngày 01 tháng Tám, năm 1996, chỉ một vài tuần sau cuộc ám sát các đan sĩ Dòng Trappists.3

Nhân dịp ngài được phong Chân phước, Giáo hội Algeria ước mong điều đó sẽ gia tăng tình bằng hữu như chứng tá đức tin của các Kitô hữu đang khi họ chung sống với dân tộc của mình.

* * *

GIA SẢN CỦA CHÂN PHƯỚC PIERRE CLAVERIE, O.P.

Chứng tá của sự gặp gỡ

Giai đoạn trước khi sang Pháp học, khi còn đang sống tại Algeria, ngài chẳng quan tâm gì đến những người xung quanh. Thái độ đó, ngài gọi là vô cảm. Tuy nhiên, sau khi gia nhập Dòng Đa Minh, ngài nhận ra được ơn gọi của mình là phải quay về nước và sống cùng bạn bè Algeria. Do đó, ngài đã dành phần đời còn lại của mình cho nỗ lực gặp gỡ những người mà tuổi trẻ của ngài đã từng khước từ. Giữa sự toàn cầu hóa kinh tế và kết nối xã hội như hiện nay, những dấu hiệu của việc loại trừ nhau lại nổi lên, giữa mối quan hệ người với người lại xuất hiện nhiều rào cản. Tất cả những điều đó đang ngăn cản các tiến trình nối kết hiện nay. Vì thế, chứng tá của sự gặp gỡ nơi Chân phước Pierre Claverie là một thông điệp mạnh mẽ cho nhiều quốc gia đang cố gắng đóng kín cửa khi những người di cư đến gõ cửa nhà mình.

Người Islam cũng là anh em

Ngày nay, khi nhắc đến người Hồi giáo hay đạo Islam, mọi người đều sợ hãi. Nhưng đối với Giáo hội Algeria, họ là những người anh em. Đức cha Henri Teissier, nguyên Tổng Giám mục Algiers, một người bạn của Chân phước Pierre Claverie, đã gọi Giáo hội Algeria là “Giáo hội cho người Islam”. Quả thế, Chân phước Pierre Claverie từng viết: “Chìa khóa đời sống đức tin của tôi chính là việc đối thoại, không phải bởi chủ nghĩa cơ hội hay bằng những toan tính, nhưng bởi vì đối thoại là điều căn bản trong tương quan giữa Thiên Chúa với loài người, và giữa con người với nhau”. Với ngài, một cuộc đối thoại đúng nghĩa đòi hỏi phải nhận ra được khả năng hiệp nhất nơi mọi người và muốn làm phong phú những khác biệt. Ngài đã từng ước ao khám phá được những bài học mà người Islam có thể chỉ dạy cho ngài, ngay cả việc tìm kiếm Thiên Chúa.

Hương vị tình bằng hữu và nền nhân đạo không loại trừ

Được sinh ra tại vùng Địa Trung Hải, Chân phước Pierre Claverie thừa hưởng một tính tình nồng ấm. Điều này giúp ngài có thể dễ dàng tạo nên những tình bạn đẹp. Sau khi trở về nước, ngài đã dành nhiều thời gian và sức lực để học hiểu về Algeria, để trở thành một phần của đất nước này. Đó là khoảng thời gian mà Algeria vừa giành được độc lập, và đang trong giai đoạn tái thiết. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian quốc gia này rơi vào nội chiến. Những người nào ủng hộ một Algeria của những khác biệt, mà những khác biệt này chính là sự giàu có của dân tộc, chứ không phải một mối đe dọa, đều bị giết hại. Những người đó có Chân phước Pierre Claverie, và nhiều trí thức, nghệ sĩ,… Bởi thế, cuộc phong Chân phước này không phải là việc tách rời 19 vị tử đạo kia ra khỏi tấn bi kịch của quốc gia này, mà đó chính là cơ hội để Giáo hội thể hiện sự trung thành của mình trong việc duy trì sự đoàn kết và tình bằng hữu nơi quốc gia này.

Một cuộc đời hiến dâng vì tình yêu

19 vị tử đạo tại Algeria được phong Chân phước không phải vì họ đã bị giết hại, nhưng hơn hết, là do họ đã tự do lựa chọn ở lại giữa những hiểm nguy, để “ở cạnh bên những người bạn đau khổ, nắm chặt tay họ, và đặt một tấm khăn ước lên trán họ”, như Chân phước Pierre Claverie đã từng viết về cái chết của các đan sĩ Trapists. Đây chính là lời chứng về tình yêu dành cho Đức Kitô, cho Giáo hội và cho mọi người dân Algeria.

Xem thêm:

https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2018-12/pope-martyrs-algeria-beatification-message.html

http://press.vatican.va/content/salastampa/en/bollettino/pubblico/2018/12/05/181205c.html